Tác gia bách khoa thư là loại tác gia thường thấy trong thời cổ trung đại, cận đại và thậm chí cả ở thời hiện đại. Đây là loại tác gia biên soạn, trước tác nhiều công trình, tác phẩm ở nhiều bộ môn khác nhau, hay là những tác phẩm của họ bao quát nhiều lĩnh vực. Có tác gia vừa là nhà văn nhà thơ vừa là nhà sử học, nhà địa lý học… Có tác gia vừa biên soạn các công trình có tính triết học vừa là nhà giáo dục, nhà văn hóa… Điều đó có lý do thực tiễn từ trong lịch sử và truyền thống văn hóa, học thuật mang tính phổ quát tồn tại ở cả phương Tây và phương Đông. Nằm trong quy luật chung đó, các tác gia bách khoa thư ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Một căn nguyên nữa, theo nhà nghiên cứu Lại Văn Hùng, cũng có thể nhìn thấy nằm rất sâu ở quan niệm về văn trong quá khứ: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Theo Từ điển Từ nguyên, chữ “văn” (文) bao gồm 28 nghĩa, trong đó có những nghĩa chỉ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và cả vấn đề kinh tế (văn là một loại tiền chẳng hạn). Như vậy, chữ “văn” ở đây là văn hóa, là khoa học, là kinh tế chính trị, là luật pháp… nên có một thời người ta còn nói đến hai chữ “Văn trị”, có thể hiểu khái quát là trị nước bằng văn hóa, học vấn, đạo đức, lễ nghĩa… Từ khái niệm như trên, ông cho rằng: xuất hiện hàng loạt các khái niệm khác về sử, về triết và một số bộ môn học thuật nữa. Sĩ tử thời cổ trung đại đi học là học cái văn đó (được chắt lọc thành trường quy, sau khi đỗ đạt đem cái văn đó thực hành lý tưởng tu thân, tề gia, trị quốc…). Trong đó, việc lập ngôn, lập đức là những việc rất quan trọng đối với kẻ sĩ. Hiện tượng đó kéo dài hàng nghìn năm, dẫn đến tình trạng mà người ta thường gọi là văn sử triết bất phân. Trong đó văn sử triết được định danh như những môn loại lớn, mang tính điển hình và khái quát chứ không chỉ có văn sử triết được hiểu theo nghĩa hẹp; nghĩa là còn rất nhiều môn loại nữa bao hàm trong đó mà văn sử triết chỉ mang tính chất biểu tượng, hạt nhân1. Xét trên khía cạnh như thế, có thể thấy trong lịch sử Việt Nam từ thời cổ trung đại đến nay có rất nhiều nhà văn, nhà thơ cũng đồng thời là nhà bách khoa thư.
Lâu này, các nhà nghiên cứu chủ yếu nhìn nhận Chu Văn An dưới góc độ nhà giáo dục, nhà văn hóa. Trong bài viết này, dưới góc nhìn của bách khoa thư học, chúng tôi tìm hiểu Chu VănAn trên tư cách một tác gia bách khoa thư Việt Nam thế kỷ XIV và hướng đến biên soạn Bách khoa thư về Chu Văn An.
1. Chu Văn An - Nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn của Việt Nam
Chu Văn An tên thật Chu An, tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn và Khang Tiết tiên sinh, thụy Văn Trinh; nhà giáo dục, nhà văn hóa, thầy thuốc, nhà thơ cuối thời Trần, được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là “ông tổ của các nhà Nho nước Việt”2; là tác gia bách khoa thư Việt Nam thời Trung đại. Chu Văn An sinh ngày 25/8/1292 quê ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng Nho giáo vào Việt Nam. Cuộc đời của Chu Văn An được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn ở làng Huỳnh Cung mở trường dạy học; giai đoạn được vua Trần Minh Tông (1300-1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông; giai đoạn thoái lui ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều Ẩn (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất năm Canh Tuất (1370). Sau khi Chu Văn An mất, ông được triều đình truy tặng tước Văn Trinh Công (tên gọi Chu Văn Trinh là do sự ân tặng này), được ban tên thụy là Khang Tiết và thờ ở Văn Miếu. Cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An chủ yếu gắn với công việc dạy học, đào tạo nhân tài và góp phần tạo nên những vùng đất học nức tiếng sau này.
Tác phẩm của ông được nhắc đến, gồm: Thất trảm sớ; các tập thơ: Tiều Ẩn thi tập và Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập; tập bài giảng: Tứ thư thuyết ước; sách về y học có Y học yếu giải tập chú di biên (hay Y học yếu giải)… Một số bài thơ nổi tiếng như: Giang đình tác Linh sơn tạp hứng, Miết trì Nguyệt tịch bộ, Tiên Du sơn tùng kính, Thứ vận tặng Thủy Vân đạo nhân, Xuân đán,...
Sau khi đỗ Thái học sinh (tương đương với Tiến sĩ), Chu Văn An không ra làm quan mà về Huỳnh Cung mở trường dạy học, thu hút được nhiều học trò. Dưới thời Trần Minh Tông, trường Huỳnh Cung có nhiều người thi đỗ đạt cao gây được tiếng vang lớn thời bấy giờ3. Căn cứ vào sử liệu, nguyên tắc dạy học của Chu Văn Trinh là đề cao quan niệm về đạo đức, uy tín và năng lực của người thầy; nguyên tắc giáo dục không phân biệt đối tượng; nội dung giáo dục của Chu Văn An luôn hướng con người đến lễ nghĩa, nhân hậu và thanh cao, hướng đến con đường hành đạo của một nhà nho chân chính. Trên cơ sở coi trọng người học, ông giáo dục cho học trò tinh thần dũng cảm, tiết tháo cao thượng, trừ hại giúp dân cứu nước, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình; phương pháp giáo dục luôn đề cao sự nghiêm khắc trong giáo dục thế hệ trẻ và trước hết là từ những người thầy. Một trong những nguyên tắc cốt yếu để cảm hóa học trò của Chu VănAn chính là: muốn dạy bảo trò tốt thì thầy phải nghiêm, luôn là tấm gương đạo đức cho học trò4. Trong các môn đệ mà được ông dạy dỗ có nhiều người thi đỗ, thành đạt làm quan lớn trong triều như Phạm Sư Mạnh (1300-1384) và Lê Quát (1319-1386), tuy là đại quan nhưng vẫn giữ lễ, trọng nghĩa nên được Chu Văn An rất quý mến, ngược lại một số trò làm quan nhưng phẩm chất không tốt ông thẳng thắn quở trách, phê bình. Tính nghiêm nghị, phẩm chất thanh tao giữ trọn khí tiết của nhà nho cùng với học vấn sâu rộng uyên thâm của Chu Văn An làm cho trường học của ông ngày càng nổi tiếng. Đức độ và uy tín của ông không chỉ làm cảm phục lòng người, mà còn có sức mạnh cảm hóa được cả quỷ thần5. Có thể nói, thời kỳ thứ nhất, ghi dấu Chu Văn An là người có công lớn trong việc sáng lập trường học trong nhân dân và tạo nên vùng đất học Thanh Trì mà sau này có nhiều người đỗ đạt cao và là những nhà văn hóa lớn của đất nước như: Bùi Huy Bích, Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu…
Thời kỳ thứ hai, Chu Văn An dạy học ở Quốc Tử Giám. Tài đức và danh tiếng của ông vang đến kinh đô Thăng Long, được vua Trần Minh Tông mời ra kinh thành dạy học tại Quốc tử giám, ngôi trường lâu đời, chuyên đào tạo các hoàng tử, con các vị quan lại với mong muốn thầy Chu sẽ truyền đạt những giáo lý Nho giáo của mình cho họ, những người rất có thể sẽ trở thành những bậc đại quan trong triều đình sau này. Chu Văn An được giao chức Tư nghiệp Quốc tử giám và dạy học cho Thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông, 1219-1341). Tể tướng Trần Nguyên Đán, rất quý mến tài đức của Chu Văn An, hay tin ông đồng ý về kinh thành Thăng Long dạy học nên đã hết lòng giúp đỡ. Chu Văn An giữ chức này tuy chưa phải là chức quan đại thần trọng yếu nhưng vẫn được tham gia chính sự và thường can ngăn vua tôi nhà Trần gìn giữ chính đạo. Đây là trường hợp độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam. Những đóng góp của ông, từ việc dạy dỗ các thái tử đến những công việc viết sách giáo khoa, đề xuất các tiêu chí lựa chọn người vào học, chương trình giảng dạy, thi cử để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước thì những cống hiến của ông với sự nghiệp giáo dục của nước nhà quả là khó có ai sánh bằng.
Cùng với nhiệm vụ dạy học cho hoàng tử, Chu Văn An còn ra sức phát triển trường Quốc tử giám. Thành tựu lớn nhất của ông khi dạy học tại đất Thăng Long chính là biên soạn Tứ thư thuyết ước để làm tài liệu dạy học nhưng nay đã thất lạc chưa tìm thấy (bộ Tứ thư thuyết ước tóm lược nội dung của 4 cuốn sách của Nho gia là Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử).
Bên cạnh là một thầy giáo mẫu mực, Chu Văn An còn là một nhà văn hóa, nhà Nho tiêu biểu cuối thời Trần. Chu Văn An là một bậc hiền nho, có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng, đạo đức Khổng giáo vào nước Đại Việt lúc bấy giờ. Lý tưởng của Khổng giáo là “Trung quân ái quốc”. Sau khi vua Trần Minh Tông mất (1357) tình hình đất nước bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống. Trong triều, bọn gian thần bắt đầu lộng hành, kéo bè kết đảng. Vua Trần Dụ Tông lơ là, bỏ bê việc triều chính. Trước tình cảnh triều chính suy đốn, với tư cách là người thầy của vua Dụ Tông, dù là một vị quan nhỏ nhưng Chu Văn An đã nhiều lần can ngăn vua và can đảm viết nên Thất trảm sớ (thất lạc chưa tìm thấy), xin chém đầu 7 tên gian thần lộng hành triều chính. Thất trảm sớ đã trở thành sự kiện chấn động cả Đại Việt, vì lúc bấy giờ, chỉ có những bậc đại quan mới có quyền can gián vua. Bằng việc dâng Thất trảm sớ, Chu Văn An đã nêu một tấm gương tiết tháo để các bậc danh Nho những triều đại sau noi theo mà dấn thân dâng sớ, dâng khải can ngăn vua chúa đúng đạo Quân - Thần. Nhiều bậc danh nhân lớn về sau như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn… đều có sớ, có khải trình bày hiện trạng của xã hội, can gián vua, chúa phải bớt xa hoa, nghiêm trị bọn xu nịnh6. Tuy nhiên, Thất trảm sớ đã không được vua Dụ Tông chấp nhận. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đời Lê trong Đại Việt sử ký toàn thư đã đánh giá: “… Văn Trinh Công mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập hay sao? (…) Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”7. Sau sự kiện đó, Chu Văn An thoái lui về ở ẩn ở vùng núi Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Thời kỳ thứ ba, Chu Văn An ở ẩn dạy học ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (Hải Dương), làm nhà ở giữa hai ngọn núi Kỳ Lân - Phượng Hoàng và mở trường dạy học sống cuộc sống thanh bần, lấy hiệu là Tiều Ẩn. Ít năm sau khi lên ngôi, vua Trần Dụ Tông có chỉ triệu Chu Văn An hồi triều nhưng ông từ chối8. Trước khi Chu Văn An về, vùng núi Chí Linh nói riêng và Hải Dương nói chung chưa có truyền thống khoa cử nhưng từ đó về sau đã có nhiều người đỗ đạt vang danh như ở đời nhà Mạc, có Nguyễn Thị Duệ đỗ Tiến sĩ (nữ Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam thời trung đại); Nguyễn Phong 14 tuổi đỗ kỳ thi Hương, 26 tuổi đỗ Tiến sĩ; Nguyễn Doãn Khâm đỗ Tiến sĩ… cho đến nay, đây là vùng đất học nổi tiếng của nước ta. Công lao của Chu Văn An đối với vùng đất này thật không hề nhỏ.
Thời gian này, Chu Văn An còn trồng cây thuốc ở Dược lĩnh cổ viên - vườn cây thuốc do Trần Hưng Đạo để lại - và biên soạn quyển Y học yếu giải tập chu di biên (hay Y học yếu giải, sách nay không còn) gồm những lý luận cơ bản về chữa trị bệnh bằng Đông y.
2. Chu Văn An - Nhà thơ thời vãn Trần
Theo thư tịch cũ, Chu Văn An có hai tập thơ Quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm và Tiều Ẩn thi tập bằng chữ Hán, hiện chỉ sưu tầm được 12 bài thơ được chép trong Toàn Việt thi lục và Phượng Sơn toàn chí lược, gồm: Cung họa ngự chế động chương (Kính họa thơ vua), Đề Dương công Thủy Hoa đình (Đề đình Thủy Hoa của ông Dương), Giang đình tác (Cảm tác ở đình bên sông), Linh Sơn tạp hứng (Vịnh cảnh núi Chí Linh), Miết trì (Ao Ba ba), Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn tùng kính (Ðêm trăng dạo bước trên đường thông ở núi Tiên Du), Sơ hạ (Đầu hạ), Thanh Lương Giang (Sông Thanh Lương), Thôn Nam Sơn Tiểu Khế (Tạm nghỉ ở núi Thôn Nam), Thứ vận tặng Thủy Vân đạo nhân (Họa vần tặng Thủy Vân đạo nhân), Vọng Thái Lăng (Trông về Thái Lăng), Xuân Đán (Buổi sáng mùa xuân). Thơ Chu Văn An mang ít nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng: một mặt, chỉ muốn làm bạn với cỏ cây, mây nước như trong bài Sơ hạ (Đầu mùa hè), Xuân đán (Ngày đầu xuân)… Trong bài Sơ hạ, ông viết:
“Sơn vũ liêu liêu trú mộng hồi,
Vi lương nhất tuyến khởi đình hòe.
Yến tầm cố lũy tương tương khứ,
Thiền yết tân thanh đoạn tục lai”.
(Nhà trên nay vắng vẻ, vừa tỉnh giấc mộng ban ngày,
Một cơn gió mát nhẹ thổi vào cây hòe trước sân
Chim én rủ nhau đi tìm tổ cũ
Ve sầu cất tiếng đầu mùa, lục tục bay về)9.
Mặt khác, ông vẫn là bề tôi chung thủy của nhà Trần, không nguôi quên được thời cuộc như trong các bài Miết trì (Ao ba ba), Vọng Thái lăng (Trong về Thái lăng). Trong bài Miết trì, ông viết:
“Thủy nguyệt kiều biên lộng tịch huy,
Hà hoa hà diệp tĩnh tương y.
Ngư phù cổ chiểu long hà tại?
Vân mãn không sơn hạc bất quy.
Lão quế tùy phong hương thạch lộ,
Nộn, đài trước thủy một tùng phi.
Thốn tâm thù vị như hôi thổ,
Văn thuyết Tiên hoàng lệ ám huy”.
(Trăng nước bên cầu đùa giỡn bóng chiều hôm,
Hoa sen, lá sen, yên lặng tựa nhau.
Cá bơi ao cổ, rồng ở chốn nào?
Mây đầy núi vắng, hạc chẳng thấy về!
Mùi quế già bay theo gió làm thơm ngát con đường đá,
Rêu non đẫm nước che lấp cánh cửa thông.
Tấc lòng này hẳn chưa nguội lạnh như tro đất,
Nghe nói đến Tiên hoàng luống gạt thầm giọt lệ)10
Một mặt có cái cương trực, khẳng khái, nhập thế của môn đồ Khổng Mạnh; mặt khác, lại muốn đắm mình trong cái “thanh tịnh” tuyệt đối, được tạo ra bởi vũ trụ quan của Lão và Phật như trong các bài Đề Dương công Thủy Hoa đình (Đề đình Thủy Hoa của ông Dương)…
Chu Văn An được hậu thế đánh giá rất cao: Ngô Thế Vinh, nhà văn nổi tiếng thế kỷ XIX trong bài văn bia ở đền Phượng Sơn đã thích nghĩa hai chữ “Văn Trinh” như sau: “Văn, đức chi biểu dã; Trinh, đức chỉ chính cổ dã” (Văn là sự bên ngoài thuần nhất của đức; Trinh là tính chính trực, kiên định của đức). Trong lịch sử giáo dục nước nhà, ông cũng đã giành được địa vị cao quý bậc nhất, xứng đáng đứng đầu các nhà giáo từ xưa tới nay. Còn học giả Phan Huy Chú nhận xét về Chu Văn An như sau: “Ông Văn Trinh học nghiệp thâm thúy, tiết tháo cao thượng, được thời ấy suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng nho nước Việt ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông…”11.
Ngày nay, để tưởng nhớ tới công đức và sự nghiệp của Chu Văn An nhiều di tích có liên quan đều gắn với uy danh của ông như: đền Thanh Liệt, đền Huỳnh Cung, đền Văn Điển, đền Phượng Sơn, Mả Thuồng Luồng, Đầm Mực, Linh Đàm… Tên ông cũng được lấy để đặt cho đường phố, trường học, công viên, làng xã… Các di tích, đình thờ, trường học, đường phố, giải thưởng giáo dục mang tên Chu Văn An không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà thực sự đã trở thành một niềm tự hào của các địa phương, của nhân dân cả nước, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo cho muôn đời, được suy tôn “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời).
3. Nghiên cứu biên soạn Bách khoa thư về Danh nhân Chu Văn An
Từ những phân tích ở trên, cùng với việc Chu Văn An được UNESCO đã công nhận “Danh nhân Chu Văn An - Người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc” vào năm 2019 và Lễ kỷ niệm 650 năm sinh đã được tổ chức vào năm 2020, việc biên soạn công trình Bách khoa thư về Danh nhân Chu Văn An là việc làm cần thiết và có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao bởi xuất phát từ những lý do sau:
- Chu Văn An được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới;
- Chu Văn An là nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn và tiêu biểu của dân tộc Việt Nam thời trung đại, được hậu thế suy tôn là “Vạn thế sư biểu”;
- Chu Văn An là nhà thơ tiêu biểu giai đoạn vãn Trần;
- Tên Chu Văn An đã được dùng để đặt cho nhiều địa danh như trường học, đường phố, công viên… ở Việt Nam;
Từ việc xây dựng mô hình biên soạn Bách khoa thư về Danh nhân Chu Văn An là tiền đề để mở rộng ra cho các tác gia được UNESCO tôn vinh khác như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu.
Bách khoa thư hay bách khoa toàn thư (encyclopedia), theo nghĩa gốc là bộ sách chứa đựng hàm lượng tri thức một cách tổng thể, toàn diện, có hệ thống, hướng tới giáo dục một cách toàn diện. Theo nghĩa hiện đại, bách khoa toàn thư thường được biên soạn dưới dạng từ điển, nghĩa là các mục từ được sắp xếp theo trật tự chữ cái từ A đến Z. Theo nghĩa rộng, có thể hiểu bách khoa toàn thư là sách của các loại sách nói về trăm nghề, trăm ngành, trăm lĩnh vực. Bách khoa toàn thư cũng có một lịch sử biên soạn lâu đời và xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Về cơ bản, các nhà nghiên cứu cho đến nay đều đồng thuận với quan niệm cho rằng bách khoa toàn thư có bốn loại hình cơ bản: 1- Bách khoa toàn thư tổng hợp; 2- Bách khoa toàn thư địa phương; 3- Bách khoa toàn thư chuyên ngành; 4- Bách khoa toàn thư về các chủ đề và các lĩnh vực. Đối chiếu với sự phân loại này, có thể thấy bách khoa toàn thư về Chu Văn An là bách khoa thư về tác gia thuộc loại thứ tư. Nghĩa là, bách khoa toàn thư về chủ đề nhân danh (nhân danh ở đây được hiểu là tập hợp các nhân vật và các tác gia, theo một tiểu loại nhỏ thuộc loại hình thứ tư chứ không phải các tác gia được biên soạn từ bách khoa toàn thư tổng hợp, bách khoa toàn thư địa phương và bách khoa toàn thư chuyên ngành12 ). Về việc biên soạn bách khoa thư về tác gia, trên thế giới đã có nhiều công trình, đặc biệt là ở Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Chẳng hạn như Bách khoa toàn thư Lermontov (1981), Bách khoa toàn thư Akhmatov, Bách khoa toàn thư S.D. Umnikov (1991); Bách khoa toàn thư Bulgakov (1996, 2007), Bách khoa toàn thư B.V. Sokolova (2007), Bách khoa toàn thư L.N. Tolstoj, Bách khoa toàn thư N.I. Burnasheva (2009), Bách khoa toàn thư F. M. Dostoevskij, Bách khoa toàn thư S.V. Belova (2010)... Tiêu biểu là công trình Bách khoa toàn thư Lermontov có khoảng 1.600 mục từ, trong đó đa số liên quan đến cá nhân nhà thơ. Kinh nghiệm của Bách khoa toàn thư Lermontov cho thấy khi chuẩn bị loại ấn phẩm này là cần kết hợp yếu tố từ điển và bách khoa toàn thư. Từ kinh nghiệm đó, chúng tôi đề xuất phương án biên soạn một công trình Bách khoa thư về Danh nhân Chu Văn An dung lượng mục từ khoảng từ 100-150 mục từ bao hàm các chủ đề:
1- Về gia đình, họ tộc.
2- Về tác phẩm: Chúng tôi xác định, mỗi tác phẩm là một mục từ, các mục từ này thường có dung lượng từ ngắn đến trung bình (khoảng dưới 1.200 chữ)…
3- Về các học trò thành danh của Chu Văn An: mỗi một nhân vật là một mục từ, mục từ trung bình (khoảng 800 - 1.200 chữ) như vua Trần Hiến Tông, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…
4- Về quê hương, nơi sinh sống, dạy học: các địa danh gắn với cuộc đời của Chu Văn An; những địa danh nhằm tưởng nhớ và tôn vinh Chu Văn An…
Khung cấu trúc biên soạn cho Bách khoa thư về Danh nhân Chu Văn An như sau:
1) Danh mục tên người: thường để ngay đầu sách, gồm: Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm, Tác giả tham gia biên soạn mục từ, Cộng tác viên, Hội đồng thẩm định, đọc duyệt…
2) Mục lục.
3) Lời giới thiệu (hoặc Lời nói đầu) nêu rõ: Mục tiêu biên soạn, Phương châm biên soạn, Quy mô biên soạn, Đối tượng học tập, tra cứu.
4) Quy cách, thể lệ biên soạn: Quy cách về việc tra cứu; Quy cách chính tả tiếng Việt; Quy cách phiên chuyển (nếu có); Quy cách về hệ thống chuyển chú; Tiêu chí và nguyên tắc tuyển chọn mục từ; Thể lệ, quy cách, cấu trúc biên soạn mục từ; Thể lệ về biên tập nội dung, biên tập kỹ thuật, chọn lọc biên tập kênh hình và thẩm định bản thảo.
5) Biên soạn mục từ: Là phần quan trọng nhất, chiếm dung lượng lớn nhất, có thể quy định trình tự biên soạn mục từ như sau:
a. Tên đầu mục từ: Hình thức trình bày tên đầu mục từ thường có co chữ lớn, in hoa đậm.
b. Diễn giải, chú thích nghĩa:
Xem phần cấu trúc vi mô cho từng loại mục từ ở phần sau và có thể cụ thể hóa thêm như sau: Diễn giải, chú thích nghĩa (nhiều nơi gọi là chú thích) thường nằm trong ngoặc đơn sau tên đầu mục từ, giải thích nguồn gốc thuật ngữ, tên Latinh… Phần này thường ngắn gọn, chính xác và có thể có cả ký hiệu chuyển chú, chuyển dẫn.
c. Nội dung mục từ
Đây là phần chính, chiếm dung lượng lớn nhất của một mục từ bách khoa toàn thư trình bày khái quát có trình tự một khái niệm, một tổ chức, một sự kiện, một tác phẩm, một nhân danh, một địa danh… gắn với tác gia Chu Văn An. Với Mục từ chuyển chú chỉ có tên đầu mục từ và được chuyển tới xem nội dung của mục từ khác.
d. Kênh hình minh họa.
đ. Tên người biên soạn: Tên người viết thường in bằng chữ in hoa, co chữ nhỏ hơn co chữ tên đầu mục từ.
e. Tài liệu tham khảo
6) Các phụ lục (nếu có)
7) Tranh ảnh, đồ họa (nếu có). Có thểnói, Chu Văn An đã được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới, thiết nghĩ cần thiết phải biên soạn công trình Bách khoa thư về Danh nhân Chu Văn An. Công trình nếu được biên soạn không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị về nhân cách con người, tư tưởng giáo dục, đào tạo nhân tài của Chu Văn An mà còn giúp truyền bá, nhằm giáo dục các thế hệ mai sau. Mặt khác, công trình còn góp phần quảng bá loại hình du lịch về danh nhân cho các địa phương gắn với Chu Văn An như Hà Nội và Hải Dương.
Chú thích:
1, 12 Xem thêm Lại Văn Hùng (Chủ nhiệm), Biên soạn Bách khoa thư về các tác gia bách khoa thư Việt Nam, Báo cáo Tổng hợp Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2020, tr. 9, 4-5.
2 Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Cao Huy Giu, Đào Duy Anh dịch, tập 2, NXB Khoa học xã hội, tr. 153.
3, 6, 7, 8 Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tr. 152, 152, 153, 152.
4 Xem thêm Đinh Gia Khánh (Chủ biên, 1997), Văn học Việt Nam (Từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII), NXB Giáo dục.
5 Tương truyền khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này có một người sáng nào cũng đến thật sớm để nghe giảng. Ông khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu, bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết là thần nước. Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói với thầy: “Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”. Sau đó người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ. Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bútrơi xuống làng Tả Thanh Oai biến làng này thành một làng văn học quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm... (dẫn theo: Huyện Thanh Trì - Thành phố Hà Nội (2013), Chu Văn An - Người thầy của muôn đời, NXB Chính trị quốc gia).
9, 10 Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (2000), Tổng tập Văn học Việt Nam (42 tập), tập 3, NXB Khoa học xã hội, tr. 133-134, 129-130.
11 Xem thêm Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, NXB Giáo dục, tr. 436.