KHI TÊN NGƯỜI TRỞ THÀNH CHỦ ĐỀ ÂM NHẠC

Bài viết phân tích về nguồn cảm hứng lớn lao từ con người và tác phẩm ''Đặng Đình Hưng - một bến lạ'' để tên người trở thành chủ đề âm nhạc trong ''Năm thể nghiệm trên chủ đề DDH'' của Đặng Hữu Phúc và giá trị nghệ thuật độc đáo của tác phẩm. Từ nguồn cảm hứng đó, một giọng thơ đa nghĩa, đa chiều, đa tầng được họa bằng âm nhạc đa điệu tính, đa điệu thức, đa tiết tấu khi ''Năm thể nghiệm trên chủ đề DDH'' được Đặng Thái Sơn và Đặng Hữu Phúc công diễn đầy nghệ thuật và cảm xúc.

 

    - Chờ cho tan hết bụi đã.

    Piano-2 giơ tay ra hiệu cho Piano-1 sau tràng âm thanh ùng oàng bùng lên mịt mùng cả không gian. Những mảnh tạp âm lắng dần. Giữa thinh không bỗng lay động một giai điệu đơn độc u buồn: DDH…

    Tôi may mắn được đóng vai “kẻ thứ ba” xen vào cuộc “hẹn hò” mà hai tay đàn đã lên lịch từ nhiều tuần trước đó và được là khán giả duy nhất trong buổi đầu tiên tập Năm thể nghiệm trên chủ đề DDH của Đặng Hữu Phúc, với Piano-2 là chính tác giả và Piano-1 là người “đặt hàng”: danh cầm Đặng Thái Sơn. Ý tưởng lấy cảm hứng từ Đặng Đình Hưng - một bến lạ1 đã được nhen nhóm sau tin nhắn: “Nếu anh có hứng sáng tác một đoạn ngắn gần với tinh thần thơ của cụ, rồi mình diễn hôm đó. Sơn và anh đánh bốn tay”.

    Tôi cũng may mắn được tiếp xúc với bản nhạc trước đó vài tháng, được thấy tận mắt thể nghiệm thứ nhất vừa hình thành cho đến khi hoàn thiện cả năm thể nghiệm. Dù đã kịp săm soi từng câu từng nốt trên giấy nhưng lần đầu tiên được chiêm ngưỡng chân dung nhà thơ bằng âm thanh sống, tôi vẫn thấy bất ngờ và nổi gai ốc. Mọi chi tiết đương nhiên còn kỹ càng và hoàn hảo hơn trong buổi công diễn, vậy mà tôi vẫn muốn nhắc đến buổi tập đầu tiên đầy ấn tượng và thú vị!


Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc trong buổi công diễn Năm thể nghiệm trên chủ đề DDH, 20/01/2021 (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

    Điều thú vị dễ nhận thấy trước tiên: đây là tác phẩm duy nhất có chủ đề âm nhạc hình thành từ tên của hai cha con.

    Biến tên người thành chủ đề âm nhạc không phải là cách làm mới, từng có những tác phẩm sử dụng nét nhạc ứng với các chữ cái, như BACH (xi giáng - la - đô - xi) trong Những biến tấu cho dàn nhạc của Schönberg, như tổ hợp ba nét nhạc hình thành trên những chữ cái lấy từ tên “bộ ba thành Viên” - ADSCHEG (Arnold Schönberg), AEBE (Anton Weberr), ABA (Alban Berg) trong Concerto cho piano, violon và mười ba kèn hơi của Berg. Và còn được biết đến nhiều hơn trong lịch sử âm nhạc thế giới là Carnaval – tác phẩm nổi tiếng cho piano của Schumann, một trò đánh đố thú vị: các nhân vật mang mặt nạ trong lễ hội giả trang được mã hóa bằng những nét nhạc ghép bởi các chữ cái của một danh từ chung hoặc riêng – tên người hay tên thành phố (chẳng hạn motif SCHA là những chữ nhạc rút ra từ tên Schumann).

    Cũng như vậy, ba chữ cái đầu của tên nhà thơ Đặng Đình Hưng đã được “âm nhạc hóa” thành motif hạt nhân xuyên suốt tác phẩm DDH (rê-rê-xi). Và không dừng ở đó, còn có một điểm đặc biệt nữa là cách chuyển đổi tên người sang âm thanh không dựa trên chữ nhạc mà lại giải mã theo mối tương quan các hợp âm. Kiểu thiết kế này mang tính khái quát hơn, không đưa ra một đường nét giai điệu cụ thể mà tạo nên hiệu ứng màu sắc hòa thanh. Độc đáo và thông minh, thầy phù thủy Đặng Hữu Phúc đã “úm ba la” ba chữ cái đầu của tên danh cầm Đặng Thái Sơn thành chuỗi ba hợp âm có mối quan hệ D-T-S (Dominante - Tonique - Soudominante).

    Điều thú vị tiếp theo, sâu xa hơn, giàu cảm xúc hơn, đó là sự kết nối: một sự kết nối tình cảm giữa ba cá thể sáng tạo trên con chữ, nốt nhạc và phím đàn; một sự kết nối giữa thể nghiệm nhạc ở thập niên thứ hai thế kỷ XXI với thể nghiệm thơ của một thi nhân đã khuất từ thế kỷ trước. Phải là một người bạn vong niên thực sự gần gũi trong những năm cuối đời thi sĩ thì người nhạc mới có thể họa được chân dung người thơ xúc động như thế. Phải là người con suốt cuộc đời đau cùng nỗi đau của người cha và “tôi chỉ có một lựa chọn, chọn là con ngoan của bố”2 thì mới có thể chơi Năm thể nghiệm trên chủ đề DDH truyền cảm đến thế.

    Chơi trên những con chữ, tháo dỡ, đảo lộn, rải tung, lắp ráp, tái tạo, sắp đặt…, nhà thơ coi mình là người thể nghiệm, coi cuộc chơi chữ là những cơn thể nghiệm – “thể nghiệm là điều không nắm trong tay, không có thật”3 nhưng lại rất thật với lòng mình. Những con chữ được phiên dịch sang ngôn ngữ khác, một ngôn ngữ âm thanh đầy trí tuệ với sự chặt chẽ tính học thuật ở hai thể nghiệm đầu, giàu cảm xúc với những chấm phá ngẫu hứng mang tính trình diễn trong ba thể nghiệm giữa. Cách phát triển triệt để một nhân tố và sự tiết chế độ dài mỗi thể nghiệm (ba thể nghiệm giữa mỗi số chỉ vỏn vẹn từ một đến ba trang) làm tôi liên tưởng đến phong cách tối giản trong tranh và trong thơ Đặng Đình Hưng. Dễ bắt gặp lối sắp đặt khác lạ trong thơ ông: có khi thưa thớt đôi ba câu trong một trang, một hai từ trên một dòng; có khi đầu trang đơn độc mỗi chữ “bạn”, rồi một khoảng trống trơn…, cuối trang mới thả rơi một “hòn cuội”4. Khoảng trống trên giấy trắng vẫn là thơ. Khoảng lặng trong tổng phổ vẫn là nhạc.

    Để khám phá những thú vị ẩn sâu trong bức chân dung âm nhạc DDH, có lẽ chẳng cách nào hơn là bạn hãy cùng tôi làm một “thử nghiệm”: lắng nghe cả Năm thể nghiệm bằng “âm thanh bên trong”, bằng óc phân tích và trí tưởng tượng.

    N1 Ostinato tô đậm hình tượng thi sĩ bằng cách cho chủ đề chính trình tấu ở Piano-1 tới 5 lần, mỗi lần bao gồm 4 lượt phát triển một tiết nhạc ngắn, mỗi tiết nhạc lại 3 lần vang lên âm điệu mang tên thi sĩ. Nếu tỉ mẩn làm chuỗi phép tính nhân, rồi cộng thêm số lượt xuất hiện trong mấy nhịp kết và trong phần Piano-2 nữa, thì nhân vật chính được gọi tên cả thảy trên 100 lần. Quá súc tích, quá tiết kiệm chất liệu âm nhạc! Kỹ năng biến hóa một motif hạt nhân đầy sáng tạo ở người viết, và đương nhiên cả tài biểu hiện tinh tế đa dạng ở người chơi, đã làm cho tính trì tục ngoan cố của thủ pháp ostinato được phủ thêm lượt màu mới trong mỗi lần lặp lại.

    Lần 1 (các nhịp 1-10) vang lên ở Piano-1 chỉ lẻ loi một bè giai điệu. Đầu và cuối tiết nhạc thứ nhất (các nhịp 1-3) đều là “d-d-h”. Những lần còn lại dịch chuyển sang cung bậc khác và chỉ trở về cao độ “d-d-h” ở cuối tiết nhạc. Motif “d-d-h” còn được Piano-2 đáp lại mơ hồ, mong manh như tiếng vang (echo) từ xa xăm vọng về.

    Lần 2 (các nhịp 10-19) ra mắt nhân tố mới: ba hợp âm DTS. Như đã nói trên, motif mang tên Đặng Thái Sơn hình thành không từ ký hiệu nốt nhạc mà là ký hiệu công năng hòa thanh: Dominante (bậc V) ứng với hợp âm rê trưởng, Tonique (bậc I) - son trưởng, Soudominante (bậc IV) - đô trưởng. Hai chủ đề, hai màu sắc trưởng - thứ hòa vào nhau (polytonale). Sự hiện diện của con đã làm sáng lên và ấm hơn không gian quanh cha, khỏa lấp khoảng trống cô quạnh trong cha.

    Lần 3 (các nhịp 19-28) có sự đảo bè trong mối quan hệ cha và con: DTS được chuyển từ âm khu cao hơn xuống thấp hơn, nhường chỗ cho hai yếu tố mới đều xuất phát từ hạt nhân “d-d-h”, đó là âm thanh gay gắt như cú đấm định mệnh của số phận và nét lướt êm dịu từ âm vực cao.

    Lần 4 (các nhịp 28-37) bất an hơn do những thay đổi về âm lượng và mật độ nốt. Chủ đề chính ở tay trái Piano-1 được cài cắm chi chít những nốt phụ biến âm. Piano-2 vẫn duy trì chùm hợp âm DTS và chùm âm thanh chát chúa của định mệnh.

    Lần 5 (các nhịp 37-46) tiếp tục đẩy sự căng thẳng lên âm vực cao hơn, dẫn tới cao trào tác phẩm. Tất cả khép lại trong năm nhịp kết trên hai motif cha và con cho đến phút chót vẫn không thoát khỏi tiếng gõ phũ phàng của định mệnh.

    N2 được giải phóng khỏi nhịp điệu. Trong 20 nhịp ngắn gọn, chủ đề DDH vang lên nguyên vẹn ở âm vực cao và nhắc lạirút ngắn ở âm vực thấp dần. Bằng kỹ thuật vê đều từng nốt nhạc (trémolo) trong âm lượng rất nhỏ (ppp) ở Piano-1, hình ảnh DDH bồng bềnh trôi giữa cao xanh rồi đáp dần xuống từng bậc, từng bậc… để cuối cùng chìm sâu vào cõi riêng. Ngược lại, Piano-2 thô bạo hết hăm dọa bằng những tiếng ầm ì không xác định cao độ, lại rượt đuổi theo chuỗi âm chồng hai thang âm ngũ cung trên phím trắng và phím đen, quay cuồng từ âm vực trầm nhất đến cao nhất, từ âm lượng nhỏ nhất đến to nhất (ppp-fff), điểm thêm những cú dập bằng cả cánh tay hay hai lòng bàn tay.

    Từ sự tương phản tính cách và cường độ giữa hai piano, bỗng như nghe đâu đây tiếng nói lạc lõng của thi sĩ trước sấm sét cuộc đời, như thấu hơn sự bình thản dửng dưng trước mọi ồn ào thị phi để thiền trong cõi lặng lòng mình, như nhập vào cuộc đối thoại phân thân giữa thi nhân với cái “tôi la mã hai”5: “Tôi và tôi/ Nói khác đi, là tôi/ sinh đôi”6.

    “Tự nhiên nhớ đến “Hai người Do Thái: giàu và nghèo” trong Những bức tranh trong phòng triển lãm của Mousorgsky” - Tôi xen vào. “Sơn là người nghèo, còn ông Phúc người giàu” - Sơn đế thêm.

    Song, ngẫm lại thì đây không hề là sự run rẩy của con người kiêu hãnh bị dồn vào thế yếu mà không hề yếu thế. Nếu tiếng vê triền miên trên chủ đề DDH tạo ra hiệu ứng vo ve ruồi nhặng dai dẳng bám riết lấy thi sĩ thì mặc cho tai vạ oan trái “đầy nhà vang tiếng ruồi xanh” (Kiều), thi sĩ đã rũ bỏ hết cuồng phong bụi trần, lặng lẽ “xuống hầm” trầm mình trong bến lạ, nói cách khác là chui vào tổ kén nhả tơ, cho mình luôn trọn là mình trong thế giới “siêu hầm”7, nơi chứng kiến và cất giấu những cơn thể nghiệm siêu thực.

    N3 cô đọng trong năm ô nhịp không nhịp điệu. Dòng thác âm thanh ở Piano-1 hình thành từ motif DTS đổ từ âm khu cực cao xuống cực thấp, âm lượng thay đổi pp-fff-pp; rồi lại dội ngược từ cực thấp lên cực cao với cường độ tăng dần pp-fff. Piano-2 xen vào thoáng chút không khí hội hè qua giai điệu ngũ cung “đất thấp ông giời thời cao” (lấy từ điệu Trống quân: “Ở đây đất thấp trời cao/ ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời”). Lại motif “d-d-h” kết thúc bằng cú đấm dữ dội ở âm vực trầm, âm lượng lớn theo nhịp trống ngũ liên: “Lỡ rồi! thùng thùng trống đánh ngũ liên”8… Được tiếp sức từ cội nguồn dân gian, từ năng lượng tỏa sáng của DTS, thi sĩ đã dồn hết sinh lực, dõng dạc lên tiếng trong cuộc vận lộn cuối cùng nơi cõi trần bụi bặm.

    Một chiếc thước to được đặt lên khu vực dây trầm nhất của Piano-2, thế là cả N3 bùng lên âm thanh va đập xập xèng như tiếng chập cheng chũm chọe, có lúc lại loảng xoảng giật mình ngỡ đàn đứt dây. Chắc vì thế mà tác giả đã không đưa hiệu ứng lễ hội này vào buổi công diễn.

    N4 đặt toàn bộ chủ đề chính vào Piano-2 trong âm sắc mới nhờ sự cộng hưởng hòa thanh hoàn toàn ngẫu nhiên với phần trì tục của Piano-1, một âm nền kiên trì tua đi tua lại bốn nhịp đầu trích từ chương Marche funebre trong Sonate N2 của Chopin. Trên nhịp đi đều đặn với tốc độ không đổi của hành khúc tang lễ, chủ đề DDH hoàn toàn tự do bay lượn, đưa linh hồn đã được giải thoát khỏi mọi trói buộc trần thế về cõi vô biên.

    N3N4 không tách rời nhau, có lẽ gắn với sự kiện chấn động giới nhạc toàn cầu năm 1980: chiến thắng tuyệt đối tại Concours Chopin của Đặng Thái Sơn. Chopin đã giúp con giành lại cha từ bàn tay tử thần, giúp ông hồi sinh để tiếp tục “vẽ chữ”, “nhập cơn”9 thêm 10 năm, cho đến khi… Không phải vô cớ mà cuộc tiễn biệt có mặt Chopin.

    N5 Fuga đầy tính phức điệu ngay từ tên gọi. Chủ đề DDH được trần thuật theo mối quan hệ quãng 5 tạo nên các mắt xích S-T-D, mỗi khi lặp lại đều biến đổi, dồn dập và căng thẳng hơn.

    Ngược xuôi, ngang dọc trong thơ vô số đường cong, vạch thẳng, góc nhọn, tam giác, hình tròn, hình thang, hình vuông, chữ nhật… Buồn vui, khóc cười trong thơ cùng những alfa, beta, gamma, mega, têta... Một người sắc sảo thông minh, có đầu óc khoa học, luôn ám ảnh các khái niệm toán học hẳn rất thích hợp với những thủ pháp phức điệu được tính toán kỹ lưỡng, với những thuật ngữ mô tiến, phóng to, thu nhỏ, đảo ảnh… Đặc biệt, cái gương được nhắc đến không ít lần: “Mỗi gầm jường cứ là một mảnh cái gương” và “Tôi soi thử/ Quả nhiên có một thằng tôi trong đó”10. Chủ đề DDH không chỉ được soi gương, thổi phồng, nén chặt, mà những ảo ảnh phân thân biến dạng trên tiết tấu khác nhau còn đuổi bắt và chồng chéo lên nhau tạo nên hiệu quả đa tiết tấu (polyrythm).

    Sau những đợt sóng dồn dập đuổi nhau chồm lên nhau, bảy nhịp kết nhấn mạnh chỉ duy nhất motif “d-d-h” trong cường độ lớn fff với các bè có trường độ khác nhau: móc kép, móc đơn, nốt đen, đen chấm dôi. Vẫn là ông, DDH, kiên định trong khối âm thanh đa tầng, dày đặc. Vẫn là ông, DDH, cô đơn trong ba nốt nhạc cuối cùng thì thầm, trầm mặc.

    Không ổn định và không khẳng định hợp âm chủ hay điệu tính chính, một cái kết buông lơi lửng lơ, không đặt dấu chấm khép lại câu chuyện buồn mà mở ra dấu ba chấm gieo mầm trùng trùng duyên khởi để tái sinh một sự sống cao hơn nghĩa đen của từ sống, “một nắm hột khuya zắc vào bến lạ”11.

    Một giọng thơ đa nghĩa, đa chiều, đa tầng được họa bằng âm nhạc đa điệu tính, đa điệu thức, đa tiết tấu… Tả bằng lời bức chân dung âm thanh như thế, với tôi chẳng dễ dàng chút nào nhưng hi vọng sẽ không vô ích với bạn, dù bạn đã nghe hoặc chưa có dịp biết đến một món quà có một không hai của nhạc sĩ họ Đặng tặng cho hai cha con họ Đặng: một thi sĩ và một nghệ sĩ.

 

 

 

Chú thích:
1 Sách thơ - họa Đặng Đình Hưng - một bến lạ (NXB Hội Nhà văn, 2020) và duo piano Năm thể nghiệm đều ra mắt trong buổi tưởng niệm 30 năm Ngày mất của thân phụ Đặng Thái Sơn tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/01/2021.
2 Lời phát biểu của Đặng Thái Sơn trong buổi tưởng niệm nhà thơ Đặng Đình Hưng, ngày 20/01/2021.
3, 4, 5, 6, 8 Đặng Đình Hưng - một bến lạ, Sđd, tr. 296 (Ô mai), tr. 25 (Thơ 1958-1959), tr. 188 (Cômik), tr. 94 (Lirik), tr. 16 (Thơ 1958-1959).
7 “Xuống hầm”, “siêu hầm” là những từ lặp lại nhiều trong thơ Đặng Đình Hưng.
9 “Vẽ chữ”, “nhập cơn”: là những từ trong thơ Đặng Đình Hưng.
10 Đặng Đình Hưng - một bến lạ, Sđd, các tr. 177, 181 (Cômik). Từ “jường” giữ nguyên chữ j của nhà thơ.
11 Đặng Đình Hưng - một bến lạ, Sđd, tr. 259 (Bến lạ). Từ “zắc” giữ nguyên chữ z của nhà thơ.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận