Trong các tài liệu ở Việt Nam, dân ca hầu như chưa có định nghĩa rõ ràng như các khái niệm, phạm trù khác. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên người Đức gọi là “bài ca của nhân dân”, người Pháp gọi là “bài ca phổ cập trong quần chúng”, người Anh gọi là “bài ca dân tộc”…
Qua nghiên cứu các tài liệu về tìm hiểu dân ca Việt Nam, phần lớn các nhà khoa học đều cho dân ca là những bài hát, khúc ca được sáng tác và lưu truyền trong dân gian mà không thuộc về riêng của một tác giả nào. Đầu tiên, có thể do một người nghĩ ra rồi truyền miệng qua nhiều người, nhiều đời thành phổ biến ở từng vùng, từng miền và được gọt giũa thành bền vững với thời gian… Do đó, chúng ta tạm thời đồng tình rằng: dân ca là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và cho tới hôm nay.
Nghệ An là vùng đất có núi Hồng, sông Lam, địa linh nhân kiệt với “Nhật nguyệt trung thiên minh thánh đạo/ Giang sơn đại địa tính nhân văn” và “Hoan Châu văn khí thiên niên trụ/ Học đạo chính tâm vạn cổ truyền” đã sinh ra thể loại dân ca ví, giặm độc đáo.
Ví là một hình thức hát sinh hoạt văn hóa gắn liền với lao động của nhân dân, đã sinh ra và tồn tại, phát triển theo các phường nón, phường vàng, phường cấy, phường củi, phường chấp gai đan lưới… Trong các loại ví đó thì hát phường vải được phổ biến rộng rãi khắp các vùng Nghi Xuân, Can Lộc, Thanh Chương, Tân Sơn, Thái Sơn, Thịnh Sơn, Trung Phường (“phường” ở đây không đồng nghĩa với phường chèo, phường múa rối, mà là một nhóm người tụ tập ở một gia đình nào đó cùng hát. Cho nên phường thường mang tên chủ nhà chứ không có chủ phường). Tiếng hát của phường không có nhạc cụ, nhạc công đệm theo và không mang mục đích biểu diễn mà chỉ là “tiếng lòng” từ “trái tim đến với trái tim” tha thiết với nhau.
Thời gian hát ví của nhiều phường diễn ra từ chập tối đến nửa đêm và có nhiều chàng trai đi qua thấy chị em hát thì đứng lại nghe, rồi dần dần cùng tham gia hát. Cuộc hát của họ có cả các nhà nho, các trí thức tham gia như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Công Trứ, Đinh Viết Thân, Tú Tấn, Tú Mai, Phan Bội Châu… Họ hát theo hình thức chị em hát trong hoạt động quay tơ, còn các anh đứng hoặc ngồi hát giao lưu. Thành phần hát có người hát chính, có người hát đỡ giọng, có người hát gà lời và có cả khán giả. Nội dung hát mang tính sinh hoạt bác học, giao duyên, có qua có lại, có vấn có đáp, có đố có giảng, có đối có chọi, có xe có kết, thủ tục hát theo quy ước chặt chẽ 3 bước: hát dạo, hát chào, hát mừng, hát hỏi; hát đố, hát đối; hát mời, hát kết, hát tiễn chân.
Hát ví có nhiều loại khác nhau nhưng đều có chung hình thức “huê tình” giữa trai với gái. Các lời hát mang đậm chất trữ tình, tỏ tình, muốn kết duyên với nhau. Hai nhân vật chính là chàng trai, cô gái được xưng danh anh - em, chàng - thiếp, chàng - nàng, ta - bạn, mình - ta. Họ hát với nhau chủ yếu chỉ có một làn điệu nhưng được biến tấu theo từng hoàn cảnh, tình cảm, làm cho giai điệu được biến hóa nhanh, chậm, trầm, bổng, phong phú khác nhau…
Hát giặm là một thể loại dân ca không được phổ biến rộng như hát ví và chỉ thịnh hành ở một số địa phương như Can Lộc, Thanh Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh mà thôi. Hát giặm thường có hai hình thức: hát nam nữ và hát giặm vè. Hát giặm nam nữ cũng được dùng trong các phường vải, phường đan, phường nón, phường gặt, phường nhổ mạ. Ca từ của nó theo thể văn vần đặc biệt. Mở đầu thường có hai câu lục bát rồi tiếp theo là một loạt câu 5 chữ. Có bài mở đầu cũng bằng câu 5 chữ và vẫn là vần chân. Hết khổ hoặc qua vài ba câu thì có hiện tượng láy lại. Đối với những bài có mở đầu bằng hai câu lục bát thì thường mượn ở hát ví sang. Cho nên trong hát ví có lúc người ta cũng hát giặm để cuộc hát đỡ đơn điệu, nhàm chán. Trong hát giặm có nói thường nhưng phải có âm điệu, tiết tấu và vần…
Ví, giặm Nghệ An là dân ca có từ lâu đời và ở thời Tây Sơn đã thịnh hành, phát triển rực rỡ. Nó là loại hát gắn với lao động mang tính cộng đồng, mang nội dung giao duyên, đậm tính tự sự, trữ tình, sinh hoạt…
Ví, giặm Nghệ An sau Cách mạng tháng Tám đã vận động phát triển theo nhịp sống mới của cách mạng. Nhân dân Nghệ An không còn hát ví, giặm theo hình thức truyền thống với những quy cách cổ xưa nữa mà đã vận dụng vào những dịp lễ tết, mừng công, hội hè… Ở những dịp này, nhân dân thường vận dụng làn điệu cũ vào sáng tác lời mới để thành cái gọi là “bình cũ rượu mới”, phù hợp với đời sống sinh hoạt văn hóa mới. Đặc biệt, trong chiến tranh, ví, giặm đã theo chân các nam nữ thanh niên lên đường ra trận, mang nội dung lao động, chiến đấu, yêu cuộc sống mới, thôi thúc con người xây dựng, tăng gia sản xuất, giết giặc ngoại xâm…
Vào những năm 50 của thế kỷ XX, phong trào văn hóa, văn nghệ ví, giặm ở Nghệ An phát triển rất mạnh mẽ. Các làng, xã, trường học, đơn vị bộ đội, công trường, xí nghiệp đều có các đội văn nghệ. Các đơn vị này không chỉ hát ví, giặm mà còn có cả chèo, cải lương, hoạt cảnh, tiểu phẩm, kịch, tuồng…
Thời gian này, dân ca ví, giặm tự phát triển dần sang thể loại mới: sân khấu ví, giặm bằng những hoạt cảnh như Hai tổ hò khoan, Chiếc xe đầu, Ngô khoai tranh đấu, Hỏi ai quan trọng, Giặt áo bên phà Bến Thủy, Áo nâu càng thắm - áo xanh càng ròn, Trước lúc lên đường…
Bước tiếp những năm 60 của thế kỷ XX, vào thời kỳ chống giặc Mĩ quyết liệt, phong trào sân khấu không chuyên ở Nghệ An càng được phát triển rực rỡ với nhiều tác giả viết kịch, chèo, cải lương, kịch dân ca xuất hiện. Trong phong trào đó, khán giả khó quên những vở diễn ngắn theo hình thức ví, giặm như: Nàng dâu mới, Con mương thủy lợi của Thế Phiệt ở Yên Thành; Cà phê phẫn nộ của Văn Huệ ở nông trường Đồng Hiếu; Đi hay ở, Bảo vệ nông, Quyết không trở về, Không phải tôi của Nguyễn Trung Giáp ở Diễn Bình, Diễn Châu; Khi ban đội đi vắng của Nguyễn Trung Phong ở Diễn Châu…
Sân khấu ví, giặm ra đời từ phong trào giao lưu, tiếp biến của các loại hình, thể loại sân khấu các vùng miền với nhau như kịch, chèo, tuồng, cải lương, ca cảnh, bài chòi, kịch ca Huế… làm cho ví, giặm có đờn, ca, múa; có nhân vật hành động; có câu chuyện mâu thuẫn, xung đột… Những người tiên phong của “tiếp biến” này có thể nhắc tới Nguyễn Trung Phong, Nguyễn Trung Giáp, Nguyên Tiến Đang, Nguyễn Trung Đỉnh… và vở tiên phong của thể loại ví, giặm này là Khi ban đội đi vắng (1967). Ở vở này, các tác giả, đạo diễn đã mạnh dạn cải biên thêm các làn điệu mới theo tinh thần “bẻ làn nắn điệu” cho phù hợp với tâm trạng, tính cách, hoàn cảnh, hành động của nhân vật (như điệu Giận mà thương).
Như vậy, từ làn điệu dân ca - dân gian, ví giặm đã được phát triển thành thể loại sân khấu có câu chuyện, có nhân vật, có mâu thuẫn, xung đột và mang tính bác học, chuyên nghiệp. Đoàn Văn công Nhân dân Nghệ An được Ủy ban Nhân dân Nghệ An thành lập vào tháng 3/1959, do đạo diễn Thái Quang Ngoạn làm Trưởng đoàn mang nội dung tổng hợp các bộ môn chèo, kịch, ca, múa, nhạc. Năm 1964, Đoàn Văn công tổng hợp Nghệ An được tách ra thành Đoàn Ca múa nhạc miền núi và Đoàn Ca múa nhạc miền xuôi. Năm 1968, Đoàn Ca múa nhạc miền xuôi được tách ra thành hai đoàn: Đoàn Kịch nói, Đoàn Dân ca chèo; ngày 21/7/1973, Đoàn lại được tách ra thành Chèo và Dân ca độc lập.
Trải qua 27 năm (1973-2000) của thế kỷ XX, Đoàn Kịch dân ca Nghệ An dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa đã phối hợp chặt chẽ với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam tiến hành thử nghiệm đầy nghiêm túc, khoa học theo chức năng, nhiệm vụ, sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi, lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật dân ca xứ Nghệ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nghiên cứu, thử nghiệm, sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ thành bộ môn kịch dân ca địa phương; sưu tầm, gìn giữ, phục hồi và phát huy trò diễn xướng dân gian, dân vũ, các làn điệu dân ca xứ Nghệ để phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân và giao lưu văn hóa trong nước cũng như quốc tế; nghiên cứu, sáng tác biểu diễn cùng đào tạo, phổ cập và giới thiệu, quảng bá sâu rộng dân ca xứ Nghệ tới đông đảo quần chúng; phổ biến, giới thiệu kho tàng dân ca xứ Nghệ cho tầng lớp thanh thiếu niên bằng hình thức đưa dân ca vào trường học, sân khấu học đường, phát triển phong trào sáng tác, biểu diễn dân ca trong lực lượng quần chúng, trong các trung tâm, câu lạc bộ hát dân ca ở cơ sở để bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ…
Trong hành trình “thử nghiệm” thể loại sân khấu ví, giặm, các nhà khoa học, nghệ sĩ đã luôn luôn lấy tính sân khấu (mâu thuẫn - xung đột - hành động) kết hợp với đặc trưng âm nhạc (âm thanh và tiết tấu) của dân ca ví, giặm là nội dung chính trong mọi hình tượng sáng tạo. Tức là tính sân khấu (xung đột - hành động) thống nhất, phù hợp máu thịt với tính cách dân ca ví, giặm trong sáng tạo. Hai thành tố đó đã như hệ thống “điều khiển học” cho mọi sáng tạo tác phẩm kịch dân ca ví, giặm xứ Nghệ…
Bằng thực tế thử nghiệm qua các tác phẩm: Không phải tôi (1970), Khi ban đội đi vắng (1971), Đầu bến sông (1973), Cô gái sông Lam (1974), Hoa đất (1975), Trắng hoa mai (1976), Mai Thúc Loan (1984), Ông vua hóa hổ (1987), Hai ngàn ngày oan trái (1988), Bão táp cửa Kỳ Hoa (1989), Giá đời phải trả (1993), Lời thề thứ 9, Tiếng hát Trương Chi (1995), Danh nhân lớn lên từ câu hò ví giặm (1997), Sáng mãi niềm tin (1999), Chuyện tình ông vua trẻ, Khát vọng ngông cuồng, Phương Hoa, Phan Bội Châu, Dòng lệ Tố Như, Ngọn lửa truyền đời sau… của tác giả: Nguyễn Trung Phong, Phan Lương Hảo, Lưu Quang Vũ, Vũ Hải, Phạm Ngọc Côn, Phùng Dũng, Lê Duy Hạnh… với sáng tạo của các nghệ sĩ: Danh Cách, Ngọc Ất, Đình Bắc, An Phúc, Tiến Dũng, Lệ Thanh, Hồng Lựu, Đinh Bảo, Đinh Toàn, Hồng Dương… đã làm khán giả xứ Nghệ yêu thích và thừa nhận một thể loại sân khấu mới của tỉnh.
Trong quá trình thử nghiệm này, các đạo diễn Thái Quang Ngoạn, Cao Danh Giá, Minh Ngọc, Nguyễn Trung Giáp, Nguyễn Văn Phúc, Xuân Huyền, Ngọc Phương, Khánh Vinh, Đình Quang, Lê Hùng… cùng các nghệ sĩ Cao Đình Lưu, Vi Phong, Đinh Bảo, Văn Thế, Thanh Lưu, Nguyễn Trung Phong (tuy không phải là nhạc sĩ)… đã tạo ra nhiều làn điệu mới, mang tính cổ điển như điệu Con cóc, Hát khuyên, Giận mà thương, Lòng vả lòng sung… làm cho kịch dân ca ví, giặm thêm phong phú, đa dạng giai điệu.
Nghiên cứu kịch ví, giặm từ 65 năm thử nghiệm, ta thấy nó phản ánh đa dạng về đề tài: dân gian, lịch sử, dã sử, huyền thoại và cuộc sống đương thời. Ở đó đã chứa đựng nhiều nội dung phong phú, gắn bó với đời sống nhân dân, hữu ích cho sự nghiệp giáo dục trồng người của cách mạng. Về mặt nghệ thuật, kịch dân ca ví, giặm vẫn là sản phẩm của nền văn học, nghệ thuật cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nên nó cũng là “một mặt trận”, “phò chính trừ tà”, “soi đường cho quốc dân đi”, “phục vụ chính trị”… tuân theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa và thể hiện bằng kỹ thuật biểu diễn của Thể hệ Stanislavski. Nó cũng giống như các thể loại kịch hát cách mạng khác, mang trong mình cả kịch nói lẫn hát dân ca, cả nhạc tòng lẫn nhạc sáng tác, cả trang trí cứng lẫn trang trí mềm, cả tả thực lẫn ước lệ, cách điệu, tượng trưng với phong cách tự sự - kịch tính - trữ tình và thiếu ngôn ngữ múa riêng biệt của mình. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là do kịch dân ca ví, giặm chưa có truyền thống múa và nguyên lý múa; các tác giả Nguyễn Trung Phong, Phan Văn Hảo, Lưu Quang Vũ, Phạm Ngọc Côn, Xuân Trình, Nguyễn Khắc Phục, Phùng Dũng, Kính Dân, Vũ Minh, Trần Đình Ngôn, Doãn Hoàng Giang, Lê Duy Hạnh, Vũ Hải… cùng các đạo diễn Thái Quang Ngoạn, Hoa Ban, Cao Danh Giá, Ngọc Phương, Phạm Thị Thành, Hoàng Quân Tạo, Phan Hồ, Xuân Huyền, Lê Hùng… chủ yếu là những chuyên gia đạo diễn am hiểu kịch nói cộng tác với đoàn, và các nghệ sĩ của Nghệ An đều mang theo tư duy sáng tạo theo Thể hệ Stanislavski – một xu hướng tiên tiến, nổi trội của đương thời.
65 năm hoạt động thử nghiệm, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Trưởng đoàn: Thái Quang Ngoạn, Cao Danh Giá, Đặng Mai Hồng, Cao Thanh Nam, Thanh Lưu, Ngọc Ất, Hồng Lựu… sân khấu ví, giặm đã thành nhà hát chuyên nghiệp hiện đại, đã có nhiều thành tựu đáng kể: Huân chương Lao động hạng Hai, Ba; nhiều vở đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc ở các liên hoan, hội diễn toàn quốc (Không phải tôi - Huy chương Vàng, tác giả: Nguyễn Trung Giáp, đạo diễn: Nguyễn Văn Phúc, nghệ sĩ: Thanh Lưu, 1970; Mai Thúc Loan - Huy chương Vàng, tác giả: Phan Lương Hảo, đạo diễn: Ngọc Phương, nhạc sĩ: Hồ Hữu Thới, 1985; Chuyện tình ông vua trẻ - Huy chương Bạc, tác giả: Phùng Dũng, đạo diễn: Xuân Huyền, nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, 1995; Vết chân tròn trong bão tố - Huy chương Vàng, tác giả: Vũ Hải, đạo diễn: Việt Võ, nhạc sĩ: Hồ Hữu Thới, 1996; Danh nhân lớn lên từ câu hò ví giặm - Giải A, tác giả: Vũ Hải, đạo diễn: Ngọc Ất, nhạc sĩ: Hồ Hữu Thới, 1998)… Nhiều nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp và đặc biệt hơn là Nhà nước, giới nghệ sĩ và nhân dân cả nước đã thừa nhận kịch dân ca ví, giặm là một thể loại sân khấu độc lập, độc đáo, hòa chung vào đại gia đình kịch hát dân tộc Việt Nam hiện đại./.