XIẾC VIỆT NAM PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

Từ việc tổng quan về nghệ thuật xiếc trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay, bài viết đưa ra những phương án, giải pháp để bảo tồn đặc trưng của xiếc, giữ cho xiếc phát triển mà không rời xa những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc.

    Vài thập niên gần đây, đặc biệt là ở giai đoạn hiện nay, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã có những thay đổi lớn. Xiếc không tự co lại trong những tiết mục nhỏ lẻ vốn là truyền thống của ngành mà đã mở rộng, đón nhận các nghệ thuật biểu diễn khác để đổi mới, thu hút công chúng như một cách để chống lại khủng hoảng khán giả kéo dài khá lâu nay. Theo tiết lộ của NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, doanh thu của đơn vị trong năm 2023 đã lên tới 12 tỉ dù còn ngót một quý nữa mới hết năm. Con số đó cũng nói lên phần nào những cố gắng hết mình của các nghệ sĩ để đến với khán giả. Nhưng từ những thay đổi này, vẫn cần có sự thận trọng nhất định để duy trì đặc trưng nghệ thuật xiếc, để xiếc đổi mới phát triển mà không biến hình thành thể loại nghệ thuật khác.

    Có lẽ bắt đầu từ khá sớm, ngành xiếc đã có giai đoạn bị khủng hoảng khá nặng nề. Chưa cần thực hiện khảo sát khoa học công phu cũng có thể nhận thấy, nghệ thuật xiếc nước ta từ cuối thế kỷ trước vắt sang những năm đầu của thế kỷ XXI rơi vào khủng hoảng khán giả trầm trọng. Đã qua rồi thời kỳ phồn vinh của xiếc Việt Nam, khi mỗi lần biểu diễn thì cả rạp tưng bừng như ngày hội, khán giả nô nức kéo tới chật kín khán phòng như khoảng thời gian chừng hai thập niên sau chiến thắng mùa xuân năm 1975. Sau thời kỳ phồn thịnh đó, nghệ thuật xiếc rơi vào cảnh thoái trào, khủng hoảng… Mức độ của sự khủng hoảng ngày càng gia tăng theo chiều thời gian và theo đà quán tính. Tìm hiểu hoạt động của mạng lưới các rạp xiếc trên cả nước hơn một thập niên đầu của thế kỷ XXI, càng củng cố thêm tính xác thực của nhận định khái quát trên. Tâm điểm của sinh hoạt biểu diễn xiếc là Thủ đô Hà Nội với Rạp Xiếc Nhà bạt bề thế vào hàng bậc nhất nhì khu vực Đông Nam Á, nơi Liên đoàn Xiếc Việt Nam thường xuyên biểu diễn. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh là sân khấu tròn nằm bên công viên đối diện Nhà thờ Huyện Sĩ, nơi Đoàn Xiếc Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động, từng là nơi thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả, đặc biệt là các bộ phận thiếu nhi ở độ tuổi nhi đồng từ mầm non đến học sinh tiểu học. Những năm gần đây, lịch biểu diễn hàng tuần của hai địa điểm trên (là địa điểm biểu diễn của hai đơn vị tiêu biểu ngành xiếc) càng lúc càng phải thu hẹp lại vì lượng công chúng ngày càng giảm. Các đơn vị có quy mô nhỏ hơn ở các tỉnh thành lớn như Đoàn Xiếc Hà Nội, Đoàn Xiếc Hải Phòng, Đoàn Xiếc Hải Dương... ở Miền Bắc và các đoàn xiếc ở các tỉnh thành phía Nam như Đoàn Xiếc Đồng Nai, Đoàn Xiếc Long An… tình trạng không duy trì được hoạt động biểu diễn thường xuyên cũng đang ở mức báo động. Sự thiếu vắng khán giả là nguyên nhân khiến một số đơn vị từng vang bóng một thời như Đoàn Xiếc Hải Dương, Đoàn Xiếc Hải Phòng, Đoàn Xiếc Đồng Nai… buộc phải giải thể.

    Thực tế ngành xiếc thiếu vắng khán giả đã khiến cơ quan quản lý ngành là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương, nơi quản lý các đơn vị xiếc lo lắng. Đó là chưa tính tới những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp với toàn bộ giới nghệ sĩ xiếc một cách sâu sắc, làm nảy sinh vấn đề: Nghệ thuật xiếc Việt Nam tồn tại hay không tồn tại? Bị dồn tới chỗ sinh tử, ngành xiếc buộc phải đặt vấn đề có tính tích cực và cũng thiết thực, cụ thể hơn là: Nghệ thuật xiếc tồn tại như thế nào trong bối cảnh công chúng đang xa lánh nó?

    Nguyên nhân tự thân của xiếc khiến việc có tiết mục mới là rất khó khăn, lại thêm áp lực từ sự cạnh tranh mạnh mẽ trong xã hội hiện đại, xiếc Việt Nam không còn tạo được nhiều sức hấp dẫn với công chúng. Quá trình tìm tòi hướng đi cho nghệ thuật xiếc Việt Nam trong hoàn cảnh mới, phải đối mặt với nhiều khó khăn phức tạp và nan giải, đã nảy sinh những xu hướng nghệ thuật xiếc tập trung vào mục tiêu cụ thể là làm thế nào tăng sức hấp dẫn của xiếc với công chúng. Tính hấp dẫn ở đây không chỉ có ý nghĩa như tác động tương tác, thu hút lẫn nhau mang tính phổ quát của mọi hiện tượng tự nhiên và xã hội mà hẹp hơn, tập trung vào sức lôi cuốn của các “sản phẩm tinh thần đặc biệt” kết tinh của lòng say mê và khả năng sáng tạo của con người. Có thể thấy ý hướng của các đơn vị nghệ thuật xiếc Việt Nam, của giới nghệ sĩ xiếc Việt Nam khao khát đi tìm cái mới cho tiết mục xiếc để đánh vào thị hiếu chuộng cái lạ của công chúng là một nỗ lực mang tính khả thi, nếu không nói là một giải pháp nghệ thuật nhằm cải thiện tình trạng nghệ thuật xiếc đang khủng hoảng vì thiếu vắng khán giả.

    Bởi lẽ, bản chất nghệ thuật là hoạt động mang tính sáng tạo của con người, luôn là quá trình sáng tạo ra cái mới để một mặt, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi được thưởng thức tiết mục, tác phẩm mới của công chúng. Mặt khác, tìm tòi cái mới được xem như là lẽ sống, là lý do tồn tại của nghệ thuật, là dấu hiệu, thước đo sự vận động, sự phát triển của nghệ thuật. Là phép thử để phân biệt tác phẩm nghệ thuật đích thực với cái gọi là tác phẩm nghệ thuật - giả nghệ thuật, thứ sản phẩm nhái, có vẻ như là đem lại cái mới nhưng thực tế chỉ là sự sao chép, biến tướng của cái cũ, hoặc là phiên bản của cái mới đã được công bố ở đâu đó, nay được sao chép khác đi ít nhiều nên vẫn là cái cũ.

    Nghệ thuật xiếc vốn mang tính đặc thù cao, liên quan đến khả năng có giới hạn của người nghệ sĩ biểu diễn xiếc, luôn đối diện với một thực tế nghiệt ngã. Để đảm bảo yêu cầu của một loại hình nghệ thuật giống như tất cả các hình thức nghệ thuật khác, xiếc bắt buộc phải luôn tạo ra cái mới để thỏa mãn đòi hỏi của khán giả để có thể duy trì hoạt động nghệ thuật khi được công chúng yêu thích tìm tới. Như đã trình bày, bản thân loại hình xiếc lấy cái phi thường, kỳ lạ, độc đáo làm đặc trưng, nhưng khi tự lặp lại, trình diễn những tiết mục cũ, sẽ không còn gây được cảm giác kỳ lạ, độc đáo, phi thường và vì vậy mất đi đặc trưng loại hình. Mặt khác, với bản thân nghệ thuật xiếc xưa nay, để tạo ra cái hoàn toàn mới, cái chưa từng có là điều thiên nan, vạn nan. Thậm chí, nếu chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà đưa ra yêu cầu phải tạo ra được những tiết mục xiếc mới, nghĩa là sáng tạo ra những tiết mục xiếc chưa từng có, thì đó là điều bất khả thi.

    Vì vậy, để có thể đổi mới trong nhu cầu sáng tạo tự thân của lao động nghệ thuật cũng như để đáp ứng đòi hỏi của người thưởng thức, xiếc hiện đại đã tìm ra hướng giải quyết nằm trong dòng chảy chung của những đổi thay đang diễn ra như một hiện tượng phổ biến trên thế giới của văn học nghệ thuật hiện đại: xu hướng thâm nhập vào nhau nhằm phá vỡ ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật. Trước đây giữa các thể loại, loại hình nghệ thuật luôn đặt ra đòi hỏi về sự thuần khiết thể loại, không chấp nhận sự đan xen giữa các thể loại, loại hình nghệ thuật và là yêu cầu bắt buộc, có tính nghiêm ngặt. Nhưng cùng với thời gian, yêu cầu này càng lúc càng được nới rộng, dẫn đến chỗ chấp nhận việc phá vỡ ở mức độ nào đó ranh giới thể loại.

    Sự thâm nhập giữa các thể loại ngày càng gia tăng về mức độ và phổ biến rộng rãi khi được coi là dấu hiệu của sự tìm tòi, đổi mới, cách tân trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và chiếm lĩnh sâu hơn đời sống hiện thực. Xu hướng này không phải gần đây mới xuất hiện trong một số loại hình nghệ thuật mà đã có mầm mống từ lâu trong lịch sử nghệ thuật thế giới cũng như ở Việt Nam. Lý luận mĩ học, nghệ thuật học đã đề cập đến hiện tượng vào thời kỳ manh nha của nghệ thuật nhân loại, trong quá khứ xa xưa của lịch sử, ngay cả ranh giới giữa lĩnh vực nghệ thuật và phi nghệ thuật, cận nghệ thuật cũng còn chưa được xác lập một cách rõ ràng. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là tính hỗn đồng của văn hóa nguyên thủy.

    Tình trạng pha trộn, đan xen giữa các hình thức ý thức như triết học, sử học với các loại hình nghệ thuật như hiện tượng phối hưởng giữa âm nhạc, vũ đạo, văn học, trình diễn sân khấu… là hiện tượng phổ biến ở nhiều cộng đồng người trên thế giới trong một thời kỳ lịch sử xa xưa. Theo dòng của tiến hóa cũng như sự phát triển của sinh hoạt xã hội, ý thức xã hội, sự chuyên môn hóa các hoạt động tinh thần của con người đã tiến đến việc tách biệt ranh giới giữa khoa học với nghệ thuật và ngay trong các ngành nghệ thuật cũng đã phân loại giữa các loại hình trong nghệ thuật. Khi đã có sự phân định rạch ròi thì sự đan xen, pha trộn giữa các hình thức trên đây tuy không còn là phổ biến như trước nhưng không hoàn toàn mất đi mà vẫn thầm lặng tồn tại dưới những hình thái khác nhau, tất nhiên, mức độ mờ nhạt hơn. Và khi thực tế nảy sinh những hoàn cảnh, những điều kiện nhất định sẽ thúc đẩy việc tái xuất hiện tình trạng hòa trộn này dưới những biểu hiện, mà cao hơn là xuất hiện hình thái mới. Đó là nguyên nhân sâu sa của hiện tượng thâm nhập vào nhau, hay ít ra cũng là biểu hiện sự tương tác, ảnh hưởng giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau như là nỗ lực của người nghệ sĩ trong mục đích cách tân, đổi mới một loại hình nghệ thuật, hướng tới nâng cao khả năng thể hiện và tác động truyền cảm của hình thức nghệ thuật đó.

    Nghệ thuật xiếc đã phát triển theo xu hướng tổng hợp, dung nạp thêm các loại hình khác để nỗ lực thử nghiệm xây dựng kịch xiếc, cải lương kết hợp xiếc và rock và xiếc để làm mới, đa dạng và phong phú hơn cho ngôn ngữ loại hình.

    Các nghệ sĩ hiện đại thay vì biểu diễn những tiết mục, trò diễn xiếc đơn lẻ vốn có từ khi hình thành nghệ thuật xiếc, đã kết hợp những tiết mục truyền thống với nhiều hình thức nghệ thuật khác như kịch, kịch hình thể, kịch câm, ballet… Từ sự pha trộn ban đầu đó, dần dần, các nghệ sĩ xiếc đã đưa thêm những yếu tố mới để giao lưu, lôi cuốn khán giả như ca, múa, nhạc, kịch, kết hợp phục trang, hóa trang để thông qua buổi diễn, kể lại một nội dung cốt truyện cụ thể. Sự kết hợp các hình thức nghệ thuật khác, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu với các động tác đầy tính phi thường, kỳ lạ, độc đáo của ngôn ngữ xiếc nhằm thể hiện một nội dung xuyên suốt nào đó đã làm cho xiếc hiện đại sinh động hơn, hấp dẫn hơn và bớt dần sự cũ kỹ, đơn điệu khi trình diễn những trò xiếc đã có nhiều trăm năm tuổi.

    Theo dõi hoạt động của xiếc hiện đại cho thấy, đi từ những tiết mục nhỏ lẻ quen thuộc từ nhiều trăm năm tiến đến hình thức kịch, cải lương với xiếc, thậm chí trở thành buổi biểu diễn live của âm nhạc rock… ngôn ngữ nghệ thuật xiếc đã biến đổi đáng kể, khi dung nạp thêm các yếu tố mới để tạo bước ngoặt phát triển, đáp ứng được đòi hỏi ngày một cao của công chúng. Điều này tỏ ra phù hợp với thực tế xiếc Việt Nam, một quốc gia mà xiếc chưa vươn tới trình độ phát triển cao trong tương quan với dòng chảy chung của nghệ thuật xiếc thế giới. Đây là một cách ứng xử mang đậm cốt cách của bản sắc văn hóa dân tộc, mà các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa học hàng đầu nước ta như PGS Phan Ngọc, GS Trần Quốc Vượng, PGS Trần Đình Hượu, GS, TS Phạm Đức Dương trong các công trình nghiên cứu về văn hóa đã nhất trí cho là cách ứng xử dung hòa để dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh không thuận lợi. Có thể tìm thấy biểu hiện có tính chất dung hòa, uyển chuyển này của các đơn vị nghệ thuật xiếc Việt Nam khi giải bài toán khó: tìm cách thể hiện mới để kết nối các tiết mục xiếc truyền thống nhằm nâng cao tính hấp dẫn khi các nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật xiếc không đặt ra nhiệm vụ quá sức mà tập trung nỗ lực thực hiện những điều khả thi, tránh sa vào tình trạng duy ý chí, đòi hỏi có ngay những tiết mục hoàn toàn mới, chưa từng có trong nghệ thuật xiếc dân tộc nói riêng, xiếc nhân loại nói chung. Các nghệ sĩ xiếc đã tìm được ý tưởng thực tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam: xây dựng những tiết mục mà nhân tố mới chỉ là sự bổ sung, đem thêm cái lạ vào những tiết mục đã trở nên quá quen thuộc để tạo ra ấn tượng không lặp lại, ít nhiều gây được sự thích thú do được tiếp xúc với cái lạ và phần nào là cái mới trong khuôn khổ nhất định.

    Kịch xiếc Việt Nam đương đại đã có một số tiết mục bước đầu đi vào quỹ đạo của kịch xiếc, tuy chất lượng nghệ thuật khác nhau như Thạch Sanh, Đám cưới chuột, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Cuộc phiêu lưu trên hoang đảo, Lạc Long Quân - Âu Cơ, Romeo và Juliet… thì vẫn còn những tác phẩm dù thành công về hiệu quả lôi cuốn khán giả như Cậu bé rừng xanh thì lại lạc sang hình thức tạp kỹ, chứ không còn giữ gìn được âm hưởng chủ đạo của xiếc. Hoặc Làng tôi, một tác phẩm đạt được đẳng cấp nghệ thuật cao nhưng lại thuộc về dòng phát triển mới của xiếc hiện đại chứ không hoàn toàn là kịch xiếc. Nhưng dù sao, ở đó vẫn thấy sự chủ đạo của xiếc.

    Gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã rất tích cực tìm kiếm sự hợp tác để có những vở cải lương xiếc như Cây gậy thần, Thượng thiên thánh mẫu… hay gần nhất là chương trình rock và xiếc cùng đồng diễn ở Thiên thần lên núi. Nếu như các chương trình cải lương kết hợp với xiếc vẫn khá gần với các tác phẩm kịch xiếc khi dùng hình thức cải lương và xiếc diễn kể các tích truyện mang tính thần thoại, huyền thoại của văn hóa folklore Việt Nam thì chương trình live rock kết hợp xiếc lại có phần khiến người yêu xiếc lo ngại bởi xiếc đã “bay màu” khá nhiều nét đặc trưng riêng có ở loại hình này, trở thành yếu tố minh họa cho một hình thức âm nhạc mang tính trẻ trung, có phần nổi loạn như rock.

    Với cải lương, câu chuyện tình cảm động giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong truyện cổ tích Sự tích đầm Dạ Trạch hay những lần hạ phàm của Liễu Mẫu Hạnh đã được thể hiện khá tốt ở cả hai chương trình này. Tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã dành nét mềm mại, trữ tình, ước lệ cho những màn thể hiện tình yêu đôi lứa của Chử Đồng Tử và Tiên Dung ở vở Cây gậy thần, sự giao lưu giữa những con người chân thật, tình cảm, hay những màn thể hiện tình yêu, sự cảm thông với trần thế, với con người vốn còn phải đấu tranh để sinh tồn… của Mẫu Liễu Hạnh (vở Thượng thiên thánh mẫu). Các mảng miếng, những làn điệu tinh hoa của cải lương như các điệu lý, các câu vọng cổ các lớp diễn trữ tình được đạo diễn cải lương, NSND Triệu Trung Kiên khai thác triệt để. Nhưng sự biến hóa thần thông, phép lạ… thì lại phải chờ vào những màn ảo thuật, đu dây, bay bổng của xiếc… Nghệ thuật xiếc với những những trò diễn mang tính ly kỳ, hấp dẫn như bay trên không, ảo thuật nâng người, xoay người trên trục của đạo diễn xiếc Tống Toàn Thắng đáp ứng được yêu cầu mang tính huyền thoại về phép thuật cho các nhân vật bán tiên như Chử Đồng Tử và Tiên Dung, nhất là của vị Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Những tình huống biến hóa bất ngờ của cả hai câu chuyện như cảnh tình yêu của vợ chồng Chử Đồng Tử-Tiên Dung rồi cảnh Thánh Mẫu bay về trời, dùng phép thuật để trừng trị kẻ ác… đã được nghệ thuật xiếc hỗ trợ tối đa, giúp cải lương kể câu chuyện về Thánh Mẫu chân thực, trực quan hơn và giàu tính nhân văn, hướng thiện, giáo dục con người tu nhân tích đức, sống có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, dân tộc… NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn của cả hai chương trình này nhận định, vở diễn là sự cộng hưởng của hai ngôn ngữ nghệ thuật đã giúp vẻ đẹp của từng loại hình nghệ thuật được tôn lên. Nếu chỉ đơn thuần là cải lương, những màn hạ thế, thăng thiên của Thánh Mẫu sẽ phải dùng phương pháp ước lệ, tượng trưng, nhưng nhờ xiếc, những cảnh diễn đó đã được tái hiện đầy hấp dẫn, sống động và thuyết phục. Ở chiều ngược lại, mạch tiết tấu của cải lương cũng trở thành cái cớ đầy thuyết phục để những trò diễn như nhào lộn, thăng bằng, tung hứng, đu bay… của xiếc được phô diễn một cách hợp lý và có chiều sâu. Cùng với đó, không gian, thời gian đã được sắp xếp khéo léo khiến câu chuyện được diễn kể vì thế càng trở nên duyên dáng, tự nhiên.

    Sự kết hợp giữa cải lương với những kỹ thuật tiên tiến, với xiếc không phải là mới mẻ vì những năm giữa thế kỷ XX, đã có những đơn vị cải lương thực hiện. Nhưng với quy mô hoành tráng khi nghệ sĩ của cả hai Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam cùng tham gia, có tinh thần tự giác kết hợp dưới sự chỉ đạo của những đạo diễn có ý thức rõ ràng về sáng tạo hình thức biểu diễn mới, mở rộng khả năng diễn tả của tác phẩm… đã đem tới một sự đan quyện, bổ trợ với nhau tương đối tốt, đánh thức được cảm nhận mới mẻ của công chúng. Sự kết hợp khéo léo, tài tình giữa nghệ thuật cải lương, kỹ năng diễn xiếc cùng với hiệu ứng công nghệ, âm thanh, ánh sáng… đã mang đến những đêm diễn hấp dẫn, ấn tượng với công chúng, điều mà nếu chỉ đơn thuần nghệ thuật cải lương hay xiếc sẽ khó mà thể hiện được. Cùng với sự đầu tư khá công phu về trang phục với chất liệu, đường may thêu kỳ công, âm thanh ánh sáng, cảnh trí khá lộng lẫy, những màn múa rất đẹp cùng những làn điệu cải lương… tạo được cảm tình đồng thuận khá rõ với người thưởng thức. NSND Lưu Phúc, nghệ sĩ cống hiến cả cuộc đời cho xiếc khi nhận xét về vở Cây gậy thần đã đánh giá: “Sự kết hợp giữa hai loại hình sân khấu trong Cây gậy thần đã phát huy được ưu thế nổi trội của từng loại hình, đây là xu hướng dàn dựng hiện đại rất đáng khích lệ. Vẫn tiết mục dây lụa của xiếc nhưng đứng riêng lẻ thì hiệu quả không thể tuyệt vời khi đưa vào nội dung và có sự kết hợp của cải lương. Sẽ dễ dàng cảm nhận sự thành công khi chứng kiến những tràng pháo tay vang dội từ người xem cho những khoảnh khắc kết hợp đầy thăng hoa trong nghệ thuật khi hai cặp nghệ sĩ cải lương và xiếc cùng hình tượng Chử Đồng Tử-Tiên Dung và thực hiện động tác đu dây lụa”.

    Gần nhất, chương trình Thiên thần lên núi, rock và xiếc cũng đã thể hiện được sự sôi động, đầy tính hiện đại khi loại hình âm nhạc vô cùng sôi động, náo nhiệt và cũng là hình thức âm nhạc được giới trẻ rất yêu thích cùng xuất hiện với xiếc. NSND Tống Toàn Thắng và ban nhạc rock Ngũ Cung cùng nhau tạo dấu ấn trong lần phối hợp rất táo bạo này. Khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đã cổ vũ nồng nhiệt, reo hò sôi nổi theo từng tiết mục được dàn dựng. Để đạt đến độ thăng hoa trên sân khấu là sự nỗ lực đầy khâm phục của lực lượng diễn viên thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam với các tiết mục biểu diễn trên nền âm nhạc rock Việt. Những bài hát quen thuộc như Hành khúc ngày và đêm, Lá đỏ, Yêu… hay hát chầu văn Cô Đôi Thượng Ngàn trên nền nhạc rock và kết hợp với các tiết mục xiếc khá hoàn hảo về kỹ năng kỹ xảo như Nhào lộn trên không, Sức mạnh và quay thảm nghệ thuật, Đu son, Vòng xoay mạo hiểm… đã cuốn hút khán giả, khiến cả nhà tròn hò reo cổ vũ cho các ca sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ xiếc trong lần đầu tiên xiếc kết hợp với nhạc rock.

    Không thể không thừa nhận sự táo bạo, mạnh dạn sáng tạo của các nghệ sĩ mà ở đây là hai Giám đốc, NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng. Những tác phẩm mang tính thử nghiệm của xiếc Việt Nam cho thấy khuynh hướng sáng tạo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật cùng biểu diễn với xiếc đã đáp ứng được nhu cầu nhất định trong thưởng thức nghệ thuật xiếc của khán giả cũng như tự thân nhu cầu sáng tạo thay đổi của nghệ sĩ. Trong bối cảnh các ngành nghệ thuật sân khấu truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục bảo tồn và phát triển cùng thế giới hiện đại, việc tạo ra được nhu cầu cho khán giả đến rạp để ủng hộ cho các chương trình này đã là một thành công. Chính sự ủng hộ, đón đợi của công chúng đã kích thích sáng tạo của nghệ sĩ, tạo được thành vòng tròn khép kín trong một chu trình phát triển tất yếu của nghệ thuật biểu diễn: tác giả-tác phẩm-công chúng-tác giả. Hơn bất cứ hình thức nghệ thuật nào, nghệ thuật biểu diễn sân khấu rất cần sự tham gia, ủng hộ của đám đông thì mới thực sự hoàn thành được quá trình sáng tạo bởi nghệ thuật biểu diễn đòi hỏi phải có một số lượng khán giả nhất định mới có thể được coi là một đêm diễn đích thực. Các đêm diễn với những yếu tố mới được đưa vào chương trình, nét mới mẻ từ những sáng tạo của nghệ thuật xiếc… đã tạo ra một sự hứng thú nhất định trong thưởng thức và từ đó, tạo đà cho những sáng tạo nghệ thuật. Mức độ thành công đến đâu về mặt nghệ thuật vẫn còn phụ thuộc vào nhiều những ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng các buổi biểu diễn xiếc kết hợp cải lương, rock đã lôi cuốn được sự chú ý của khán giả.

    Tuy nhiên, với cái nhìn của người từng tham gia, cống hiến cho ngành xiếc, cũng từng dàn dựng một số tác phẩm kịch xiếc thì người viết nhận thấy, ở mức độ nào đó, nghệ thuật xiếc đã trở thành sự minh họa cho các hình thức sân khấu cải lương và âm nhạc rock. Không cần nói tới những yêu cầu khá khắt khe đối với một tác phẩm hoàn chỉnh, có thể gọi là kịch xiếc thì người yêu xiếc vẫn thấy mất mát khi các diễn viên xiếc trở thành người đóng vai phụ ngay trên sàn diễn tròn độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Người xem dường như chỉ thấy cải lương, những làn điệu mượt mà, diễn xuất của các nhân vật chính là các nghệ sĩ cải lương chứ ít thấy vai trò không thể cắt bỏ của các nghệ sĩ xiếc. Nghĩa là, nếu loại bỏ các tiết mục xiếc diễn như để minh họa cho thêm sinh động chương trình thì cốt truyện, sự trình diễn của tác phẩm vẫn không có gì bị mất mát, thay đổi. Với chương trình diễn âm nhạc rock Thiên thần lên núi thì xiếc hoàn toàn chỉ là sự minh họa, dù người ta vẫn thán phục các tiết mục ngày một nâng tầm kỹ năng, kỹ xảo của xiếc.

    Tuy thế, dù kết hợp với bất kỳ hình thức nghệ thuật nào thì xiếc vẫn cần giữ vai trò chủ đạo, không thể thay thế ở các chương trình như vậy. Giữ vững những đặc trưng của xiếc, giữ cho xiếc phát triển mà không rời xa những nét đặc trưng thì các chương trình, tiết mục đó mới xứng đáng với tên gọi là nghệ thuật xiếc Việt Nam vừa hiện đại vừa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

    Xiếc Việt Nam vẫn cần cập nhật, khai thác và sử dụng tốt những thành tựu của khoa học cũng như khéo léo lấy được nét đặc trưng trong nền tảng văn hóa dân tộc, kết hợp với các hình thức nghệ thuật khác trong khuôn khổ nhất định của sự sáng tạo mà vẫn giữ vững vị trí chủ đạo, độc lập của xiếc. Có vậy thì xiếc Việt Nam sẽ có điểm tựa vững chắc để làm nên những điều kỳ diệu trong xã hội hiện đại và tiến tới bắt kịp, hòa nhập với nghệ thuật xiếc thế giới.

Bình luận

    Chưa có bình luận