KIẾN TRÚC, ĐIÊU KHẮC ĐỘC ĐÁO CỦA CHÙA THANH LƯƠNG Ở TUY HÒA, PHÚ YÊN

Bài viết phân tích, đánh giá sự độc đáo về mặt nghệ thuật kiến trúc của chùa Thanh Lương, trên cơ sở đó khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị kiến trúc, mĩ thuật truyền thống và sự cần thiết của việc sáng tạo trong kiến trúc để phù hợp với môi sinh và văn hóa bản địa

 

    1. Theo dòng lịch sử

    Năm 1471, những bước chân của đoàn quân đi mở cõi đã đến vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia. Sau chiến thắng vang dội trận Chà Bàn đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức, núi Đá Bia chính thức thuộc về Đại Việt và trở thành cột mốc biên giới phía Nam nước ta. Đến năm 1578, Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng sai ông Lương Văn Chánh đưa dân đến vùng đất này khai khẩn lập nghiệp. Năm 1611, lập phủ Phú Yên bao gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa do chủ sự Văn Phong cai quản. Những lưu dân từ miền ngoài vào khai hoang, lập nghiệp với hành trang là văn hóa truyền thống Việt. Họ đã sống hòa đồng với những cư dân tiền chủ và các nhóm dân tộc thiểu số sống trên cao nguyên thượng nguồn. Những đoàn người di dân đã quy tụ sinh sống và lập xóm, làng gìn giữ truyền thống cội nguồn. Nhiều địa danh được đặt tên thuần Việt như: Phú Yên, Tuy Hòa… nhưng cũng có địa danh cũ được Việt hóa một phần như: Bà Đài, Đà Rằng thành Xuân Đài, Đà Diễn. Đây cũng là minh chứng cho quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn này. Mặt khác, để tồn tại và tránh bị đồng hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt vẫn được giữ gìn để không quên tổ tiên và nguồn gốc Việt. Người bản địa Chăm Pa theo 2 tôn giáo là Bà Ni (Hồi giáo cổ) và Bà La Môn (Ấn Độ giáo). Người Việt, phần lớn theo Phật giáo nên khi đến sinh sống ở vùng đất mới, họ mang theo niềm tin tín ngưỡng của mình để tìm sự bình an cho tinh thần, gắn kết cộng đồng và cũng là cách để nhớ về quê cha đất tổ. Nhiều chùa, miếu được xây dựng trên những cụm dân cư mới.

    Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa về hướng Bắc khoảng 10km, ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chân, huyện Tuy An có một ngôi chùa tọa lạc giữa một làng chài có tên là Mỹ Quang (trước được gọi là Ma Linh, Ma Liên), đó là chùa Thanh Lương. Tương truyền rằng chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII bởi những thương nhân đến Phú Yên buôn bán. Sau năm 1975, cư dân ở đây càng ngày càng đông đúc, họ đã phục dựng, tái thiết lại ngôi chùa đã xuống cấp. Dần dần ngôi chùa trở nên nổi tiếng bởi huyền tích và sự độc đáo trong kỹ thuật xây dựng. Chùa Thanh Lương trở thành điểm hành hương và thăm viếng của nhiều du khách khi khám phá Phú Yên.

    Trong một lần đến công tác tại Phú Yên, Tuy Hòa, chúng tôi đến thăm, vãn cảnh chùa và có cơ duyên được Đại đức Thích Quảng Ngộ - trụ trì chùa Thanh Lương mời thưởng trà và đàm đạo. Với tính cách nhẹ nhàng và cởi mở, thầy trụ trì bộc bạch lại quá trình xây dựng chùa: Chính sự giản đơn trong giao tiếp cũng như sự mộc mạc và cởi mở trong tâm hồn và lối sống của phật tử nơi đây đã bộc lộ ý đồ thiết kế, trang trí chùa. Đó là, quay về với sự giản đơn, khước từ lối kiến trúc cầu kỳ, sang trọng, lạ lẫm với cư dân bản địa. Có lẽ đây chính là nền móng khởi đầu cho những ý tưởng sáng tạo nên một ngôi chùa độc đáo.

    2. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí

    Mặt bằng tổng thể khuôn viên chùa Thanh Lương tọa lạc giữa khu dân cư đông đúc. Từ đường dẫn vào chùa uốn lượn giữa những ngôi nhà san sát đến cổng Tam quan. Cổng Tam quan không nằm thẳng ở trục “Thần đạo” mà nằm bên trái Chánh điện. Đi ngang qua Tam quan, du khách sẽ đến một bãi đỗ xe rộng rãi. Hướng vào chùa bên trái có hồ Long Thủy, có Thủy tạ ở ngay mép hồ. Đối diện hồ là Chánh điện, sau Chánh điện là Nhà thờ tổ. Bên phải chánh điện là điện Quán Thế Âm với bảng khắc phía trên: “Quán Âm Linh Từ”, phía sau là vườn tượng nơi tôn trí 33 pho tượng các Pháp tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm hay còn được gọi là 33 hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Bên cạnh là hồ Long Ẩn với tượng bán thân Phật Bà cao 7m uy nghi soi bóng xuống hồ. Nhìn chung, mặt bằng của chùa không bố trí theo lối đăng đối như phần lớn các ngôi chùa ở Miền Bắc. Có lẽ do chùa được xây dựng trên nền đất cũ và tôn tạo, bổ sung thêm những công trình sau nên việc bố trí các không gian có phần phóng khoáng, ít gò bó theo quy hoạch trước.

    
Các góc mái được gắn các mảng đá san hô, trang trí uốn lượn mềm mại, bay bổng tạo sự gần gũi, hòa đồng giữa thiên nhiên và kiến trúc (Ảnh: TTN)

    Kiến trúc Chánh điện nằm trên một mặt bằng vuông vức, mái trên chồng mái dưới và liên kiết với nhau bằng “Cổ lâu” trang trí hoa văn chữ vạn. Các mái đều phẳng nhưng các góc mái được gắn các đầu đao cá hóa long làm bằng vữa, được gắn các mảng đá san hô trang trí uốn lượn mềm mại với độ dày tương đối nhưng rất bay bổng, nhẹ nhàng trong không gian làm giảm sự nặng nề của hệ mái khiến con người không bị cảm giác chế ngự, trấn áp mà ngược lại, cảm nhận sự gần gũi, hòa đồng giữa thiên nhiên và kiến trúc. Trên bờ nóc, bờ quyết là những đồ án trang trí bát bửu xen lẫn các kiểu thức hoa văn dải lụa kết hợp với bông sen mềm mại. Chúng được bố cục theo kiểu ô hộc, hình thức chạm lộng nên trông rất sinh động và thông thoáng, làm giảm đi rất nhiều sự đơn điệu của những hình khối kỷ hà của kiến trúc. Có thể nói, các nghệ nhân đã đưa hình ảnh thiên nhiên vào kiến trúc chùa thông qua nghệ thuật điêu khắc. Ngoài những ý nghĩa của các họa tiết trang trí như bông sen, bát bửu... là những biểu tượng của Phật giáo góp phần linh hóa kiến trúc, chúng còn chuyên chở những ước vọng cầu hạnh phúc, no đủ của người dân lao động. Trong các mảng điêu khắc trang trí, đề tài hoa lá là hình ảnh tượng trưng cho sức sống và sự phát triển cũng như những ước vọng được mùa của con người. Chúng thường có mặt ở các trang trí đầu kèo, đố bảng, trướng, liễn, hoành phi... Những hình tượng đao mác rồng, phượng, cá hóa long trên hệ mái là biểu tượng cho nguồn sáng, cho sấm chớp gọi mưa tưới mát cho mùa màng. Như vậy, kiến trúc chùa và điêu khắc trang trí đã có mối quan hệ khăng khít với nhau. Chúng góp phần tạo dựng nên những không gian tâm linh, trang trọng; biến các công trình trong sân chùa như miếu, nhà tổ, thủy tạ... thành những không gian mang đậm giá trị tinh thần, thẩm mĩ và văn hóa.

    Toàn bộ mái chùa và tường bao được dán các miếng san hô đủ sắc độ đậm nhạt vô cùng sinh động. “Ngói” san hô lợp mái được cắt gọt, mài dũa vuông thành sắc cạnh, còn gạch gắn tường là những miếng san hô với hình thù tự nhiên. Các mảng san hô đủ loại với bề mặt thô nhám, sần sùi, lỗ chỗ… cùng với màu sắc khác nhau như nâu nhạt, màu xám, vàng, nâu đậm tạo thành một mảng tường rất sinh động và vui mắt. Ngoài ra, chúng có một đặc tính là không bám bụi và tạo nên vẻ đẹp tự thân theo chu kỳ thời gian: mùa hè có màu sáng, mùa đông có màu xanh của rêu phong cổ kính. Chúng được gắn kết với nhau bằng xi măng màu trắng càng làm nổi bật hiệu quả trang trí, làm người xem liên tưởng đến một bức tranh trừu tượng, kích thích trí tưởng của người vãn cảnh chùa.

    
Các mảng đá san hô dán tường (Ảnh: TTN)

    Các cây cột, chi tiết cấu kiện kiến trúc cũng được bao bọc bằng những miếng đá san hô nhiều màu sắc đem lại vẻ đẹp tự nhiên của chất liệu, gây cảm giác thích thú cho mọi người. Vẻ đẹp bên ngoài của vân đá san hô mang lại cảm giác nhẹ nhàng, tạo ra những liên tưởng và cảm xúc thẩm mĩ. San hô có nguồn gốc hữu cơ, cây san hô sau khi chết đi sau một thời gian dài chịu nhiều tác động của điều kiện tự nhiên dưới lòng đại dương, dần dần hóa thạch. Đá san hô có khả năng chống được tia cực tím, do chúng có cơ chế tạo ra chất chống nắng. Khi bước vào chính điện, ta cảm nhận được một bầu không khí dễ chịu và thư thái vô cùng. Thầy trụ trì cho rằng: “Trong san hô có khí ion của muối, vô hình chung nó tích lũy năng lượng tích cực, triệt tiêu năng lượng tiêu cực”. Vật liệu đá san hô cũng góp phần điều chỉnh nhiệt độ trong nội thất: mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Trước đây ngư dân ở làng chài Mỹ Quang vớt những khối đá san hô về xẻ ra làm tường rào. Sau này điều kiện kinh tế tốt hơn, họ phá đi và thay vào đó là những bức tường làm bằng gạch, trát xi măng. Nhận ra vẻ đẹp và tính năng đặc biệt của đá san hô đã hơn 70 năm tuổi này, nhà chùa đã thu mua của dân về làm vật liệu xây dựng. Ngoài đá san hô ra, chùa Thanh Lương còn sử dụng gáo dừa khô gắn vào bề mặt tường . Nhờ vào vẻ đẹp của vân và màu nâu đậm của gáo dừa mà những mảng tường đẹp đến ngỡ ngàng, song cũng đem lại cảm giác gần gũi, thân thương. Với ưu thế dễ tìm và vẻ đẹp chất liệu tự nhiên, đá san hô và gáo dừa đã làm tăng tính thẩm mĩ cho những hình khối vô tri vô giác của kiến trúc, chúng gắn kết với nhau bằng những giá trị nhân văn, mang lại sự cảm thụ thẩm mĩ, niềm hạnh phúc cho con người.

    Ngoài ra, với thế mạnh của một vùng đất ven biển với nhiều sản vật phong phú, những nghệ nhân, thợ xây ở đây đã dùng vô số vỏ sò, ốc, nghêu các loại, cũng như những viên sỏi xinh xắn đủ kích cỡ, màu sắc để trang trí kiến trúc. Từng chiếc vỏ như những khối điêu khắc trang trí xinh xắn được gắn vào cột, trụ, trông vô cùng vui mắt và ấn tượng. Chúng phô diễn vẻ đẹp tự nhiên với “màu thời gian” đã góp phần làm nên sự độc đáo của kiến trúc chùa.


Vỏ sò, ốc, nghêu và những viên sỏi xinh xắn đủ kích cỡ màu sắc cũng được dùng để trang trí kiến trúc. (Ảnh: TTN)

    Trên mặt sân chùa là những đồ án trang trí ghép bằng những viên sỏi được góp nhặt tại địa phương. Nhờ bàn tay khéo léo và tư duy sáng tạo của các nhóm thợ mà những viên sỏi tầm thường gắn kết với nhau thành những mảng trang trí rất sinh động qua các đề tài gắn liền với cuộc sống của ngư dân như sóng nước, đàn cá đang tung tăng bơi lội… Điều này phần nào thể hiệnnhững ước vọng, hoài bão về những ngư trường giàu có, về cuộc sống sung túc, ấm no. Rõ ràng tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân luôn gắn kết với cuộc sống hàng ngày. Như vậy, “Từ sáng tác nghệ thuật mà nói, tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất, thực sự thành công, luôn vượt qua các hạn chế của những quy tắc và phương pháp kỹ thuật, và cũng quyết không phải là chiếu theo quy tắc, phương pháp kỹ thuật mà sáng tạo ra”1. Thông qua tư duy sáng tạo của các nghệ nhân mà các hình tượng tự nhiên trở thành các hình tượng nghệ thuật đi vào không gian tâm linh. Chúng làm súc tích thêm những nội dung của kiến trúc, chuyển tải những thông điệp, ước vọng của con người thông qua những biểu tượng ẩn chứa trong các đồ án trang trí. Các hình tượng nghệ thuật được “cài mã” trong những đồ án trang trí cõng trên mình những giá trị tinh thần đầy tính nhân văn cao cả. Chúng góp phần làm tăng thêm sự thi vị và làm giàu có thêm ý nghĩa của các hình khối kiến trúc.

    Có thể thấy kiến trúc chùa Thanh Lương mang vẻ đẹp tổng hòa của nhiều yếu tố như: kiến trúc Chánh điện với sự góp mặt của vật liệu độc đáo là đá san hô và gáo dừa; không gian ngoại thất với các thành phần trang trí làm bằng sỏi và vỏ của các loài nhuyễn thể; nghệ thuật cảnh quan. Nhiều thành tố tham gia vào môi trường kiến trúc như cây xanh, tiểu cảnh, hồ nước, mảng cỏ và nghệ thuật trang trí. Đây cũng là những đặc tính cơ bản của kiến trúc truyền thống Việt, phù hợp với bản tính của cư dân bản địa, đó là hòa đồng với thiên nhiên. Điều này thể hiện rõ ở vật liệu xây dựng và tạo cảnh thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong không gian sống của cư dân. Nó phản ánh tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”, đó là vẻ đẹp của sự hài hòa, đó cũng là triết mĩ của người dân Việt. Đặc tính của kiến trúc chùa truyền thống Việt là không áp chế đồ sộ mà giàu tính uyển nhã, hài hòa với thiên nhiên. Do đó, ý đồ quy hoạch của người thiết kế kiến trúc phải tạo sự thống nhất từ nội thất, ngoại thất và môi trường xung quanh mà công trình chi phối. Kiến trúc là nghệ thuật của không gian mà các thành tố tham gia trong đó đều nằm trong không gian kiến trúc đó. Như thế, “không gian môi trường góp phần quan trọng trong việc tạo nên giá trị nghệ thuật của công trình, công trình nghệ thuật không thể tồn tại mà không có các thành phần nghệ thuật không gian tham gia. Công trình nghệ thuật và không gian môi trường là một tổ hợp thống nhất”2.

    

    Chùa Thanh Lương là một công trình kiến trúc độc đáo. Tính độc đáo này không chỉ thể hiện ở nghệ thuật tổ chức không gian kiến trúc mà hơn thế là sự kết hợp sử dụng vật liệu xây dựng “lạ” sẵn có tại địa phương. Chính điều này đã tạo nên những giá trị đặc sắc cho công trình. Nó phản ánh tư duy sáng tạo của những nghệ nhân địa phương, cũng như sự ứng xử với thiên nhiên. Kiến trúc chùa là nét đẹp giản dị, giàu tính sáng tạo nhưng cũng rất đỗi gần gũi với tâm hồn Việt. “Kiến trúc là chân dung của một giai đoạn lịch sử nhất định. Bởi kiến trúc là sự tổng hợp giữa tri thức, nhu cầu sinh hoạt, trình độ thẩm mĩ, tiến bộ kỹ thuật ở mỗi hoàn cảnh và môi trường cụ thể”3.

    3. Nghệ thuật điêu khắc

    Chùa Thanh Lương gắn liền với một truyền thuyết làm danh tiếng ngôi chùa lan tỏa khắp nơi. Đó là một cơ duyên khi vào ngày 24/12/2004, tại khu vực Hòn Dứa, thuộc biển Long Hải, thôn Mỹ Quang Nam, An Chấn, ngư dân phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm nên thỉnh ngài vào tôn trí ở chùa. Pho tượng cao 2,2m, ngang: 0,6m và nặng 74kg. Du khách thập phương có thể đến chiêm bái ngài tại “Quan Âm Linh Ứng Từ”. Đối với ngư dân, những người quanh năm ở nơi đầu sóng ngọn gió, thì việc pho tượng nổi lên ở biển là vô cùng linh thiêng. Do thế, tượng được tôn vinh là “Nam Hải Linh Ứng Quan Âm”. Với ước vọng cầu cho mưa thuận, gió hòa, bình an cho những lần ra khơi, những ngư dân ở đây gửi gắm niềm tin vào Quán Thế Âm Bồ Tát và họ gọi ngài một cách trìu mến là “Mẹ”. Quán Thế Âm Bồ Tát là một trong 4 vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại Thừa.

    Trên Chánh điện chùa, Ngài thường được tôn trí đứng bên cạnh Đại Thế Chí Bồ Tát và Đức Phật A Di Đà. Pho tượng bằng gỗ tốt nên ngâm trong lòng biển lâu năm vẫn còn nguyên hình hài, tuy nhiều chi tiết đã mờ đi và do hàu và các sinh vật biển bám vào. Tuy nhiên, dáng vẻ thanh thoát cho phép ta nhìn ra hình dáng ngài với tay nâng bình hồ lô, tay cầm cành liễu quen thuộc. Trên dải áo vẫn còn thấy rõ những nét khắc chìm hoa văn mềm mại. Kiểu thức hoa văn có nét tương đồng với các đồ án trang trí thời Nguyễn. Đó là kiểu thức “lan đằng” hay “triền chi” mềm mại với nhịp điệu như những con sóng trải dài từ trên xuống. Những thân mềm uốn lượn, xen kẽ các lá với những đường gân nhỏ kết hợp với các nụ hàm tiếu giàu tính trang trí. Những tiết tấu này cứ lặp đi lặp lại như một chu trình một vụ mùa của nền văn hóa lúa nước. Những vết bám của sinh vật biển vẫn còn in dấu trên pho tượng phải chăng cũng chứng cho “Hạnh nguyện từ bi, cứu khổ cứu nạn, sẵn sàng cứu vớt tất cả chúng sanh” sau bao nhiêu thời gian chìm dưới biển làm “nền” cho những loài san hô, làm nhà để các loài cá đến nương nhờ. Rồi một ngày ngài nổi lên khi nghe lời thỉnh cầu của chúng sinh, đúng như lời bộc bạch của Đại Đức Thích Quảng Ngộ: “Đưa cái hạnh nhẫn nhục và sự yêu thương của Bồ Tát Quan Âm được lan tỏa ra ngoài”.

    Để kỷ niệm sự kiện trên cũng như tôn vinh duyên hạnh của Quán Thế Âm Bồ Tát, chùa đã cho tạc pho tượng bằng bê tông cao 7m được khánh thành vào tháng 9 năm 2019. Tượng nổi bán thân giữa “hồ nước vô cực”. Tượng sơn một màu xanh xám như màu nước biển, rất thân thương với ngư dân chứ không tô màu vẽ mắt như ở các chùa khác. Chân dung ngài rất thanh thoát, thon dài, sống mũi thẳng với hai cánh mũi đầy đặn, đôi mắt đang nhìn xuống chúng Vườn tượng tôn trí 33 hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm sinh với nụ cười từ bi, nhân hậu. Tay phải nhô lên khỏi mặt nước thủ ấn “Cát tường”. Đây là pho tượng có bố cục độc đáo và chất lượng nghệ thuật cao, góp phần tạo nên không gian thẩm mĩ và “linh thiêng” cho cảnh quan của chùa. Từ ngày bức tượng xuất hiện, lượng du khách đến thăm viếng, chiêm bái Phật tăng dần lên. Chùa Thanh Lương trở thành một điểm đến, một không gian “Văn hóa Phật giáo” của Phú Yên.

    Ngay bên cạnh hồ Long Ẩn là khu vườn đặt 33 pho tượng các Pháp tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đây là một môi trường thanh tịnh tôn trí 33 hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát nhằm hướng tâm trí chúng sinh, Phật tử đến một không gian Thiền định. Các pho tượng được tạc bằng đá hoa cương xám với những nét chạm khắc tinh xảo đã tạo nên những dáng, thế rất đa dạng cũng như thể hiện các hình tướng nhân từ của ngài. Chân dung các pho tượng rất sống động, thị hiện pháp tướng vô số cơ duyên, biến hóa vô lượng thân hình để cứu độ chúng sanh.


Vườn tượng tôn trí 33 hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm (Ảnh: TTN)

    Đó là những pho tượng: Viên Quan Quán Âm, Du Hí Quán Âm, Bạch Y Quán Âm… với những nét mặt rất hoan hỉ và biểu cảm. Tỉ lệ tượng gần bằng người thật tạo cảm giác gần gũi, với cách tạo hình theo phong cách dân gian làm cho cả vườn tượng toát lên bầu không khí ấm áp và thân thiện, an ủi tâm hồn những kẻ hành hương đến nơi đây. Nhìn chung, vườn tượng góp phần mở rộng kết nối các không gian, làm tăng hiệu quả thẩm mĩ cũng như tính thiêng cho cảnh quan của ngôi chùa.

    4. Thay lời kết

    Là một phần thiêng liêng của đất mẹ Đại Việt, Tuy Hòa, Phú Yên đã đón nhận những đoàn người vào lập nghiệp. Từng xóm, ấp được lập lên và mở rộng bởi những đợt di dân. Cho dù họ có xuất phát từ đủ mọi nguồn cội khác nhau nhưng trong hành trang của mình luôn là quê hương xứ sở. Phật giáo chính là nơi họ gửi niềm tin và là điểm tựa đã vượt qua khó khăn của những cuộc mưu sinh. Những mái chùa mới được dựng lên chính là nơi gìn giữ các giá trị truyền thống và để vun đắp tình làng nghĩa xóm. Các giá trị kiến trúc, mĩ thuật truyền thống vẫn được bảo tồn, nhưng vẫn có những tiếp thu, sáng tạo để phát triển và phù hợp với môi sinh, môi cảnh. Kiến trúc, mĩ thuật Phật giáo ở nước ta vẫn có những bản sắc riêng không thể lẫn lộn với các quốc gia khác. Mỗi vùng miền lại góp thêm vào giá trị độc đáo, khu biệt, làm phong phú thêm cho nghệ thuật đình, chùa Việt. Chính “sự kế thừa truyền thống tiềm ẩn trong những giá trị tinh thần, còn hình thức biểu đạt lại mang đến sinh khí mới”4 để nghệ thuật vẫn trổ hoa, đơm trái góp phần làm giàu có cho kho tàng kiến trúc, điêu khắc của dân tộc Việt Nam. Chùa Thanh Lương ở Phú Yên là một trong số các ngôi chùa như thế.

 

 

 

Chú thích:
*Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.
1 Lưu Cương Kỷ, Phạm Minh Hoa (2002), Chu dịch và Mĩ học, Hoàng Văn Lâu dịch, NXB Văn hóa -Thông tin.
2 Thiện Tâm (2003), Điêu khắc môi trường, NXB Xây dựng.
3 Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên, 1992), Mĩ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, NXB Hội Nhà văn.
4 Trần Thanh Nam (2020), Điêu khắc trang trí kiến trúc thời Nguyễn (Dẫn liệu từ di sản cung đình Huế), NXB Mĩ thuật.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận