Benedict Anderson khi nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc đã cho rằng tính đại trà của báo chí và tiểu thuyết giúp độc giả có thể hình dung về một cộng đồng gồm nhiều người khác bên cạnh họ, tiêu thụ cùng một tài liệu, do đó tạo nên sự kết nối giữa những người vốn không có bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào. Văn chương mở ra không gian để các công dân chia sẻ nhận thức, niềm tin về cùng một cộng đồng quốc gia, mở ra hình ảnh về sự hiệp thông giữa họ. Giống như Anderson, Jean-Luc Nancy cũng đề xuất mối quan hệ giữa văn học và cộng đồng nhưng luận điểm của Nancy gợi ý rằng văn học có thể làm gián đoạn cộng đồng thống nhất thay vì hồi sinh sự thống nhất trong cộng đồng. Nancy thừa nhận huyền thoại tạo nên cộng đồng – “câu chuyện huyền thoại về bản chất là có tính cộng đồng… huyền thoại chỉ nảy sinh từ cộng đồng và vì cộng đồng đó: chúng cộng sinh lẫn nhau vô tận và ngay lập tức”1 – nhưng đối với Nancy, chúng nhất thiết phải bị gián đoạn. Sự gián đoạn này một mặt phá vỡ tính thống nhất của cộng đồng dựa trên nguồn gốc và bản sắc huyền thoại, mặt khác mở ra khả năng kiến tạo một cộng đồng có thể cùng tiếp xúc, chia sẻ về những người khác và những điều khác biệt. Nancy kết luận và chính luận điểm này xác lập sự khác biệt căn bản giữa Nancy và Anderson,rằng văn học không tạo ra cộng đồng mà biểu thị sự vận hành của cộng đồng: “Không phải vì có văn học mà có cộng đồng. Sự gián đoạn cho thấy rằng chính vì có cộng đồng mới có văn học”2. Văn học biểu hiện sự gián đoạn huyền thoại, trong đó các cá thể đơn lẻ của cộng đồng bộc lộ sự chia sẻ, cảm thông với nhau. Hoạt động viết, theo đó, là chạm, chia sẻ, kiến tạo: “viết là một biểu hiện của cộng đồng”3.
Trong khi Anderson và Nancy lập thuyết về cấu trúc văn hóa của cộng đồng theo những cách khác nhau, Nguyễn Quang Thiều qua các tác phẩm văn học về đề tài phụ nữ và chiến tranh đã thực hành kiến tạo một hình dung về cộng đồng với những câu chuyện vừa thống nhất vừa gián đoạn. Từ việc phân tích ba tác phẩm: Những ví dụ, Hai người đàn bà xóm Trại, Bên ô cửa những toa tàu thời chiến với những ý niệm về “chiến tranh”, “giới tính”, “tình yêu”, “tính dục”, “cái chết”… bài viết chỉra cách nhà văn kiến tạo hình dung về cộng đồng Việt gắn với bối cảnh đất nước thời kỳ trong và sau kháng chiến chống Mĩ. Những ví dụ là bài thơ văn xuôi được in trong Sự mất ngủ của lửa – tập thơ giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 và đánh dấu bước đổi mới của thơ ca Việt đương đại. Hai người đàn bà xóm Trại là một trong những truyện ngắn thành công nhất trong sự nghiệp văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều, được chuyển thể thành phim Thời gian của dòng sông do NSND Bạch Diệp đạo diễn. Bên ô cửa những toa tàu thời chiến in trong tập tản văn Có một kẻ rời bỏ thành phố, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2012. Ba tác phẩm thuộc ba thể loại văn học khác nhau nhưng đều chia sẻ một đề tài chung là tái hiện số phận người phụ nữ dưới tác động của hoàn cảnh chiến tranh, từ đó kiến tạo hình dung về cộng đồng Việt trong và sau tình huống lịch sử đặc biệt này.
1. Huyền thoại cộng đồng thống nhất: những âm vang đại tự sự về chiến tranh và hòa bình
Theo Anderson, khả năng của văn học trong việc kiến tạo hình dung về cộng đồng thống nhất liên quan đến kiểu trần thuật bằng cái nhìn toàn tri về thế giới. Ở đó, các cá nhân sống bên cạnh nhau, hành động đồng thời trong thời gian rỗng. Độc giả vì thế có thể cảm nhận những nhân vật khác nhau cùng hành động trong khi bản thân nhân vật không có kết nối trực tiếp. Lối trần thuật toàn tri tạo ra một thế giới nơi người đọc “giống như Chúa, xemA gọi điện thoại, B mua sắm và D chơi bi-a cùng một lúc”4. Điều này cho phép độc giả tưởng tượng về cộng đồng thống nhất. Ở ba tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều, người đọc có chung hình dung về một thời kỳ đất nước không bình yên. Nhà văn không mô tả trực diện khung cảnh chiến trường mà tái hiện chiến tranh từ một chiều kích khác, chiều của những người ở lại hậu phương. Trong Những ví dụ, chiến tranh ẩn sau đời sống bao người vợ liệt sĩ với chuỗi tháng ngày lặng lẽ, gian lao chốn quê nghèo. Trong Hai người đàn bà xóm Trại, dòng sông Đáy như đường biên chia hai nửa biền biệt: nửa những người chồng qua sông đi vào mặt trận, nửa những người vợ ở lại chờ mong khắc khoải. Trong Bên ô cửa những toa tàu thời chiến, đoàn tàu như là tác nhân làm rỗng làng quê khi rất nhiều người trẻ của làng cứ lần lượt lên tàu ra chiến trường. Các nhân vật khác nhau ở những không gian khác nhau cùng chia sẻ hiện thực chiến tranh. Và từ một hiện thực chung ấy, tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều như là những biểu đạt về huyền thoại cộng đồng Việt với truyền thống yêu nước chống ngoại xâm.
Bên ô cửa những toa tàu thời chiến, như chính nhan đề tác phẩm, được gợi cảm hứng từ hình ảnh ô cửa của những đoàn tàu hỏa chạy qua làng quê. Nó mở ra hai cảnh tượng đối lập gắn với hai thời điểm trong và sau chiến tranh. Nếu như giữa thời chiến, con tàu đi về phía mặt trận mang theo gương mặt những người lính trẻ chật cả ô cửa thì sau chiến tranh, con tàu phía Nam trở về “ô cửa đã vơi đi nhiều gương mặt và có những ô cửa trống rỗng”5. Hình ảnh ô cửa toa tàu là căn cớ gợi lên những suy tư về con người, về dân tộc, về sự liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Ở truyện này, chi tiết buổi liên hoan tiễn những người lính lên đường vào mặt trận như một chỉ báo cho thấy sự thống nhất ý chí, cảm xúc của cộng đồng làng xã, và rộng hơn, của cộng đồng quốc gia trong bối cảnh đất nước lâm vào chiến tranh: “Trong buổi tiễn đưa đó, bọn trẻ con chúng tôi được xem biểu diễn văn nghệ. Đội văn nghệ của làng hát những bài hát về đất nước và về chiến tranh”6. Những bài hát về đất nước, về chiến tranh là một phần lý do cổ vũ tinh thần của những người lính chuẩn bị bước vào mặt trận. Họ sẵn sàng lên đường và sẵn sàng chiến đấu bằng tất cả trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần. Chi tiết ấy phản ánh hình dung thống nhất trong cộng đồng về truyền thống yêu nước vốn đã được nối dài cả ngàn năm. Nó âm vang lời chất vấn đanh thép khi kẻ thù vô lối đẩy sông núi nước Nam vào họa binh đao. Nó nối dài truyền thống đoàn kết, “nhân dân bốn cõi một nhà” để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Và trực tiếp, nó như một lời thưa trước tiếng hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”7. Hình ảnh các chàng trai, cô gái nối nhau lên đường vào mặt trận trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều phản ánh không khí chung của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ: không khí toàn dân hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chống Mĩ. Những người trẻ sẵn sàng gác lại tình thân, gác lại những nhu cầu cá nhân để xông pha tiền tuyến. Vẫn biết cái giá của chiến tranh luôn luôn phải trả bằng máu và nước mắt, thêm một đoàn tàu đi là có thể sẽ thêm một người con trai hay một người con gái của làng ngã xuống nhưng không vì thế mà họ từ chối lên đường. Nhìn rộng ra, con người Việt Nam nói chung không vì gian khổ hi sinh mà nhụt chí sờn lòng. Ngược lại, tình thế chiến tranh như một thứ lửa thử vàng để từ đây ánh lên chất vàng ròng của đức kiên trung. Đó là cách kiến tạo hình ảnh cộng đồng dân tộc Việt thống nhất – sự thống nhất của tinh thần yêu nước, của khát vọng hòa bình.
Trong không khí toàn dân tập trung lực lượng cho công cuộc kháng chiến như thế, một hệ quả tất yếu là những khoảng lặng cá nhân riêng tư có xu hướng mờ đi. Mọi người đồng lòng hòa tiếng nói cá nhân cá thể vào tiếng nói chung của cộng đồng dân tộc. Cho nên những người phụ nữ ở lại hậu phương có cùng một tâm thế như lời người đàn bà xóm Trại: “Chúng em thế nào cũng chịu được. Chỉ lo cho các anh hòn tên mũi đạn”8. Dù vất vả lam lũ, họ vẫn thấy họ an toàn hơn người đàn ông của mình đang phải ngày đêm đối mặt với những tình thế hiểm nghèo. Và bằng tất cả tấm lòng của người vợ thương chồng, họ đủ sức mạnh để “chịu được” gian nan. Trong Những ví dụ, Nguyễn Quang Thiều mô tả: “Những người đàn bà góa bụa làng tôi gồng gánh trên vai, trên những con đường mòn như cột sống dị tật của ngàn đời vất vả. Họ mộng du qua những cơn gió hồng hoang nổi lên lúc mặt trời lăn vòng cuối cùng vào bóng tối. Họ mộng du trong những cơn mưa tiền sử lúc bình minh vừa vực dậy sau một cơn sốt đêm”9.
Nguyễn Quang Thiều viết bài thơ này năm 1992, lấy nguyên mẫu từ những người vợ liệt sĩ làng Chùa – những người vốn được cộng đồng ghi nhận như là “VÍ DỤ” của đức hi sinh. Tác giả không tái hiện cảnh quan nông thôn từ góc nhìn lãng mạn với hình dung thiên nhiên thơ mộng hay những người phụ nữ xinh đẹp, lộng lẫy mà mô tả nông thôn qua không gian “những con đường mòn” – thứ cảnh quan xù xì thô ráp được liên tưởng như là “cột sống dị tật” ghi dấu nỗi vất vả của bao đời phụ nữ Việt. Những người vợ liệt sĩ được gọi chung bằng một cụm danh từ lột tả chân xác tình huống bi đát của số phận: “người đàn bà góa bụa”. Họ sống như kẻ mộng du ở tất cả các khoảnh khắc thời gian trong ngày, lúc hoàng hôn buông xuống cũng như khi bình minh thức dậy. Họ là những người đàn bà lặng lẽ, vất vả, cô đơn. Và họ chờ đợi, trung trinh chờ đợi.
Sự chờ đợi là minh chứng cụ thể cho tấm lòng thủy chung của những người đàn bà hậu phương, là mạch nguồn sức mạnh cho chính họ và cho cả người đàn ông ngoài tiền tuyến. Mary Lefkowitz khi nghiên cứu về thần thoại Hy Lạp đã chỉra rằng trong cuộc chiến thành Troy, nếu không có sự hiện diện của người phụ nữ, Odysseus “đã không bận tâm đến việc trở về nhà”10. Cũng như thế trong Hai người đàn bà xóm Trại, sự chờ đợi của người đàn bà hậu phương là điểm tựa tinh thần cho những người lính nơi chiến trường. Người lính xông pha và hẹn ước: “Đến Tết, kháng chiến thành công chúng tôi về”11. Người lính chiến đấu và đinh ninh: “Sắp hòa bình rồi. Chúng tôi sẽ về cả thôi”12. Qua ngôn ngữ nhân vật, Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh viễn cảnh chiến thắng bao giờ cũng song hành với khát vọng trở về. Nhà văn từ đó cho thấy sự đan bện giữa tình yêu đất nước và tình cảm vợ chồng trong hành trang người lính khira trận. Viễn cảnh về hòa bình và sự trở về liên quan trực tiếp tới một động lực tinh thần to lớn, đó là sự đợi chờ của người đàn bà chốn hậu phương.
Ở Hai người đàn bà xóm Trại, chờ đợi trở thành trạng thái tồn tại chủ yếu trong hành trình sống của hai người đàn bà có chồng đi chinh chiến. Truyện ngắn mở đầu với khung cảnh một đêm mưa cuối đông, trong ngôi nhà nhỏ ven chân đê làng Chùa, hai cụ bà Ân và Mật nhắc chuyện gói bánh chưng đón tết, kết thúc vào tảng sáng hôm sau, khi “gà trong xóm bên kia chân đê thi nhau gáy ran”13, hai người đàn bà tỉnh giấc và tiếp tục hỏi nhau dự định gói bánh chưng ngày tết. Có thể thấy, Nguyễn Quang Thiều đã nén thời gian trần thuật chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, thời gian được trần thuật lại mở ra đằng đẵng gần trọn kiếp người theo dòng hồi ức và những cơn mơ. Trong ký ức chập chờn nhớ quên, hai người phụ nữ thấy lại chính mình thuở chưa ngoài 20 tuổi. Bao nhiêu mong ngóng đợi trông được hiện lộ qua hành động lặp đi lặp lại: gói bánh chưng ngày tết. Việc gói bánh chưng không chỉ thuần túy là di dưỡng một phong tục truyền thống tốt đẹp của cộng đồng Việt mà còn là sự ngoại hiện hóa một cảm xúc riêng tư: gói bánh vì niềm tin khấp khởi “năm nay thế nào anh ấy cũng về”14. Nó dựng lên chân dung bất biến về người phụ nữ chờ chồng. Như vậy, bằng chất liệu ngôn từ, nhà văn đã kiến tạo hình dung về hiện thực chiến tranh, hình dung về nửa bên cạnh chiến trường: nửa của những phụ nữ hậu phương đã sống trọn một đời trong chờ đợi.
Sự chờ đợi của phụ nữ trong chiến tranh như là một chỉ báo kiến tạo hình dung về cộng đồng với truyền thống tôn vinh cái cao cả thuộc về những phụ nữ bình dị. Phụ nữ và mái nhà của họ, đó là một lý do quan trọng để người lính quyết tâm chiến đấu, chiến thắng và trở về. Tuy nhiên, khác với kết cục 20 năm chờ đợi của Penelope được đền đáp bằng cảnh đoàn viên, hai người đàn bà xóm Trại đã đợi chờ một đời trong hi vọng và thất vọng: “Khi bánh chín, họ chọn những chiếc bánh đẹp nhất, chắc nhất để phần hai người đàn ông của họ […]. Cho đến khi ở đầu góc bánh đã lấm tấm mốc xanh thì họ không còn bình tĩnh đợi chờ nữa. Cả hai cùng khóc”15.
Bằng kỹ thuật tỉnh lược thời gian, Nguyễn Quang Thiều nén cả chặng đời dằng dặc của người đàn bà vào một câu văn ngắn: “Mỗi khi sắp đến Tết, cả hai lại xuống bến rửa lá dong và vo gạo”. Người đọc hiểu rằng nhiều cái tết đã đến theo cùng một cách: hai người đàn bà năm nào cũng “xuống bến”, “rửa lá dong”, “vo gạo”. Họ chuẩn bị nấu bánh chưng để chờ đón người đàn ông của mình. Và bao nhiêu lần háo hức làm bánh là bấy nhiêu lần hai người đàn bà phải chứng kiến những chiếc bánh “đã khô lá”, đã “lấm tấm mốc xanh” mà không một người đàn ông nào của họ trở về. Đến khi tóc đã bạc,răng đã rụng, đôi mắt đã đục mờ, thần trí đã lãng đãng, hai người đàn bà vẫn thắc thỏm nhắc nhau gói nhiều bánh chưng: “Mình thì ăn là mấy. Nhưng nhỡ có ai về”16. “Nhỡ có ai về” – động thái trù liệu gói ghém cả sự chờ mong lẫn thảng thốt này đã xuất hiện trong suy nghĩ và lời nói của hai người đàn bà xóm Trại từ thuở họ còn là những cô gái trẻ. Và theo thời gian, nó trở thành một nếp hằn tâm trí, chỉ chực buộtra ở cả ý thức lẫn tiềm thức vào bất cứ khoảnh khắc nào mỗi dịp tết đến xuân về. Nó lặp lại nhiều lần, lặp lại một đời, lặp lại cả khi hai người đàn bà đã trở nên gần đất xa trời. Cũng chính từ hành trình chờ đợi của những người phụ nữ đi qua chiến tranh, Nguyễn Quang Thiều dần kiến tạo một hình dung khác về cộng đồng qua những bi kịch cá nhân phía sau lớp huyền thoại thống nhất. Nói như Nancy: “Thứ được kiến tạo chính là một cộng đồng đang hình thành”17.
2. Sự gián đoạn huyền thoại: bi kịch cá nhân như là tiếng vọng của những tiểu tự sự
Bàn về văn học, Nancy thừa nhận đây là loại hình nghệ thuật có liên quan đến huyền thoại nhưng tác động tới cộng đồng theo cách khác huyền thoại. Thay vì tiết lộ một thực tại cuối cùng hoặc một tầm nhìn tổng thể, văn học “tiết lộ điều không thể tiết lộ”18 và điều không thể tiết lộ đó làm nên sự gián đoạn của cộng đồng từng được hình dung như là thực thể thống nhất. Từ góc nhìn này, câu chuyện về phụ nữ và chiến tranh trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều đã làm gián đoạn huyền thoại cộng đồng khi nhà văn chia sẻ những bi kịch số phận cá nhân. Qua đó, bạn đọc nhận ra rằng tình huống chiến tranh đã khiến quá nhiều phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng những thương tổn lớn ở mọi chặng khác nhau trong một đời người.
Nancy cho rằng bản chất của huyền thoại là toàn trị vì huyền thoại “tạo ra một cộng đồng có xu hướng đồng hóa mọi thứ vào trong tổng thể của nó”19. Trong khi đó, luôn luôn có những khoảng im lặng, những vùng không gian sẽ đi ngược lại sự hợp nhất hay tính toàn thể của cộng đồng. Trong Bên ô cửa những toa tàu thời chiến, Nguyễn Quang Thiều chỉ ra một khoảng lặng, đó là nỗi đau tinh thần tan hoang mà rất nhiều người phụ nữ Việt Nam đã phải gánh chịu trong và sau chiến tranh. Có bao nhiêu người con trai ra trận thì (gần như) có bấy nhiêu người mẹ khóc mong con, bấy nhiêu người vợ khóc mong chồng. Có những nỗi chờ mong khắc khoải đến hóa thành điên dại: “Ở ga Tía, thuộc huyện Thường Tín của Hà Nội mở rộng bây giờ, người ta thường thấy một người đàn bà mắc bệnh tâm thần. Ngày ngày bà lang thang trên sân ga. Cứ mỗi khi có một chuyến tàu dừng lại, bà lại hỏi những hành khách xem có ai thấy thằng Đức con bà đâu không? Đó là một người lính đã xa mẹ mình năm 18 tuổi đi vào mặt trận”20.
Người phụ nữ tâm thần ấy gần như quên tất cả mọi điều nhưng có một điều bà không bao giờ nguôi quên: ngày con trai bà bước lên tàu đi vào mặt trận và vĩnh viễn không trở về. Đó là một số phận, một nỗi đau mà Nguyễn Quang Thiều tận chứng trên quê hương mình, đó cũng là đại diện cho hàng trăm ngàn số phận, trăm ngàn nỗi đau của những người mẹ khác ở khắp các miền quê trên dải đất hình chữ S: “Có hàng trăm ngàn bà mẹ sau 35 năm chiến tranh kết thúc vẫn giật mình khi nghe tiếng còi tàu chạy qua cánh đồng làng mình. Và những bà mẹ ấy vẫn mơ một ngày, đứa con bé bỏng của mình bước xuống tàu đi qua cánh đồng trở về nhà trong buổi hoàng hôn”21. Đất nước yên tiếng súng nhưng nỗi đau của bao người mẹ mất con thì không khi nào yên lắng. Hình ảnh những chuyến tàu, trong ngữ cảnh này, trở thành một biểu tượng. Nó gợi nhắc nỗi ám ảnh về sự chia lìa, mất mát – một thứ chứng tích đau thương mà chiến tranh để lại cho dân tộc Việt Nam.
Ở lời tựa cuốn The Women and War Reader22 (Phụ nữ và độc giả chiến tranh), Jennifer Turpin chỉ ra rằng chiến tranh ảnh hưởng đến phụ nữ theo những cách khác với đàn ông. Thực tế là vai nữ trong hầu hết mọi cuộc chiến tranh không chỉ được khu định giới tính ở tư cách một người mẹ, người vợ, người chăm sóc mà họ còn tham gia với tư cách một người lính. Tuy nhiên, khi người phụ nữ nhập ngũ tức là họ bước vào một thế giới vận hành theo những luật định vốn không dành cho nữ giới. Đây cũng là lý do mà nhà văn Belarus Svetlana Alexievich đã đặt tên cho cuốn sách nổi tiếng của bà là Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ. Đó là cách Alexievich truyền đi một thông điệp: diễn ngôn về chiến tranh thường xuyên được biểu đạt bằng tiếng nói của nam giới và vì thế giọng nam trở thành giọng đại diện về chiến tranh. Trong quán tính ấy, tiếng nói của nữ giới dễ bị khúc xạ từ lăng kính nam giới trung tâm. Những nữ cựu binh khi được Alexievich kích hoạt ký ức đã thừa nhận: sau buổi tuyển quân, người phụ nữ bước vào với bím tóc có đuôi, áo dài, giày ban, rồi bước ra với tóc cắt lởm chởm kiểu đàn ông, áo varơi và ủng lính lớn hơn chân họ 5 số. Hết phụ nữ, chỉ còn lính. Đọc các tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều có thể thấy nhà văn không tái hiện hình ảnh người phụ nữ trong vai một người lính chiến đấu ngoài mặt trận mà mô tả họ ở không gian hậu phương. Tuy nhiên, giống như người phụ nữ ra trận, người phụ nữ chốn hậu phương cũng rơi vào tình huống “không được là phụ nữ” dù theo một cách khác. Họ phải nén lại, phải quên đi những nhu cầu bản năng giới tính của mình. Nguyễn Quang Thiều mô tả: “Những người đàn bà góa bụa làng tôi - những ví dụ - chân không giày không dép. Họ tránh con đường dẫn đến những đêm trăng. Bầu vú họ mệt mỏi nằm ngoẹo đầu và trở nên nghễnh ngãng, không còn nghe được tiếng gọi đàn ông nồng mùi thuốc lào và ruộng bùn ngai ngái, trong những đêm gió từng đôi quấn nhau qua vườn hổn hển”23.
Tái hiện chân dung người đàn bà, Nguyễn Quang Thiều lựa chọn một chi tiết vốn được hình dung như là đại diện của tính nữ: bầu vú. Nhưng ở đây, hình ảnh bầu vú không được mô tả như một dấu hiệu cho thấy sức hấp dẫn giới tính, không mang chút dấu vết nào của những bầu vú “gió núi thổi mát rượi”, mà ngược lại, là minh chứng của sự héo hon, tàn tạ, rã rời. Bầu vú không chỉ được mô tả qua trạng thái “mệt mỏi”, qua hình dáng “ngoẹo đầu” mà còn được mô tả qua phản ứng “nghễnh ngãng” – phản ứng thất bại khi đón nhận những tác động thanh âm mà ở đây cụ thể là “tiếng gọi đàn ông”. Đó là một tình thế quái dị của chiến tranh, tình thế đẩy những con người sinh ra để trở thành phụ nữ lại không được là phụ nữ. Và với tình thế quái dị này, nhà văn cho thấy cách người phụ nữ hiện diện trong chiến tranh. Họ không có mặt trực tiếp trên chiến trường nhưng lại bị chiến tranh thay đổi vĩnh viễn vai trò giới tính của mình.
Trong văn học chiến tranh, lịch sử và kinh nghiệm nữ giới vốn ít khi xuất hiện ở vị trí trung tâm. Thực tế này có thể xuất phát từ một quan niệm rằng người phụ nữ đang ở “nhà” và được an toàn chứ không phải ở “chiến trường” và không có trải nghiệm đau thương về chiến tranh như những nam quân nhân trực tiếp chiến đấu. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã cho thấy: có nhiều hơn một cách mà con người bị tổn thương bởi chiến tranh. Và rõ ràng, những người được coi là không tham chiến đều có trải nghiệm đau thương của riêng họ. Ở Hai người đàn bà xóm Trại, Nguyễn Quang Thiều trình hiện cách nhìn cuộc chiến qua lịch sử của những người phụ nữ. Từ góc nhìn của nhân vật khác trong truyện kể – góc nhìn bên ngoài, sự tồn tại của hai người đàn bà bên bờ sông Đáy bị trượt về phía tách biệt đời sống cộng đồng người: “Mẹ Phấn nó bảo tết năm nay đón hai cụ vào nhà nó ăn Tết. Nó bảo hai cụ sống ngoài bãi như ma ấy”24. Nhưng từ góc nhìn của chính người đàn bà, cái vỏ sống lặng lẽ “như ma” ấy lại bọc chứa bên trong nó muôn vàn lớp sóng ký ức chỉ chực cuộn lên, đau thắt: “Bà lão Mật […] từ từ ngồi xuống nhìn dòng sông trong đêm. Nơi đây, mấy chục năm về trước bà đã tiễn chồng theo bộ đội sang sông. Và chính nơi đây, bà đã tiễn Bấc đi trong lần người lính ghé qua nhà không gặp vợ mình”25.
Ở đây, không gian người đàn bà thuộc về là không gian bến sông, nơi họ ngày ngày phải đối mặt với ký ức về những cuộc chia tay biền biệt. Không gian này gợi liên tưởng về một trường ký hiệu đã trở thành biểu tượng trong văn hóa Việt Nam: bến sông gắn với bản tính thủy chung đợi chờ của người phụ nữ. Nhưng cũng từ không gian này, Nguyễn Quang Thiều hé lộ một bi kịch khác trong đời sống của người đàn bà thôn quê: bi kịch trốn chạy những ẩn ức giới ngấm ngầm mà mãnh liệt. Ẩn ức đó lách qua vùng kiểm duyệt của lý trí để hiện lộ trong giấc mơ của bà cụ Mật. Trong mơ, bà cụ Mật thấy người lính trở về không phải là Ngữ, chồng bà, mà là Bấc, chồng bà cụ Ân. Nội dung giấc mơ này có thể được giải mã từ một tình huống thực tế trớ trêu là Bấc đã từng một lần trở về nhưng không gặp được Ân mà chỉ gặp Mật. Và trong mơ, Mật một lần nữa tiễn người trai lên đường – là Bấc, không phải Ngữ:
“Khoảng canh tư thì Bấc khoác ba - lô lên đường. Mật tiễn Bấc lên đến mặt đê. Bỗng Mật ôm lấy Bấc và khóc nấc lên.
- Anh Bấc ơi! Em thương chị Ân quá. Em thương anh hu… hu… và thương cả thân em nữa. Nếu anh Ngữ về được một lần thì em đỡ khổ, đỡ ân hận biết bao. Anh Bấc ơi, sao em không phải là chị Ân, sao anh không phải là anh Ngữ, hả anh?”26.
Từ góc nhìn truyền thống, người phụ nữ Việt Nam lệ thuộc nhiều vào những quy chuẩn đạo đức xã hội. Có những chuẩn mực được coi như là hiện thân của giá trị mà người phụ nữ phải đáp ứng, trong đó, tiêu chuẩn về phẩm hạnh chính chuyên đặt ra nhiều đòi hỏi vô cùng khắt khe. Và với cơ chế tập nhiễm nam quyền, bản thân người phụ nữ cũng tự khuôn mình vào các quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt. Trong Hai người đàn bà xóm Trại, khi Mật kể cho Ân nghe giấc mơ về sự hoài thai, Ân đã nhắc nhở Mật và cũng là tự nhắc nhở chính mình: “Có chuyện gì thì tôi và cô cứ là bỏ cái xóm bãi này mà lên rừng”27. Chiến tranh đã buộc người đàn bà hậu phương đi qua những tháng năm thanh xuân trong vò võ cô độc. Đạo đức xã hội một lần nữa trở thành áp lực vô hình buộc họ phải kìm nén những ham muốn về thể xác. Hai người phụ nữ trong câu chuyện của Nguyễn Quang Thiều đã lựa chọn một lối sống khắc kỷ ở không gian xóm bãi chật hẹp bên bờ sông Đáy. Nhưng cảm xúc của con người, đặc biệt là nỗi khao khát bản năng trong vô thức vốn có những mạch ngầm nằm ngoài sự kiểm soát của lý trí. Nguyễn Quang Thiều đã khơi trúng cái mạch ngầm ấy để cho thấy đời sống tâm lý đàn bà đầy ẩn ức. Trong giấc mơ của bà cụ Mật, người lính trở về là một người đàn ông khác không phải chồng bà. Đó là diễn biến tâm lý thành thực nhất thuộc vùng vô thức bất tuân lý trí. Hóa ra, bà cụ Ân và bà cụ Mật đã cùng mong ngóng một người đàn ông. Dù niềm mong ngóng ấy, với bà cụ Mật, không phải là tiếng nói được dễ dàng thừa nhận/ chấp nhận, thậm chí bởi chính bà. Nhưng xét cho cùng, hé lộ vùng ẩn ức nén sâu chôn chặt chính là cách nhà văn từ chối thánh hóa con người để chia sẻ tận cùng những mảng khuất lấp nhân bản của cảm xúc người. Và từ đó, câu chuyện của Nguyễn Quang Thiều như là sự diễn giải luận điểm của Nancy rằng: “Khi huyền thoại bị gián đoạn, văn học một lần nữa kể cho chúng ta nghe về lịch sử. Nhưng nó không thuần túy là một truyện kể - không lớn cũng không nhỏ - mà còn là một kiến tạo: lịch sử đang được kiến tạo”28. Gián đoạn huyền thoại về người đàn bà hậu phương trong vai những người vợ, người mẹ như là “thánh nữ” hi sinh cho chiến thắng, Nguyễn Quang Thiều kiến tạo một tiểu tự sự về chân dung phụ nữ như một “con người”.
Bên cạnh bi kịch chôn vùi những khát khao tính dục bản năng, người đàn bà đi qua chiến tranh phải chịu đựng một vết quất đau đớn khác là bị tước đoạt thiên chức làm mẹ. Xét cho cùng, không được làm mẹ là nỗi bất hạnh của tất cả những người phụ nữ nói chung. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh thì tình huống ấy có nguy cơ xảy đến với người phụ nữ nhiều hơn. Nói về tác động của chiến tranh tại Việt Nam lên trải nghiệm của những người phụ nữ Mĩ, Carol Acton lưu ý rằng: “khuôn mẫu điển hình về người phụ nữ của những ngôi nhà đẹp, những người chồng và những đứa con yêu thương”29 đã bị phá hủy. Trong Hai người đàn bà xóm Trại, những người vợ chờ chồng cũng rơi vào tình thế tương tự. Họ không có niềm hạnh phúc sinh ra những đứa trẻ – biểu tượng cho sự tiếp nối tới tương lai mà phải sống một đời trong vò võ đơn chiếc. Nguyễn Quang Thiều để cho nhân vật nữ trực tiếp lên tiếng về nỗi khát khao làm mẹ. Ân nói: “Giá có đứa con… thì họ đi đến bao giờ cũng được”30. Đứa con sẽ trở thành niềm an ủi người đàn bà trong chờ đợi. Mật kể cho Ân nghe giấc mơ thấy chồng trở về, và “ngay đêm đó em mơ em có mang. Lúc tỉnh dậy sờ bụng cứ thấy khang khác”31. Ảo giác về sự “khang khác” bắt nguồn từ niềm khao khát bản năng đàn bà: khao khát được nuôi dưỡng trong mình một mầm sống, khao khát được sinh con. Nhưng sự thực là hai người đàn bà đã cùng nhau sống một cuộc đời lầm lũi cô độc và đã an ủi lẫn nhau bằng chính sự lầm lũi cô độc của mình.
So sánh điểm khác biệt trong lối viết nam và lối viết nữ về đề tài chiến tranh, tác giả Lê Hương Thủy lưu ý rằng: “Các chị thường chú trọng khai thác “giới tính” của mình, đi vào khai thác những mảnh đời thầm lặng, những số phận cá biệt, những đau thương mất mát người phụ nữ phải gánh chịu trong chiến tranh. Cảm quan tinh tế, bén nhạy của người phụ nữ giúp họ viết “thật” về giới mình hơn”32. Trong trường hợp ba tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều, những nông nỗi thiệt thòi, những đớn đau bản thể nữ được phản ánh từ góc nhìn của một nhà văn nam. Nhưng không vì thế mà tác phẩm thiếu đi sự tinh tế, sâu sắc, ngay cả khi nhà văn chạm vào vùng khuất lấp trong đời sống nữ giới, vùng của niềm khao khát bản năng tự nhiên. Sự đồng cảm trước những số phận chịu nhiều thương tổn do chiến tranh đã xóa nhòa ranh giới phân định lối viết nam hay lối viết nữ. Cao hơn việc phân định giới là tiếng nói của tình yêu thương, của sự sẻ chia mà nhà văn dành cho những cảnh đời khổ đau. Điều này tạo nên điểm gặp gỡ giữa sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều với quan điểm của nhà phê bình sinh thái hậu thuộc địa Donelle Dreese khi bà nói về sự kết nối giữa cá nhân và cộng đồng của họ. Theo Dreese, quan tâm nhiều hơn đến người khác “có nghĩa là nhận ra vị trí của một người giữa vô số sinh thể cùng tồn tại trong vũ trụ và chịu một số trách nhiệm đối với hạnh phúc của họ. Nếu một người không an toàn, sẽ không ai được an toàn”33. Nguyễn Quang Thiều cho thấy việc “chịu trách nhiệm đối với hạnh phúc” của một người khác bằng cách sử dụng hành vi viết như là một động thái “chạm”, “chia sẻ”, “kiến tạo” chân dung phụ nữ Việt Nam: “Thời gian cứ lặng lẽ… lặng lẽ chảy vào chiếc bình gốm cổ khổng lồ. Những người đàn bà góa bụa làng tôi như những con cào cào nâu cứ khuất dần… khuất dần sau cỏ. Tôi như kẻ mắc bệnh tâm thần đứng khóc. Tôi khóc vì những VÍ DỤ đã vĩnh viễn ra đi […]. Sau bước chân họ, sau tiếng kẹt cửa trong khuya là bài hát. Bài hát vút lên xuyên qua đỉnh đầu những người mắc bệnh tâm thần mất ngủ nhìn trăng. Những người mắc bệnh tâm thần mất ngủ nhìn trăng mở cửa và bước ra khỏi nhà. Họ cùng bài hát kia đi mãi, đi mãi và đi mãi, về nơi không có những VÍ DỤ bao giờ”34.
Phép ẩn dụ dựng nên cấu trúc thời gian vũ trụ để chuyển tải giấc mơ thiêng về một sự tái sinh kỳ vĩ. Hai chiều vận động tương phản được đặt cạnh nhau: những người đàn bà góa bụa khuất dần sau cỏ và những người đàn bà góa bụa từ sau cỏ trở về. Họ trở về trong một diện mạo khác, không còn những mỏi mệt, khuyết thiếu, tiêu biến mà ngược lại, chỉ có ánh sáng của sức sống, của sự tròn đầy, của những vẻ đẹp giới tính phục sinh. Hình dung về hành trình “đi mãi, đi mãi và đi mãi, về nơi không có những VÍ DỤ bao giờ” là cách nhà văn chuyển tải ước vọng nhân bản, nhân đạo, nhân văn: ước vọng về một đời sống hòa bình, cho hiện tại, cho tương lai, cho cộng đồng và cho mỗi cá nhân.
Anderson đề xuất hình dung về dân tộc như một cộng đồng hài hòa, thuần nhất, được hình thành trên cơ sở tương đồng về gia đình, về bộ lạc hay sự chia sẻ cùng nhau một lịch sử chung, một thể chế văn hóa giống nhau. Những tác phẩm viết về phụ nữ và chiến tranh của Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ hình dung về cộng đồng thống nhất, đó là tập thể những con người đi qua chiến tranh bằng tất cả ý chí chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình, độc lập dân tộc. Nó được hình dung như những diễn ngôn đại tự sự về tinh thần yêu nước, về đức hi sinh của con người Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính văn học lại cho thấy khả năng phân mảnh huyền thoại khi nó tiết lộ một sự khuyết thiếu, một giới hạn làm cho nền tảng huyền thoại của cộng đồng bị gián đoạn. Theo cách này, Nguyễn Quang Thiều tạo nên các diễn ngôn tiểu tự sự về thân phận cá nhân, về nông nỗi bất hạnh riêng tư của người phụ nữ trong tình huống chiến tranh và cả những tháng năm hậu chiến. Việc đọc tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều viết về chiến tranh và phụ nữ đồng thời như là sự cộng hưởng với quan điểm của Nancy rằng: cả huyền thoại và văn học đều vận hành trong một tác phẩm, và văn học làm gián đoạn huyền thoại thông qua việc tác phẩm không bao giờ trọn vẹn mà luôn luôn luân chuyển, luôn luôn chia sẻ. Tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều một lần nữa cho thấy chiều kích của văn chương “là vô tận, và vô tận – theo nghĩa chủ động, bởi nó là văn chương”35.
Chú thích:
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong đề tài mã số SPHN23-20.
1, 2, 3, 17, 18, 19, 28, 35 Jean-Luc Nancy (1991), TheInoperative Community, University of Minnesota Press, Minneapolis, p. 50, 66, 67, 69, 63, 57, 69, 65.
4 BenedictAnderson (1993), Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, Verso, London, p. 26.
5, 6, 20, 21 Những trích dẫn tản văn Bên ô cửa những toa tàu thời chiến trong bài viết này đều từ nguồn Nguyễn Quang Thiều (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố, NXB Hội Nhà văn, tr. 49, 49, 50, 50.
7 Hồ Chí Minh (2000), Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 12, tr. 108.
8, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 24, 25, 26, 27, 30, 31 Những trích dẫn truyện ngắn Hai người đàn bà xóm Trại trong bài viết này đều từ nguồn Nguyễn Quang Thiều (2011), Nguyễn Quang Thiều - Tác phẩm chọn lọc, NXB Phụ nữ, tr. 147, 144, 148, 154, 143, 144-145, 155, 148, 149, 153-154, 144, 143, 144.
9, 23, 34 Những trích dẫn bài thơ Những ví dụ trong bài viết này đều từ nguồn Nguyễn Quang Thiều (2015), Sự mất ngủ của lửa, NXB Hội Nhà văn, tr. 49,49, 50.
10 Lefkowitz, Mary R. (2007), Women in Greek Myth, London: Duckworth, p. 27.
22 Lorentzen, Lois Ann and Turpin, Jennifer E. (1998), The Women and War Reader, New York : New York University Press.
29 Acton, Carol: “Dangerous Daughters:American Nurses and Gender Identity in World War One and Vietnam”, War, Literature, and the Arts: an International Journal of the Humanities, 13/1&2(2001): 87-113, Web. 31 January 2014, p. 96.
32 Lê Hương Thủy: “Chiến tranh nhìn từ truyện ngắn của một số cây bút nữ”, http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-vannghe/chien-tranh-nhin-tu-truyen-ngan-cua-mot-socay-but-nu_11007.html. Tác giả Lê Hương Thủy dẫn theo “Gặp gỡ một số nhà văn nữ”, Tạp chí Tác phẩm mới, 10/1991.
33 Dreese, Donelle N. (2002), “Ecocriticism: Creating Self and Place in Environmental and American Indian Literatures”, American Indian Studies, Vol. 15, New York: Peter Lang Publishing, p. 116.