Mối quan hệ, giao lưu văn hoá giữa các quốc gia được hình thành theo nhiều con đường khác nhau, có khi chỉ qua một hiện tượng nhưng lại mang đậm tính quy luật và ý nghĩa phổ quát. Những tương tác, kết nối, chia sẻ từ đây mà được khởi phát và lan truyền rộng rãi. Lê Hữu Trác (1724-1791) với bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh (HTYTTL) là một trường hợp như vậy. HTYTTL – công trình đồ sộ có giá trị lớn về nhiều lĩnh vực mà bao trùm là giá trị văn hoá, giá trị nhân học (với cốt lõi là thương yêu, chăm sóc, vì sự sống, vì vận mệnh con người) – là nơi thể hiện mối quan hệ văn hoá biện chứng hai chiều giữa Việt Nam với nhiều quốc gia không chỉ trong khu vực Đông Á (từ cuối thời trung đại) mà còn vượt ra ngoài khu vực, với nhiều quốc gia thuộc châu Âu và phương Tây (thời hiện đại). UNESCO hoàn toàn có đủ cơ sở để ra Nghị quyết Vinh danh và tham gia Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – danh nhân văn hoá có sức truyền cảm hứng tích cực cho nhân loại – vào năm 2024.
Lê Hữu Trác (biệt hiệu: Hải Thượng Lãn Ông) để lại bộ Y tông tâm lĩnh (về sau đổi thành Hải Thượng y tông tâm lĩnh), được viết chủ yếu bằng chữ Hán, gồm 28 tập/ 66 quyển (Q). Tập đầu hoàn thành năm 1770; tập cuối Q. “Vỹ”: Thượng kinh ký sự hoàn thành tháng 11/1783. Toàn bộ được khắc in lần đầu năm 1885. HTYTTL không chỉ đề cập, bàn luận tới hầu hết các vấn đề của y học/ Đông y mà còn đề cập tới nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác (văn hóa, tư tưởng, văn học, đạo đức, thẩm mĩ...).
Có thể thấy sự tương đồng, gặp gỡ giữa Lê Hữu Trác và nhiều danh y nổi tiếng thời tiền hiện đại, cả ở trong và ngoài nước, trong và ngoài khu vực. Ở trong nước, trước Lê Hữu Trác có danh y - thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-?), Lê Hữu Trác vừa kế thừa vừa phát triển tư tưởng và thành tựu, nhất là quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh. Sau Lê Hữu Trác có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888, vừa được UNESCO Vinh danh và tham gia Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh vào năm 2022) với Ngư Tiều vấn đáp y thuật - một trường hợp “văn y kết hợp” cũng hết sức độc đáo, có những điểm tiếp nối và gặp gỡ Lê Hữu Trác… Ở ngoài nước, trước hết với Trung Hoa, Lê Hữu Trác có khá nhiều điểm gặp gỡ, tương đồng với các danh y nổi tiếng, tiêu biểu như Tôn Tư Mạc (550- 691) – một tài năng lớn, chuyên tâm nghiên cứu y thuật, soạn sách, không làm quan, đề cao y đức, coi trọng số phận người bệnh; Lý Thời Trân (1518-1593) – “ông tổ” của các bài thuốc Trung y, ngót 30 năm gần cuối đời mới hoàn thành bộ sách Bản thảo cương mục được xem là “Từ điển bách khoa về dược vật học”, là “tác phẩm y học hoàn chỉnh và chi tiết nhất trong lịch sử Đông y Trung Quốc”1… Với châu Âu và phương Tây, sang thời hiện đại, người ta mới dò tìm những liên hệ, gặp gỡ Đông - Tây ở Lê Hữu Trác. Thực ra trước đó, từ rất xa, ngay từ thời cổ đại nhìn lại, có thể thấy những gặp gỡ kỳ lạ giữa Lê Hữu Trác và Hippocrates (460-375 (?), TCN) – người được xem là “ông tổ” của y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời cổ đại Hy Lạp. Đấy là những gặp gỡ trong quan điểm y đức của Lê Hữu Trác (được thể hiện tập trung trong Y huấn cách ngôn, thuộc tập đầu bộ HTYTTL) và quan điểm y đức của Hippocrates (được thể hiện tập trung trong Lời thề/ Hippocratic Oath) ở các điểm: ý thức truyền nghề; sự chỉ dẫn mọi điều có lợi cho người bệnh; ý thức tránh xa mọi điều xấu xa và bất công; suốt đời hành nghề trong sự vô tư và nhân ái; vì lợi ích người bệnh, tránh mọi hành vi trục lợi, tránh cám dỗ phụ nữ và trẻ em... Dõi theo tư tưởng y học của Hippocrates (được thể hiện qua các bài giảng, bệnh án, một số tiểu luận triết học của ông... về sau được tập hợp trong Tập sao lục Hippocrates/ Corpus hippocraticum, gồm 60 văn bản), dễ thấy quan điểm về y lý, y thuật của Lê Hữu Trác cũng có những điểm gần gũi tương đồng với Hippocrates (như quan điểm về việc tìm hiểu và xác định nguyên nhân bệnh tật ở con người; về một số vấn đề sản khoa, nhi khoa, dinh dưỡng...)2...
Ít có trường hợp nào như Lê Hữu Trác–một phong cách đa dạng và thống nhất với nhiều tổ hợp “Tam vị nhất thể” (ba trong một) hết sức độc đáo. Ở ông, có ít nhất là ba “nhà” trong “một nhà”: thầy thuốc - thầy giáo - nhà văn; ba loại hoạt động trong một chủ thể “quản trị”: lập thuyết (về cả y đức, y lý, y thuật, dược, dưỡng sinh) - thực hành (trực tiếp khám, chữa bệnh, sáng chế và sử dụng thuốc chữa bệnh) - kiểm định (trực tiếp kiểm tra, giám định cả phần lý thuyết và thực hành của mình); ba đối tượng trong một cái nhìn liên hệ chia sẻ văn hoá, nhân văn: dân tộc - khu vực - quốc tế. Ông là người đã kiến tạo được những mẫu hình giá trị (value) có sức sống vượt không gian, thời gian. Tất cả đều vì sự sống và sự toàn thiện của con người. Tầm vóc lớn lao của một danh nhân văn hoá ở Lê Hữu Trác càng ngày càng hiển hiện, toả sáng.
HTYTTL của Lê Hữu Trác được viết/ biên soạn trong một khoảng thời gian dài, đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng là công trình mang tính thống nhất chỉnh thể, có giá trị sâu sắc về nhiều mặt.
Trước hết cần nói đến giá trị y học của bộ sách – loại hình giá trị có vai trò quan trọng hàng đầu trong kết nối, tạo dựng mối quan hệ, giao lưu giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước Đông Á (thời trung đại), với các nước phương Tây (thời hiện đại) về một lĩnh vực chuyên môn đặc thù. Giá trị y học của bộ sách thể hiện rõ trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, từ y đức, y lý, y thuật, đến dược, dưỡng sinh. Trên từng phương diện, từng nội dung, ông đều có quan điểm rõ ràng. Cơ sở lý thuyết về y học của Lê Hữu Trác, chủ yếu ông dựa vào các thuyết âm dương, ngũ hành – những học thuyết lâu đời, có vai trò quan trọng hàng đầu ở phương Đông, nhất là trong lĩnh vực y học cổ truyền. Dựa vào các học thuyết này, không chỉ có vận dụng sáng tạo mà Lê Hữu Trác còn có những hiệu chỉnh, bổ sung, sáng tạo, đóng góp mới.
Về y đức, quan niệm của Lê Hữu Trác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Nhân là một đức tính cơ bản”, “là điều kiện tiên quyết để vào nghề y”; “Người thầy thuốc cần có tám chữ: Nhân, Minh, Đức, Trí, Lượng, Thành, Khiêm, Cần”; cần tránh tám chữ/ 8 tội: “lười”, “keo”, “tham”, “dối”, “dốt”, “ác”, “hẹp hòi”, “thất đức” (Q. Y âm án)... Cùng với đó, chín điều trong Y huấn cách ngôn do ông vạch ra đã trở nên là yêu cầu bắt buộc, là nguyên tắc “mặc định” của người làm nghề y.
Về y lý, trên cơ sở bao quát, tổng hợp, chọn lọc tri thức từ nhiều nguồn cùng với những sáng tạo của riêng mình, tác giả Y tông tâm lĩnh đã tạo dựng được một hệ thống lý luận vững chắc, có giá trị bền vững về nhiều vấn đề thiết yếu của ngành y nói chung, Đông y nói riêng: nguồn gốc sâu rộng của Y học (Y hải cầu nguyên/ Q. 3, 4, 5); những điểm thiết yếu của kinh điển Đông y (Nội kinh yếu chỉ, Q. 1); lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, tạng phủ, kinh lạc, khí huyết, chẩn đoán, mạch học, bệnh lý, trị pháp (Y gia quan miện, Q. 2); bí ẩn của âm dương, thủy hỏa, cơ năng sinh lý, bệnh lý của chân thủy, chân hỏa và phép chữa (Huyền tẫn phát vi, Q. 6); những điều trọng yếu của hậu thiên tỳ vị, cơ năng tiêu hóa, tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa (Khôn hóa thái chân, Q. 7); biện luận, bổ sung, bàn thêm những điểm y lý chưa rõ hay còn thiếu ở các sách xưa (Đạo lưu dư vận, Q. 8)...
Về y thuật, HTYTTL vạch rõ các phương pháp, cách thức và phác đồ điều trị nhiều loại bệnh, từ các loại bệnh cơ yếu (Bách bệnh cơ yếu, Q. 15 đến 24); các loại bệnh ngoại cảm (Ngoại cảm thông trị, Q. 14); các loại bệnh phụ khoa, sản khoa (Phụ đạo xán nhiên, Q. 26-27; Tọa thảo lương mô, Q. 28); các loại bệnh ở trẻ em (Ấu ấu tu tri, Q. 29- 33), đến các loại bệnh khác như bệnh đậu mùa (Mộng trung giác đậu, Q. 34-43), bệnh sởi (Ma chẩn chuẩn thằng, Q. 44)... Lê Hữu Trác còn đúc kết, thâu tóm những điều cốt yếu nhất về nguyên tắc chẩn đoán, biện chứng, dùng thuốc trị bệnh (thể hiện tập trung ở tập Truyền tân bố chỉ/ “Châu ngọc cách ngôn”, Q. 61), giúp cho các thế hệ thầy thuốc đương thời và về sau học tập, vận dụng. Ông thấy trước những khả thi và bất khả thi của người thầy thuốc cũng như các phương thuốc trong chữa bệnh cứu người, ngoài những căn bệnh có thể chữa khỏi (Y dương án, Q. 59), có 12 bệnh khó chữa, dễ tử vong (Y âm án, Q. 60). Đây là những cảnh báo “nóng” giúp cho khoa học y học về sau tìm phương giải quyết. Lê Hữu Trác phê phán gay gắt loại thầy thuốc “luận chứng bệnh chỉ mò mẫm vào chứng ngọn”, “không chịu lục tìm xem lại sách thuốc, chỉ cố chấp lấy phương cổ, rồi cứ dùng theo phương đó, không hề xét đoán kỹ càng”. Ông xác quyết: “Làm nghề y phải hiểu được sự biểu lý của tạng phủ ở trong, phải xét những môn khiếu của tạng phủ ở phía ngoài; Thế nào là tiên thiên? Thế nào là hậu thiên? Thế nào là thủy hỏa? Thế nào là khí huyết âm dương? Lại nhìn vào hình sắc, nghe âm thanh, xét động tác ăn ở, hỏi nguyên nhân nào phạm tới, để định chia ra biểu lý, hàn nhiệt, hư thực. Lại tham hợp xem bốn loại mạch lớn: phù, sác, trầm, trì để quyết đoán chắc chắn về việc nhận xét biểu lý, hàn nhiệt, hư thực. Có sáu chữ biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thực là một phương pháp tốt cho nhà y chẩn xét bệnh”3.
Về dược, Lê Hữu Trác tập trung làm rõ ba nội dung cơ bản: 1) Lý luận về vai trò, công năng của dược phẩm và phân loại dược phẩm (thể hiện rõ trong Dược phẩm vậng yếu, Q. 10 và 11; ở đây ông dựa theo ngũ hành, phân ra 150 vị thuốc Bắc, Nam). 2) Sưu tầm, tập hợp các phương thuốc, vị thuốc. Từ Trung Quốc, có 170 bài thuốc hiệu nghiệm được ông chọn lọc từ sách Cẩm nang (Phùng thị cẩm nang mật lục) của Phùng Triệu Trương (Tâm đắc thần phương, Q. 45), 200 phương thuốc của nhiều danh y (Y phương hải hội, Q. 58). Từ Việt Nam/ truyền thống bản địa, có: 496 vị thuốc nam thừa kế từ Tuệ Tĩnh (Lĩnh nam bản thảo, Q. Thượng); 805 vị thuốc bổ sung và phát hiện thêm (Lĩnh nam bản thảo, Q. Hạ); 2254 bài thuốc chọn lọc từ các bản thảo đời trước như Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh hay thu thập trong dân gian” (Hành giản trân nhu, Q. 50- 57); 644 phương thuốc kinh nghiệm thu lượm trong nhân dân và thừa kế của ông ngoại ông là Bùi Diệm Đăng (Bách gia trân tàng, Q. 47-49). 3) Phát hiện, biên soạn các phương/ vị thuốc mới, gồm 29 phương/ vị (Hiệu phỏng tân phương, Q. 46). Tổng cộng tất cả các vị thuốc, phương thuốc do ông sưu tầm, tập hợp và bổ sung, phát hiện là 4598. Một con số thật đáng nể phục.
Về dưỡng sinh, Lê Hữu Trác rất chú trọng dưỡng sinh và đề ra các phương pháp dưỡng sinh, phòng bệnh nhằm bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Ông đã viết đến hai tập Vệ sinh yếu quyết, yêu cầu và mong muốn mọi người giữ gìn vệ sinh trên tất cả các hoạt động sinh hoạt vật chất và tinh thần, kết hợp vệ sinh cá nhân với phòng bệnh xã hội cũng như phòng chống các loại bệnh dịch, các loại tai nạn. Ông còn viết Nữ công thắng lãm một mặt ca ngợi tài nghệ của giới nữ trong nội trợ, nấu nướng, mặt khác lưu ý người phụ nữ chú ý cải thiện việc ăn, mặc, ở, sinh hoạt để bảo vệ sức khoẻ và vẻ đẹp. Yêu cầu về dưỡng sinh và phòng bệnh từ gốc không chỉ được Hải Thượng Lãn Ông trình bày kỹ trong các tập Vệ sinh yếu quyết và Nữ công thắng lãm mà còn hầu như trong suốt bộ sách HTYTTL.
Lý luận y học cũng như phương pháp điều trị của Lê Hữu Trác từ HTYTTL được ứng dụng và phát huy rộng rãi trong trị liệu không chỉ ở trong nước và mà còn ở cả nước ngoài. Các bài thuốc của Lãn Ông, đặc biệt là các bài thuốc Lục vị, Bát vị được các cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền sản xuất theo hướng hiện đại hóa đang phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, HTYTTL là sách cơ sở đối với việc giảng dạy chuyên môn và trị liệu; được đưa vào giảng dạy trong chương trình đại học và sau đại học ở các trường và học viện (Đại học Y Hà Nội, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, các trường đại học y dược học ở các tỉnh thành).
Giá trị văn hoá, văn học, thẩm mĩ của HTYTTL cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Ông để lại một khối lượng thơ, văn không nhỏ. Về thơ, có thể phân thành hai loại. Loại thứ nhất được dùng như một phương tiện/ cách thức (“diễn ca”) để chuyển tải nội dung y học, giúp người đọc dễ nhớ, dễ vận dụng vào phòng bệnh, chữa bệnh. Có đến hàng trăm bài thơ, đoạn thơ mang tính diễn ca các nội dung y học (về các loại bệnh, cách phòng tránh và chữa; các bài thuốc và cách dùng…) bằng cả chữ Hán và chữ Nôm theo các thể ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát (Vệ sinh yếu quyết, Q. Hạ, gần 1.200 câu lục bát), văn biền ngẫu (Châu ngọc cách ngôn). Loại thơ thứ hai - “thơ nghệ thuật” (Y lý thâu nhàn lái ngôn phụ chí - những bài thơ sáng tác trong thời kỳ làm thuốc; các bài thơ trong Thượng kinh ký sự). Loại thơ này đậm tính trữ tình, dạt dào cảm xúc, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính tạo hình và biểu cảm, xứng đáng là những áng thơ đích thực, sáng tác theo cảm hứng và quy luật đặc thù của nghệ thuật thi ca.
Đặc biệt Thượng kinh ký sự - Q. cuối cùng của bộ HTYTTL đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam. Thượng kinh ký sự vừa như một tác phẩm độc lập vừa như là phần kết có chủ ý của Lê Hữu Trác đối với bộ HTYTTL. Thượng kinh ký sự tái hiện một cách chân thực bức tranh hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII với nhiều mảng màu sắc nét (hiện thực Kinh đô và cung vua, phủ chúa; hiện thực xã hội chốn kinh thành; hiện thực quê nhà và các vùng miền trên lộ trình Lê Hữu Trác lên Kinh đô). Ở đây có cả một thế giới nhân vật người thật, việc thật phong phú, từ bậc vua chúa, quý tộc, đám quan lại đến các hạng người khác trong xã hội; đặc biệt là hình tượng cái tôi tác giả - một cái tôi ưu thời mẫn thế, không màng danh lợi, luôn có cái nhìn sắc sảo, tinh tế, bao quát sát thực thế giới hiện thực và con người; một cái tôi vừa trong vai một lương y, vừa trong vai một nghệ sĩ ngôn từ, tất cả vì vận mệnh và số phận con người. Thượng kinh ký sự từng được đánh giá là “một cuốn du ký kiệt tác” (Nguyễn Trọng Thuật); “ngoài giá trị văn học, tập ký sự còn là một sử liệu vô giá”; “thiên phóng sự duy nhất của văn học cổ viết về người thực, việc thực một cách sinh động với lối hành văn giản dị, tinh tế” (Phan Võ); “cho thấy một tâm hồn giàu cảm xúc, bút pháp tinh tế, kín đáo” (Bùi Duy Tân); “một tập ký đầy tính văn học - thuật việc tỏ lòng hết sức chặt chẽ, miêu tả thì quan sát tinh tường, tỏ lòng thì thành thực trung hậu, làm hiện lên rõ ràng một nhân cách thanh cao, trong sạch”, “đánh dấu trình độ ký văn học cổ điển Việt Nam đạt đến trình độ cao, có tính chất đột phá, sáng tạo” (Trần Đình Sử); “là tác phẩm ký nghệ thuật đích thực đầu tiên của Việt Nam”, “không chỉ là đỉnh cao, là sự hoàn thiện thể ký Việt Nam thời trung đại, mà còn là mực thước cho lối viết ký sau này” (Nguyễn Đăng Na)4...
Lê Hữu Trác không chỉ am hiểu mà còn vượt lên, biết tổng hợp, tinh lọc các giá trị văn hóa phương Đông từ các triết thuyết Nho, Phật, Lão, Kinh dịch, Âm dương... và giá trị văn hóa truyền thống bản địa, ở cả hai nguồn bác học và dân gian; tổng hợp, tinh lọc tri thức từ nhiều sách kinh điển y học của các y gia trong và ngoài nước. Bằng bản lĩnh và tài năng của mình, ông kiến tạo nên sản phẩm mới, giá trị mới, đưa vào thực tiễn ứng dụng: chữa bệnh cứu người, làm thuốc, đào tạo học trò, truyền bá y đạo, nhân đạo; nỗ lực không ngừng trong trước thư lập ngôn, lập thuyết, hoạt động thực tiễn. Ở ông, lý thuyết gắn với thực tiễn, thực hành. Tất cả các hoạt động và trước tác của Lê Hữu Trác đều thực sự và triệt để hướng về con người, về chân-thiện-mĩ. Ông viết Nữ công thắng lãm (Q. 65) bộc lộ quan niệm của mình về cái đẹp được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của nữ giới. Tập sách vừa cho thấy ông am tường cả hương vị, nguyên liệu và cách chế biến, ngoài nhiều món ẩm thực của Việt Nam còn có các món ẩm thực của Trung Quốc (mứt bí Tàu, thạch hoa Tàu, bánh khảo Tàu, bánh trứng gà khuôn Tàu), của Nhật Bản (tương Nhật Bản)5..., vừa cho thấy dấu ấn của mối quan hệ giao lưu văn hoá ẩm thực giữa các nước mà Lê Hữu Trác là người có công kết nối, giới thiệu.
HTYTTL là nơi thể hiện mối quan hệ văn hoá biện chứng hai chiều giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước Đông Á. Lê Hữu Trác đã bao quát một khối lượng lớn tư liệu từ thư tịch cổ, trước hết là của Trung Quốc, về nhiều lĩnh vực: triết học, y học, văn học, văn hoá, lịch sử… Đặc biệt, ông đọc nhiều, đọc sâu các sách kinh điển Đông y từ thời cổ đại đến triều nhà Thanh: Hoàng đế nội kinh (gồm 2 phần: Tố vấn và Linh khu) - tài liệu cổ quan trọng nhất của y học cổ truyền Trung Quốc)6 ; Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược của Trương Trọng Cảnh (thời Đông Hán, thế kỷ II, III); Nạn kinh bát thập nhất nạn (Nạn kinh/ Hoàng đế bát thập nhất nạn Kinh), khoảng thế kỷ V trước CN của Biển Thước Tần Việt Nhân; Đan Khê tâm pháp của Chu Đan Khê (1281-1358); Thương hàn thập khuyến của Lý Tử Kiến; Phùng Thị cẩm nang (Phùng Triệu Trương); Cảnh Nhạc toàn thư (Trương Giới Tân, tự Cảnh Nhạc 1563-1640); Y Quán (Triệu Hiến Khả); Cổ kim y giám (1589) và Thọ thế bảo nguyên (1615) của Cung Đình Hiền; Y học nhập môn của Lý Đĩnh (thế kỷ XVI), Phùng thị cẩm nang của Phùng Triệu Trương (thế kỷ XVII)… Trong số những tài liệu trên, có không ít những tác phẩm đã từng được in ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là một trong những đầu mối quan trọng kết nối, hình thành mối quan hệ giữa các thầy thuốc các nước “đồng văn”.
Biên soạn HTYTTL, Lê Hữu Trác có tiếp thu thành tựu của y học cổ truyền Trung Quốc. Ông cho biết: “lấy Nội kinh làm gốc, lấy Phùng Thị cẩm nang, Cảnh Nhạc toàn thư làm đề cương”... Nhưng cách tiếp thu của Lê Hữu Trác là tiếp thu có chọn lọc, có phản biện, phê phán. Cùng với những nghiền ngẫm, sáng tạo của riêng mình, ông đã phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận về cả y đức, y lý, y thuật, trước hết nhằm phù hợp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn Việt Nam, con người Việt Nam.
Tiếp thu thành tựu của y học cổ truyền nước ngoài nhưng Lê Hữu Trác không tiếp thu thụ động mà có những phản biện, tìm tòi và sáng tạo mới mẻ. Với học thuyết Âm dương, Ngũ hành - học thuyết có vai trò quan trọng đặc biệt trong triết học, y học phương Đông nói riêng, văn hoá phương Đông nói chung, Lê Hữu Trác đi sâu nghiên cứu kỹ, bộc lộ rõ quan điểm của mình trong toàn bộ HTYTTL (tập trung nhất là trong tập Y gia quan miện, Q. 2). Một mặt, ông đánh giá cao thuyết Âm dương, Ngũ hành và lấy đó làm cơ sở lý luận cho mình; nhưng mặt khác, do nắm chắc cả những những ưu, nhược điểm và những bất cập khoa học của lý thuyết này, ông không ngần ngại chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của người xưa khi lập luận và vận dụng Âm dương, Ngũ hành vào tiếp cận, giải quyết các vấn đề của thực tiễn, nhất là các vấn đề của y học.
Với học thuyết Thủy-hỏa – một học thuyết đã được nhiều danh y Trung Hoa phát triển, trong đó rất đáng chú ý là Triệu Hiến Khả (đời Minh) – Lê Hữu Trác đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng. Với những phản biện, bổ sung, đóng góp của riêng mình, có thể nói Lê Hữu Trác đã hoàn thiện “thuyết Mệnh môn” (nhất là từ Triệu Hiến Khả), từ đó truyền bá sâu rộng tại Việt Nam. Học thuyết Thủy-hỏa do Lê Hữu Trác phát triển đã được nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam áp dụng, từ đây mà hình thành “Học phái Thủy-hỏa”. Các tập Huyền tẫn phát vi, Ngoại cảm thông trị, Bách bệnh cơ yếu, Tọa thảo lương mô, Mộng trung giác đậu, Châu ngọc cách ngôn… nói riêng, toàn bộ bộ HTYTTL của Lê Hữu Trác nói chung, sau này, từ những năm 30 thế kỷ XX, được giới bác sĩ Tây y biết đến và đánh giá cao7.
Với các bộ sách kinh điển của Đông y Trung Quốc, ngoài những đánh giá cao về thành tựu, Lê Hữu Trác thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm, thiếu sót của từng bộ sách. Với Nạn kinh bát thập nhất nạn (Hoàng đế bát thập nhất nạn kinh) của Biển Thước Tần Việt Nhân, Thương hàn thập khuyến của Lý Tử Kiến, Thương hàn chú giải của Thành Vô Kỷ, Lê Hữu Trác viết: “Tân Việt Nhân được gọi là y thánh, hoàn thành tập Nạn kinh bát thập nhất nạn, lầm nghĩ, cho rằng huyệt Mệnh môn ở quả thận bên phải. Người bình nghị cho rằng bậc trí giả cũng có một lần sai sót. Lưu, Chu tinh thông nghề y, có nói là một thủy không thắng được năm hỏa, thiên dùng thuốc hàn lương. Người bình nghị nói rằng: Nếu thuyết của Lưu, Chu không được dẹp tắt đi thì cái ân của Hiên kỳ không thể sâu được. Lại nói: lời đó là cái ma chướng lớn cho y đạo, là tai ách lớn cho sinh dân. Tiết Trai là bậc hiền lương trong nghề y, một khi câu nệ vào câu của Khiết Cổ cho rằng phế nhiệt thương can, mà nói sâm có tính trợ hỏa. Người bình luận nói rằng: Một lời nói đã cố định ở tai mắt người sau, khiến cho người hư lao cam chịu thuốc khổ hàn cho tới lúc chết vẫn chưa tỉnh ngộ. Cùng với tập Thương hàn thập khuyến của Lý Tử Kiến, Thương hàn chú giải của Thành Vô Kỷ, thấy đều là lý luận để cái sai sót lại cho ngàn đời, há chẳng đáng ghê sợ?”8.
Biên soạn HTYTTL, Lê Hữu Trác vừa tìm cách “bản địa hoá” nguồn tri thức ngoại lai, kiến tạo bản sắc dân tộc vừa tìm cách kích hoạt mối quan hệ văn hoá giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước Đông Á. Ý thức “bản địa hoá” các tri thức, nhất là về y học (tiếp thu từ Trung Quốc) nhằm kiến tạo bản sắc dân tộc, đây cũng là điểm gặp gỡ nhau của học giả các nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ kết quả nghiên cứu so sánh định lượng thư tịch cổ y dược khối các nước “đồng văn”, GS Mayanagi Makoto (Trường Đại học Ibaraki, Nhật Bản) cho biết: “Chúng tôi đạt được kết quả là: đã làm sáng tỏ sự tiếp nhận có chọn lọc y học của các nước và lịch sử nội địa hóa y thư từ số lượng tư liệu văn hiến. Điều đó có liên quan đến lịch sử quan hệ tương hỗ giữa y học các nước trong khu vực. Đặc biệt, có thể thấy, giữa các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam có nhiều điểm chung trong việc moden hóa y thư Trung Quốc để hình thành tính dân tộc trong nền y học mỗi nước. Đó là hiện tượng lịch sử chưa được biết tới từ trước tới nay”9.
Trên cơ sở tham khảo, chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa và thành tựu của y học Trung Quốc qua các lý thuyết kinh điển, Lê Hữu Trác đã có những nỗ lực sáng tạo mới nhằm tìm ra những gì phù hợp nhất với phong thổ Việt Nam, thể trạng con người Việt Nam, xây dựng hệ thống y lý và y thuật mang tính khả thi, tính thực tiễn sâu sắc. Ông chỉ rõ những điểm khác biệt giữa khí hậu Phương Bắc (Trung Quốc) và khí hậu Phương Nam (Việt Nam), vạch ra phương pháp chữa bệnh ngoại cảm ở Việt Nam, sử dụng thuốc Nam và đưa ra các bài thuốc, các phương pháp chữa bệnh cụ thể. Trong Ngoại cảm thông trị, Q. 14, ông viết: “Lĩnh Nam ta không có chứng “Thương hàn”, bệnh phát sinh về mùa đông là cảm hàn, còn 3 mùa khác là cảm mạo”; “Phương Bắc (Trung Quốc) gió nhiều, đất ráo, khí hậu rất lạnh, người sinh trưởng ở miền đó bẩm thụ cường tráng, tấu lý (da thứa) chặt chẽ, có thể chống chọi được với khí hàn, thỉnh thoảng thừa chỗ hở (như sức yếu) mà xâm nhập vào được mà phát bệnh ngay, hoặc không phát bệnh ngay. Đó là cái lý “thời xâm nhập vào khó, thời thoát ra cũng khó”. Còn như nước ta khu vực Đông Nam gần mặt trời (xích đạo), mùa Đông thường ấm, hơi lao động đã toát mồ hôi. Mồ hôi dễ thoát như vậy “trung khí do đó mà hư” nên hơi gặp rét cũng có thể cảm nhiễm được ngay. Nên như vậy, sự cảm nhiễm đó là nông chứ không sâu như người phương Bắc. Do đó mà suy ra những chứng thương hàn ở đây không phải là “chân thương hàn” có tính chất nặng mà chỉ là một chứng do “hư mà cảm mạo” thuộc cảm hàn. Cho nên phàm những chứng bệnh phát về mùa Đông của nước ta đều gọi là “cảm hàn”. Những chứng bệnh phát sinh về 3 mùa Xuân, Hạ, Thu đều là “cảm mạo thời khí”. Từ đó, ông khẳng định và yêu cầu: “Tuyệt đối không nên dùng bài Ma hoàng thang, Quế chi thang” áp dụng cho “nam nhân” xứ “Lĩnh Nam” (Việt Nam). Một mặt, Lê Hữu Trác đánh giá cao các bài thuốc Trung Quốc (như Ma hoàng thang, Quế chi thang, Nhân sâm bại độc tán…) nhưng mặt khác, ông chỉ ra những “lợi bất cập hại” của nó khi dùng cho bệnh nhân thuộc xứ có khí hậu, phong thổ khác xứ Bắc (Trung Quốc). Vai trò, công hiệu của từng loại thuốc (Nam, Bắc) và khả năng ứng dụng của nó trong thực tiễn luôn luôn được Lê Hữu Trác khu biệt rõ. Quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” của Lê Hữu Trác (vốn tiếp nối từ Tuệ Tĩnh) là hoàn toàn có cơ sở khoa học và mang tính thực tiễn, hiệu nghiệm.
Những lập luận, kiến giải, ứng dụng về y học trên nhiều phương diện, từ y đức, y lý, y thuật đến dược và dưỡng sinh của Lê Hữu Trác đã góp phần quan trọng trong kích hoạt mối quan hệ, giao lưu văn hoá giữa Việt Nam không chỉ với Trung Quốc mà còn với các nước khác, giúp cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước càng được củng cố, phát triển. Qua HTYTTL, giới y học của các nước, trước hết là trong khu vực Đông Á đã biết đến nền y học Việt Nam với những nét chung gặp gỡ, tương đồng và những nét riêng khác biệt, đặc thù. Tuy nhiên điều này vì nhiều lý do, diễn ra muộn, chủ yếu từ sau thế kỷ XIX. Trong thời trung đại, theo khảo sát của Mayanagi Makoto, “các sách y học của nước khác được Việt Nam in lại vào trước năm 1886 bao gồm cả sách chép tay, được xác nhận là có 14 sách Hán, không có các bản in lại sách y học của Nhật và Hàn Quốc”. Mayanagi Makoto đánh giá: “so với 323 sách do Nhật in lại và 94 sách do Hàn Quốc in lại cho thấy số sách y học Hán do Việt Nam in lại rất ít. Tuy nhiên, Việt Nam là nước khí hậu nóng ẩm nên việc bảo quản sách vở rất khó khăn. Mặt khác, các thư tịch y học Hán ra đời rất sớm nhưng việc in khắc lại của Việt Nam chỉ có từ thế thứ XIX, song có thể các bản in của Việt Nam cũng ra đời sớm”10.
Từ nguồn tư liệu chính thống là thế, nhưng trong thực tế, đã có những bản sao hoặc chép tay HTYTTL do các thầy thuốc các nước sưu tập; và cũng đã có những cuộc trao đổi tranh luận giữa Lê Hữu Trác và một số danh y Trung Quốc (thời gian Lê Hữu Trác ra chữa bệnh cho nhà chúa Trịnh ở Thăng Long). Các thầy thuốc Trung Quốc tuy có chút “ghen tị” nhưng thực tâm đã rất nể phục danh y Lê Hữu Trác (Xem Thượng kinh ký sự). HTYTTL được in (bản khắc ván) lần đầu vào năm 1885. Mãi đến 1962, Thư viện Bắc Kinh (Trung Quốc) mới nhận được bộ Tân thuyên Hải Thượng Y tông tâm lĩnh toàn trật (do Thư viện Quốc gia Việt Nam tặng). Sau đó, 1963, bộ sách được Trương Tú Dân giới thiệu. Năm 2018, Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc cho in lại toàn bộ bộ Tân thuyên Hải Thượng Y tông tâm lĩnh toàn trật (NXB Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh, 2018). Một điều rất đáng chú ý là, theo Mayanagi Makoto, “trong khi sách Đông y bảo giám của Hàn quốc, Y tông tâm lĩnh của Việt Nam vẫn được coi là sách cơ sở đối với việc trị liệu hiện nay, thì ở Nhật Bản, giá trị của Khải địch tập đã hoàn toàn mất hẳn”11. Có phải vì thế mà ở Nhật Bản, người ta xem Y tông tâm lĩnh - Hải Thượng (Kaijo/ 海上) của Việt Nam là “Quốc bảo” của họ?
Sau thời trung đại, HTYTTL càng ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng khu vực và quốc tế. Trong lời giới thiệu bộ HTYTTL được in bằng tiếng Trung Quốc, Trương Tú Dân viết: “Sách Lãn Ông Tâm Lĩnh vừa phong phú, vừa phát huy thêm được học thuyết của họ Phùng, vì thế có thể gọi ông là người đã tập hợp được kết quả tốt của mọi nhà làm thuốc, phát huy được nhiều điều mà người trước ông chưa phát hiện, có thể gọi ông là bậc “Thánh thuốc“ của Việt Nam. Nếu ta ví Nguyễn Du là J. W. Goethe của Việt Nam, thì ta cũng có thể gọi Lê Hữu Trác là Lý Thời Trân của Việt Nam’’ (Tập san Thư viện Bắc Kinh, số 334, ngày 1/3/1963).
Theo Lý Cơ Hạo và Diêu Khiết Mẫn (Trung Quốc), Lê Hữu Trác trên cơ sở “tiếp thu lý luận về thận mệnh của Triệu Hiền Khả” […], “kết hợp Nội kinh và những trình bày phân tích kinh điển của các y gia các triều đại trước đây có liên quan đến Mệnh môn” […], đã “đưa ra một lý thuyết mới”. Lê Hữu Trác “đã từng bước làm rõ quá trình tiếp nhận và tái phát triển lý luận Thận mệnh của Triệu Hiền Khả ở Việt Nam, đồng thời cố gắng nắm bắt một cách khách quan việc phổ biến và phát triển kiến thức y dịch ở hai quốc gia, hoàn thiện một cách đầy đủ trọn vẹn”12.
Makoto Mayanagi (Nhật Bản) trong Tìm hiểu sự phát triển của y học Việt Nam (Hội nghị chuyên đề lần thứ 2 của các hội Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc về lịch sử y học) khẳng định: “Hệ thống được mô tả trong cuốn sách này (tức HTYTTL) đã tạo nên bản sắc riêng biệt của nền y học Việt Nam. Do đó, Lê Hữu Trác được coi là người có thành tựu y học vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Trên cơ sở mô tả nêu trên, có thể khẳng định rằng nền y học Việt Nam đã được bản địa hóa từ thế kỷ XIV dưới ảnh hưởng của y học Trung Quốc và đến thế kỷ XVIII, nó đã hình thành một hệ thống với nhiều đặc điểm khác biệt”13.
Đinh Trung Hòa (Australia) đánh giá: “Hệ y đức của Lãn Ông đã chạm đến một cách sâu sắc những nhu cầu thông thường nhất của con người, có giá trị bền vững với thời gian và xuyên qua những khác biệt của các nền văn hóa”; “cho phép các hệ giá trị và khái niệm của các nền văn hóa hiện lên rõ rệt”, “thúc đẩy việc tìm kiếm sự tương quan giữa các tư tưởng và niềm tin của các nền văn hóa khác nhau mà vẫn bảo tồn được tính riêng biệt của chúng”14.
Sang thời hiện đại, Lê Hữu Trác và HTYTTL trong con mắt của giới nghiên cứu châu Âu và phương Tây càng trở nên như là một hiện tượng văn hoá đặc biệt. Nữ nhà văn Pháp Yveline Féray tỏ ra rất tinh tường khi chọn hai nhân vật trong lịch sử Việt Nam để “phục dựng” chân dung họ bằng tiểu thuyết lịch sử: Nguyễn Trãi 5 và Lê Hữu Trác16. Viết về Lãn Ông, Yveline Féray cho biết, bà nhằm “tìm đến sự hiệp thông thực sự về văn hóa và phản bác điều khẳng định của Kipling “Đông là Đông và Tây là Tây có trong một số người. Tôi hi vọng từ nay [...] tôi được trở về với nền văn hóa Xentơ gốc rễ của mình” (Yveline Féray, Lời tựa bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Lãn Ông)17.
Từ những năm 30 của thế kỷ XX, Albert Sallet - nhà khoa học phương Tây đầu tiên nghiên cứu về Lê Hữu Trác và HTYTTL đã xác định: “Tôi tin rằng, thoát khỏi mớ hỗn độn nặng nề của những lý thuyết cũ và tất cả những khuynh hướng lỗi thời vay mượn từ những quan niệm vũ trụ của triết học Trung Quốc, tác phẩm trình bày chi tiết về một liệu pháp có thể trở nên có giá trị. Chắc chắn công việc này thể hiện nỗ lực mạnh mẽ và tận tâm của một người, mà bằng cách hướng quan sát y tế của mình trong quá trình thực hành lâu dài, đã có thể đưa ra những suy luận hợp lý về giá trị của những gì được sử dụng. Nghiên cứu của chúng ta với sự trợ giúp các phương tiện thực sự khoa học có thể kiểm soát một cách chuẩn xác và có lợi”18.
Năm 1953,Pierre Huard và Maurice Durand trong bài Lãn Ông và nền y học Việt Nam nhận định: “Điều đáng chú ý trong sự tiến triển tư tưởng của ông là khiếu sắc nhọn trong quan sát, sự xác đáng và phong phú của những ý kiến phê phán cũng như sự sáng tạo những phương pháp chữa bệnh mới, dựa trên những sự kiện mới. Không choáng lộn bởi khoa học y học cổ truyền, ông đã nêu lên những điểm yếu của nó và xây dựng một nền y học thích hợp với các loại hình phong tục và dược liệu địa phương, và nền y học ấy đã có một thành quả rộng lớn và lâu bền ở Việt Nam”19.
Năm 1995, Bác sĩ Jan Van Alphen và Nhà văn Anthony Aris (Hà Lan), trong sách Y học phương Đông: Hướng dẫn minh hoạ về nghệ thuật chữa bệnh ở châu Á viết: “Tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh thực sự là một bộ Bách khoa toàn thư cả về lý thuyết và thực hành của y học truyền thống phương Đông. Tất cả những phương diện lớn của y học Việt Nam đều được đề cập đến. Ngay từ đầu, đạo đức học được đặt lên trên tất cả mọi thứ. Các lý thuyết nền tảng về y học phương Đông đã được giải thích rõ ràng trên tinh thần phản biện. Đại danh y đề cập đến những vấn đề y học, dược học, ký hiệu học và chẩn đoán (một chương trình bày chi tiết nghệ thuật cảm nhận mạch), các bệnh lý nội khoa và ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, vận khí áp dụng cho y học, vệ sinh, phòng bệnh và giáo dục thể chất, dinh dưỡng, phương pháp duy trì và kéo dài tuổi thọ. Bộ sách tóm tắt, liệt kê hàng nghìn bài thuốc phổ biến, kèm theo mô tả chi tiết về các loại bệnh và tác giả thể hiện nó một cách đặc biệt sắc sảo”20.
Năm 2007, hai bác sĩ người Anh là Ann Bates vàAlan W. Bates (Royal Free Hospital, London), đồng tác giả bài Lãn Ông (Lê Hữu Trác) và truyền thống y học Việt Nam, viết: “Trước áp lực nô dịch hóa kéo dài hàng thế kỷ của người Hoa, người Việt đã hình thành một xu hướng mà theo đó các nhân sĩ người Việt xem nhẹ hoặc hạ thấp những ảnh hưởng của người Hoa. Mặc dù thuốc bắc có nguồn gốc Trung Hoa, những gì mà Lãn Ông viết bằng tiếng Hoa cũng hàm chứa những điều tương tự của nền y học phương Tây với nền y học La Mã hay Hy Lạp mà trong đó các học giả phương Tây viết bằng chữ Latinh. Mặc dù chịu ảnh hưởng của y học Trung Hoa nhưng y học “thuốc bắc” của Việt Nam chưa bao giờ là một sự sao chép mù quáng y học Trung Hoa”21... Gần đây, trong y học, xuất hiện khái niệm Phương pháp Hải Thượng, phương pháp này đã được đưa vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, thực hành ở nhiều cơ sở y dược tại Việt Nam và một số nơi khác trên thế giới như ở Rillieux La Pape – Pháp; một số lớp học ở European Institute of Applied Buddhism – Đức…
Không kể ở trong nước, cho đến nay, ở nước ngoài, đã có ít nhất là 12 luận văn, luận án khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về Lê Hữu Trác và HTYTTL, viết bằng các thứ tiếng: Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Hoa Kỳ, Trung Quốc22…
Và mới ngay đây, ngày 21/11/2023, tại Paris, Đại Hội đồng UNESCO khoá 42 đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân Văn hóa và Sự kiện Lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có Lê Hữu Trác của Việt Nam (“42C/ Conférence générale 42e session, Paris 2023: 52. 300th anniversary of the birth of Hai Thuong Lan Ong Le Huu Trac, physician, 1724-1791”).
HTYTTL thực sự là công trình đồ sộ, có giá trị sâu sắc về cả lý luận và thực tiến, trên nhiều lĩnh vực (y học, văn học, nhân học, văn hoá, giáo dục...). Công trình là sự tổng hợp mọi thành tựu nghiên cứu và quá trình ứng dụng vào thực tiễn thành công của Lê Hữu Trác. Với HTYTTL, Lê Hữu Trác đã góp phần quan trọng trong khơi nguồn cảm hứng, khởi tạo, kích hoạt, kết nối mối quan hệ, giao lưu văn hoá nói chung, y học cổ truyền nói riêng giữa Việt Nam với không chỉ Trung Quốc và các nước Đông Á mà còn với nhiều quốc gia khác – có thể sẽ là trên khắp toàn cầu sau khi UNESCO Vinh danh và tham gia Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của ông vào năm 2024.
Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, mối quan hệ giao lưu văn hoá giữa các quốc gia/ dân tộc thuộc nhiều khu vực khác nhau xét trên phạm vi quốc tế là vấn đề có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác và phát triển chung, hướng tới một thế giới hoà bình, văn minh, tiến bộ. Vấn đề mang tính khoa học cấp thiết, có ý nghĩa sâu sắc trên nhiều phương diện này cần phải được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng, có khi chỉ qua một hiện tượng văn hoá mang tính quy luật sâu sắc, ngay từ trong di sản quá khứ. Các kết quả nghiên cứu sẽ là những bài học kinh nghiệm giúp các quốc gia củng cố lòng tin, sự đoàn kết và hòa giải xung đột, tăng cường sự thấu hiểu đa dạng văn hóa, sự tôn trọng và hợp tác đa phương, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững trong hòa bình của các quốc gia.
Khai thác các giá trị từ di sản quá khứ của các quốc gia, tìm mối liên hệ giữa chúng nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác trong khu vực cũng như ở phạm vi quốc tế trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay còn quá nhiều thử thách, phức tạp, đang là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết./.
Chú thích:
1 Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân được khắc in năm 1596 sau khi ông qua đời 3 năm; năm 2010 đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
2, 4 Xin xem Biện Minh Điền (2023), “Lê Hữu Trác và Hải Thượng y tông tâm lĩnh từ điểm nhìn thế kỷ XXI”, sách Một số vấn đề về tiếp nhận và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, NXB Nghệ An, tr. 22-36.
3 Xem Lê Hữu Trác, Hải Thượng y tông tâm lĩnh (mục Y nghiệp thần chương), NXB Y học, 4 tập, 2005 (tái bản), tr. 27-28.
5 Xin xem: Hải Thượng Lãn Ông, Nữ công thắng lãm (Lê Trần Đức biên dịch, phiên âm và phụ giải), NXB Phụ nữ, 1971.
6 Lê Hữu Trác, Hải Thượng y tông tâm lĩnh (Nội kinh yếu chỉ, Q1). Xin xem thêm Hoàng đế nội kinh (Nguyễn Đồng Di dịch), NXB Khai Trí, 1971.
7 Xin xem: Nguyễn Thị Sông Hương, “Cuộc gặp gỡ giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác”, sách Một số vấn đề về tiếp nhận và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, NXB Nghệ An, 2023, tr. 113-123.
8 Lê Hữu Trác, Hải Thượng y tông tâm lĩnh (I), (“Bài tựa tập Tâm lĩnh của Lãn Ông, tự đề”), NXB Y học, 4 tập, 2005 (tái bản), tr. 22.
9, 10, 11 Mayanagi Makoto, “Nghiên cứu so sánh định lượng thư tịch y học cổ các nước khu vực đồng văn” (Nguyễn Thị Oanh dịch), Tạp chí Hán Nôm, số 6 (97), 2009, tr. 10-29.
12 李机皓 - 刁洁敏: “赵献可医易思想在越南的受 容”, 中國醫學文化。 2022 年 2 月,第一卷 17號,1 號 (Lý Cơ Hạo - Diêu Khiết Mẫn, “Sự tiếp nhận triết lý y học Trung Quốc của Triệu Hiến Khả tại Việt Nam”, Văn hoá y học Trung Quốc (Chinese Medical Culture), tháng 2/2022, tập 17, số 1.
13 Makoto Mayanagi, “Tracing the Development of Medicine” in Vietnam in the 2nd symposium of Japan, China and Korea societies for the history of Medicine. Summary of collected Papers, Mito, 2010, tr. 274-283.
14 Dinh, Hoa Trung, “Theological medical ethics”, Boston College, 2013, http://hdl.handle.net/2345/bcir: 104403.
15 Yveline Féray, Vạn Xuân (Dix Mille Printemps) Nguyễn Khắc Dương dịch, NXB Văn học & Sudestasie, 2004.
16 Yveline Féray, Lãn Ông (Monsieur le Paresseux), Lê Trọng Sâm dịch, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
17 Yveline Féray, Lãn Ông (Monsieur le Paresseux), sách đã dẫn ở trên, tr. 3.
18 Albert Sallet, “Un grand médecin d’Annam: Hai-Thuong Lan Ong (1725-1792)”, Bulletin de la société française de la Médecine, n° 24, 1930.
19 Pierre Huard et Maurice Durand, “Lãn Ông et la médecine sino-vietnamienne, Bulletin de la Société des Etudes indochinoises, Impr. d’Extrême-Orient, Sài Gòn, 1953.
20 Jan Van Alphen and Anthony Aris, Oriental medicine: an illustrated guide to the Asian arts of healing, Publisher London, Serindia Publications, 1995.
21 Ann Bates and Alan W. Bates, “Lan Ong (Le Huu Trac, 1720-91) and Vietnamese medical tradition”, Journal of Medical Biography, volume 5, August, 2007.
22 Nguyễn Trần Huân: Contribution l’étude de l’ancienne thérapeutique vietnamienne, 1951; Nguyễn Văn Thọ: Les secrets des reins révélés, 1952; Lê Văn Long: Les maladies des femmes dans la médecine vietnamienne, 1952; Phạm Trọng Lương: Vario et les maladies infantiles d’après la conception sino-vietnmienne. Leurs traitements, 1952; Nguyễn Ngọc Thắng: Contribution à l’étude du grand médecin vietnamien Lan Ong. Les précepteurs du Jade, 1952; Trịnh Thị Hoài Tú: Contribution à la pensée médicale de Lan Ong, médecin vietnamien du XVIIIe. Etude du livre. Les principes essentiels de médecine, de diététique et d’hygiène, Đại học Paris VI, 1980; Vũ Thịnh Cường: Contribution à l’étude de la médecine préventive et de la santé publique dans l’oeuvre encyclopedique de Hai-Thuong-Lan-Ong, Sorbonne Université, 1986; Serhat Sezai Cicek Innsbruck: Traditionelle Vietnamesische Medizin im Kontext, Đại học Zurich, 2009; Julien Taupin: Contribution àla penseé med́ icale de Lan Ong, med́ ecin vietnamien du XVIIIe siècle: “Les nouvelles formules imiteés des Anciens”, Đại học Paris 5, 2011; Leslie de Vries: Before Heaven and Curative Medicine in Zhao Xianke’s Yiguan, Universiteit Gent, 2012; Đinh Trung Hòa: Theological medicalethics: A virtue based approach, Đại học Boston - Hoa Kỳ, 2013; Quản Lâm Ngọc (管 琳玉): 越南遗迹研究:新的海上医学宗派总领全损, Đại học Trung y dược Bắc Kinh – Trung Quốc, 2015.