VAI TRÒ, ẢNH HƯỞNG CỦA TRÍ THỨC, VĂN NGHỆ SĨ TRONG VIỆC KHƠI DẬY VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM THỰC HIỆN KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

Trên cơ sở phân tích, đánh giá vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước ta trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bài viết khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng khi luôn coi đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ là ''nguyên khí của quốc gia''; đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo, phát huy tài năng, tiếp tục cống hiến của trí thức, văn nghệ sĩ.

    Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước ta trước đây là các sĩ phu, văn thân có tư tưởng yêu nước, tiến bộ, nhạy cảm với thời cuộc, có khát vọng đổi mới và chấn hưng đất nước. Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (năm 1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) do Thân Nhân Trung soạn, ghi rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết. Vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, được quý chuộng không biết dường nào, đã được đề cao bởi khoa danh, lại được ban trọng tước trật. Ơn ban đã nhiều mà vẫn coi là chưa đủ”1.

    Tuy nhiên, để các hiền tài, các sĩ phu, văn thân thực sự là tầng lớp trí thức thì phải đến giữa thế kỷ XIX trở đi, khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, vua quan hèn nhát đầu hàng, một bộ phận sĩ phu, văn thân bước đầu tiếp cận với nền văn minh công nghiệp phương Tây và một số nước cải cách ở châu Á. Có thể kể đến lớp người đi trước là các ông Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Tư Giản, Phạm Phú Thứ; tiếp đến là các sĩ phu phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn; phong trào Đông Du, Duy Tân của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; phong trào Đông kinh nghĩa thục của Lương Văn Can, tiếp nối là các ông Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Đào Nguyên Phổ và nhiều người khác. Họ là những người đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, mong muốn canh tân, cải cách để giải phóng đất nước theo con đường của Minh Trị ở Nhật Bản; của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vy, Tôn Văn ở Trung Quốc; kể cả con đường của Pháp và phương Tây. Khát vọng lớn lao của họ, rốt cuộc đều bế tắc vì chưa tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, mang tính khoa học và cách mạng.

    Ở thời điểm mà đất nước Việt Nam đang rất khẩn thiết tìm ra một con đường, một nguồn sáng để thoát khỏi vòng nô lệ tối tăm thì ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong tên mới Văn Ba đã lên con tàu mang tên Đô đốc Latouche Tresville sang phương Tây, đích đến đầu tiên là nước Pháp. Ở Pháp, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc đã cùng các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây (1919); viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Năm 1922, Người sáng lập Báo Người cùng khổ (Le Paria), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”. Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lenin, đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, tìm thấy ở đó con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là phải tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người… Sau gần 15 năm ra đi tìm đường cứu nước, đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản trong nước thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Lời kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ rõ vai trò của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng, từ đó Người cho rằng: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt…”2.

    Sau khi ra đời, Đảng đã tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 long trời lở đất, dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thắng lợi có tính bước ngoặt này của dân tộc ta đã tạo bước đổi thay sâu sắc, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao; xây đắp một chế độ xã hội mới mẻ, tốt tươi, đẹp đẽ ở Việt Nam; đưa người dân từ thân phận nô lệ lên địa vị người làm chủ thật sự của đất nước. Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ hào sảng: “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời” (Huế tháng Tám); nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, với ca khúc Ba Đình nắng (phổ thơ Vũ Hoàng Địch), cất lên những giai điệu tự hào, kiêu hãnh: “Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi/ Của mùa Thu Cách mạng, mùa Vàng Sao… ”.

    Ngay từ những ngày đầu và nhiều năm tháng sau đó, Cách mạng tháng Tám và nguồn sáng Hồ Chí Minh đã trở thành niềm tin yêu, lòng kiêu hãnh, sức kết nối và lan tỏa của triệu triệu con tim, thành niềm cảm hứng lớn lao, trong trẻo, ào ạt của cả dân tộc đang tự tin vươn về phía trước. Với tầm nhìn thời đại, tầm vóc văn hóa, bản lĩnh chính trị, cùng với việc đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức yêu quý, tôn trọng các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Và như một sự đáp đền, nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tỏ rõ sự yêu kính, ngưỡng mộ và biết ơn cách mạng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh – hiện thân cao cả của Đảng, của Chính phủ và chế độ mới, nhất tâm đi theo con đường sáng mà Cách mạng tháng Tám đã khai mở.

    Để xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến kiến quốc nhiều hi sinh, gian khổ ở phía trước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực thi nhiều biện pháp nhằm phát hiện, tập hợp, sử dụng, trọng dụng nhân tài; giúp đỡ thế hệ trí thức mới tiến bộ, đào tạo họ thành những những trí thức “chính tâm và thân dân”. Trong bộ máy của Chính phủ lâm thời lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vĩnh Thuỵ (vua Bảo Đại của chế độ cũ) làm cố vấn Chính phủ, khá nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng là nhân sĩ, trí thức chế độ cũ đã tham chính. Ngày 01 tháng 01 năm 1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời, tiếp tục mở rộng thành phần là những người có tên tuổi, có uy tín, là nhân sĩ, trí thức tiêu biểu như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Tố, Chu Văn Tấn, Lê Văn Hiến, Vũ Đình Hoè, Cù Huy Cận, Vũ Trọng Khánh… và một số thành viên khác của Việt Quốc, Việt Cách. Qua những lần bổ sung và thông qua Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội, trong thành phần Quốc hội, Chính phủ có thêm sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn… Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài viết Nhân tài và Kiến quốc đăng Báo Cứu quốc số ra ngày 14/11/1945, đã khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Người nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài... E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”3. Người nhấn mạnh: “Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân… Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức”4.

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã tự nguyện rời bỏ cuộc sống nơi phồn hoa, trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến kiến quốc đầy hi sinh, gian khổ như các ông Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm...

    Ở trong nước, đội ngũ trí thức, nhà khoa học được đào tạo trước Cách mạng tháng Tám ở chiến khu Việt Bắc, ở Liên xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và cả ở phương Tây ngày càng đông đảo, tâm huyết. Đó là các nhà khoa học tiêu biểu như Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Dương Đức Hiền, Tôn Thất Tùng, Đỗ Đức Dục, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Phan Mĩ, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đình Tứ, Đặng Phúc Thông, Phan Đình Diệu, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tụy, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Tuệ, Đặng Vũ Minh... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về họ: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”5.

    Cũng như giới nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ thế hệ Cách mạng tháng Tám cũng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trước sự đổi vận, đổi đời của dân tộc, của nhân dân và của chính mình: “Nước cũ bốn nghìn năm/ Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi” (Ngọn quốc kỳ - Xuân Diệu). Từ đây, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực sáng tạo, nhiều loại hình văn học, nghệ thuật đã cùng dân tộc đi vào cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp xâm lược. Họ đồng cam cộng khổ, gắn bó bền chặt với đời sống công, nông, binh; khám phá, ngợi ca và góp phần nhân lên niềm tin, sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc. Những tên tuổi văn nghệ sĩ tiêu biểu như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Huy Liệu, Anh Thơ, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Võ Huy Tâm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Văn Bổng, Kim Lân… Về sân khấu, có các nhà biên kịch, đạo diễn như Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Thuận, Ngô Tất Tố, Vũ Lăng... Về âm nhạc, có các nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thương, Lương Ngọc Trác, Hoàng Việt, Lê Yên, Phan Huỳnh Điểu… Về mĩ thuật, có các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh, Dương Bích Liên, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Lưu Hậu, Diệp Minh Châu, Lê Lam, Nguyễn Thị Kim, Lương Xuân Nhị… Về điện ảnh, nhiếp ảnh, trong hoàn cảnh rất thiếu thốn về máy móc, phương tiện, vật liệu, các nghệ sĩ của ta như Nguyễn Bá Khoản, VõAn Ninh, Mai Lộc, Phan Nghiêm, Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Thế Đoàn, Khương Mễ, Phạm Văn Khoa… Trong số các nhà văn, nghệ sĩ thời kháng chiến chống Pháp có những người đã hi sinh anh dũng như Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Tô Ngọc Vân.

    Sau chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dân tộc ta lại bước vào cuộc trường chinh gần hai mươi năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lại”. Thời kỳ chống Mĩ, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trưởng thành về mọi mặt với những tên tuổi lớn như nền văn học, nghệ thuật của ta có bước phát triển mạnh mẽ về đội ngũ, không gian, cảm hứng, điều kiện sáng tạo, hiện thực đời sống và công chúng của chính nền văn nghệ đó. Về văn học, bên cạnh các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu lớp trước, đã xuất hiện thế hệ trẻ hơn như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nam Hà, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Đoàn Giỏi, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Hữu Mai, Vũ Tú Nam, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Đỗ Chu, Thanh Thảo...; có những người đã hi sinh anh dũng như Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định, Chu Cẩm Phong… Về âm nhạc, có thể kể các nhạc sĩ Hoàng Vân, Huy Du, Trương Quang Lục, Hoàng Hiệp, Huy Thục, Phan Huỳnh Ðiểu, Nguyễn Văn Tý, Doãn Nho, Chu Minh, Cầm Phong, Lư Nhất Vũ, Cao Việt Bách, Vũ Trọng Hối, Phan Nhân, Vũ Thanh, Hồng Đăng, An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Tùng… Về mĩ thuật, là các họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sáng, Vũ Giáng Hương, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Lưu Hậu, Tạ Quang Bạo, Thành Chương...

    Trong điện ảnh, cùng với những bộ phim tài liệu thời chống Pháp, điện ảnh cách mạng nước ta thời chống Mĩ có những bộ phim truyện nhựa đầu tiên như: Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Chị Tư Hậu, Lửa trung tuyến, Nổi gió, Nguyễn Văn Trỗi, Rừng O Thắm, Tiền tuyến gọi, Chị Nhung, Đường về quê mẹ, Bài ca ra trận; các phim tài liệu giành được giải thưởng danh giá trong các kỳ liên hoan phim quốc tế như: Chị Năm khùng, Trở lại Ngư Thủy, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai…

    Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đổi mới văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ của ta trăn trở kiếm tìm cái mới về đề tài, nội dung và bút pháp. Về văn học, các nhà văn, nhà thơ thành danh trong kháng chiến chống Mĩ đã có những sáng tạo mang tính đột phá cả về nội dung tư tưởng và bút pháp như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương… Lớp kế tiếp là Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Y Phương, Lò Ngân Sủn… Và không thể không nói đến một số cây bút là người gốc Việt ở nước ngoài như Thuận, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyên Sa, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thụy Vũ, Nguyễn Bá Chung, Hoàng Khởi Phong, Thu Tứ, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Huy Hoàng, Châu Hồng Thủy, Nguyễn Đình Lâm, Hiệu Constant... Về kịch, kịch đương đại có sự phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới với Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Nguyễn Khắc Phục, Học Phi, Doãn Hoàng Giang, Tào Mạt, Xuân Đức, Chu Thơm… Về lý luận-phê bình văn học, tiếp bước thế hệ đi trước như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phong Lê, Mai Quốc Liên, Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy… là lớp kế tiếp như Phan Trọng Thưởng, Bùi Việt Thắng, Trần Đăng Suyền, Trương Đăng Dung, Phạm Quang Long, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đăng Điệp, Trần Khánh Thành, Nguyễn Hữu Sơn, Lưu Khánh Thơ…

    Để phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh của giới trí thức, văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị quan trọng về lĩnh vực công tác này. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam phù hợp với thực tiễn đất nước trong giai đoạn mới; khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa, con người Việt Nam, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong nhiệm kỳ khóa X, Đảng ta đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ:

    Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06 tháng 8 năm 2008 về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định…”, “Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”6.

    Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23- NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mĩ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch. Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”7.

    Đảng, Nhà nước khẳng định quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực to lớn để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển đất nước; khâu đột phá đầu tiên và rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó, tầng lớp trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là đội ngũ tài năng của dân tộc, từ đó góp phần nâng tầm trí tuệ, tầm văn hóa của dân tộc, sức mạnh nổi trội của đất nước.

    Chúng ta đã và đang sống trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, đa cực, với hai xu hướng chủ yếu là quốc tế hóa và khu vực hóa, thông qua các cơ chế hợp tác (và cạnh tranh) về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trên thế giới dựa trên các nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, xã hội số, văn hóa số, truyền thông số. Sáng tạo trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bứt phá của nhiều quốc gia. Khai thác kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo để tạo ra xã hội số, kinh tế số và kinh tế xanh đang là xu hướng được các quốc gia sử dụng. Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa ở Việt Nam.

    Thế giới ngày nay cũng đang đối mặt với những khuynh hướng cực đoan, dân tộc hẹp hòi, dân túy, ly khai, biệt lập; sự phân cực trong xã hội và khoảng cách giàu - nghèo ngày càng sâu sắc; các mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, số hóa đã và đang tác động mạnh tới bản sắc và văn hóa dân tộc; an ninh truyền thống và phi truyền thống, các thảm họa, dịch bệnh, mấy năm gần đây là đại dịch Covid-19, sự biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, nước biển dâng cũng là những vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải hợp tác để xử lý nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, sâu sắc. Để đối phó có hiệu quả với những vấn đề vừa nêu đòi hỏi sự tích cực, chủ động thích ứng trong tư duy phát triển, không thể và không chỉ dừng ở việc ứng phó thông qua điều chỉnh chính sách đơn thuần. Phát triển văn hóa, trong đó việc phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cũng cần được đặt trong bối cảnh thay đổi chung, mang tính hệ thống, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

    Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đạo hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ; việc thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ảnh hưởng và tác động nhiều mặt đến việc phát triển văn hóa, xây dựng con người. Chúng ta phát triển kinh tế tri thức, xã hội số, văn hóa số, quốc gia khởi nghiệp, chính phủ điện tử và tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới tạo tiền đề để các ngành văn hóa, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, quản lý và chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp.

    Đại hội XIII của Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”8. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”9.

    Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Hoàn thiện thể chế văn hóa, văn nghệ, khoa học, công nghệ thực hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, khoa học, công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của văn hoá, văn nghệ, khoa học, công nghệ, về đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong phát triển bền vững đất nước, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Tuyên truyền, vận động, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức, vận dụng một cách đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ, khoa học, công nghệ, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển bền vững đất nước. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nhân sinh quan tiến bộ, nhân văn hướng tới chân - thiện - mĩ. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Quan tâm giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mĩ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng về khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật; bảo đảm quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật. Phát triển nguồn nhân lực ngành khoa học, công nghệ, văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù. Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ khoa học, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật có trình độ năng lực, phẩm chất ở tất cả các cấp quản lý. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, các chế độ đãi ngộ khác. Đầu tư phát triển các trường đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật theo định hướng mới, khoa học, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hỗ trợ đào tạo nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống. Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ khoa học, công nghệ, văn hóa, văn nghệ, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. 

    Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến. Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Có cơ chế khuyến khích trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá sản phẩm, công trình khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật. Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Tăng đầu tư của Nhà nước cho khoa học, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật gắn với việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, văn nghệ, khoa học, công nghệ. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học, nghệ thuật, phát triển khoa học, công nghệ. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ, văn hoá, văn nghệ. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. 

Chú thích:
1 Bia ghi danh tiến sĩ khoa thi năm 1442, Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
2 Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 3.
3 Hồ Chí Minh toàn tập (tập 4), Sđd, tr. 504
4 Hồ Chí Minh toàn tập (tập 10), Sđd, tr. 376
5 Hồ Chí Minh toàn tập (tập 5), Sđd, tr. 275
6 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
7 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
8, 9 Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), NXB Chính trị quôć gia Sự thật, tr. 34, 115-116.

    

    

Bình luận

    Chưa có bình luận