PV: Thưa Tiến sĩ Nghiêm Thị Thu Nga, hiện nay, có một số quan điểm cho rằng văn học, nghệ thuật cần phải được tự do một cách tuyệt đối, các văn nghệ sĩ cần phải được thoát ly sự quản lý của nhà nước thì mới có thể tự do sáng tác, tự do sáng tạo trong các tác phẩm của mình. Theo Tiến sĩ, cần hiểu về vấn đề này như thế nào cho đúng?
TS Nghiêm Thị Thu Nga: Đầu tiên, chúng ta phải khẳng định với nhau một điều rằng: sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một tất yếu khách quan. Sự lãnh đạo của Đảng là sự lãnh đạo toàn diện, đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng định hướng cho tư tưởng xã hội, trong đó có cả tư tưởng về nghệ thuật. Trên thực tế, không có một nghệ thuật nào đứng ngoài chính trị. Điều này không phải vì Đảng muốn có quyền uy đối với văn nghệ mà vì mục đích cuối cùng của Đảng là muốn phát huy cao nhất vai trò, sứ mệnh chân-thiện-mĩ, vì khát vọng cao đẹp của dân tộc, của nhân dân ta. Vì thế, không thể nói rằng văn nghệ sĩ đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng thì mới có tự do sáng tạo. Chúng ta phải nhìn nhận đúng tự do sáng tạo nghệ thuật là gì? Cái tự do chân chính, sáng tạo đích thực không phải là sự tùy hứng, tùy tiện mà là tự do trong khuôn khổ, là tự do để thực hiện mục tiêu tốt đẹp, đúng đắn đã định trước, là sáng tạo ra những gì mà hướng con người tới chân-thiện-mĩ. Lý tưởng Đảng là đưa con người ra khỏi nô lệ lầm than, là giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, là hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là mục tiêu cao nhất của nghệ thuật.
PV: Nhìn rộng ra thế giới, quốc gia nào cũng có định hướng về văn học, nghệ thuật. Ví như khi lên nắm quyền đất nước thì Tổng thống Nga V. Putin đã ban hành sắc lệnh văn hóa và kêu gọi các nghệ sĩ phải bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc Nga. Như vậy thì việc đảng chính trị lãnh đạo, định hướng hoạt động văn học, nghệ thuật là điều tất yếu ở mọi quốc gia, chứ không riêng gì ở Việt Nam chúng ta đúng không ạ?
TS Nghiêm Thị Thu Nga: Đúng vậy. Nước Nga Xô-viết vào khoảng 10 năm cuối cùng của thế kỷ XX, tức là sau khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, có một thực trạng như thế này: trong khoảng 10 nhà văn có tác phẩm xuất bản nhiều nhất nước Nga lúc bấy giờ, phần lớn trong số đó là những tác phẩm viết về trinh thám, về truyện giật gân, về bạo lực hoặc về tình dục câu khách. Nhận thức được điều đó, Tổng thống Nga V. Putin, ngay sau khi lên nắm quyền đã thể hiện rõ quan điểm của mình về vấn đề này. Những chính sách của Tổng thống V. Putin lúc bấy giờ luôn luôn khẳng định, đề cao vai trò của văn học, nghệ thuật, của văn hóa. Ông đã kêu gọi nghệ sĩ Nga phải bảo vệ tiếng Nga, bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Nga; coi đây chính là nhiệm vụ để bảo vệ cái tính cách Nga, dân tộc Nga. Đáng chú ý là những chính sách về văn hóa, trong đó có chính sách quy định rằng: tất cả những tác phẩm văn học, nghệ thuật lúc bấy giờ phải được kiểm nghiệm, phải được chỉnh sửa, được thẩm định rồi sau đó mới được phát hành. Nếu văn nghệ sĩ không thực hiện/ làm trái với quy định này thì phải bị nộp phạt và tác phẩm đó không được phát hành.
PV: Không chỉ với nước Nga mà ngay như ở Hàn Quốc, chúng ta thấy các tác phẩm văn học, nghệ thuật không đơn thuần là chỉ để giải trí mà nó còn chứa đựng những tư tưởng chính trị trong đó, thưa Tiến sĩ?
TS Nghiêm Thị Thu Nga: Hàn Quốc là một đất nước có nền điện ảnh rất phát triển. Điều đáng nói là nghệ thuật điện ảnh của Hàn Quốc thể hiện rất rõ quan điểm của nhà nước Hàn Quốc. Đó là gì? Họ muốn thông qua điện ảnh để truyền bá, để chứng minh với thế giới về vẻ đẹp của truyền thống, văn hóa và con người Hàn Quốc. Chúng ta thấy rõ điều đó qua các bộ phim - từ những bộ phim tâm lý xã hội cho đến những bộ phim ngôn tình, tưởng như rất lãng mạn và sướt mướt. Hàn Quốc đưa rất nhiều văn hóa của họ vào điện ảnh, từ văn hóa ẩm thực đến văn hóa thẩm mĩ, thậm chí, cả văn hóa hàng tiêu dùng của họ, như: mĩ phẩm, điện thoại rồi máy tính… Trong phim Hàn Quốc, ít khi chúng thấy nhân vật trong phim dùng điện thoại Apple, họ toàn dùng những hãng mà do Hàn Quốc sản xuất. Hay món ăn đặc trưng của Hàn Quốc là kim chi cũng luôn xuất hiện trong phim của họ. Và bây giờ, kim chi đã đi khắp thế giới. Đó là một cách để quảng bá văn hóa. Rõ ràng, đằng sau những bộ phim của họ là cả một chiều sâu văn hóa con người của Hàn Quốc.
PV: Vậy theo Tiến sĩ, một số người mà cổ xúy cho quan điểm tự do sáng tác, tự do hoạt động nghệ thuật, không theo sự quản lý của Nhà nước thì bản chất và mục đích của họ là gì?
TS Nghiêm Thị Thu Nga: Trước hết, ta phải khẳng định rằng quan điểm tự do sáng tác nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước là quan điểm sai trái, lệch lạc. Tất nhiên, mức độ sai trái, lệch lạc trong mỗi quan điểm không giống nhau. Chẳng hạn, một số người có thể do tầm nhìn thiển cận, mang tính định kiến, chủ quan. Nhưng các thế lực thù địch, chống phá cách mạng lại muốn thông qua việc cổ xúy cho quan điểm này để phủ định vai trò của Đảng, của Nhà nước, của chế độ; phủ định sự nghiệp cách mạng nói chung của đất nước ta, nhân dân ta.
PV: Chúng ta giả thiết rằng hoạt động văn học, nghệ thuật được phát triển một cách tự do, không có sự lãnh đạo của Đảng, không có sự điều hành quản lý của Nhà nước thì theo đồng chí, điều này sẽ dẫn đến hệ quả như thế nào?
TS Nghiêm Thị Thu Nga: Chúng ta biết rằng văn học, nghệ thuật – dù ở bất kỳ quốc gia hay chế độ nào – đều có sứ mệnh bảo vệ chế độ, bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; đáp ứng nhu cầu thị hiếu lành mạnh của nhân dân, hướng tới giá trị chân-thiện-mĩ. Muốn vậy, cần phải có một đảng chính trị lãnh đạo để văn nghệ đi đúng hướng để thực hiện được mục tiêu cao cả đó. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước là giúp cho văn hóa, văn nghệ đi vào đúng quỹ đạo và đạt được mục đích vì sự phát triển đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Vậy thì nếu như không có sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước thì hệ quả chúng ta có thể thấy rõ mười mươi. Chúng ta thử đặt và trả lời những câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra, nếu một nền văn hóa, văn nghệ mà tự do phóng túng, thích gì viết nấy, muốn gì làm nấy? Sẽ thế nào, nếu như một nền văn hóa, văn nghệ không hướng đến chân-thiện-mĩ? Một nền văn hóa, văn nghệ với những tác phẩm cổ xúy cho sex, cho rất nhiều những điều mà có thể tổn hại đến thuần phong mĩ tục và đến tâm hồn của con người? Khi mà cái tốt, cái đẹp, cái thiện không được bảo vệ, không được trân trọng, đề cao, còn cái xấu thì lại được cổ xúy, không bị đấu tranh, không bị kìm hãm và bài trừ? Rồi sẽ thế nào, nếu như một nền văn nghệ mà trong đó tự do sáng tạo chân chính bị đánh đồng với tự do vô kỷ luật?
PV: Và điều đó càng nguy hiểm hơn nếu văn học, nghệ thuật bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá đất nước…
TS Nghiêm Thị Thu Nga: Nếu như một nền văn học, nghệ thuật mà bị lợi dụng, bị chi phối, trở thành công cụ sắc bén để các thế lực thù địch phản động, lợi dụng, núp bóng dưới chiêu bài danh nghĩa của dân chủ, nhân quyền thì sẽ thế nào? Chúng ta thấy rằng các lực lượng thù địch, chống phá cách mạng nhận thức rất rõ về sức mạnh của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Họ biết được rằng đây là thứ vũ khí rất là mềm mại, vô hình nhưng vô cùng sắc bén và lợi hại. Nó có thể len lách vào mọi ngõ ngách tâm tư, tình cảm tâm hồn con người. Nó có thể làm lay động tâm hồn con người. Nó có thể làm chuyển hóa. Nó có thể làm biến chất con người và lôi kéo con người một cách tinh vi nhất. Chính vì vậy, nếu chúng ta nhận thức không đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật; nhận thức không đúng về tự do sáng tạo chân chính thì chúng ta rất dễ bị lợi dụng. Và một nền văn học, nghệ thuật sẽ không thể nào phát triển đúng hướng, hoàn thành được sứ mệnh thiêng liêng của mình nếu không có sự định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
PV: Vâng, xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này./.
Trường Giang (thực hiện)