CÔNG NGHỆ VỚI SÂN KHẤU VIỆT

Bài viết phân tích, đánh giá những thay đổi của văn học, nghệ thuật, đặc biệt là biểu diễn, sân khấu Việt Nam, dưới tác động của sự phát triển cách mạng công nghệ trong thời đại mới. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những thách thức với đội ngũ văn nghệ sĩ và cả khán giả khi áp dụng công nghệ vào lĩnh vực sân khấu ở nước ta.

    Với một số văn nghệ sĩ, những hoạt động sáng tạo nghệ thuật dường như tách rời khỏi những gì được coi là công nghệ, là những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Vẫn làm việc trên cơ sở những sáng tạo mang tính cá nhân, dựa rất nhiều vào cảm hứng, vào tư duy thẩm mĩ, nên có một bộ phận nghệ sĩ thường tự động bỏ qua, ít tìm hiểu hoặc không quan tâm sâu thêm về những tiến bộ của công nghệ mới do nhận định rằng việc sáng tạo văn học, nghệ thuật là thiên hướng, là tài năng riêng biệt của mỗi cá nhân con người, không liên quan đến cái gọi là công nghệ, khoa học... Việc nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng còn giữ cách nghĩ, lối tư duy này khiến cho chính nghệ thuật đã và đang xa rời thực tiễn xã hội, mất dần đi lượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Xa rời thực tiễn xã hội, tự tách biệt với những tiến bộ và thay đổi không ngừng của công nghệ, lĩnh vực thực sự đã cải biến mọi hoạt động của con người một cách rất nhanh chóng, những người nghệ sĩ, nhà sáng tạo đã tự đẩy mình vào tình thế lạc hậu. Họ không thể ngăn được việc những phát triển về mặt kỹ thuật của xã hội vẫn tiếp tục có tác động ngày càng sâu rộng, đa dạng, nhiều cấp độ tới tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người, trong đó có nghệ thuật biểu diễn, sân khấu. Những tác động đó là tất yếu, buộc các văn nghệ sĩ phải điều chỉnh tư duy, cách thức sáng tạo.

    Thế giới đã và đang chứng kiến những bước “chuyển mình” nhanh chóng của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ nhất là đưa năng lượng nước và hơi nước vào để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ hai là sự ứng dụng điện năng để có thể sản xuất hàng hóa hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Còn cuộc cách mạng hiện nay – cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư - là sự kết hợp các hình thức công nghệ để liên kết vật lý, kỹ thuật số và sinh học... trong đó, đáng kể nhất, có tác động lớn nhất đến văn học, nghệ thuật là những thay đổi trong công nghệ kỹ thuật số (gồm Trí tuệ nhân tạo (AI); Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).Vậy, vấn đề đặt ra là: những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật thời đại mới, cuộc cách mạng công nghệ đã và đang có ảnh hưởng ra sao tới đời sống văn học, nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu? Và câu trả lời nào là logic khi tiến một bước nữa tới những phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ, hướng tới một môi trường được tự động hóa, máy móc được kết nối, cần rất ít sự điều khiển của con người và bản thân con người cùng nhau làm việc cũng có thay đổi theo cách thức hoàn toàn mới mẻ trong khi văn học, nghệ thuật, vốn là những sáng tạo đầy tính nhân văn, đặc biệt đề cao đặc tính cá nhân, độc đáo, duy nhất trong sáng tạo?

    Kỹ thuật số đã làm biến đổi quá trình sáng tạo văn học, nghệ thuật, đặc biệt là tạo ra sự thay đổi về mối tương tác nhiều chiều trong chuỗi tác động qua lại giữa người sáng tạo-tác phẩm-người thưởng thức. Ngay từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba, các nghệ sĩ cũng đã nhận thức rõ, những thành tựu của công nghệ kỹ thuật số đem lại nhiều thuận lợi, song cũng còn tồn tạirất nhiều thách thức mà các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải tiếp cận, thích ứng để tồn tại và phát triển. Trong nhiều cuộc hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra, cần nhìn nhận rõ những góc độ chủ yếu: một là, văn học, nghệ thuật trong đó có sân khấu vẫn phải hướng tới mục đích chính là những giá trị nhân văn, thẩm mĩ theo đúng quan điểm mĩ học truyền thống; hai là, cần thay đổi từ gốc rễ nhận thức mông lung về vai trò chức năng của văn học, nghệ thuật không chỉ là sáng tạo ra những giá trị phi vật thể, mà văn học, nghệ thuật còn là ngành công nghiệp. Trên thế giới đã có nhiều nước tiến hành ngành này thành công, để tạo ra các giá trị vật chất tương xứng như các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Mĩ...

    Công nghệ nâng tầm cho văn học, nghệ thuật, thay đổi tận gốc rễ phương thức truyền bá, tương tác giữa người sáng tạo và người thưởng thức. Nhờ vào công nghệ, rất nhiều hoạt động vốn chỉ được khai mở trong một nhóm, một cộng đồng đã nhanh chóng có thể phổ biến trên quy mô lớn. Công nghệ cũng thay đổi cả quá trình sáng tạo, cách thức sáng tạo khi trên nền tảng công nghệ mới, người nghệ sĩ có thể tra cứu nhanh, trao đổi kiến thức ở tốc độ nhanh nhất với đồng nghiệp trên toàn thế giới. Có thể thấy, từ những sáng tạo cá nhân, rất nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật hiện nay đã có thể tập hợp trí tuệ của cả một tập thể trên phạm vi lớn...

    Văn học, nghệ thuật rất đề cao những sáng tạo cá nhân, thăng hoa riêng trong tư duy, trong cách xây dựng hình tượng nhân vật. Với sân khấu, hình thức nghệ thuật biểu diễn mang tính tổng hợp này lại chịu áp lực lớn nhất trong cách thức tái hiện và trình bày không gian, thời gian kịch. Hầu như mọi khuynh hướng sân khấu đều gắn với cách thức xử lý không gian, thời gian. Như ý kiến của các nhà sân khấu như GS, TS, NSND Đình Quang, NSND Trần Minh Ngọc..., dù có rất nhiều trường phái sân khấu, nhưng có thể quy về hai xu hướng cơ bản: thể hiện không gian thời gian theo xu hướng tái tạo hiện thực (sử dụng trang trí gây ảo giác thực, diễn xuất gần với tự nhiên, tác động trực tiếp vào cảm quan người xem) và xu hướng thể hiện không gian thời gian theo hướng thẩm mĩ (sử dụng trang trí ước lệ, có tính ẩn dụ, tượng trưng, tạo hiệu quả đến cảm quan người xem bằng sức liên tưởng, gợi hình ảnh, suy nghĩ).

    Một trong những điểm hạn chế sáng tạo của các đạo diễn sân khấu là điều kiện vật chất không đáp ứng được những ý tưởng bay bổng của họ trong xử lý không gian, thời gian. Xử lý không gian, thời gian là một yếu tố quan trọng để thể hiện phong cách, thủ pháp của một đạo diễn. Càng hiện đại sẽ càng đơn giản. Nhận thức như vậy nên nhiều đạo diễn Việt Nam đã sử dụng thủ pháp từng được ca ngợi của sân khấu truyền thống là biến không gian, thời gian vốn đã không thể mở rộng vô hạn độ vì sự hạn hẹp của sàn diễn thì biến đổi ý nghĩa sàn diễn. Nó không còn ý nghĩa mấy chục thước vuông mà mang ý nghĩa ước lệ, giả định... Nhưng nếu vẫn tiếp tục thể hiện theo cung cách đó ở thời đại mới, dường như thật khó đáp ứng nhu cầu nghe-nhìn cho công chúng. Khán giả của thời hiện đại có những đòi hỏi khắt khe hơn với yêu cầu cao về kỹ thuật diễn cũng như sự kết hợp công phu của công nghệ để đẩy mạnh yếu tố thị giác... Vì vậy, yêu cầu áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật số vào sáng tạo sân khấu đã trở thành yêu cầu mang tính cấp bách, bắt buộc. Chưa kể, trong cách mạng công nghệ mới, các thành tựu của khoa học sẽ chắp cánh cho người sáng tạo thỏa sức “bay” trong bầu trời nghệ thuật, nếu biết vận dụng những “món quà” mà thời đại mới mang tới.

    Khá nhiều đơn vị đã phần nào áp dụng các thành tựu mới như âm thanh, ánh sáng, hình ảnh... tinh tế, chuẩn mực và rất hợp lý vào sân khấu. Những màn hình LED với khả năng đổi cảnh nhanh chóng, màu sắc rực rỡ, lại hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu cho nhiều chiếc phông hậu, giúp đạo diễn kiểm soát được hình ảnh ở từng giây nhờ vào công nghệ. Thêm nữa, việc diễn xuất của các diễn viên kết hợp chặt chẽ với màn hình, đôi khi tương tác với những tình huống được chiếu trên màn hình đã thực sự tạo ra hiệu quả thẩm mĩ cao. Gần đây nhất, vở kịch múa Mỵ của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc với trang trí giàu tính ước lệ nhưng vẫn đi vào những chi tiết mang tính biểu tượng cao, phối hợp với màn hình LED, kết hợp ánh sáng, âm nhạc và những động tác múa đẹp, mỗi cảnh diễn như những bức tranh đẹp, mang tính biểu tượng ở từng lát cắt... đem lại xúc cảm thẩm mĩ tốt cho công chúng. Trước đó, chương trình Ionah đã kết hợp rất tuyệt, phối kết hợp nhuyễn tới mức chuẩn tới từng nốt nhạc giữa diễn viên với khung cảnh của màn hình cong đang trình chiếu, đem lại hiệu ứng diễn tả rất thẩm mĩ cho người xem. Những biểu cảm của diễn viên ở từng trường đoạn, phối kết hợp nhuần nhuyễn, ăn săm với cảnh thiết kế điện tử... quả thực chỉ có ở thời hiện đại. Hay chương trình hầu đồng Tứ phủ của nhóm xã hội hóa do đạo diễn Việt Tú khai thác, sở dĩ đứng vững được dăm năm tại Hà Nội cũng là nhờ rất nhiều vào tiết tấu có sự ăn khớp kỳ diệu giữa người diễn và cảnh tái tạo ở màn hình... Rồi nhiều nhà hát cải lương ở phía Bắc cũng đã chú trọng tới việc kết hợp những hình ảnh với cách thức biểu diễn, mở rộng thêm cho không gian, thời gian nghệ thuật biểu đạt. Những vở được đầu tư lớn như Hừng Đông, Mai Hắc Đế... của Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã phối kết hợp để thể hiện những cảnh diễn mà trước đây phải đẩy vào hậu trường bởi không thể diễn tả trên sàn diễn mà đem lại hiệu quả tốt được. Rồi Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng từng thực hiện dự án không làm ngắt quãng thời gian cảm thụ của khán giả trong khi thay cảnh bằng cách để diễn viên diễn tiếp trên màn hình...

    Những dự án, những chương trình này đòi hỏi sự đầu tư công phu và một sự chừng mực nhất định giữa việc áp dụng công nghệ với sàn diễn. Không thể phủ nhận công dụng thực tiễn của cách thức này với sân khấu. Việc đem điện ảnh hoặc những phân cảnh của công nghệ điện ảnh vào sàn diễn không hề mới (trước đây, từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX, cũng từng có đạo diễn kỳ cựu đưa điện ảnh vào sân khấu) nhưng việc phối kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa người diễn với màn hình thì phải chờ tới khi công nghệ cao phát triển, đặc biệt là hiệu ứng âm thanh lập thể...

    Hay tính tương tác giữa khán giả và diễn viên để đẩy mạnh yếu tố giao lưu, tạo ra những đêm diễn khác biệt cũng cần được các nhà làm sân khấu hiện đại lưu ý. Việc mỗi cá nhân hiện nay đều sở hữu những sản phẩm công nghệ có thể cùng lúc tương tác, phản hồi với sàn diễn, với từng cảnh diễn... cũng cần tới sự chú ý để tận dụng sự phản hồi, tương tác từ phía khán giả tới người sáng tạo. Đây cũng là thế mạnh đặc sắc của loại hình sân khấu, khi tác phẩm sân khấu chỉ hình thành khi có đối tượng người xem trực tiếp trong khán phòng...

    Đặc biệt ở khâu tiếp thị, nếu chúng ta có cách để điều tra xã hội học, có những công trình dày dặn để tìm hiểu thị hiếu công chúng, có những người chuyên làm marketing cho sân khấu, đo lường tác động của từng vở diễn, yếu tố thu hút và yếu tố chưa hài lòng của khán giả thì hẳn là việc tiếp cận công chúng sẽ dễ dàng hơn, dễ tìm hiểu được thị hiếu chung, tiến tới đáp ứng để loại hình sân khấu chinh phục được khán giả, tạo dựng được lực tương tác để sân khấu thoát khỏi tình trạng thưa vắng khán giả kéo dài nhiều thập niên. Biết, hiểu, đi thẳng vào vấn đề công chúng và xã hội đang quan tâm là biện pháp tốt nhất để sân khấu trở lại hình thức nghệ thuật được yêu thích.

    Nhưng mặt trái của công nghệ đối với ngành sân khấu cũng không khó để nhìn ra. Trước hết là sự chia sẻ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ với những thú vui giải trí đa dạng, phong phú và cũng giàu tính tương tác của thời công nghệ, kỹ thuật. Hình thức sân khấu quả thực khó bắt nhịp với tiết tấu gấp gáp của cuộc sống hiện đại, nên khó tìm được sự đồng cảm và hấp dẫn cho công chúng nếu thiếu đi sự đổi mới mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những áp dụng công nghệ nhằm đổi mới sàn diễn, nếu làm không khéo, thiếu sự tinh tế sẽ biến sân khấu thành “nồi lẩu” tổng hợp của các hình thức khác chứ không còn là hình thức sân khấu vẫn đầy bí ẩn và hấp dẫn đối với công chúng bởi tính duy nhất, độc đáo của mỗi đêm diễn khi có sự tương tác giữa người diễn và người xem cũng như những sáng tạo ngẫu hứng, thăng hoa của tập thể nghệ sĩ... Chưa kể, hiện nay, rất nhiều đạo diễn vẫn than phiền khi cần thể hiện một ý tưởng nào đó để đẩy tác phẩm đến một tầm vóc mới nhưng cơ sở vật chất của các điểm diễn vẫn còn quá nghèo nàn và lạc hậu. Chẳng hạn, NSND Lê Huy Quang cho rằng: so với sân khấu các nước tiên tiến, sân khấu Việt Nam vẫn còn quá nghèo nàn, cũ kỹ, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu. Việc tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, địa điểm vẫn thô sơ, lạc hậu, kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm phông vải mềm và đặt xuống, dựng lên vài tấm bục gỗ dán, pa-nô di động với chất liệu chủ yếu là gỗ và vải... Trong khi các nước có nền sân khấu tiên tiến, sân khấu - sàn diễn đã được hiện đại hóa với sân khấu quay nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều lớp, lên cao hay xuống thấp dưới gầm sàn diễn, mở rộng và thu hẹp không gian, những cầu diễn tự động nối khán giả với nghệ sĩ biểu diễn, với ánh sáng, âm thanh hoàn hảo bởi hàng trăm ngọn đèn chiếu sáng và tạo dựng không gian bằng ánh sáng. Ðể dàn dựng, xử lý một lớp kịch, nếu cần thiết, đạo diễn và họa sĩ có thể đưa cả voi, ngựa, ô tô và nhiều cảnh thật khác của đời sống lên sân khấu... Nghĩa là một nhà hát được hiện đại hóa một cách triệt để sẽ tạo điều kiện tối đa cho đạo diễn và họa sĩ tìm tòi, sáng tạo trong trang trí; mở ra nhiều không gian linh hoạt, biến hóa, bất ngờ, đầy gợi cảm và hết sức chủ động với đầy đủ các chất liệu cho người nghệ sĩ biểu diễn: các loại chất dẻo, thủy tinh, các loại kính màu và gương phản chiếu, các tấm nhựa công nghiệp và các loại sợi, thảm cho mặt sàn sân khấu phù hợp với phong cách của từng vở diễn, từng loại hình nghệ thuật sân khấu, từ cổ điển đến đương đại...

    Bên cạnh điều kiện cơ sở vật chất của các sàn diễn còn hạn chế, các nghệ sĩ cũng chưa thật sự có những phát triển vượt tầm trong tư duy sáng tạo. Một số đạo diễn vẫn còn sự chưa nhất quán khi chỉ dừng lại ở mức độ cố gắng có những mảng miếng, những kỹ thuật phụ trợ tưởng mới lạ mà chưa hướng đến yếu tố tổng thể để có một tác phẩm trọn vẹn. Vẫn còn tồn tại sự vênh lệch giữa các mảng miếng trong tư duy của đạo diễn với sự thể hiện cần thiết cho khán giả hiểu được cái gì đang diễn ra trên sàn diễn... Và điểm yếu trí mạng nữa là sự tự thỏa hiệp, thỏa mãn với những thành quả nhất định nào đó, thiếu đi sự phấn đấu để tác phẩm thực sự đạt đến mức độ nghệ thuật, ở mức cao nhất có thể cũng là trở lực của nghệ sĩ khi đến với cuộc cách mạng công nghệ hiện nay.

 

 

 

Chú thích:
* Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
 

    

Bình luận

    Chưa có bình luận