TỪ HỘI SÁCH FRANKFURT NHÌN VỀ CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN XUẤT BẢN CỦA VIỆT NAM

Bài viết giới thiệu và phân tích những thành công của Hội sách Frankfurt và các hoạt động của đoàn Việt Nam tại Hội sách. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý và xuất bản nói riêng, văn hóa nói chung ở Việt Nam.

    Từ lúc mới bắt đầu có công nghệ in Gutenberg, việc in ấn, xuất bản và kinh doanh sách ngày một phát triển. Tuy nhiên, trước cả thời Gutenberg, chợ sách Frankfurt đã hoạt động như một phần của Hội chợ Frankfurt lớn hơn và nổi tiếng hơn. Việc buôn bán các cuốn sách chép tay đã được thực hiện tại Hội chợ này ngay từ đầu. Có thể khẳng định rằng chậm nhất vào năm 1462 và sau đó phát triển thành hội chợ sách dành cho giới in ấn và xuất bản, tính đến nay, Hội sách Frankfurt có tuổi đời trên 600 năm với những thăng trầm, phát triển mạnh đến cuối thế kỷ XVIII, dần suy tàn trong thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, được khôi phục lại từ năm 1948, đã trở thành hội sách lớn nhất thế giới với các hoạt động về giao dịch bản quyền, trao đổi kinh nghiệm xuất bản, giới thiệu tác phẩm, tác giả lớn, các công nghệ xuất bản và quản lý xuất bản cùng nhiều hoạt động giao dịch thương mại, giao lưu với bạn đọc.

    Sau 02 năm (2020-2021) bị gián cách, phải tổ chức dưới hình thức hội sách trực tuyến, năm 2022, Hội sách Frankfurt bắt đầu trở lại. Năm 2023, năm kỷ niệm lần thứ 75 tái thành lập, Hội sách Frankfurt dần lấy lại được sức hút, đạt quy mô bằng khoảng 80% năm 2019 với 4000 gian hàng, 105.000 khách thương mại đến từ 95 quốc gia, 110.000 lượt bạn đọc, 7000 phóng viên báo, đài, cơ quan truyền thông. Thực tế, năm 2023, Hội sách Frankfurt trở lại trong bối cảnh phức tạp, chịu tác động mạnh của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là các tác động tiêu cực của giảm phát kinh tế thời kỳ hậu đại dịch, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, Israel và Palestine; xã hội châu Âu và Đức có những chia rẽ. Dẫu vậy, các nội dung trọng tâm của Hội sách vẫn được duy trì, bảo đảm, trong đó các hoạt động giao dịch bản quyền đã được tổ chức sôi động với 548 bàn được đặt trước của 324 đơn vị xuất bản và 35.000 danh mục trao đổi, thương thảo (chưa kể đến các giao dịch phát sinh không đăng ký tại Hội sách).

    Bên cạnh đó, Hội sáchtổ chức khoảng 2600 sự kiện, bắt đầu từ ngày 14/10/2023 (03 ngày trước khi Hội sách khai mạc) và kết thúc vào ngày 22/10/2023. Đây có thể coi là nét đặc trưng lớn nhất của Hội sách Frankfurt, nó giúp cho hội sách này có sự khác biệtrất lớn với các hội sách khác, mà tác giả cuốn Lịch sử Hội sách Frankfurt, ông Peter Weidhaas, nguyên Giám đốc của hội sách này đã viết: “Khía cạnh đáng chú ý nhất của các hội chợ hiện đại là họ không tập trung vào những cuộc trò chuyện mệt mỏi về cung và cầu như trước đây. Bây giờ, mọi người giao lưu, chia sẻ quan điểm, học hỏi nhiều điều mới, kết giao bằng hữu mới và làm mới những mối quan hệ cũ, trở nên hào hứng và nói chung là cảm thấy mãn nguyện”.

    Trong số hơn 2600 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi tại Hội sách, chiếm khoảng 30% là các thảo luận về các vấn đề chính trị học, triết học, kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu; 30% là giới thiệu các tác phẩm, tác giả, xu hướng sáng tác; 40% là trao đổi nghiệp vụ xuất bản; trong đó có khoảng 150 hội thảo bàn sâu về các vấn đề ứng dụng công nghệ số vào xuất bản như siêu dữ liệu, truy cập mở,AI vào dịch thuật, quản trị nhà xuất bản, sách nói và các loại sách công nghệ; phân tích dữ liệu khách hàng... Đặc biệt, năm nay, ChatGPT và AI là chủ đề dành được sự quan tâm1.

    Bên cạnh đó các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và xu hướng ứng dụng công nghệ của một số công ti cung cấp nền tảng có nhiều người sử dụng như Tiktok của Trung Quốc hay Spotify của Thuỵ Điển đã tạo được sự chú ý rất lớn của khách đến dự2.

    Năm nay, Slovenia là quốc gia nhỏ (thuộc Liên bang Nam Tư trước đây) nằm trong khối Liên minh châu Âu, với dân số khoảng 2,5 triệu dân. Slovenia có khoảng 1400 nhà xuất bản (xuất bản trên 01 đầu sách/năm), mỗi năm xuất bản khoảng 6000 đầu sách. GDP Slovenia khoảng 57 tỉ Euro, thu nhập bình quân 29.400 Euro. Tuy là quốc gia nhỏ nhưng Slovenia có bản sắc văn hóa rấtriêng cùng với sự hiện diện của một số nhà văn, nhà nghiên cứu, triết gia gốc Slovenia có danh tiếng ở châu Âu giúp cho quốc gia này thuận lợi để tham gia Hội sách với tư cách khách mời danh dự.

    Với tư cách là khách mời danh dự, Slovenia đã tổ chức hơn 70 sự kiện có sự góp mặt của gần 70 tác giả, nhà thơ và trí thức từ Slovenia. Khu vực Guest of Honor Pavilion của Slovenia (nơi dành riêng cho khách mời danh dự) đã thu hút rất đông người tham gia Hội sách. Các trao đổi văn chương trên cảm hứng “Tổ ong ngôn ngữ” của Slovenia được đánh giá cao. Không gian âm nhạc Slovenia thể hiện bản sắc riêng của Slovenia gây được nhiều chú ý. Triển lãm Sách về Slovenia với khoảng 400 tác phẩm, trong đó có 100 tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Đức và các ngôn ngữ châu Âu khác để xuất bản, được nhiều bạn đọc quan tâm.

    So với các năm, năm nay, các đoàn Việt Nam tham gia Hội sách với số lượng đông kỷ lục, trên 80 người từ các cơ quan quản lý trung ương, địa phương, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, người làm sách. Có 05 đơn vị có gian hàng trưng bày, giới thiệu sách của Việt Nam là Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng và Công ti Văn hóa Đại Trường Phát.

    Tham gia Hội sách năm nay, ngoài các hoạt động giao dịch bản quyền (chủ yếu là mua bản quyền), các đơn vị tham dự hoạt động rất tích cực trong quảng bá hình ảnh Việt Nam. NXB Kim Đồng đã có 01 đầu sách được đưa vào danh sách 200 sách ấn tượng lấy từ trên 5000 tác phẩm tham dự Hội sách3 do Hội Thư viện Cộng hòa Liên bang Đức xét đề cử hằng năm tại Hội sách.

    Bên cạnh đó, với vai trò đơn vị đại diện, Đoàn của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh Việt Nam qua hoạt động xuất bản cũng như các kết nối khác. Đoàn đã tổ chức tổ chức không gian sách Việt Nam tại Frankfurt. Với diện tích không lớn, kết hợp cùng NXB Trẻ, không gian trưng bày sách Việt Nam được trang trí trang nhã, có điểm nhấn là các tác phẩm về lịch sử Việt Nam cùng một số tác phẩm chính trị quan trọng, các tác phẩm văn học thiếu nhi hấp dẫn đã nhận được sự quan tâm của nhiều khách quốc tế. Tính bình quân, mỗi ngày Hội sách đã tiếp đón trên 100 lượt khách quốc tế đến tham quan, trao đổi, trong đó 02 ngày 21-22/10 khi mở cửa cho bạn đọc vào xem và mua sách đã tiếp đón trên 300 lượt bạn đọc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được đưa tên lên tất cả các biển báo chỉ dẫn, các trang giới thiệu của Hội sách để khách đến tham quan, trao đổi.

    Đoàn dự phiên khai mạc Hội sách Frankfurt với sự tham gia của hơn 1000 khách mời, đặc biệt là Tổng thống Slovenia và nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới4. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là khách mời VIP của sự kiện trang trọng này. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện được giới thiệu trang trọng tại không gian hội sách lớn nhất thế giới. Đoàn triển khai nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc. Đặc biệt, Đoàn đã có 02 cuộc tiếp xúc và làm việc với Lãnh đạo của Ban Tổ chức Hội sách Frankfurt với mong muốn tiếp tục hợp tác với quy mô ngày càng lớn, tương xứng với sự phát triển kinh tế nói chung, xuất bản nói riêng của Việt Nam trong những năm qua. Trong buổi làm việc, cả hai bên đã thống nhất bước đầu: Việt Nam sẽ tiếp tục cử các đoàn tham gia và trưng bày sách tại Hội sách các năm sau với quy mô lớn hơn và Ban Tổ chức Hội sách sẽ dành nhiều hơn các ưu đãi về sân khấu, vị trí, giá cả cho các đơn vị Việt Nam tham gia Hội sách; Việt Nam mời Lãnh đạo Ban Tổ chức tham dự Hội sách Quốc tế lần thứ nhất và Ban Tổ chức chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam tổ chức thành công các hội sách quốc tế; Việt Nam mong muốn trở thành khách mời danh dự của Hội sách vào thời điểm thích hợp (sau khi Philippine đăng cai vào năm 2025) và Hội sách có chia sẻ kinh nghiệm cũng như các ủng hộ khác để Việt Nam sớm trở thành khách mời danh dự.

    Từ quan sát Hội sách và các hoạt động của đoàn Việt Nam tại Hội sách, chúng tôi thấy có mấy điểm chú ý, gợi mở cho công tác quản lý xuất bản nói riêng, văn hóa nói chung.

    Thứ nhất, trong bối cảnh chính trị châu Âu và thế giới rất phức tạp, xã hội châu Âu có sự chia rẽ khá sâu sắc, tiềm ẩn những bất ổn khó lường, Hội sách Frankfurt vẫn tạo sức hút lớn, giữ vai trò là sân chơi lớn nhất của ngành sách thế giới, cũng là sân khấu chính trị, văn hóa quan trọng, được dư luận châu Âu và thế giới quan tâm. Sự kiện Hội sách tạm dừng trao thưởng cho nhà văn Palestine; việc một số nhà xuất bản của Indonesia, Malaysia và khối Arab rút khỏi Hội sách; phát biểu gây tranh cãi của nhà văn, GS Slavoj Žižek người Slovania5 tại đêm khai mạc; các cuộc biểu tình và việc báo chí đưa tin về những vấn đề xung quanh Hội sách… cho thấy tầm ảnh hưởng của Hội sách lên đời sống chính trị, văn hóa của Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng và châu Âu nói chung là khá rõ. Từ đó cũng gợi mở cho chúng ta một cách tiếp cận thông qua Hội sách Frankfurt để giải quyết quan hệ đối ngoại, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

    Thứ hai, với bề dày truyền thống và phương pháp tổ chức rất khoa học, Hội sách Frankfurt không chỉ gây chú ý bởi sự xuất hiện của hầu hết các tập đoàn xuất bản lớn, các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới và các hoạt động giao dịch bản quyền sôi động diễn ra trong thời gian hội sách mà nó còn có sức hút lớn từ giá trị học thuật và sự tham gia của giới tinh hoa qua các sự kiện trong khuôn khổ Hội sách. Qua khoảng 2600 sự kiện, cả giới sáng tác và những người làm xuất bản tham dự có điều kiện để nắm bắt, tìm hiểu xu hướng sáng tác, xu hướng xuất bản của thế giới; đồng thời tiếp cận sản phẩm và công nghệ xuất bản mới. Ngoàira, cũng trong khuôn khổ Hội sách, khách dự có thể tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua góc nhìn của giới tinh hoa tại châu Âu. Đây là kinh nghiệm tốt để Việt Nam học hỏi tổ chức các hội sách quốc tế thành công, tạo dấu ấn để hội sách không chỉ là câu chuyện của ngành xuất bản mà là câu chuyện của hình ảnh văn hóa Việt Nam, biến hội sách thành sự kiện quan trọng về văn hóa - chính trị trong khu vực Đông Nam Á.

    Thứ ba, việc Slovenia là khách mời danh dự năm 2023, hay trước đây là Indonesia và tới đây là Philippine làm khách mời danh dự cho thấy Hội sách Frankfurt đặc biệt quan tâm đến các quốc gia có truyền thống lịch sử, có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo; có đội ngũ trí thức, nhà văn, nhà thơ hoạt động tích cực trên các diễn đàn quốc tế và có được sự hậu thuẫn của Chính phủ. So sánh điều này với Việt Nam, dù có một số khó khăn nhưng chúng ta có nhiều lợi thế để có thể triển khai.

    Thứ tư, mặc dù công tác tổ chức tham dự Hội sách đông kỷ lục nhưng với việc tổ chức hoạt động, chúng ta thấy nhiều điều cần bàn, đặc biệt là việc tham dự của các đơn vị thiếu hiệp đồng dẫn đến các gian hàng Việt Nam tại Hội sách đều nhỏ, phân tán, khó tạo được ấn tượng và sức hút. Điều đó cho thấy nếu có kế hoạch triển khai sớm, chủ động, có thể sử dụng nguồn lực xã hội hoá để tổ chức gian hàng Việt Nam với quy mô lớn, cách thức chuyên nghiệp hơn, kinh phí tiết kiệm, thu hút nhiều hơn các đơn vị xuất bản Việt Nam tham gia, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm cơ hội mua bán bản quyền và nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng xuất bản của các đơn vị xuất bản.

    Thứ năm, hiện nay, các đơn vị xuất bản Việt Nam tham dự chủ yếu tìm hiểu tình hình xuất bản. Việc tham gia thương thảo bản quyền chỉ tập trung ở một số đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm như: NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ti Fahasa, Công ti Cổ phần sách Nhã Nam, Công ti Sách Thái Hà. Tuy nhiên, qua số lượng các đơn vị và cá nhân tham gia khá lớn lần này cho thấy cá đơn vị đã nhận thức đây là cơ hội để giao dịch bản quyền, đồng thời để lãnh đạo và cán bộ học hỏi, trau dồi kinh nghiệm giao dịch quốc tế. Việc quảng bá sách Việt Nam còn hạn chế vì thực tế số lượng sách tiếngAnh chưa nhiều, đặc biệt chỉ có 05 đầu sách tiếng Đức và xuất bản cách đây 2-3 năm. Việc bán bản quyền sách của các đơn vị Việt Nam rất hạn chế, chỉ có NXB Trẻ và NXB Kim Đồng có ký một số ghi nhớ nhưng với số lượng rất nhỏ, chủ yếu các truyện tranh và truyện lịch sử của các khách hàng truyền thống đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này cho thấy rất cần tăng cường xuất bản các sách giới thiệu về Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là đẩy nhanh việc triển khai Chương trình Sách quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nội dung dịch 100 đầu sách giới thiệu về Việt Nam.

    Những vấn đề trên cho thấy đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu về một hoạt động văn hóa - thương mại rất quan trọng của Cộng hòa Liên bang Đức, cũng là của châu Âu, để trên tinh thần đó tìm hiểu, học tập và khai thác hiệu quả.

 

 

 

Chú thích:
*Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
1 Thảo luận giữa Robert M. Harington từ Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ với nhà ngôn ngữ học Naomi S. Baron, các tác giả sách bán chạy nhất Maja Lunde và Noah Charney, tác giả và Giám đốc điều hành Shimmr AI Nadim Sadek, Giáo sư đại học và chuyên gia AI Katharina Zweig, người sáng lập và chuyên gia công nghệ Mina Saidze, chuyên gia luật bản quyền và truyền thông Florian Wagenknecht, cùng nhiều người khác là chủ đề được nhiều chuyên gia xuất bản đặc biệt quan tâm.
2 Sau hội sách ở London và Ailen, Tiktok tiếp tục tổ chức trao giải Giải Booktok của Đức tại Frankfurt vào ngày 21/10/2023.
3 Cuốn Những miền lưu dấu xuất bản năm 2023.
4 Nhiều nhà văn, triết gia hiện đại nổi tiếng đã đến dự như: Marc-Uwe Kling, Otto Waalkes, Cornelia Funke, Guido Maria Kretschmer, Heinz Strunk, Margit Auer, Elke Heidenreich, Rafik Schami, Ayla Dade và Deborah Feldman.
5 GS Slavoj Žižek là triết gia, nhà lý luận văn hóa và trí thức đại chúng, Giám đốc quốc tế của Viện Nhân văn Birkbeck tại Đại học London, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New York và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Khoa Triết học của Đại học Ljubljana.

    

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận