Nói đến văn hóa Hà Nội là nói đến một vùng văn hóa có lịch sử hình thành và trầm tích qua hàng nghìn năm, là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều vùng, nền văn hóa. Địa lý Hà Nội tạo ra cho nó những ưu thế đặc biệt nhưng địa vị thủ đô của một quốc gia đã đem lại cho Hà Nội những lợi thế không nơi nào sánh được. Trữ lượng văn hóa của Hà Nội qua hàng nghìn năm lịch sử và việc mở rộng không gian địa lý Hà Nội từ năm 2008, trong xu thế liên kết, giao lưu, hội nhập như ngày nay cần được khảo sát thật kỹ, đánh giá thật đúng để tạo những tiền đề cho sự phát triển rất khác trước, đồng thời hạn chế tối đa những xu hướng không phù hợp bởi chưa bao giờ văn hóa lại tham gia vào sự phát triển xã hội trực tiếp và nhiều mặt như ngày nay.
1. Nhận diện các lớp văn hóa Hà Nội
1.1. Văn hóa Hà Nội: từ văn hóa làng xã sang văn hóa đô thị hiện đại
Theo những sử liệu có được thì Hà Nội hình thành như vị thế của một trung tâm văn hoá phía Bắc khoảng hơn một nghìn năm nhưng chắc chắn trước đó vùng Đại La và phụ cận cũng đã có một quá trình tụ cư và hình thành những cơ sở văn hóa của một trung tâm. Những truyền thuyết về sông Tô, sông Kim Ngưu, hồ Lãng Bạc, núi Nùng, sông Nhị; những truyền thuyết về Thánh Gióng, An Dương Vương, sự tích Tản Viên… chắc không phải đã có từ ngày ấy nhưng từ những cứ liệu này có thể nghĩ đến quá trình tích hợp, giao thoa những yếu tố văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai để tạo nên một văn hóa Đại La với những ưu thế của nó mà Lý Thái Tổ đã nhận thấy mà nghĩ đến việc dời đô về đây để “mưu nghiệp đế vương muôn đời”. Lớp văn hóa bản địa không “lộ diện” rõ như lớp văn hóa Phật giáo, Nho giáo hay Ki Tô giáo nhưng các yếu tố tích cực của nó biến đổi, trở thành một trong những yếu tố cốt lõi của các lớp văn hóa kể trên. Tình cảm gia đình, họ tộc, cộng đồng, thờ kính tổ tiên, chung vai gánh vác những công việc chung khi chống chọi với thiên nhiên, giặc giã… được các tôn giáo khai thác, sử dụng như một phần của những giá trị mới. Những dấu vết của văn hóa lúa nước, văn hóa làng xã trong văn hóa đô thị (tiêu biểu là ở các lễ hội, thờ thành hoàng nghề, thành hoàng làng của các phường nghề, tổ chức phố nghề), làng trong phố, anh em cùng dòng họ, huyết thống, cùng quê quán cùng sống trong một phố, cùng làm một công việc… đến đầu thế kỷ XX vẫn còn hiện diện rất rõ. Lớp công dân ở thành thị nhanh nhạy trong làm ăn và tổ chức đời sống gia đình đã tận dụng các cơ hội để giàu lên và khẳng định tầm vóc của mình trong cộng đồng dân cư đô thị. Họ dần hình thành nên một tầng lớp thị dân và quá trình tiếp nhận những ảnh hưởng của các vùng miền trong đời sống, quan hệ cộng đồng, kinh nghiệm thương trường đã đem lại một vị thế xã hội cao hơn những cư dân còn lại. Tầng lớp thị dân chủ yếu làm nghề buôn bán và quan chức vừa tiếp nhận những yếu tố mới vừa chắt lọc trong quá trình đổi mới để tạo ra những tiền đề cho nó phát triển trong môi trường mới, tạo ra một hệ giá trị mới có tên là văn hóa thị dân. Những người thị dân ưu tú nhất nhận thấy vai trò to lớn của kinh tế nhưng đánh giá rất cao và theo đuổi tri thức bởi nhận thấy đó là căn cứ quan trọng để phát triển gia đình, dòng tộc. Tinh hoa văn hóa Hà Nội có nhiều yếu tố bắt nguồn từ đây. Tiếc rằng những nhận thức chưa đúng trong quá trình cải tạo xã hội sau 1954, các chính sách kinh tế và văn hóa do thể chế thực hiện thời phá bỏ tàn dư văn hóa cũ, xây dựng văn hóa mới đã làm cho yếu tố ấy nhạt nhòa đi cả ở phương diện ý thức xã hội lẫn cơ sở xã hội của văn hóa thị dân. Đó là một mất mát lớn bởi để hình thành nên nó – hồn cốt của văn hóa thị dân – phải mất hàng thế kỷ tạo dựng. Khi hoạch định những chính sách kinh tế-xã hội mới cần rút kinh nghiệm của bài học lịch sử đã qua. Song song với văn hóa đô thị là văn hóa chuyển tiếp của những vùng phụ cận giữa đô thị và nông thôn. Sự năng động trong tổ chức kinh tế và xã hội của vùng giáp ranh đã khiến cho các yếu tố văn hóa truyền thống gần với đời sống đại chúng hơn, năng động hơn và tạo những tiền đề cho văn hóa đô thị ảnh hưởng ra môi trường mới.
1.2. Văn hóa Hà Nội: dung hòa và giao thoa
Đến 1945, trừ khu vực đô thị chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa theo phương Tây, ở nông thôn các huyện thuộc Hà Nội về cơ bản vẫn là văn hóa làng xã, nông nghiệp gắn với tư tưởng Nho giáo và hệ giá trị nằm trong quỹ đạo của văn hóa Nho giáo. Văn hóa Nho giáo và Thiên Chúa giáo, văn hóa bản địa nhạt nhòa hơn. Ở đô thị, những yếu tố tích cực của văn hóa Tây phương du nhập vào Việt Nam qua tầng lớp trí thức, thị dân, công chức đang xác lập những giá trị mới theo chiều hướng bài Nho giáo, hướng tới văn hóa phương Tây đang có sức sống mạnh mẽ hơn. Người giàu và có thế lực ở nông thôn nhìn vào sự thay đổi của giới trung lưu ở đô thị để định hình cho tương lai của mình. Hệ giá trị nông thôn cũng biến đổi theo hệ giá trị mới đang khẳng định sự thắng thế vì có sức sống và thiết thực hơn. Văn hóa thị dân theo chiều hướng tư sản ở đô thị trong khoảng hai, ba thập niên đầu thế kỷ XX đã khẳng định xu thế áp đảo của nó. Ở nông thôn, sự chuyển động theo xu thế mới làm rạn nứt những quan hệ xã hội và giá trị theo quỹ đạo Nho giáo tồn tại hàng nghìn năm nhưng chưa tạo ra những thay đổi lớn. Sau 1945, đặc biệt là sau 1954, chế độ mới xác lập vị thế văn hóa của thể chế bằng phong trào xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa. Cuộc xáo trộn cả ở khía cạnh ý thức hệ tư tưởng, hệ giá trị xã hội, đạo đức theo xu hướng mới đã nhanh chóng phá vỡ những khuôn phép cũ. Tính ưu việt của văn hóa xã hội chủ nghĩa đã tạo nên sự bình đẳng kinh tế và chính trị cho mọi thành viên trong xã hội, đã gắn kết xã hội trong một cộng đồng mới bằng một tinh thần dân khí khác trước, tạo một mặt bằng dân trí cao hơn. Nó cũng phá vỡ nhiều nền tảng tinh thần xã hội như triệt tiêu cạnh tranh và tạo ra những ngộ nhận về cá nhân, tập thể, đức tin. Sự chính trị hóa những vấn đề của văn hóa cũng đem lại những kết quả tích cực không thể phủ nhận nhưng xét về tổng thể, những tổn thất nó gây ra cho xã hội cũng không nhỏ. Từ sau 1975, nhất là từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, được sự bảo trợ của nhà nước, quá trình hội nhập, mở cửa đã mở rộng tất cả các cánh cửa cho văn hóa ngoại lai tràn vào, cho sống lại (có nhiều cái đúng và cũng không ít cái sai) nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Sự sàng lọc qua thời gian đã có những điều chỉnh nhưng yếu tố kinh tế, thương mại đã làm biến dạng nhiều truyền thống văn hóa và đẻ ra những hành vi phản văn hóa, làm hại đời sống cộng đồng. Sự loạn chuẩn trong giá trị, quá trình cộng sinh của nhiều quan niệm xã hội, kinh tế, chính trị, tư tưởng gây ra nhiều bất ổn nhưng mặt khác nó cũng thúc đẩy một yếu tố rất quan trọng không được thừa nhận về mặt chính thống nhưng ngày càng phổ biến hơn trong xã hội là thừa nhận tính đa nguyên của văn hóa, đa giá trị và dân chủ hóa văn hóa. Quá trình phát triển đô thị quá nóng ở thành thị, sự tập trung cho phát triển kinh tế, chương trình xây dựng con người vẫn có không ít bất cập (về lý thuyết nói là phát triển con người toàn diện nhưng trong thực tế chỉ thừa nhận và đề cao con người chính trị, con người theo những giá trị hệ tư tưởng nên nó trừu tượng và thiếu sức sống), chương trình xây dựng nông thôn mới chưa chú ý đúng mức vị trí của văn hóa và giá trị tinh thần (trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chỉ có 6 tiêu chí gắn với vấn đề văn hóa, con người nhưng tiêu chí khá chung chung hoặc không đi vào những vấn đề bản chất của văn hóa và con người) nên tình trạng chắp vá, thiếu chiều sâu, làm theo phong trào trong xây dựng văn hóa, tình trạng loạn chuẩn, sự tha hóa của môi trường sinh thái nhân văn… đã gây ra những lo lắng cho xã hội. Sự đan xen giữa cái tốt với cái xấu, giữa thành tựu với khuyết điểm, giữa cái tiên tiến với cái bất cập, việc xem nhẹ giá trị gia đình, con người đạo đức… bộc lộ trong nhiều quan hệ xã hội. Trong các chính sách văn hóa đang có xu hướng Việt hóa văn hóa các cộng đồng khác, thế tục hóa các hoạt động tín ngưỡng, nhạt nhòa nhiều giá trị văn hóa tinh thần. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến diện mạo văn hóa Hà Nội và nó được bộc lộ ra ở cả thành thị và nông thôn. Định hướng phát triển văn hóa và con người trong phát triển đô thị, hạ tầng xã hội chưa được chú ý đúng mức. Đây là vấn đề đáng lo ngại nhất. Vấn đề này phải được đặt ra như nhiệm vụ cấp bách cho toàn xã hội.
1.3. Sự hỗn dung của các lớp văn hóa
1.3.1. Văn hóa Nho giáo
Phật giáo du nhập vào nước ta sớm hơn và đã bắtrễ vào trong đời sống, tạo ra được một lớp văn hóa Phật giáo khá vững chắc. Nhưng xét về khía cạnh “nhập thế”, “hành đạo”, Nho giáo vốn là một hệ tư tưởng, là một học thuyết về một thể chế nhà nước có tham vọng tồn tại vĩnh viễn vừa ưu việt về mặt tổ chức vừa vững chãi do đã tạo dựng được những rường cột tinh thần từ trung ương đến tế bào xã hội theo hình thức tập quyền nên nó đi vào đời sống nhanh hơn Phật giáo. Bởi vậy mà chỉ sau hơn một thế kỷ, Nho giáo đã lấn át Phật giáo ở khía cạnh tham gia vào hệ thống xã hội một cách cưỡng bức, trở thành rường cột cho một xã hội từ nhà nước tới gia đình, vợ chồng, cha con, anh em, bè bạn, từ đời này sang đời khác… Người ta đã đạo đức hóa, mô hình hóa, “thể chế hóa” nhiều vấn đề của xã hội, cá nhân nhằm tạo ra sự ổn định cho xã hội. Hà Nội là thủ đô, trung tâm văn hóa lớn nên quá trình Nho giáo hóa mọi lĩnh vực của đời sống diễn ra rộng khắp và sâu sắc. Thậm chí nhiều huyền sử, huyền tích, thần thoại… cũng được Nho giáo hóa để tăng thêm tính “thực” của những câu chuyện vốn chả gắn gì với Nho giáo. Như thần thoại Tản Viên đã được Nho giáo hóa về nguồn gốc, hành trạng của Thánh Tản; các huyền sử về Thánh Gióng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, đền thờ của các tôn giáo khác, các phúc thần và nhân thần trong các đền thờ thành hoàng làng ở hơn 300 làng Bắc Bộ đã được Nho giáo hóa cả trong ý thức dân gian lẫn của nhà nước phong kiến… là bằng chứng cho vấn đề này. Các huyền sử về Thánh Gióng, thần sông Tô, hồ Tây, Thăng Long tứ trấn, thậm chí nguồn gốc người Việt (truyền thuyết vua Hùng) cũng có cả một quá trình “Nho giáo hóa” các tôn giáo khác và tín ngưỡng bản địa như vậy. Theo Nguyễn Duy Hinh, khảo sát hơn 300 làng ở đồng bằng Bắc Bộ thì thấy thần tích, thần phả, sự tích thành hoàng các làng cũng nằm trong hệ quy chiếu này. Thăng Long cổ tích khảo là cuốn sách được biên soạn khá muộn, còn nhiều tồn nghi nhưng sự hỗn dung của các tôn giáo, trong đó lộ rõ dấu ấn đậm nét của Nho giáo, có sự nhập nhòe cố tình giữa truyền thuyết với dã sử, huyền sử, cổ sử… theo tinh thần Nho giáo. Rõ nhất là trong các sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho các thành hoàng làng, các nhân thần và phúc thần, các gia đình thuộc hàng “danh giá” theo đạo đức và lễ giáo Nho giáo chứng tỏ một điều là nhà nước phong kiến không chăm sóc đến những vấn đề này một cách vô tình, bởi nó có ích và cần thiết cho thể chế. Có thể từ đó dẫn đến một kết luận: Nhà nước phong kiến đã có chính sách văn hóa phục vụ cho việc quản trị xã hội và đã tạo ra những định hướng tinh thần cần cho mục đích củng cố và phát triển xã hội theo mục đích nhất định ở lĩnh vực tôn giáo và hệ tư tưởng. Khi quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và phục dựng các lễ hội văn hóa, khai thác văn hóa, xây dựng văn hóa vùng cần chú ý tới điều này.
1.3.2. Văn hóa Phật giáo
Văn hóa Phật giáo không được chú ý nhiều như văn hóa Nho giáo từ phía chính quyền nhưng lại được người dân xây dựng và bảo tồn theo cách của mình, bắt đầu từ đức tin và hướng tới một triết lý sống cho ngày mai, đặc biệt là thuyết nhân quả và con người nếu sống tốt có thể tái sinh bằng hình thức đầu thai, còn nếu sống ác thì sẽ gây ra nghiệp chướng không chỉ cho mình mà còn cho đời sau. Điều này rất quan trọng vì con người đâu chỉ có sống cho hiện tại mà nhiều khi suy tính, dự định cho kiếp sau (tương lai) còn làm cho con người lao tâm khổ tứ nhiều hơn. Khảo sát các di tích Phật giáo và ảnh hưởng của nó tới đời sống cư dân ở Hà Nội có thể thấy thực trạng này: từ thời nhà Lý, lúc Phật giáo tham chính nhiều nhất cả trong tư tưởng nhập thế cứu đời và tham chính, Phật giáo trở thành Quốc giáo. Tuy giáo lý nhà Phật không chặt chẽ và khắc nghiệt như đạo Hồi hay đạo Thiên Chúa nhưng Phật tử chân chính luôn hướng thiện và mong muốn sự yên bình cho gia đình và xã hội. Hệ thống chùa chiền trong lịch sử gần với đời sống người nông dân và hệ giá trị của họ hơn. Ngày nay, hệ thống thờ tự của đạo Phật khác rất xa với truyền thống: đạo Phật bị thế tục hóa từ tầng lớp trên xuống phật tử lớp dưới và triết lý lẫn đức tin Phật giáo bị lu mờ trước sức cám dỗ của thế giới thế tục. Nhìn bề ngoài, Phật giáo có thể đang được hoằng dương nhưng về đức tin thì Phật giáo đang mất dần chỗ đứng trong xã hội. Những di tích Phật giáo gắn với truyền thống được tôn tạo nhưng không tạo ra được niềm tin trong xã hội. Yếu tố dị đoan và thương mại trong các hoạt động tôn giáo này nhiều hơn là tín ngưỡng đích thực.
1.3.3. Văn hóa Thiên Chúa giáo
Ở Hà Nội, không có nhiều cơ sở như Phật giáo nhưng Thiên Chúa giáo lại có chỗ đứng vững vàng hơn trong lòng giáo dân và trong đời sống xã hội. Văn hóa Thiên Chúa giáo ở Hà Nội có xu hướng thu hẹp trong khuôn khổ các cơ sở thờ tự, trong cộng đồng giáo dân và hay xung khắc với chính quyền sở tại hơn so với các tôn giáo khác. Về mặt đời sống cộng đồng, các tôn giáo này dung hòa với nhau, không có xung đột nhưng trong đời sống gia đình, cộng đồng dân cư, Thiên Chúa giáo không tổ chức quảng bá hình ảnh của tôn giáo nhưng cộng đồng giáo dân được xã hội ghi nhận ở tính nghiêm cẩn về lễ nghi và giáo dục con cái tốt. Ở những vùng ngoại thành, các giáo dân và giáo phận sống gần nhau hơn ở thành thị và tổ chức xã hội của đồng bào Thiên Chúa giáo chặt chẽ, ổn định hơn. Thiên Chúa giáo gần như không hợp tác với chính quyền trong việc xếp hạng các di tích thuộc cơ sở thờ tự, tu hành của Thiên Chúa giáo nhưng lại rất bài bản trong việc tổ chức đào tạo và gây ảnh hưởng đến cộng đồng trong và ngoài tôn giáo. Các linh mục tổ chức các hoạt động của giáo dân bài bản và trở thành các thủ lĩnh tinh thần đích thực với giáo dân của họ. Sự chú ý đến Thiên Chúa giáo của đồng bào ngoài tôn giáo này đã có những thay đổi so với trước. Người ta ghi nhận những mặt tích cực của Thiên Chúa giáo trong đời sống xã hội và tỏ ra thiện cảm với những sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội của Thiên Chúa giáo hơn tôn giáo khác. Văn hóa các tôn giáo khác ở Hà Nội vẫn tồn tại nhưng không đậm nét nên chúng tôi không trình bày thành một phần của bài viết này. Nhưng khi hoạch định chính sách cũng không thể bỏ qua điều đó.
1.3.4. Văn hóa phường xã, công chức và khu dân cư
Văn hóa phường xã, công chức và khu dân cư là một trong những hoạt động nổi bật trong đời sống xã hội hiện nay. Các tổ chức văn hóa, việc xây dựng hệ thống thiết chế và tôn vinh các giá trị… được chính quyền bảo trợ. Những hoạt động văn hóa và nhiều hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa được xã hội hóa, hành chính hóa, quan phương hóa theo những tiêu chí được các tổ chức chính trị, xã hội xây dựng và quy định. Không thể không thừa nhận những mặt tích cực của các quan hệ này nhưng rõ ràng yếu tố tự giác và giá trị tinh thần tự thân của những giá trị nhân văn bị nhạt nhòa so với trước đây. Việc hành chính hóa và quan phương hóa các giá trị này đã hình thành nên những phong trào, chính sách mà đích hướng đến của nó là các danh hiệu kèm theo các quyền lợi của tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Nhiều danh hiệu cao quý, nhiều giải thưởng trở thành giải và danh hiệu của các hội đồng hơn là sự tôn vinh đích thực của những người làm nghề. Tính chuyên nghiệp và giá trị tinh hoa bị cái đại chúng lấn át. Nó giải quyết được một số vấn đề của xã hội nhưng lại kém giá trị bền vững, giá trị lâu dài do xu hướng chính trị hóa các yếu tố ấy. Sự vụ lợi của các phong trào, quá trình hành chính hóa và chính trị hóa các giá trị văn hóa đã khiến cho tình trạng loạn chuẩn, đặc biệt là sự giả dối trong xã hội tăng lên. Yếu tố tuyên truyền, vận động theo chỉ tiêu, mang nặng tính hình thức không tạo ra được những thay đổi trong nhận thức mang ý nghĩa tự giác tạo ra tình trạng hai, ba mặt trong con người hiện đại. Sự đa nhân cách ngày càng phổ biến trong con người đương đại là một dấu hiệu không vui trong văn hóa công sở, văn hóa cộng đồng. Có tình trạng hệ giá trị chính thống và giá trị của cộng đồng ở những lĩnh vực cụ thể vênh nhau. Dân khí có nhiều mặt đáng báo động khi một chính sách mới ra đời không nhận sự đồng thuận cao của xã hội. Nhìn tổng thể, đội ngũ công chức có sự sa sút về chất lượng nghề nghiệp và năng lực; các cơ quan nhà nước ít thu hút được người có trình độ cao và xu hướng chạy theo lợi ích đã xuất hiện. Đây là một khía cạnh mới của đời sống văn hóa mà khoảng vài thập niên trước chưa xảy ra. Đây cũng là điều cần lưu ý.
2. Sự phát triển của Hà Nội trong vài thập niên gần đây và những vấn đề văn hóa
2.1. Sự mở rộng Hà Nội và phân vùng kinh tế, dân cư
Hà Nội đã trải qua ba lần quy hoạch trước khi mở rộng theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2008 và thực hiện Quy hoạch theo Nghị quyết 15 NQ/TƯ năm 2022 về sự phát triển của Hà Nội đến năm 2030: văn hiến-văn minh-hiện đại. Đây là những vấn đề nảy sinh và những điều chỉnh cần thiết trong quá trình phát triển nhưng cũng không thể không nhận thấy những lần quy hoạch trước và điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt có những bất cập do nhiều lý do nhưng lý do rõ nhất là không chú ý đúng mức những quy luật phát triển tự nhiên mà duy ý chí, làm và điều chỉnh chỉ để phục vụ các nhiệm vụ chính trị trước mắt, mang tính nhiệm kỳ theo quan niệm của những người đứng đầu. Hà Nội hiện nay có địa bàn rất thuận lợi cho sự phát triển trong tương lai bởi tính chất địa-kinh tế, địa-văn hóa đã thay đổi. Sự đa dạng và thuận lợi của địa lý kinh tế vùng thủ đô tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhưng cũng đặt ra những thử thách mới. Địa bàn rừng núi - nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc ít người, vùng trung du, vùng bán sơn địa, vùng đan xen đô thị và nông thôn, quỹ đất lớn tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình phát triển, hiện đại hóa một cách đa dạng nhưng những sức ép về kinh tế, hạ tầng đô thị, hiện đại hóa nông thôn, thiếu vốn, thiếu sự quy hoạch đồng bộ, thiếu nhân lực… tạo ra những khó khăn lớn trong quá trình phát triển. Không đủ sức làm tất cả các việc một lúc đã rõ nhưng nếu chỉ căn cứ vào thực lực hiện tại để hoạch định chiến lược phát triển mà không tính đến tầm nhìn xa cho tương lai sẽ dễ tạo ra những đổ vỡ vì những cách nhìn thiển cận, chỉ thấy lợi ích trước mắt. Mở rộng các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị tạo nên một quá trình tụ cư, nhập cư nóng, gây mất cân đối nhiều mặt cả hạ tầng xã hội lẫn môi trường sinh thái nhân văn. Sự phân hóa giàu-nghèo, khác biệt về mức sống, hưởng thụ văn hóa chưa bao giờ có khoảng cách lớn như hiện nay. Sự tồn tại của các khu công nghiệp nước ngoài, các khu định cư cao cấp, các trường đại học và các trường đa cấp học quốc tế, quá trình nhập cư của người nước ngoài… tạo nên sự đa dạng của cộng đồng dân cư vừa tạo nên sự đa dạng nhưng cũng làm hình thành những cách bức về con người. Những khác biệt về văn hóa ở phương diện rộng chưa thành áp lực xã hội nhưng đang âm ỉ những khác biệt dẫn đến mâu thuẫn trong các lớp người nhỏ hơn vì sự khác biệt nghề nghiệp, tri thức và đặc biệt là mức sống, làm ảnh hưởng đến sự đồng thuận xã hội.
2.2. Sự pha trộn của văn hóa thời kỳ mở cửa và toàn cầu hóa đang diễn ra với một cường độ lớn
Từ khi pháp luật Việt Nam thừa nhận 5 thành phần kinh tế, Hà Nội là nơi diễn ra quá trình du nhập của doanh nghiệp kinh tế nước ngoài, nhiều trường học quốc tế, nhiều cư dân nước ngoài đến làm việc, sinh sống thuộc nhiều nền văn hóa và những yếu tố kinh tế, dân cư ấy tạo ra những giá trị văn hóa mới. Những khu đô thị mới mọc lên dành cho những người giàu (khu Việt kiều châu Âu, khu Ciputra, Royal City, Winhome, Riverside, Sunshine, Sunlake…) là hệ quả tất yếu của chính sách kinh tế nhiều thành phần, sự thừa nhận sở hữu tư nhân, phân hóa giàu-nghèo. Kèm theo đó là những khu nhà ở bán cho người nước ngoài, Việt kiều làm ăn sinh sống ở Việt Nam hoặc đầu tư sinh lời, các trường học quốc tế từ cơ sở đến đại học, những khu vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí dành cho giới giàu sang… đã tạo ra một hệ giá trị mới, trong đó giá trị vật chất và địa vị xã hội lấn át các giá trị khác. Tính chất cạnh tranh và xâm thực văn hóa diễn ra quyết liệt, trong đó văn hóa của giới yếu thế (về kinh tế, địa vị xã hội) bị lép vế vì không được bảo trợ. Nhà nước hay các tổ chức xã hội chỉ có thể giúp đỡ họ như những hành vi từ thiện nên khó có thể nói đến tính chất dân chủ trong hưởng thụ văn hóa và các quyền lợi xã hội khác ở đây. Quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa ở Hà Nội thời gian qua đã đem lại nhiều của cải xã hội nhưng cũng tỉ lệ nghịch với việc mất đi nhiều truyền thống văn hóa nhân văn. Đây là mặt trái của quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa một khi những chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, tạo sự công bằng trong an sinh cho con người chưa tốt. Nó vừa đem lại lợi ích cho xã hội vừa là nguyên nhân của nhiều đổ vỡ cho những người nghèo, nông dân vì quá trình ấy diễn ra quá nhanh, chưa được chuẩn bị để hạn chế mặt tiêu cực của quá trình.
Vùng nông thôn Hà Nội cũng đang thay đổi quyết liệt trong công cuộc “xây dựng nông thôn mới” và quá trình vươn lên làm giàu của từng gia đình, cá nhân. Chương trình lớn này đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi nếp nghĩ và cuộc sống của nông dân. Quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn xen lẫn với việc mở thêm những khu chế biến, công nghiệp nước ngoài và của các doanh nghiệp lớn tại địa phương, xây dựng các khu định cư mới đã thay đổi gần như toàn bộ diện mạo và các quan hệ ở nông thôn. Có thể thấy quá trình này đã tác động trực tiếp hoặc lan tỏa vào từng gia đình tạo ra những quan niệm mới về nghề nghiệp, thái độ lựa chọn cuộc sống bằng cách trực tiếp tham gia vào quá trình này hay thực hiện vai trò cung ứng cho nhu cầu của xã hội. Có những nghề mới đem lại thu nhập lớn cho cả làng như làm nhà cho thuê, cung ứng dịch vụ và thực phẩm cho khu công nghệp cũng làm thay đổi hẳn nếp nghĩ và cách sống của cộng đồng. Người nông dân trở thành ông chủ nhỏ, công nhân khu công nghiệp có thu nhập tốt hơn làm nông nghiệp nhưng họ không có địa vị kinh tế, địa vị chính trị và gần như không được hưởng thụ văn hóa và các lợi ích xã hội do tình hình cư trú và công việc không ổn định. Quá trình tụ cư ở các khu đô thị, công nghiệp cũng khác trước. Nhà nước làm việc của nhà nước theo những kế hoạch và chính sách đã được hoạch định, dân làm theo kế hoạch và công sức của cá nhân nên có độ vênh lệch của hai chủ thể. Nó thiếu sự hài hòa do các “sáng kiến” và năng lực của từng địa phương, từng cá nhân. Rõ ràng nhất là thiếu sự đồng bộ, cân đối giữa những đầu tư phát triển “văn minh vật chất” và “văn minh tinh thần” ở mọi vùng. Sau một thời gian thực hiện các kế hoạch này đã có rất nhiều tiếc nuối vì những sai lầm, phát triển thiếu đồng bộ mà đã phá vỡ môi trường tự nhiên, sinh thái nhân văn, đa dạng, tổng thể của nhiều vùng tự nhiên, vùng dân cư, vùng văn hóa mà muốn sửa chữa tận gốc những sai lầm này thì tiền của và công sức còn tốn kém và khó hơn làm mới từ đầu. Điều này có ở cả nội đô và ngoại thành, những vùng mới hình thành do quá trình đô thị hóa. Mặt khác, cũng không thể không nhận thấy một sức sống mới trong quá trình vận động của văn hóa đương đại: nó nhập cuộc tốt hơn, năng động và thiết thực hơn; đồng thời, nó cũng mang tính thực dụng hơn trước. Tính hai mặt này là một gợi ý để nhìn nhận lại vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản: không thương mại hóa di sản nhưng cũng không bảo tồn chỉ để bảo tồn, phải làm mọi cách để di sản sống trong đời sống, thực sự là một nguồn lực góp phần tạo nên những động lực cho phát triển ở phần hiện hữu chứ không phải ở dạng tiềm năng.
2.3. Những chính sách văn hóa
2.3.1. Chính sách văn hóa và phát triển văn hóa, xây dựng con người thủ đô
Khái niệm văn hóa và phát triển trong một vài thâp niên gần đây mới được chú ý nhưng thực ra từ khi thành lập nhà nước dân chủ nhân dân, vấn đề này đã được nêu ra, có điều nó chỉ được chú ý nhiều hơn ở định hướng cụ thể ở cơ chế, chính sách. Nó dừng ở mức phong trào, những cuộc vận động gắn với xây dựng đạo đức, giá trị xã hội theo tiêu chí chính trị và đạo đức mới hơn là những tiêu chí cụ thể gắn với những chỉ số phát triển. Đây là những chỉ đạo về mặt nguyên tắc của hệ thống chính trị và chưa tác động trực tiếp đến những chỉ tiêu phát triển, nhất là phát triển bền vững.
2.3.2. Chính sách và những mặt khả dụng, những hạn chế
Chính sách chỉ đạt được mục tiêu khi nó sát thực tiễn, đúng hướng, khoa học và dễ thực hiện. Khi xây dựng chính sách cần xác định đúng mục tiêu, khái niệm, đối tượng và xây dựng được cơ chế để vận hành chính sách. Do trình độ nhận thức về văn hóa và con người vẫn còn thiên về nhiều yếu tố duy ý chí (con người chính trị, con người mới, tư tưởng văn hóa xã hội chủ nghĩa…) và do những chi phối từ góc nhìn tư tưởng hệ mà hai đối tượng cơ bản nhất là văn hóa và con người còn chưa đúng với bản chất của nó nên chính sách ban hành nhiều, phong trào văn hóa thực hiện liên tục nhưng nhiều vấn đề của xã hội vẫn không giải quyết được. Sự xuống cấp về đạo đức, những khiếm khuyết về sự phát triển nhân cách văn hóa và nền tảng tinh thần xã hội bị băng hoại nghiêm trọng đã chỉ ra rằng cần nhận thức lại hai yếu tố quan trọng nhất là văn hóa và con người là hai điểm nghẽn trong xây dựng chính sách văn hóa, con người nói chung.
2.4. Vấn đề con người
2.4.1. Sự tăng dân số không theo kế hoạch phát triển tự nhiên
Sau quá trình mở cửa, hội nhập, đặc biệt là sau khi thực hiện mở rộng địa bàn Hà Nội năm 2008 đã làm tăng dân số Hà Nội lên một mức quá nóng. Ước tính hiện nay khoảng 8,3- 8,5 triệu người, trong đó có khoảng ½ ở đô thị, có phường như Hoàng Liệt có dân số khoảng 90.000 người, trong khi hạ tầng đô thị và xã hội không đáp ứng được, có nhà xã hội học đánh giá mức quá tải vượt hơn 100%. Đưa ra một con số như vậy để thấy đằng sau sự tăng lên này vừa có những vấn đề hợp quy luật vừa có những vấn đề không bình thường để thấy công việc hoạch định, quy hoạch và xây dựng các hạ tầng kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, xây dựng con người đang là vấn đề cấp bách. Không giải quyết tốt khâu này ngay từ bây giờ sẽ phải đầu tư rất lớn và chưa chắc đã thành công cho việc giải quyết các hậu quả của nó.
Câu hỏi “người Hà Nội, anh là ai?” và “văn hóa Hà Nội hiện nay là gì?” không hề đơn giản để trả lời bởi ta thiếu những thống kê chính xác và phân tích cơ cấu dân cư theo ngành nghề, trình độ học vấn, độ tuổi, nhu cầu, nếp sống, mức sống… Các chương trình của Thành ủy Hà Nội (05, 08, 09 TU…), các nghiên cứu lẻ của các cơ quan nghiên cứu, đoàn thể cũng tập trung vào nghiên cứu những phẩm chất và giá trị văn hóa mà thiếu những công trình điều tra, khảo cứu về từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể. Bởi vậy, ngay cả khái niệm “người Hà Nội là ai” cũng được nhận thức khá trừu tượng. Năm 2008, được giao thực hiện đề tài Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh…, khi khảo sát thành phần dân cư ở quận Hoàn Kiếm là quận đậm chất Hà Nội nhất, tôi phát hiện ra một sự thật lạ lùng: chỉ có 18% dân số ở quận này được coi là Hà Nội gốc vì đã sống ở đây đến đời thứ hai, thứ ba và có hộ khẩu chính thức ở quận này. Nhưng đến khi đọc một cuốn sách của một nhà nghiên cứu về danh nhân văn hóa Hà Nội thì những Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… được nghiễm nhiên coi là “người Hà Nội” và lập luận của ông không phải là hoàn toàn vô lý. Cũng như vậy, theo quan niệm của tôi, cụm từ “thị dân” theo nghĩa đen là dùng để định danh những người dân sống ở phố thị nhưng không phải người sống ở phố thị cũng đều là “người thành phố” và “văn hóa thị dân” cũng không bao giờ là chỉ số của đời sống văn hóa của tất cả những người dân sống ở thành thị (Phường Hoàng Liệt, năm 2022, có 85 tòa chung cư, trong đó trên ½ cư dân không có hộ khẩu Hà Nội; phần lớn họ là những người nghỉ hưu, cán bộ từ cấp phòng và những người có tiền ở các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra mua nhà để ở sau khi nghỉ hưu hoặc đầu tư; nhiều khu cư dân khác cũng có tình trạng tương tự. Về điều này, từ năm 2012, tôi đã có bài viết Hà Nội trở thành “nhà quê” của các tỉnh để nói về tình trạng này). Hơn 10 năm trước, khi Viện Xã hội học làm một khảo sát về mức hưởng thụ văn hóa của công dân Hà Nội, có một chỉ số mà bất kỳ ai đọc công trình này cũng giật mình: có một phần không nhỏ công dân sống ở Hà Nội (hai con số) hàng chục năm không hề mua bất kỳ một cuốn sách văn hóa, nghệ thuật hay khoa học nào (đồng nghĩa với không đọc), cũng ngần ấy người không bước chân đến bất kỳ rạp chiếu phim hay nhà hát nào và con số lớn hơn thế về số người không quan tâm đến những vấn đề của giới truyền thông, không xem ti vi. Khi xem xét vấn đề làng nghề, tôi còn phát hiện ra một sự thực rất bất hợp lý: Sở Công thương được giao nghiên cứu và phân loại, xếp hạng làng nghề, nghệ nhân nên họ đưa ra những tiêu chí chung nhưng nếu áp dụng vào những ngành nghề cụ thể sẽ không thể vận dụng như: có tối thiểu 30% dân làng sống bằng nghề truyền thống, hoạt động kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm đến lúc công nhận và tuân thủ pháp luật, quy định của nhà nước. Nghệ nhân cũng từ những tiêu chí này mà ra. Ở đây vắng những tiêu chí về văn hóa. Như vậy, có thể thấy tiêu chí gần như chỉ xét từ góc độ kinh tế vì những người làm tò he, quạt truyền thống, nặn tượng, đúc chuông, sản xuất đồ mĩ nghệ, đồ chơi dân gian… khó có thể lọt vào bảng quy định này.
Cộng đồng dân cư hiện nay ở Hà Nội chia ra làm nhiều loại. Những thợ thủ công truyền thống ở nội đô chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, phần lớn làm nghề buôn bán nhưng họ không phải là dân gốc ở đây. Họ thuê cửa hàng, thuê người bán hàng nên nếp cũ của hoạt động kinh doanh phường hội rất mờ nhạt. Thay vào đó là nếp kinh doanh vừa cạnh tranh vừa hợp tác dựa trên cơ sở lợi ích. Phần đông nhất là số cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy hành chính và các nghề khác nhau. Ở những khu đô thị và dân cư mới cũng là tập hợp những người như vậy. Tôi hỏi một cán bộ công an quản lý hộ khẩu thì được nghe trả lời: “Phức tạp lắm ông ạ. Cán bộ các tỉnh mua nhà cho con, người làm thuê, người làm ăn mùa vụ, người hưu trí địa phương khác về sống ở đây, chúng cháu gọi chung họ là làm nghề tự do”. Như vậy, theo con mắt của nhà quản lý thì cách định danh này và nhận thức về bản chất con người ở họ không chính xác, vẫn là đánh giá con người theo tiêu chí hồ sơ, con người chính trị. Nếu dựa trên những nhận thức ấy mà hoạch định chính sách sẽ dẫn đến những sai lầm.
Ở nông thôn, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa được nhận thức và hoạch định theo chương trình xây dựng nông thôn mới, có những nội dung và tiêu chí giống nhau. Hà Nội cũng không nằm ngoài chủ trương chung này. Các quan hệ nông thôn cũ bịrạn nứt từ những năm 60, bị tạm ngưng lại do cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1965-1975, lại bắt đầu chao đảo và thay đổi trong thời kỳ bung ra và đặc biệt từ sau Đổi mới. Ở đây có hai mặt của một vấn đề nổi lên rõ nhất: đó là những thay đổi về quan hệ và tư liệu sản xuất, sở hữu tư nhân đã làm nông thôn thay đổi hàng ngày. Quá trình tích lũy của cải, trong đó có ruộng đất, và công nghiệp hóa địa phương dựa trên Luật Đất đai đã làm thay đổi tận gốc quan niệm về người nông dân và đời sống nông thôn. Nếu bây giờ có chính sách đi ngược lại quá trình này sẽ tạo ra những vấn đề xã hội mới, trong đó có cả những xung đột giàu-nghèo, xung đột văn hóa.
Hà Nội là trung tâm đô thị lớn nên cư dân đô thị Hà Nội luôn vận động, biến đổi. Phân tích cơ cấu dân cư sẽ cho một đáp số là chất lượng cư dân đô thị cao hơn cư dân vùng ngoại ô và cũng pha tạp hơn. Nhưng đây không phải là vấn đề lớn nhất vì vẫn có những chính sách quản lý và điều chỉnh các quan hệ nhưng chỉ dẫn hai ví dụ về sinh hoạt cộng đồng để thấy ngay cả ở những người có học vấn và tri thức cao hơn lại bộc lộ những mặt trái, thậm chí thấp kém trong hành xử. Một là lễ hội Hoa năm 2009 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và giành lộc ở lễ hội Đền Gióng huyện Sóc Sơn mấy năm trước bị tác động tâm lý đám đông, bầy đàn gây ra những hậu quả xấu xí đến thảm hại. Nếu nhìn sâu hơn vào các lễ hội, hội chợ được tổ chức thường niên thì thấy tuy không diễn ra những cảnh tượng này nhưng ít thấy những giá trị văn hóa được tôn vinh. Giá trị thương mại vẫn lấn lướt tất cả và điều đau xót là nhà tổ chức chú ý đến mục tiêu lợi nhuận nhiều hơn mục tiêu văn hóa, còn người quản lý chỉ lo tổ chức lễ hội ấy như một hoạt động phải làm theo nghĩa vụ, theo chỉ đạo, theo kinh phí được cấp, và nhiều người đã “quen” với tình trạng này, đã thấy đó là chuyện “bình thường”. Gần đây, nhiều tình trạng luân lý bất thường, mối quan hệ ứng xử thiếu chuẩn mực đã trở thành cái bình thường không chỉ có ở giới ít học mà có cả ở những tầng lớp có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội đáng được tôn trọng, trong những quan hệ vốn được coi trọng và nghiêm minh về đạo đức và đức tin. Điều này báo hiệu sự xuống cấp về văn hóa ở phạm vi rộng và mang tính chất báo động.
2.4.2. Nhận thức về con người
Những vấn đề của cả nước cũng là vấn đề của Hà Nội và cần được giải quyết trước. Điều cơ bản nhất là cần nhận thức cho đúng về bản chất con người - chủ thể sáng tạo của văn hóa và là mục tiêu, đích phấn đấu của tất cả các cộng đồng, thể chế. Theo tôi, trong nhận thức về con người của chúng ta hiện nay có mấy điều cần điều chỉnh:
Thứ nhất: con người được nhìn nhận như một thực thể tự nhiên và xã hội, là sản phẩm của xã hội nhưng lại cũng là tác nhân lớn nhất đến quá trình vận động của xã hội. Như vậy, trong thực tiễn, con người từ góc nhìn bản thể lẫn con người xã hội đều mang tính đa nguyên. Nếu nói con người gắn với một cơ sở xã hội cụ thể sẽ chịu ảnh hưởng từ môi trường xã hội và tự nhiên – nơi sinh ra và nuôi dưỡng học vấn, trí tuệ, quan điểm xã hội của nó – thì không thể không thừa nhận điều này. Chúng ta đề cao con người chính trị, con người nhất nguyên sẽ dẫn đến chỗ đề cao chủ nghĩa lý lịch, nguồn gốc xuất thân. Khi xem xét lý lịch, đánh giá cán bộ, chúng ta đề cao vai trò thành phần xuất thân. Như vậy đã loại trừ mất khá nhiều người có năng lực ra khỏi vùng chú ý của công tác cán bộ. Mặt khác, ở ta chỉ đề cao con người xã hội mà xem nhẹ con người tự nhiên, con người bản thể. Một thời chúng ta không thừa nhận khía cạnh tư hữu của con người và hình mẫu con người lý tưởng của xã hội Việt Nam phải là con người “chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, mình vì mọi người, hi sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể” khi buộc phải đặt mình trước sự lựa chọn này, nghĩa là dùng những lý tưởng đạo đức, kêu gọi con người từ bỏ một phần quan trọng thuộc bản chất của nó. Vì xã hội đề cao điều này, tổ chức chỉ công nhận điều này nên con người tự nhiên phải giấu kín, che đậy nhưng nó vẫn âm thầm tồn tại. Bây giờ chúng ta thừa nhận tư hữu nhưng luôn phê phán nó, cho rằng tư hữu là xấu, là gắn với chủ nghĩa cá nhân nên con người vì vậy luôn tồn tại hai mặt: một mặt để sống với xã hội và một mặt sống với những dục vọng cá nhân. Bằng chứng là các cá nhân có địa vị xã hội cao vi phạm pháp luật phần lớn không phải vi phạm về đạo đức mà họ vi phạm pháp luật ở khía cạnh thỏa mãn dục vọng sở hữu (sở hữu quyền lực, sở hữu tiền bạc, sở hữu danh vọng…). Nhiều đảng viên, cán bộ trong hệ thống từ thấp đến cao, ở mọi vị trí được nhân dân tin cậy trao cho họ quyền đại diện, vốn được coi là những người ưu tú nhất của hệ thống nhưng lại sa ngã, vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này. Vì vậy, cần nhìn nhận lại vấn đề sở hữu như một phần thuộc bản thể người, cần đánh giá đúng vai trò của cá nhân, ở cả mặt tích cực và những tác hại của nó.
Thứ hai: ở con người chính trị không được phép tồn tại con người tôn giáo, con người đức tin (đảng cộng sản không công nhận thành viên của mình theo tôn giáo vì như vậy là chưa giác ngộ và tuyên truyền một thế giới quan vô thần). Không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, đã che giấu điều này khi thường xuyên đi đến các cơ sở tôn giáo, cổ súy cho việc này dưới danh nghĩa tôn trọng tín ngưỡng. Đây là một sai lầm trong xã hội vì khi con người lựa chọn đức tin hoặc tôn giáo nào đó để gửi gắm lòng tin, họ sẽ có một thái độ ứng xử nghiêm cẩn hơn một cách tự giác. Phần lớn cán bộ đảng viên đi chùa hay nhà thờ hiện nay là để cầu xin một thứ gì đó. Điều này trái với đức tin nguyên thủy, nó mang tính vụ lợi vật chất, quyền lực rõ rệt.
Thứ ba: con người theo quan điểm chính thống hiện nay là con người chính trị, đạo đức, không phải là con người bản thể, càng không phải là con người nghĩa vụ. Đảng coi trọng nguồn gốc chính trị, bằng cấp chính trị, các danh hiệu chính trị hơn là những năng lực thực sự, trong đó có năng lực chính trị, quản trị xã hội. Hệ thống quản trị nhà nước từ cấp cao xuống cấp thấp không thừa nhận những cá tính, những quan niệm và cách làm khác với những quy định thông thường. Phần lớn đội ngũ kế cận trong các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, thành, quận, huyện hiện nay không phải là những người có tài năng nhất, ưu tú nhất về năng lực chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp, trách nhiệm công dân mà họ là những người được lựa chọn phù hợp với hệ thống. Trong số họ cũng có nhiều người có năng lực nhưng để được lọt vào quy hoạch qua sàng lọc, họ mất dần cá tính, chỉ còn tâm lý phục tùng, không dám vượtra khỏi giới hạn bằng những suy nghĩ và hành động giàu tính sáng tạo. Họ không chiến thắng được rào cản cá nhân. Chủ nghĩa Marx rất nhân văn ở lý tưởng xóa bỏ áp bức, đề cao tự do và hạnh phúc con người. Điều này rất gần gũi với những quan niệm tiên tiến nhất ngoài Marxist nên không có lý do gì chúng ta lại loại trừ những góc nhìn ấy. Bởi vậy, cần một môi trường tự do và dân chủ cho cá tính phát triển, tài năng có điều kiện bộc lộ. Một môi trường bình quân, cào bằng, không thừa nhận cạnh tranh tức là môi trường làm thui chột ý chí vươn lên của cá nhân, mài mòn cá tính, tiêu diệt năng lực sáng tạo.
Thứ tư: bản chất văn hóa là đa nguyên nên cần một đường lối phát triển văn hóa, xây dựng con người mang tính khai phóng, dân chủ và tự do. Trên thế giới có nhiều mô hình thể chế dân chủ tư sản như Mĩ, Pháp…, kết hợp giữa dân chủ tư sản với quân chủ lập hiến như Anh, Nhật, Tay Ban Nha… hoặc quân chủ lập hiến như Brunei, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất nhưng họ giống nhau ở một điểm là phát triển rất nhanh. Trung Quốc là một mô hình có nhiều điều kỳ lạ cần nghiên cứu: họ chọn mô hình nhất nguyên về thể chế nhưng đó chỉ là cái vỏ còn thực chất về xã hội, họ thực thi nhiều chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học… gần với mô hình phương Tây. Tôi cho rằng mô hình đa nguyên hay nhất nguyên về thể chế đều có những ưu thế và nhược điểm của nó nhưng bắt buộc phải sử dụng quan niệm đa nguyên để xem xét, đánh giá, phát triển văn hóa-xã hội, xây dựng con người vì đó là một quy luật vận động của lịch sử. Cách nhìn đa chiều, mang tính khai phóng mới thừa nhận những góc nhìn khác, cách làm khác, chấp nhận những sáng tạo không theo lối mòn nhưng đòi hỏi hệ thống luật pháp phải thật chặt chẽ. Một xã hội văn minh là xã hội được điều hành bằng một hệ thống luật pháp tiên tiến, văn minh, luôn mở đường và ủng hộ cho những gì tốt đẹp và tiến bộ nhất để cho đất nước phát triển. Cái nhìn nhất nguyên về văn hóa và con người sẽ tự giới hạn trong những góc nhìn chật hẹp của định kiến và như vậy không đánh giá đúng bản chất sự vật, hiện tượng. Mà một khi đã không hiểu biết một cách khoa học về đối tượng sẽ khó có một lý thuyết chính xác về đối tượng và lại càng không thể vạch ra những đường hướng để phát triển tối ưu cho đối tượng. Về điều này, thực tiễn là thầy dạy chính xác nhất. Hà Nội phải đi đầu trong việc xem xét lại những ưu điểm và những bất cập trong nhận thức lại những vấn đề của văn hóa và con người vì đó là hai điểm nghẽn quan trọng, cản trở quá trình phát triển. Đó là vấn đề nhận thức quy luật, là tự vượt thoát khỏi những ràng buộc do chính ta tự đặt cho ta. Làm được điều đó, tôi tin sẽ có những đột phá. Một quy hoạch ngành, hay nhỏ hơn, cho một khu đô thị cũng cần tiếp cận trên quan điểm như vậy.
Tài liệu tham khảo:
1. Các chương trình công tác 05, 06, 08 Thành uỷ Hà Nội, giai đoạn từ 2005-2020 (Bản thảo).
2. KX09, Nghiên cứu, phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử-văn hóa nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô (Bản thảo).
3. Quy hoạch văn hóa, thể thao, du lịch Thủ đô giai đoạn 2010-2030, Sở VHTT&DL, 2010 (Bản thảo).
4. Nguyễn Văn Khánh (2019), Cơ cấu kinh tế-xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Nguyễn Quang Ngọc (1998), Cơ cấu xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia.
6. Papin Philippe, Tessier Olivier (chủ biên, 2001), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng -Vấn đề còn bỏ ngỏ, NXB Lao động Xã hội.
7. Phan Huy Lê (2012), Lịch sử Thăng Long-Hà Nội, NXB Hà Nội.
8. Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin.
9. Nhiều tác giả (1977, 1978), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (2 tập), NXB Khoa học xã hội.
10. Nguyễn Văn Uẩn (1986), Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, NXB Hà Nội.