CẢM HỨNG TRỮ TÌNH THẾ SỰ VÀ TRỮ TÌNH CÔNG DÂN: MỘT CHỈ DẤUTRONG THƠ MỚI NAM BỘ (1932-1945)

Bài viết phân tích cảm hứng trữ tình thế sự và trữ tình công dân trong phong trào Thơ mới ở Nam Bộ 1932-1945. Trên cơ sở đó, một lần nữa ghi nhận sự đóng góp của những nhà Thơ mới phương Nam đã góp phần làm phong phú hơn cho diện mạo Thơ mới dân tộc.

    Năm 1858, thực dân Pháp đã nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta. Sau gần nửa thế kỷ bình định về quân sự, đến những thập niên đầu thế kỷ XX, Pháp mới thực sự khai thác về kinh tế. Sau hai cuộc khai thác thuộc địa, cơ cấu xã hội Việt Nam có những biến đổi sâu sắc. Trong hoàn cảnh đó, bắt nguồn từ “Công cuộc bình định và chính sách khai hóa của thực dân Pháp đã đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, làm xuất hiện các thành phố có quy mô lớn và những trung tâm văn hóa”1 đã dẫn đến hiện tượng “Đời sống văn chương trở nên đặc biệt sôi nổi từ những năm 30 của thế kỷ XX. Văn chương đã mang tính chuyên nghiệp: một lớp người viết báo, viết văn hình thành, vừa quy tụ thành giới cầm bút chuyên nghiệp, vừa phân hóa đa dạng về mặt quan điểm và phương pháp sáng tác… Sự đa dạng của thị hiếu người đọc là một động lực tạo nên sự đa dạng của văn học cùng với một hệ thống thể loại phong phú”2 mà đỉnh cao là sự xuất hiện phong trào Thơ mới đã tạo nên một cuộc cách mạng trong thi ca dân tộc. Để làm nên phong trào Thơ mới, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc hiện đại hóa thơ Việt Nam, ngoài những tên tuổi nổi tiếng như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Bính… còn có những đóng góp rất đáng ghi nhận của những cây bút Thơ mới Nam Bộ “trẻ trung, tài hoa, đầy cá tính: Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Khổng Dương, Sơn Khanh, Huỳnh Văn Nghệ...”3.

    Kể từ khi xuất hiện trên thi đàn đến khi được quan tâm như một bộ phận của Thơ mới Việt Nam, mảng Thơ mới ở Nam Bộ đã được giới nghiên cứu tiếp cận dưới nhiều bình diện khác nhau như đặc điểm nội dung, câu chữ, vần điệu... Tuy nhiên, còn một bình diện nữa khá lý thú về mảng thi ca này là cảm hứng trữ tình thế sự và xu hướng trữ tình công dân thì vẫn chưa được nghiên cứu một cách đúng mực. Thiết nghĩ, trong quá trình nghiên cứu nghệ thuật văn chương, khám phá những cái riêng biệt của một hiện tượng thi ca là một điều cần thiết.

    Phong trào Thơ mới của dân tộc ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là lúc diễn ra cuộc đụng độ, gãy đứt giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Chủ nghĩa lãng mạn phương Tây xâm nhập vào nền thơ ca Việt Nam bằng nhiều con đường với nhiều bình diện khác nhau, đặc biệt là hình tượng “con người lý tưởng của chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực thoát ly thực tế, quay về với quá khứ, hoặc đi vào ảo mộng, hoặc thu mình trong cái tôi nhỏ bé”4; chủ nghĩa lãng mạn luôn “coi trọng vẻ riêng, cái đặc biệt độc đáo”5. Những yếu tố ấy đã ảnh hưởng khá sâu sắc đến tâm thức của những nhà Thơ mới đương thời, tạo nên một dòng “thơ của cái tôi”6 với nhiều cung bậc cảm xúc, thi phẩm của họ thường “ưu tiên vào mộng mơ”7, thấm đẫm nỗi “buồn, cô đơn”8 bởi không tìm thấy sự tương thích giữa khát vọng với thực tế đời sống.

    Khi tiếp xúc với văn học phương Tây, một lớp trí thức trẻ có năng lực ở Nam Bộ luôn khao khát cách tân cho văn chương Việt Nam, đặc biệt là thơ trữ tình. Họ đã nhanh chóng tiếp nhận xu thế ưu tiên cho cá nhân về sự mở rộng quyền tự bộc bạch, giãi bày chính mình qua tác phẩm lãng mạn. Và từ đó, một dòng Thơ mới đã được sinh thành trong xu hướng tiến tới “coi trọng vai trò của cái Riêng, cái Tôi, là một khởi điểm quan trọng cho một công cuộc đổi mới thơ văn, mà nói thơ, tức là nói cái thế giới bên trong, thế giới tâm linh, tình cảm của con người”9 và đây là điều mà nhà thơ Lamartine - cây bút tiêu biểu của nền văn học lãng mạn Pháp thế kỷ XIX - cũng đã khẳng định: “Tôi không mô phỏng ai cả, tôi thể hiện chính mình”10.

    Thực tế cho thấy, những nhà Thơ mới Nam Bộ với vai trò tiên phong trong phong trào đổi mới thơ ca dân tộc, chịu ảnh hưởng ít nhiều tinh thần chung của văn học lãng mạn nhưng cái tôi của họ có phần e dè hơn so với những cây bút vùng miền khác ở giai đoạn sau này. Đông Hồ “đã đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng”11; Mộng Tuyết với một hồn thơ “hoặc nhẹ nhàng hí hởn hoặc hàm súc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chỉ là lời một thiếu nữ, khi tự tình, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu”12; và “người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi đọc được thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay dường như đang nắm cả một niềm ân ái”13; Hồ Văn Hảo với cảm xúc phức hợp, khi “thẫn thờ”, “cười khóc bâng quơ”, biết bao lời muốn thổ lộ cùng người yêu mà không dám nói, tim đập chân run, không thể điều khiển các giác quan của mình: “Yêu là thấy cả người run tựa ná/ Môi thiết tha, e ấp chẳng nên lời/ Mắt ngập ngừng và lòng ở chơi vơi/ Tay bối rối và tia nhìn vội vã” (Yêu); Manh Manh, Lư Khê... “với giọng Nam Bộ và điệu thơ Tây” (…); Huỳnh Văn Nghệ, Khổng Dương, Sơn Khanh, Nguyễn Hữu Trí... “với phong cách hiện thực và giọng điệu trầm hùng”14… Tất cả những cây bút ấy đã “góp phần khởi xướng một phong trào”15 sáng tác thơ ca theo lối mới ở vùng đất phương Nam.

    Trên đại thể, cảm hứng trữ tình trong Thơ mới nói chung, Thơ mới Nam Bộ nói riêng thường gắn bó sâu sắc với cá nhân, in đậm dấu ấn cá nhân, phục vụ cho nhu cầu tự giãi bày, tự thể hiện cảm xúc, tâm trạng, nỗi lòng của riêng mình một cách trực tiếp và sống động, hoặc đối với những gì mà chủ thể trữ tình tiếp nhận từ đời sống, từ sự việc bên ngoài. Và từ đây đã nảy sinh nhu cầu thể hiện cảm nhận riêng của mình trước thực tại xã hội như Hoài Thanh từng viết: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm, u uất, cái khát vọng được thành thật - một khát vọng khẩn thiết đến đau đớn”16. Cảm hứng trữ tình trong Thơ mới Nam Bộ cũng nằm trong xu hướng chung này.

    Bức tranh hiện thực đời sống luôn là mảnh đất màu mỡ để mỗi người cảm thức và chiêm nghiệm, nhất là người nghệ sĩ. Thập niên 30-40 của thế kỷ XX, ở vùng đất Nam Bộ có nhiều biến động. Những va đập của đời sống đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của con người, đặc biệt là người cầm bút, khơi gợi cảm hứng để họ bộc lộ nỗi niềm trăn trở, suy tư. Đặc biệt với lớp trí thức được đào tạo trong môi trường Tây học đã bắt đầu quen với cách sống với đời sống dân sự - những nhu cầu dân sinh, sống nhờ cộng đồng dân cư trong các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa của họ, thì sự quan tâm đến số phận con người trong xã hội và đưa nó vào thơ là điều có thể giải thích được.

    Những cây bút tiêu biểu trong làng Thơ mới Nam Bộ đặc biệt quan tâm đến số phận người lao động buổi giao thời. Tác phẩm trữ tình làm sống dậy cái thế giới chủ thể của hiện thực khách quan, giúp người ta đi sâu vào thế giới của những suy tư, tâm trạng, nỗi niềm - vốn là một phương diện rất sinh động, hấp dẫn của hiện thực. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trong thơ trữ tình, sự miêu tả các sự vật, hiện tượng, đời sống khách quan không có tầm quan trọng. Những sự việc, hiện tượng từ cuộc đời, nhất là những cảnh đau khổ, nghèo khó, bất công, đau lòng... thường thấy trong những tầng lớp bình dân trong xã hội, hoặc những cảnh trái lòng, đáng phê phán trong xã hội cũng là những chất đời gieo hạt cho thơ.

    Về loại cảm hứng này, Thơ mới Nam Bộ có những bài tiêu biểu như Hai cô thiếu nữ của Manh Manh, Đứa trẻ khốn nạn tự thuật của Thụy An, Cảnh nước lụt làng quê Biên Hòa của Huỳnh Văn Nghệ, Tại sao, Tại ai của Tế Xuyên, Dưới nắng trưa của Thúy Rư, Kiếp người lao động của Lâm Hải Bằng, Tết tây và tết ta gặp nhau của Vũ Ngọc Ẩn, các bài Con nhà thất nghiệp, Tình thâm của Hồ Văn Hảo… Với các bài thơ có đề tài xã hội, chủ đề tư tưởng thường được xác định rất rõ ràng về tình cảm, thái độ đối với sự việc, sự kiện, con người được miêu tả. Đó có thể là tình cảnh thê lương của người thợ thất nghiệp kéo theo sự khốn khó của gia đình và bước đường cùng của bản thân: “Thôi bây giờ tiền đâu mua thuốc/ Cho con, thôi chết nỗi đây trời/ Túng quá mới sanh nghề nhơ nhuốc/ Chắc mai đây nhịn đói lắm, mình ơi/ Hồi làm cu ly/ Đến mua, tiệm còn bán chịu/ Nay sở đã đuổi ra, thì/ Một đồng điếu/ Họ cũng bảo: Đi!” (Con nhà thất nghiệp, Hồ Văn Hảo).

    Hay đó là tình cảnh đứa trẻ mồ côi phải đi ở mướn cho nhà giàu, mà sự thương cảm được thể hiện bằng cách nhường lời cho nhân vật trong tác phẩm trữ tình được tự bộc bạch nỗi niềm: “Tôi là một đứa trẻ mồ côi/ Mất mẹ mất cha năm lên mười/ Cái thân cực nhọc ơi là cực/ Người như que củi lần da bọc/ Cơm ăn không no ngủ không kỹ/ Người mà khổ hơn loài lục súc!!!” (Đứa trẻ khốn nạn tự thuật, Thụy An, Phụ nữ tân văn, 1934).

    Cảm hứng trữ tình thế sự trong Thơ mới Nam Bộ còn có những bài tràn đầy cảm xúc thiết tha, vừa bi ai với cảnh lầm than vừa căm phẫn với xã hội đang phân hóa giàu nghèo, thiếu thừa chênh lệch một cách không thể chấp nhận: “Tại sao em đói? Em ơi/ Tại cơm, gạo, bánh trên đời còn dư/ Vựa lúa đầy, đổ đi đâu hết/ Mà lắm người chết đói khắp nơi!/ Tại sao em rách, em ơi/ Chẳng qua chỉ tại trên đời còn dư/ Vải, len, nỉ bao giờ có thiếu/ Mà không dùng?Ai hiểu chăng ai?” (Tại sao, tại ai, Tế Xuyên, Thế giới tân văn, 1937). Các cây bút thơ mới phương Nam còn ghi nhận những cảnh khổ, cuộc sống vất vả, bấp bênh của người lao động qua những dòng thơ cảm thán: “Tay chai mặt nám với phong trần/ Nắng dải mưa dầm chẳng kể thân/ Cơm tẻ ngày hai vừa đủ sống/ Kiếp người lao động khổ trăm phần/ Chết đói a! Tiếng vợ con kêu/ Trăm đắng ngàn cay cũng phải liều/ Vác nặng trèo cao nào sá kể/ Đem mồ hôi đổi gạo sớm chiều” (Kiếp người lao động, Lâm Hải Bằng, Thế giới tân văn, 1937).

    Bên cạnh đó, thơ trữ tình thế sự Nam Bộ thời kỳ này còn hướng về những cảnh khổ đau của xã hội buổi giao thời, khi mà những tầng lớp nghèo khó bần hàn trong xã hội phải đối diện với cô đơn vì sự tẻ lạnh của lòng người trong xã hội đồng tiền. Đã có nhiều dòng thơ não nùng như: “Chiều hôm đó, có ai đã thấy/ Một bà già kêu góc bên đường/ Có ai thấy con người mù ấy/ Đương kêu trời một cách thảm thương/ Bà ngồi giữa đống bùn dính máu/ Hai tay khô run rẩy ôm đầu/ Tay quờ quạng kiếm hình đứa cháu/ Nhưng mà ôi! Còn biết tìm đâu?” (Tiếng khóc bên đường, Thúy Rư, Thế giới tân văn, 1937). Người đọc không khỏi xúc động trước một sự kiện não lòng sinh ly tử biệt: “Mình ôi, lo lấy trẻ thơ/ Để em cam thác, còn giờ cứu con/ Chỉ lo cho trẻ vuông tròn/ Im hơi lặng, từ từ xuống nước/ Muốn kéo vợ, trong mình đã kiệt sức/ Ráng nâng con lặn lội thẳng vào bờ/ Trông xa một dãy mịt mờ/ Xác người vô phúc dật dờ nơi nao?” (Tình thâm, Hồ Văn Hảo). Các nhà Thơ mới Nam Bộ đã trăn trở, tìm hiểu nguyên nhân của những bất công cuộc đời và bước đầu đã có cái nhìn về sự mất thăng bằng trong cuộc sống như một nguồn cơn của những thảm trạng xã hội và lịch sử: “Kẻ đã thiếu, càng ngày càng thiếu/ Kẻ có dư, nếu chịu sớt chia/ Cho người cực khổ sớm khuya/ Thế gian đâu có bao khi tương tàn!” (Tại sao, tại ai, Tế Xuyên, Thế giới tân văn, 1937).

    Cảm hứng trữ tình thế sự trong Thơ mới Nam Bộ đã kêu gọi sự tỉnh táo cần thiết của người cầm bút và cả những người hưởng thụ văn chương. Lời gợi ý về cách cảm nhận chân thực cuộc sống cũng đã được đưa ra từ đó. Nó có tác dụng lay tỉnh nhận thức đối với những hồn thơ đã quá đắm sâu vào thế giới của hoa lá ngọt ngào mà bỏ quên thực tại đắng cay, chất đời bụi bặm. Nếu những cây bút Thơ mới xuất thân Tây học đã không lạ lùng gì với lời xác định của nhà thơ lãng mạn Pháp A. de Musset: “Lời thơ đâu phải làm trái tim an giấc/ Mà nó phải như là thanh kiếm sắt/ Vạch lên không trung một vầng sáng băng sao…” (Đêm tháng Năm) thì Thơ mới Nam Bộ cũng đã có những vần thơ cảnh tỉnh người sáng tác lẫn người tiếp nhận văn chương về một cách thức hưởng thụ nghệ thuật có phần vô tâm cần được nhắc nhở và thức tỉnh: “Những cảnh nên thơ như mộng ấy/ Anh thường vịnh tả, gửi cho em/ Nhưng em đâu biết bề trong cảnh/ Còn ẩn bao nhiêu nỗi khổ hèn!!!/ Em ạ, sống trong đời trưởng giả/ Là nhờ xã hội hạng dân hèn/ Đời em sung sướng giàu sang thế/ Có biết cho người khổ nhục không?” (Dưới nắng trưa, Ngọc Lệ, Thế giới tân văn, 1937).

    Cảm xúc trữ tình không chỉ là những suy tư thầm kín, cá nhân, chủ quan, cá biệt dù trước hết nó dành ưu tiên số một cho những gì riêng tư. Cảm xúc trữ tình còn có thể lan tỏa tới những phạm vi hiện thực khác của thế giới bên ngoài với các vấn đề lớn lao của xã hội, lịch sử và cộng đồng như chiến tranh, hòa bình, tương lai, hiện tại, lý tưởng, những vấn đề lớn của thời đại… có quan hệ mật thiết với số phận cả dân tộc, cả cộng đồng. Thơ mới Nam Bộ xuất hiện xu hướng trữ tình công dân với những bài thơ có nội dung thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ trong mối liên hệ với xã hội, với các sự kiện chính trị, có ý nghĩa đối với vận mệnh dân tộc. Trong mảng thơ trữ tình công dân Nam Bộ, thái độ chính trị thường được bộc lộ rõ ràng, tích cực, gắn liền với nhận thức và lời kêu gọi thiết tha, cụ thể khi người làm thơ đối mặt với những vấn đề hệ trọng của lịch sử xã hội đương thời.

    Lòng yêu nước, tình thương nhớ cội nguồn, tình cảm hân hoan hoặc xót xa với số phận đồng bào và dân tộc, sự ngưỡng vọng người anh hùng lý tưởng… là nét nổi bật của cảm hứng trữ tình công dân trong Thơ mới Nam Bộ. Nó được bộc lộ đa dạng qua các chủ đề như tình cảm với vận mệnh quốc gia, vận mệnh dân tộc và số phận đồng bào, khắc họa chân dung người chiến sĩ, người anh hùng, hoặc bộc lộ những nỗi niềm riêng của con người đối với đất nước. Những bài thơ tiêu biểu của cảm hứng này có thể kể đến: Xuân sang của Vân Đài; Tuổi trẻ nên vui của Vi Ngã; Tiễn bạn về Bắc, Nhớ Bắc, Thanh niên, Cờ, Chiến khu, Việt Nam, Lá thư rừng, Thơ cho Lan, Bến cũ, Tết quê người, Tha hương của Huỳnh Văn Nghệ; Tơ Việt của Quốc Dân; Chiếc lá thị thành, Đứa học trò gái của Mộng Tuyết; Tùng chinh của Trần Hồng…

    Cảm thức cội nguồn cũng là một nét mới trong Thơ mới Nam Bộ. Huỳnh Văn Nghệ đã bộc lộ ước mơ đoàn kết dân tộc trong thời đoạn chế độ thực dân đang ra sức thực hiện chính sách “chia để trị”: “Đưa tay chỉ trên nền trời trong vắt/ Hai ngôi sao trong hai chòm Nam Bắc/ Muốn làm sao ta có sợi dây đàn/ Đem giăng thẳng giữa hai sao Nam Bắc…” (Trăng lên, Huỳnh Văn Nghệ). Và bên cạnh đó là lời kêu gọi thiết tha đối với những đứa con đất Việt đang lưu lạc, tha hương hãy trở về với tổ quán: “Về đây thôi, hỡi những thuyền hi vọng/ Chở về đây những mộng đẹp xa vời/ Lưu luyến chi chốn bến lạ quê người/ Để bến tưởng thuyền xưa đà lạc hướng” (Bến cũ, Huỳnh Văn Nghệ). Cảm thức này đã làm nền tảng, tạo nên sức hấp dẫn riêng cho bài thơ Nhớ Bắc của “thi tướng Miền Đông”. Nhớ Bắc xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu cho tâm thức người khai phá đất phương Nam, những người đã ra đi từ đất Tổ để làm nên quê hương mới nhưng chưa bao giờ quên nguồn cội dù là chỉ là một phút giây: “Ai đi về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Nhớ Bắc, Huỳnh Văn Nghệ).

    Cảm hứng trữ tình công dân còn được bộc lộ trực tiếp qua lời kêu gọi trách nhiệm công dân qua một số bài thơ ra đời trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng của vùng đất mới phương Nam: “Nước mới ta là dân/ Thạnh suy ai trách nhiệm/ Yêu ai hơn Việt Nam/ Áo bồi thêm kiều diễm” (Tơ Việt, Quốc Dân, Báo Tân Việt Nam, 1945). Đôi khi, tiếng lòng của nhà thơ hướng về cảm thức cội nguồn được bộc lộ qua lời kêu gọi chung về trách nhiệm công dân: “Cố gắng lên ta hãy gắng lên/ Cùng nâng đỡ giang sơn cho vững chắc/ Cho vẻ vang nòi giống với ngàn thu/ Cho thắm lại non sông bờ cõi Việt…” (Hồn tráng sĩ, Ngọc Long, Báo Tân Việt Nam, 1945).

    Cảm hứng trữ tình công dân trong Thơ mới Nam Bộ 1932-1945 mang một sắc thái nhất quán về tình yêu đất nước, nhận thức về trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Có thể nói đây là một điểm son của Thơ mới Nam Bộ trong toàn cảnh Thơ mới lãng mạn cả nước. Tác phẩm trữ tình có chức năng chính là làm sống dậy thế giới hiện thực khách quan, giúp người ta đi sâu vào thế giới của những suy tư, tâm trạng, nỗi niềm - vốn là một phương diện rất sinh động, hấp dẫn của hiện thực. Tuy nhiên, thực tiễn sáng tác của Thơ mới Nam Bộ đã cho thấy chất trữ tình trong thơ không bao giờ là một khái niệm cứng nhắc và cũng không bị giới hạn, cố định, bất biến mà vẫn có những đan xen, qua lại ở các mức độ khác nhau giữa các cung bậc cảm xúc của người làm thơ với ngoại cảnh.

    Trong quá trình cách tân Thơ mới, các cây bút phương Nam còn dụng công làm mới mẻ cả những cảm xúc, tình cảm truyền thống, đặc biệt là tình gia đình với tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng, cao quý. Đây là một nguồn cảm hứng hiếm gặp trong Thơ mới ở các vùng miền khác. Mạch cảm xúc này đã làm cho người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về những tình cảm yêu thương, trân quý của các thành viên trong gia đình, đem lại giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mĩ cho Thơ mới Nam Bộ.

    Chân dung người mẹ Miền Đông Nam Bộ, xứ trầu cau vất vả, tảo tần đã đi vào vào thơ Huỳnh Văn Nghệ thông qua những chi tiết chân thật, giàu sức gợi làm xúc động lòng người: “Nắng hạn đường xa nối chân mây…/ Còn đi đâu, đi mãi hỡi ai?/ Mặc gánh nặng oằn, hai vai chịu/ Dưới trời mưa lửa chỉ chau mày/ Mẹ ơi! Cảnh ấy dẫu trăm năm/ Ngàn năm, hay muôn vạn ngàn năm/ Một phút sau này con còn sống/ Cảnh kia còn đốt mãi lòng con” (Bà bán cau, Huỳnh Văn Nghệ). Từng câu thơ là từng cái thắt lòng, từng sự xót xa của đứa con dành cho người mẹ suốt cuộc đời cơ cực, giàu đức hi sinh. Hình ảnh ấy, tình cảm ấy mãi mãi ghi dấu trong tâm thức của người con.

    Người mẹ trở nên kỳ vĩ như bậc anh hùng, với trái tim yêu thương và hi sinh vô tận, đủ gợi cảm hứng cho những dòng thơ bi hùng, vừa nuối tiếc vừa tự hào: “Khi mẹ chết, con đề thơ bằng máu/ Trên mộ bia, chữ sẽ khắc bằng xương/ Đây là nơi an nghỉ/ Nữ anh hùng ngang bực với Trưng Vương” (Mộ bia, Huỳnh Văn Nghệ). Đọc thơ viết về mẹ của Huỳnh Văn Nghệ, ta thảng nghe nỗi xót xa, hoài vọng của Lưu Trọng Lư qua bài Nắng chiều: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không”. Cả hai nhà thơ đều dành cho mẹ một tình cảm chân thành, tha thiết. Tuy nhiên, cách thể hiện tình cảm lại có sự sự khác biệt. Nếu thơ Lưu Trọng Lư bộc lộ sự sắc sảo, tinh tế thì thơ Huỳnh Văn Nghệ lại được bao phủ bởi một hệ thống ngôn từ có phần thô mộc, thiếu gọt rũa, mang đậm dấu ấn tư duy vùng đất mới phương Nam.

    Hình ảnh người cha cũng đi vào trang Thơ mới Nam Bộ thật dung dị, giàu sức gợi, ít nhiều để lại dư ba trong tâm thức người đọc: “Mỗi lần tựa cửa ngắm thuyền câu/ Ngắm nước trong veo chảy dưới cầu/ Tôi nhớ cha tôi, ngày chửa chết/ Cùng tôi buông lưới dưới trăng thâu” (Thuyền câu, Nguyễn Văn Nghĩa, Thế giới tân văn, 1937).

    So với Thơ mới được sáng tác ở Miền Bắc, Miền Trung, một điều dễ nhận thấy ở Thơ mới Nam Bộ là cảm hứng về tình cảm gia đình dường như xuất hiện với tần số cao hơn. Viết về tình cảm gia đình, Thơ mới phương Nam còn có khả năng làm mới những cảm hứng vốn đã gắn bó lâu đời với truyền thống. Chẳng hạn như trong đoạn thơ dưới đây, những hình ảnh của ký ức tuổi thơ về cha, về anh em hoàn toàn không chút nào là khuôn sáo ước lệ, mà nó thực sự là một thực tại sống động, sống mãi trong tình cảm của riêng tác giả: “Nhớ khi những tối mùa đông/ Nghe bà kể chuyện cõi lòng miên man/ Nhớ khi những buổi chiều vàng/ Dắt em ra đứng đầu làng đợi cha/ Cha đi cày cấy ruộng xa/ Khi về đến đấy hợp ba một đàng…” (Nhớ quê hương, Trần Hồng, Nam Kỳ tuần báo, 1944). Ngoài khả năng chuyển tải những giá trị truyền thống bằng cách thể hiện mới mẻ, mảng thơ về tình cảm gia đình còn cho thấy Thơ mới Nam Bộ được hình thành không phải trên cơ sở phá bỏ hay phủ định những giá trị truyền thống. Ngược lại, nó còn lưu giữ và còn có khả năng làm mới những giá trị của văn hóa gia đình Việt Nam từ bao đời và vẫn sống mạnh mẽ trong lòng người con Việt vùng đất mới.

    Như vậy, Thơ mới Nam Bộ với cảm hứng trữ tình thế sự và xu hướng trữ tình công dân đã tạo được nét trong dàn đồng ca Thơ mới dân tộc. Các nhà Thơ mới Nam Bộ đã can đảm khi chạm đến với những đề tài mà có khi khó được công nhận là “thơ” như nữ sĩ Manh Manh từng nhận định về bài Con nhà thất nghiệp của Hồ Văn Hảo: “Người ta cho là chẳng phải thơ chỉ vì chẳng than thân trách phận, tả cảnh hoa tàn nguyệt xế, suối chảy chim ngân, mà là một cảnh thiệt, cảnh khổ trong cuộc đời người thất nghiệp. Có lẽ anh cu ly ở trần quần vắn là một động vật không có gì lãng mạn chăng? Có lẽ cái bi kịch của một người đi ăn trộm hụt rồi chạy trốn, bi kịch ấy là không có gì đáng để ý chăng?”17. Vượt qua chướng ngại này, các cây bút Thơ mới phương Nam đã góp phần làm phong phú hơn cho diện mạo Thơ mới dân tộc. Đó là một dòng sông thi ca “phong phú, đa dạng, mới lạ, luôn có khuynh hướng tự vượt mình, không ngưng đọng”18 và tinh thần ấy “cũng là thể hiện của tính hiện đại mà hàng nghìn năm thơ ca truyền thống không có được”19. Thiết nghĩ, việc ghi nhận và định giá lại sự đóng góp đầy tâm huyết của những nhà Thơ mới phương Nam gần 100 trước là một việc làm hữu ích.

 

 

 

Chú thích:
1, 2 Vũ Tuấn Anh (2012), Những sự kiện văn học Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, tr. 16.
3, 14, 15, 18, 19 Trần Hữu Tá, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang (Chủ biên, 2013), Nhìn lại Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn, NXB Thanh niên, tr. 97, 106, 61.
4,5 Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La khắc Hòa, Thanh Thế Thái Bình (2006), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, tr. 512, 514.
6, 7, 8 Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới những bước thăng trầm, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
9, 16 Phong Lê, Vũ Văn Sỹ, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ (2002), Thơ Việt Nam hiện đại (phê bình - tiểu luận), NXB Lao động, tr. 69.
10 C. Clinhi và M. Ruxơlô (1999), Văn học Pháp, Trịnh Thu Hồng, Đỗ Phương Mai dịch, NXB Giáo dục, tr. 84.
11, 12, 13 Hoài Thanh - Hoài Chân (1999), Thi nhân Việt Nam (bản in lần thứ mười sáu), NXB Văn học, tr. 323, 334.
17 Võ Văn Nhơn (2007), 100 câu hỏi đáp về văn học quốc ngữ Nam Bộ Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Sài Gòn, tr. 332.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận