NHỚ NHẠC SĨ TRẦN HOÀN

Bài viết là lòng biết ơn sâu sắc của tác giả đối với người nhạc sĩ, nhà văn hóa Trần Hoàn. Đồng thời, khẳng định những đóng góp to lớn, quan trọng của ông cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà.

 

    Nhạc sĩ tài ba, nhà văn hóa ưu tú Trần Hoàn (1928-23/11/2003) về miền mây trắng cách đây tròn 20 năm, nhưng Lời người ra đi – tên một ca khúc của ông viết năm 1950 – thì ông gửi lại nhiều lắm những thao thiết, đau đáu và rất đỗi thân thương.

    Hôm nay, chúng ta cùng bồi hồi nhớ lại, càng biết ơn, cảm phục ông về những đóng góp to lớn, quan trọng của ông cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà.

    Từ người nhạc sĩ-chiến sĩ đến người cán bộ phụ trách công tác văn hóa, văn nghệ Liên khu III, Liên khu IV, khu Tả ngạn, Trưởng Ty Văn hóa Hải Phòng... rồi ông tạm biệt người thân, khoác ba lô vào chiến trường quê hương Bình Trị Thiên khói lửa đúng tư cách người nghệ sĩ - chiến sĩ. Sau 1975, tức hai mươi năm sau, ông đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên. Rồi ông được điều động ra Hà Nội, làm Trưởng ban Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Thông tin, sau đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (1987-1996), tiếp tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII. Từ tháng 7 năm 1996, ông giữ chức Phó trưởng Ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương; sau đó là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.


Cố Nhạc sĩ Trần Hoàn (Nguồn: baodaklak.vn)

    Nhớ về ông là nhớ về di sản tinh thần quý báu hơn 230 ca khúc ông đã sáng tác, trong đó có những tác phẩm xuất sắc, đằm sâu, tha thiết, đi mãi cùng năm tháng: Sơn nữ ca (1948), Lời người ra đi (1950), Đợi anh về (1970), Lời ru trên nương (1971, thơ Nguyễn Khoa Điềm), Vỗ bến Lam Chiều (sau 1975, thơ Thúy Bắc), Tình ca mùa xuân (1978), Một mùa xuân nho nhỏ (1980, thơ Thanh Hải), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví, giặm (1980, thơ Đỗ Quý Doãn), Khúc hát người Hà Nội (1983), Lời Bác dặn trước lúc đi xa (1989), Quảng Trị yêu thương (1989), Đêm Hồ Gươm (1990), Thăm Bến Nhà Rồng (1990), Mưa rơi (1991, thơ Tố Hữu)…


(Nguồn: Lâm Đồng online)

    Nhớ về ông là nhớ về những bài thơ cháy bỏng yêu thương, thấm đẫm tình nước non, quê hương, gia đình, đồng chí, bạn bè: Mẹ, Tôi vẫn sống, Cô lái đò sông Hương,Thư gửi người yêu, Đọc thư con, Nắng…

    Nhớ về ông là nhớ về những lá thư vượt tuyến, ông viết từ chiến trường, trong rừng sâu, dưới mưa bom bão đạn quân thù, trong trận sốt rét... gửi cho vợ và những người thân; là những lá thư của bà Nguyễn Thanh Hồng từ Miền Bắc yêu thương gửi cho ông ở Miền Nam. Rất nhiều những lá thư vượt tuyến như thế, sau này khi ông đi xa, bà Hồng đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước) khối lượng tài liệu khá đồ sộ của chồng mình, trong đó có 160 bức thư ông bà viết cho nhau. Ông thể hiện trong âm nhạc: “Ngày anh đi, cách xa khuây sao được nỗi nhớ/ Thương nhau dù cách trở vẫn trọn đời tin nhau”; hay “Mái tóc cả hai đã đốm bạc/ Mà tình chung thủy chẳng hề vơi”… Ông kể trong thư: “Hôm nay, 15/11/1969, thật là sung sướng cho anh nhận được một lúc 9 lá thư, ảnh của em và các con. Cả cơ quan ai cũng ghen tỵ với anh nhưng ai cũng mừng cho anh. Anh em còn trêu “Thôi, anh Hoàn nên đi nằm cho thư thả mà đọc thư rồi khao đi”. Và một người được thư là tất cả anh em đều đọc. Em thử tưởng tượng nỗi vui mừng của anh khi đọc thư, xem ảnh và nhận được quà của em và con trai sung sướng biết chừng nào”.

    Nhớ về ông là nhớ về người cán bộ văn hóa, nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ đa tài, hào hoa, say mê, chắc tay, nghĩa tình, nhân văn, trách nhiệm: “Những suy nghĩ trên dặm dài văn hóa, văn nghệ” về Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng; về hình tượng Bác Hồ trên sân khấu; về giữ gìn bản sắc dân tộc trong văn hóa, trong âm nhạc, trong sân khấu, trong dân ca, dân nhạc, dân vũ; về giao lưu văn hóa với nước ngoài; về văn hóa Việt Nam trước những thử thách của kinh tế thị trường và hội nhập; về đời sống văn hóa ở cơ sở; về ca nhạc, dân ca Bình Trị Thiên quê hương ông và dân ca Nghệ Tĩnh, quê của người vợ yêu thương.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận