TÌNH MẪU TỬ TRONG THƠ XUÂN QUỲNH NHÌN TỪ LÝ THUYẾT GIỚI

Bài viết lý giải tình mẫu tử trong thơ Xuân Quỳnh như một kiến tạo mang tính cá nhân và tính xã hội, từ đó khẳng định việc tưởng tượng về người mẹ linh hồn và ''tường thuật'' những trải nghiệm làm mẹ của chính mình đã gợi mở những suy tư về việc làm mẹ dựa trên các yếu tố như văn hóa, dân tộc, chính trị, giới tính, khả năng, tuổi tác và vị trí địa lý.

     Một số nhà nữ quyền luận đương đại, chẳng hạn như Adrienne Rich (1929-2012), cho rằng cần phải nhìn nhận tình mẫu tử với tư cách là một định chế, một mối quan tâm khả thi về nữ quyền và là một lĩnh vực học thuật đa dạng về mặt lý thuyết1. Thiên chức làm mẹ được xem như một yếu tố hợp nhất giữa những người phụ nữ, mang lại hình ảnh tích cực cho nữ giới vì họ được coi là người bảo vệ đạo đức và gắn kết xã hội. Trên thực tế, vai trò, uy tín và địa vị văn hóa của người mẹ trong lịch sử chưa bao giờ thôi được nhấn mạnh. Trong suốt thế kỷ XVIII và XIX, tình mẫu tử đã trở thành hình thức lý tưởng của nữ giới, một hình thức mang tính bản năng của con người vì trẻ em cần được mẹ nuôi dưỡng và bảo vệ2. Ở nhiều mô hình xã hội, người mẹ là nhân vật trung tâm, không chỉ là người nuôi nấng và dạy dỗ con cái mà còn đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, hình thành nền tảng tinh thần-đạo đức của gia đình. Cùng với vai trò thiết yếu của người mẹ trong lịch sử, có thể dễ dàng tìm thấy vô số những diễn ngôn về người mẹ trong văn học. Thông qua chủ đề về tình mẫu tử, có thể nhận diện tính đa dạng của kinh nghiệm phụ nữ, ngôn ngữ nữ tính, giọng nữ, bản sắc nữ..., như Rachel Blau du Plessis viết: “Vai trò làm mẹ (motherhood) vô cùng phức tạp, một không gian mà người ta luôn học hỏi và thay đổi, thông hiểu quá trình theo một cách mới. Vì vậy, tình mẫu tử dẫn đến kiến thức, lối nghĩ, tư duy văn chương và thơ ca”3. Được gợi ý từ cách tiếp cận trên, bài viết sẽ đọc lại chủ đề tình mẫu tử trong thơ Xuân Quỳnh từ lý thuyết giới, tập trung qua hai phương diện: “Người mẹ linh hồn” hay sự tưởng tượng về mẹ trong thơ Xuân Quỳnh; Vai trò kép kiến tạo bản sắc: làm mẹ và sản xuất văn học.

    1. “Người mẹ linh hồn” hay sự tưởng tượng về mẹ trong thơ Xuân Quỳnh

    Mối quan hệ giữa mẹ và con gái chiếm giữ một vị trí trung tâm trong dự án tổng thể về lý thuyết nữ quyền khi các nhà nữ quyền khám phá ra vai trò của người mẹ trong cuộc đời của con gái, mối quan hệ mẹ - con gái và tác động của tình mẫu tử đối với cuộc sống của một người phụ nữ4. Theo quan điểm của các nhà nữ quyền luận, nếu như mối quan hệ giữa mẹ với con trai thường bị đặt trong vòng kiềm tỏa của quan điểm gia trưởng (chẳng hạn việc người phụ nữ có sinh được con trai hay không sẽ đánh giá sự thành công hay thất bại của họ với tư cách là một người vợ5), thì việc duy trì tình mẫu tử là một cách thể hiện tính chủ thể của phụ nữ và thiên chức làm mẹ được xem như một yếu tố hợp nhất giữa những người phụ nữ: “Sự bao bọc sớm nhất của cơ thể phụ nữ này với cơ thể phụ nữ khác (…) ngay từ đầu, đó là toàn bộ thế giới”6. Tuy nhiên, cũng chính bởi tầm quan trọng của người mẹ mà sự thiếu vắng của người mẹ trong cuộc đời đứa trẻ có thể tạo ra những bi kịch tâm lý mạnh mẽ. Sự hiện diện của người mẹ trong mối quan hệ với con gái có thể tạo ra niềm vui bất tận hoặc vực thẳm của sự tuyệt vọng, sự hiện diện an lòng cũng như sự vắng mặt tàn khốc, như Arienne Rich nói, nó gắn với “bi kịch thiết yếu của phụ nữ”7, bao gồm cả sự sống và cái chết. Ở trường hợp Xuân Quỳnh, sự vắng mặt của người mẹ từ thuở ấu thơ rõ ràng đã tạo nên một vết hằn tâm lý, một mặc cảm khao khát tình yêu thương trong cuộc đời nhà thơ. Sớm mồ côi mẹ khi còn rất nhỏ, Xuân Quỳnh từng kể rằng mình không nhớ rõ gương mặt mẹ. Sau khi sinh con gái thứ hai là Xuân Quỳnh, người mẹ mắc bệnh lao - một căn bệnh nan y thời đó. Không muốn các con bị lây bệnh, bà phải cách ly với hai con, lặng lẽ âm thầm trong căn phòng riêng, hàng ngày chỉ nhìn con qua khe cửa, cho đến khi qua đời8. Vì thế, ngay từ đầu, sự thiếu vắng tình mẫu tử đã đi vào trong thơ Xuân Quỳnh như một nỗi bất hạnh đầu tiên của một tuổi thơ thiếu thốn, vất vả: “Bàn tay em ngón chẳng thon dài/ Vệt chai cũ, đường gân xanh vất vả… / Tập vá may, tết tóc một mình/ Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ” (Bàn tay em). Francus gọi hiện tượng này là “người mẹ linh hồn” (spectral mother) - một người mẹ đã chết, vắng mặt trong sự phát triển của con cái, nhưng chính sự vắng mặt của bóng dáng người mẹ có thể được coi như một dấu chấm câu nhấn mạnh nhiệm vụ thiết yếu của bà trong cuộc đời của những đứa con9. Sự vắng mặt của mẹ càng làm nổi bật nhu cầu to lớn về sự tồn tại của mẹ đối với sự phát triển cá nhân của Xuân Quỳnh, tô đậm nỗi cô đơn ngay từ thuở lọt lòng của nhà thơ bởi thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ: “tập vá may, tết tóc một mình”, “rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ”. Mẹ và con gái - mối quan hệ liên chủ thể này trong thơ Xuân Quỳnh thường xuyên được thiết lập thông qua tưởng tượng, không phải là hình tượng người mẹ được bồi đắp từ ký ức mà là người mẹ được nhà thơ tưởng tượng, hình dung về. Dường như “người mẹ linh hồn” đã ám ảnh thế giới quan của Xuân Quỳnh, hình thành một khát khao âm thầm về tình mẫu tử, muốn giữ gìn mãi mãi bên mình “hơi ấm” của mẹ, ao ước về một sự gắn kết máu thịt, ngọt ngào và sâu sắc giữa hai cơ thể với nhau, một cơ thể đã từng trải qua khoảng thời gian “chín tháng mười ngày” ở bên trong cơ thể kia và một cơ thể sinh ra từ cơ thể kia. Khi những liên hệ về mặt cơ thể với mẹ không thể được kết nối, thì viết trở thành phương tiện để biểu hiện cho nỗi nhớ thương và khao khát mẹ của Xuân Quỳnh, nói như A. Rich, phụ nữ có thể tái hòa nhập với người mẹ thông qua chữ viết, từ đó, “đoàn tụ với mẹ của mình”10. Chẳng hạn, trong bài Mây, Xuân Quỳnh liên tưởng những vầng mây trắng trên bầu trời với người mẹ đã khuất: “Thuở bé tôi yêu mây/ Qua những hình kỳ lạ…/ Rồi mây chuyển hình người/ Giống mẹ tôi về chợ…/ Nhưng trên đường hành quân/ Mây theo cùng che chở…”. Nỗi nhớ về mẹ khiến cho những trải nghiệm của con gái - nhà thơ Xuân Quỳnh - trùng khít với những trải nghiệm của người mẹ đã qua đời, tạo thành một “mô hình tuần hoàn trong đó các bà mẹ truyền lại cho con gái những gì họ nhận được từ mẹ khiến trải nghiệm thế giới trôi chảy và không có ranh giới”11. Tình mẫu tử là một tình cảm khăng khít, thiêng liêng, không thể tách rời, và điều này chỉ được phát huy nếu con gái nhận thức được mẹ mình trong sâu thẳm chính mình12. Cơn mưa không phải của mình vừa là cuộc đối thoại tâm linh với người mẹ đã khuất, vừa là lời độc thoại của Xuân Quỳnh: “Sao mẹ chẳng sinh con ở dưới những cơn mưa/ Lại sinh con nơi đảo khô cằn thế/ Lòng khắc nghiệt đôi khi thầm trách khẽ/ Nhưng mẹ tôi cũng đang khát kia mà”. “Nơi đảo khô cằn” ẩn dụ cho cuộc đời nhiều vất vả, một tuổi thơ thiếu những cơn mưa mát lành, nhưng ngay cả khi buồn trách số phận, Xuân Quỳnh vẫn cảm nhận được về mẹ trong tận sâu bên trong: “mẹ tôi cũng đang khát kia mà”. Dạng cảm nhận này chỉ có thể có được bằng cách huy động toàn bộ thân thể, cảm giác, tưởng tượng và tâm linh.

    Người mẹ trong thơ Xuân Quỳnh thường hiện lên qua hình tượng quen thuộc của ca dao dân gian “cánh cò trắng xóa”, “lời ru bay về”, hòa nhập làm một với hình tượng người mẹ của ký ức tập thể và được xây dựng theo công thức chung của một người mẹ truyền thống - đó là hình mẫu người mẹ mang tình yêu thiêng liêng, suốt đời dõi theo che chở, bao bọc cho con: “Đầu đội nón tay vung/ Tay kia thì cắp rổ” (Mây). Với bút pháp chịu ảnh hưởng từ khuynh hướng sử thi của thơ ca kháng chiến giai đoạn 1945-1975, Xuân Quỳnh nhiều lần miêu tả người mẹ với một vai trò quan trọng, được lồng vào một diễn ngôn lớn hơn về Tổ quốc, gia đình, tình mẫu tử hoặc sự phát triển tâm lý con người. Đó là người mẹ Việt Nam hát ru con trong khói bom lửa đạn, mong ngóng chờ ngày độc lập, nước nhà thống nhất, để “Mẹ cùng con đi giữa muôn người/ Áo son thắm, miệng trầu thơm ngát” (Gửi mẹ); một người mẹ rất riêng mà cũng rất phổ quát: “Những lời ru vời vợi canh khuya/ Con vẫn nhớ/ Lời mẹ hát có đôi bờ cách trở”, “Trong lời mẹ hát/ Có bao lòng vợ tiễn đưa chồng”, “Càng thương mẹ, thương câu hát cũ”, “Hoa gạo đỏ bên sông, làng mở hội/ Ngỡ mẹ về trong sớm xuân nay”… Đặc biệt, cảm thức về mẹ đi suốt cuộc đời Xuân Quỳnh, thể hiện qua cả những vần thơ dành cho mẹ chồng:

    “Phải đâu mẹ của riêng anh
    Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi (…)
    Mẹ không ghét bỏ em đâu
    Yêu anh em đã là dâu trong nhà”.

    Lâu nay, bài thơ Mẹ của anh thường được đọc như một diễn ngôn giàu tính nhân văn về tình cảm mẹ chồng - con dâu, một mối quan hệ trên thực tế là phức tạp, đặc biệt ở xã hội phương Đông. Tuy nhiên, xét từ góc độ giới, văn bản này sâu sắc hơn nhiều tầng nghĩa bề mặt đó: nó khẳng định vị trí của người phụ nữ trong đời sống và bài học làm mẹ của họ, hơn nữa, nhấn mạnh đến tính liên kết cộng đồng của những người phụ nữ làm mẹ (bản thân nhà thơ - một người mẹ - với những người mẹ khác) - một mối liên hệ mang tính kinh nghiệm và tính lịch sử: “Chắt chiu tự những ngày xưa”, “em xin hát tiếp lời ca”… Xuân Quỳnh khẳng định, chính trải nghiệm của những người được trao quyền làm mẹ đã vượt qua sự phân cách đối lập, những rào cản (mẹ chồng - con dâu) giữa các cá thể khác biệt để tìm kiếm một sự kết nối hài hòa trong yêu thương: “Em xin hát tiếp lời ca/ Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn/ Hát tình yêu của chúng mình/ Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng/ Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ”. Trong mối liên kết này, rõ ràng tình yêu bền vững giữa những người phụ nữ đã trở thành trung tâm: “Chắt chiu tự những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

    2. Vai trò kép kiến tạo bản sắc: làm mẹ và sản xuất văn học

    Nhìn từ hệ thống tác phẩm, có thể thấy Xuân Quỳnh không mấy quan tâm đến câu chuyện “nữ quyền” (feminist) mà tập trung vào vấn đề “nữ tính” (feminine), bà say mê khám phá bản chất của nữ giới thông qua điểm nhìn nữ giới, ghi chép lại những trải nghiệm của nữ giới với tư cách là người vợ, người mẹ - những kinh nghiệm riêng tư, mang tính cá thể, vốn bị che khuất trong một lịch sử văn học chủ yếu do đàn ông thống trị. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, ở thời kỳ đầu sáng tác, cảm hứng sử thi-thế sự trong thơ Xuân Quỳnh khá đậm đặc - đây là một đặc điểm lâu nay thường bị các nhà nghiên cứu bỏ qua bởi Xuân Quỳnh thường xuyên được diễn giải như một nhà thơ của tình yêu, hoặc một nhà thơ nữ viết cho thiếu nhi - hơn là một cây bút trăn trở về những vấn đề lịch sử chính trị. Theo khảo sát, số lượng những bài thơ mang cảm hứng sử thi - thế sự chiếm khá nhiều trong hai tập Gió Lào cát trắng13Lời ru trên mặt đất14 . Trong Lời ru trên mặt đất, số lượng các bài thơ này chiếm: 8/34 tổng số bài (Lời từ giã của Trung đoàn Thủ Đô, Vườn trong thư viện, Khúc hát những người anh, Khán giả của tôi, Đà Nẵng - gương mặt người, Gương mặt biển, Bình Trị Thiên, Những con đường tháng giêng). Đến tập Gió Lào cát trắng, tỉ lệ này còn cao hơn, chiếm 18/36 tổng số bài (Ở nơi đâu cũng thấy Bác mỉm cười, Viết trên đường 20, Thời gian đi trong lòng đất, Mặt đất cũ, Bắt đầu bằng những lá cờ, Cát ở Cửa Việt, Rau, Về những thói quen, Thành phố không có thường dân, Những năm ấy, Những sự vật còn sống, Thành phố ở ngoại ô, Bãi cỏ bên kia thành phố, Bên cửa sông, Một vùng cửa sông, Biển, Làng biển, Cơn mưa không phải của mình). Có vẻ như ở thời kỳ đầu, Xuân Quỳnh đã vô thức bắt chước các chuẩn mực nghệ thuật và các tiêu chuẩn thẩm mĩ của nam giới đang chiếm ưu thế khi đó, bằng cách sử dụng giọng trung tính trong những miêu tả về thời cuộc lịch sử. Chẳng hạn, không khí lịch sử và chất giọng tự sự trong Lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô của Xuân Quỳnh hoàn toàn có thể so sánh với bài thơ nổi tiếng Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn của Lưu Quang Vũ: “Mũ sắt mưa bay lất phất/ Trung đoàn lặng lẽ ra đi/ Bãi Long Biên gió buốt/ Dòng sông đen rì rậm/ Ngoảnh nhìn Hà Nội rưng rưng/ Liên khu Một bập bùng lửa cháy” (Lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô). Sang giai đoạn sau, Xuân Quỳnh tập trung bút lực vào việc khai thác kinh nghiệm nữ tính: trải nghiệm làm vợ, làm mẹ, đời sống tinh thần của người phụ nữ. Như cách nói của Helene Cixous, Xuân Quỳnh của giai đoạn sau không ngừng “viết về chính mình”, viết về phụ nữ và “đưa phụ nữ vào văn bản” bằng cách sử dụng ngôn từ đặc trưng của nữ giới - được phân biệt so với ngôn ngữ của nam giới - nhằm xây dựng tính chủ thể.

    Thêm nữa, không khó để nhận ra trong thơ Xuân Quỳnh một mẫu hình về người mẹ lý tưởng, người “dịu dàng, kiên định, chân thật”, “nuôi dưỡng, hỗ trợ và duy trì sự khỏe mạnh về vật chất và tinh thần của chồng và con của bà”15. Người mẹ ấy dung chứa những đức tính được xem là đại diện cho hình tượng người mẹ truyền thống: nhẫn nại, dịu dàng, bổn phận, hi sinh, “cư xử theo chuẩn mực xã hội” và cấu thành “phiên bản nữ tính” được xã hội nam quyền củng cố. Ở phương diện này, thơ Xuân Quỳnh hoàn toàn không thoát ra ngoài khung nhị phân trong diễn ngôn nam-nữ: “Chúng tôi là những người đàn bà bình thường không tên tuổi/ Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hằng ngày” - trong khi, “con trai cũng là đáng quý/ Mỗi người sinh ra đã hướng sẵn một chân trời”. Ngay cả trước tình yêu, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh cũng thường bị xếp vào “chiếu dưới”, được hình dung như một tồn tại mang tính bản năng và phụ thuộc: “Ta không được yêu cảm thấy thấp dần đi/ Vì chính ta cũng chẳng yêu ta” - ngược lại với nam giới “họ yêu ta vì họ yêu chính họ/ Được yêu hai lần, họ cao lên một bật”. Tuy nhiên, nếu như thơ tình Xuân Quỳnh chưa bao giờ vượt khỏi diễn ngôn giới do xã hội kiến tạo khi cho rằng “vai trò của người phụ nữ là nội trợ, làm mẹ, tiêu dùng hàng hóa, hỗ trợ tinh thần cho đàn ông và con cái”16: “Con gái chúng mình mang tiếng nhỏ nhen chật hẹp/ Nhưng hơn bọn con trai cái đức biết hi sinh…/ Chúng ta cam lòng với việc tần tảo nuôi con, việc đồng ruộng hậu phương là việc phụ” (Thơ viết cho mình và những người con gái khác), “Ước chi làm chiếc nón che anh/ Đêm gió lạnh em xin làm ngọn lửa” (Không đề I), “Anh không ngủ được ư anh?/ Để em mở quạt quấn mành lên cho” (Hát ru chồng những đêm khó ngủ)... - thì chính mảng thơ về tình mẫu tử trong thơ Xuân Quỳnh lại bổ sung cho hạn chế này, nó khẳng định việc trở thành mẹ và cống hiến cho vai trò làm mẹ mang ý nghĩa như là phương thức để kiến tạo bản dạng giới, duy trì hoạt động xã hội và là động lực để sự sống tuần hoàn. “Lời ru” trong thơ Xuân Quỳnh trở thành một phép ẩn dụ về sức mạnh của người mẹ - là cội nguồn tinh thần nhằm tạo ra và nuôi dưỡng tình yêu, ngôn ngữ riêng của tình mẫu tử, dung dưỡng năng lượng lớn lao và bền bỉ, bồi đắp và giáo dục cho tâm hồn của nhiều thế hệ:

    “Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
    Có tình yêu và có lời ru…”.
                                (Thơ vui về phái yếu)

     “Mẹ còn đang bận đưa ru
    Cái hoa bận đỏ cái hồ bận xanh
    Hạt cây đang bận nảy mầm
    Con quay quay có một mình ngoài kia
    Ngủ đi con hãy ngủ đi
    À ơi… cái ngủ đang về cùng con”.
                               (Lời ru trên mặt đất)

    Trong nhiều tác phẩm, Xuân Quỳnh thể hiện ý thức kết nối kinh nghiệm nữ tính của cá nhân với ngôn ngữ. Ý thức này có thể thấy rất rõ trong bài Nguồn gốc từ ngữ17 (trích trong bài thơ dài Những năm tháng không yên) - một bài thơ giàu cảm hứng cắt nghĩa lịch sử, viết trong quãng trước 1978. Điều này cho thấy, một cách bản năng, ngay từ thời kỳ đầu cầm bút, Xuân Quỳnh đã sớm tư duy về vai trò của ngôn từ - nơi chủ thể bộc lộ căn tính và là phương tiện để giao tiếp với tha nhân: “Tiếng yêu anh nói cùng em”, “Tiếng người xưa nói với nhau”, “Tiếng yêu ta nói cùng ta”, “Tiếng yêu người nói với người”, “Tiếng yêu mẹ nói cùng cha”, “Tiếng yêu của những ngày xưa”, “Tiếng yêu từ những ngày xa”… Trong khi đó, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa hay Thơ viết tặng anh lại là phát hiện của Xuân Quỳnh trong việc khám phá ra ngôn ngữ như một “không gian thứ ba” để tồn tại nhằm xóa bỏ khoảng trắng của phụ nữ trong lịch sử, thiết lập giá trị quan nữ giới: “Ôi trời xanh, xin trả cho vô tận/ Trời không xanh trong đáy mắt em xanh/ Và trong em không thể còn anh/ Nếu ngày mai em không làm thơ nữa” (Nếu ngày mai em không làm thơ nữa); “Gia tài là mấy bài thơ/ Dẫu bao người đọc vẫn chờ đợi ai” (Thơ viết tặng anh).

    Với Xuân Quỳnh, kinh nghiệm làm mẹ và kinh nghiệm làm thơ - một hình thức sản xuất văn học - luôn có một mối liên hệ mật thiết: “làm mẹ và sản xuất văn học - cả hai thực tiễn có quan hệ sâu sắc”18. Vì vậy, dù không tự ý thức, công việc sáng tác của Xuân Quỳnh vẫn có thể được xem như một thực hành nữ quyền ở cấp độ cá nhân, như Carol Hult nhận xét “khi các bà mẹ trở thành “chủ thể phát ngôn” và đưa cái nhìn của họ vào dòng chảy văn học, những quan niệm hạn chế về chế độ phụ hệ đang lâm chung bắt đầu được thay thế bằng thực tế cuộc sống của những người mẹ”19. Những bài thơ Xuân Quỳnh viết dành tặng con và viết cho thiếu nhi từ điểm nhìn của một người mẹ là sự khẳng định giá trị của người mẹ trong cộng đồng, nó cho thấy việc làm mẹ là một thực hành được lựa chọn hơn là một định mệnh mang tính sinh học. Nói cách khác, việc Xuân Quỳnh nói lên những trải nghiệm và cảm xúc của một người mẹ bằng văn bản giúp định nghĩa lại vai trò của người mẹ trong xã hội. Với Xuân Quỳnh, đây là một hành động mang tính nhị nguyên: sáng tác đồng thời làm sáng tỏ việc làm mẹ, cũng có thể nói, “hành động viết tiếp tục hành động làm mẹ”20. Trong Chuyện cổ tích về loài người, Xuân Quỳnh khẳng định ý nghĩa của chữ viết như một dạng bản sắc, một biểu tượng bảo tồn, tái tạo và phát triển văn hóa, đặc biệt đối với một đất nước luôn phải đối mặt với sức mạnh xâm lược quân sự và nguy cơ mất độc lập dân tộc. Do đó, gắn với ngôn ngữ (lời ru, chữ viết) - hình tượng người mẹ trong bài thơ này thực chất đã được triết lý hóa lên một tầng ý nghĩa: nhà thơ củng cố ý thức về vai trò của người mẹ như một người mẹ văn hóa - người mang chức năng hướng dẫn trẻ em và truyền tải các giá trị nhân văn của cuộc sống:

    “Nhưng còn cần cho trẻ
    Tình yêu và lời ru
    Cho nên mẹ sinh ra
    Để bế bồng chăm sóc”.
                          (Chuyện cổ tích về loài người)

    Xét từ phương diện chủ thể hành động, người mẹ trong thơ Xuân Quỳnh luôn mang tâm thế “bảo tồn” (holding) - một tâm thế mà Sara Ruddick đã đề cập đến: “Một người mẹ, hành động vì lợi ích bảo tồn và duy trì sự sống. . . bảo tồn cái mong manh, duy trì bất cứ thứ gì trong tầm tay và mang tính cần thiết”21. Với Xuân Quỳnh, viết và làm mẹ đều là những nỗ lực “bảo tồn” văn hóa bằng cách duy trì, nuôi dưỡng và phát triển những giá trị nhân bản: “Ngủ đi qua suối qua đồi/ Qua trong lòng đất, những lời ru, qua…/ Đây dòng sữa trắng như ngà/ Dẫu thôi hạt sạn, dẫu xa cửa hầm” (Lời ru trên mặt đất).

    Tóm lại, bài viết lý giải tình mẫu tử trong thơ Xuân Quỳnh như một kiến tạo mang tính cá nhân và tính xã hội, từ đó nhấn mạnh rằng, thông qua việc tưởng tượng về người mẹ linh hồn và “tường thuật” những trải nghiệm làm mẹ của chính mình, Xuân Quỳnh đã tái tạo ngôn từ nữ tính theo một cách mới, mang đến cho độc giả những khám phá sâu sắc và tuyệt vời về tình mẫu tử với tất cả ý nghĩa phong phú, phức tạp và thiêng liêng của nó. Qua đấy, gợi mở những suy tư về việc làm mẹ dựa trên các yếu tố như văn hóa, dân tộc, chính trị, giới tính, khả năng, tuổi tác và vị trí địa lý. Bài viết đồng thời cũng hướng tới một niềm tin mang tính khả thi rằng, tình mẫu tử và vai trò của người mẹ là chủ đề thú vị của nghiên cứu học thuật. Trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, chủ đề này vẫn tiếp tục được hệ thống hóa dựa trên những nỗ lực xây dựng lý thuyết về người mẹ như một ngành học tự trị, độc lập và hợp pháp của các nhà nữ quyền luận đương đại.

  

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Xuân Quỳnh (1974), Gió Lào cát trắng, NXB Văn học, in lần thứ nhất.
2. Xuân Quỳnh (1978), Lời ru trên mặt đất, NXB Tác phẩm mới.
3. Xuân Quỳnh (2013), Không bao giờ là cuối (Tuyển thơ Xuân Quỳnh), Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn.

Chú thích:
1 Adrienne Rich (1986), Of Woman Born: Motherhood as Experience and Institution (Originally published: 1976)
A. Dally (1983). Inventing Motherhood: The Consequences of an Ideal. New York: Schocken.
3 https://poets.org/text/going-motherlode-adrienne-richs-woman-born.
4 Luce Irigaray (1993), An Ethics of Sexual Differ-ence, Carolyn Burke and Gillian Gill trans., Cornell University Press Irigaray: 105.
5 http://english.fju.edu.tw/lctd/asp/theory/theory _works/68/study.htm.
6, 7, 10 Adrienne Rich (1986), Of Woman Born: Motherhood as Experience and Institution, printed by United States, W.W. Norton &Company, Inc., tr. 218, tr. 237, tr. 255.
8 https://baoquangninh.com.vn/he-lo-nhungnam-thang-mo-coi-me-va-cuoc-doi-nhieu-nhocnhan-cua-nu-thi-si-xuan-quynh-2416525.html.
9 Dẫn theo Gevirtz, K. (2012), “Marilyn Francus, Monstrous Motherhood: 18th Century and the Ideology of Domesticity.” A Review. Seton Hall University.
11 Dẫn theo R. Natov (1990), “Mothers and Daughters: Jamaica Kincaid’s Pre-Oedipal Narrative”. Children’s Literature: An International Journal 18.
12 N. J. Chodorow (1991), Feminism and Psychoanalytic Theory, Yale University Press.
13 Xuân Quỳnh (1974), Gió Lào cát trắng, NXB Văn học, in lần thứ nhất.
14 Xuân Quỳnh (1978), Lời ru trên mặt đất, NXB Tác phẩm mới.
15 C. Banks: “Dear Mother England”: Motherhood and Nineteenth-Century Criticism of Shakespeare”. Womens Writ. 17(3), 2010, tr. 452-468.
16 Y. Liu (2008), A theoretical reader in motherhood, Wuhan: Wuhan University Press.
17 In trong tập Xuân Quỳnh (1978), Lời ru trên mặt đất, NXB Tác phẩm mới, tr. 5-6.
18 Emily Jeremiah: “Troublesome Practices: Mothering, Literature and Ethics”, Journal of the Association for Research on Mothering 4.2 (Fall/Winter) 2002, tr. 7-16.
19 Carol Hult: “Writer in the House: Mothering and Motherhood.” Journal of the Association for Research on Mothering 1.1, 1999, tr. 25-31.
20 Brenda O. Daly, and Maureen T. Reddy (1991), Narrating Mothers: Theorizing Maternal Subjectivities. Knoxville: University of Tennessee Press, tr. 16.
21 Sara Ruddick: “Maternal Thinking.” Mothering: Essaysin Feminist Theory. Ed. Joyce Trebilcot. Totowa, NJ: Rowman andAllanheld, 1984, pp. 213-230, tr. 217.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận