Từ nhỏ đến giờ, nhắc đến nàng Tô Thị, tôi nghĩ ngay đến câu chuyện Sự tích hòn Vọng Phu và bị ám ảnh bởi chi tiết quá éo le của câu chuyện (anh trai lấy nhầm em gái làm vợ). Sau này, tôi đã lên Lạng Sơn nhiều lần và nhiều lần ngước mắt nhìn lên mỏm núi có hình như tượng người phụ nữ bồng con, lại vẳng bên tai câu nói “nàng Tô Thị ôm con chờ chồng”, lại thêm một lần ám ảnh bởi cái kết không có hậu – kiểu kết rất hiếm gặp trong truyện dân gian Việt Nam.
Khi nghe nói về vở Ngàn năm mây trắng (kịch bản của PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ) hầu như có đủ các loại hình nghệ thuật diễn tấu dân tộc thì tôi có phần nghi ngờ, nghĩ rằng đây là tác phẩm “hổ lốn”. Nhưng sau một lần xem ở Nhà hát Lớn và vài lần xem lại trên mạng, tôi thấy cách xử lý huyền thoại về nàng Tô Thị ở đây vừa sáng tạo vừa chuyên nghiệp.
Sáng tạo ở chỗ kịch bản thêm nhân vật Trương Lỗ và câu chuyện của người em kết nghĩa phản trắc này của Trần Quân - chồng nàng Tô Thị. Sáng tạo ở chỗ nàng Tô Thị “hạ sơn” bồng con đi tìm chồng khắp chiều dài đất nước. Các xung đột, cao trào cần thiết mà mỗi tác phẩm sân khấu cần phải có đều xuất phát từ nhân vật Trương Lỗ.
Chuyến đi của nàng Tô Thị trở thành cái cớ, giúp cho việc đưa dân ca, nghệ thuật cổ truyền vào tác phẩm một cách hợp lý. Xem ca kịch Ngàn năm mây trắng, nhiều đối tượng khán giả khác nhau đều có thể tìm thấy thứ mà mình yêu thích – từ cốt truyện, cách thắt, mở nút trong từng tình huống truyện đến những làn điệu dân ca quen thuộc ở mỗi vùng miền hay cách thể hiện nghệ thuật truyền thống một cách nhuần nhuyễn. Chính việc để các nhóm hát xuất hiện trên hành trình nàng Tô Thị đi tìm chồng làm cho kịch bản dày dặn hơn.
Điều đáng quý là nhân vật Tô Thị không phải là người phụ nữ bị động như trong truyện cổ tích. Nàng chủ động đi tìm chồng, vượt qua núi cao, rừng sâu, dọc theo chiều dài đất nước... Và rồi tại Huế, nàng đã khám phá ra sự thật đau lòng.
Trương Lỗ yêu Tô Thị nhưng nàng Tô Thị lại lấy Trần Quân, gã đem lòng căm ghét Trần Quân, dù đã kết nghĩa anh em. Gã giết Trần Quân rồi về nói với Tô Thị là chồng nàng đã hi sinh ở chiến trường. Tô Thị, với tình yêu chồng, không tin là chồng đã chết. Khi thấy Tô Thị quyết chí đi tìm chồng, gã phản trắc tình nguyện đi cùng nàng (đoạn này có những câu cải lương rất hay). Trên đường đi, họ gặp một chiếu chèo có thầy đang dạy tập tích. Nàng hỏi có ai biết “chồng tôi giờ ở nơi nao?”, hỏi ông thầy: “Liệu có khi nào ông gặp chồng con không?”. Ở đây chúng ta được nghe những làn điệu chèo và hát chầu văn, tuồng cổ. Ông già nói gặp một người có vợ tên là Tô Thị hay Tôn Thị gì đó. Gánh hát kể chuyện chàng Trần Khôi ở nơi xứ lạ, bị bắt làm tù binh, bị một tên cai ngục quản lý. Rồi một hôm công chúa tới thăm, nàng mê ngay một tù binh đất Việt bị Thiên triều bắt không nhụt chí anh hùng. Trần Khôi được lệnh vào triều yết kiến Thiên tử (ở đây chúng ta được nghe những câu hát tuồng và những làn điệu chèo). Trần Khôi luôn nhớ về quê nhà, nhớ vợ thương con nên từ chối lời cầu hôn của công chúa, dù nàng mê mẩn Trần Khôi song toàn văn võ (lại đẹp trai). Mặc dù vua đồng ý cho công chúa lấy chàng tù binh, “Nghĩa cử ấy chưa từng có nhưng chàng mong về quê hương”. Chàng cảm ơn công chúa! Vua tức giận, như vậy là chàng đã chọn cái chết vì trái lệnh vua (đoạn này khán giả được xem hát múa chèo), chàng đã hóa thân trong mây trắng. Đây là một câu chuyện hiếm khi kẻ tù nhân từ chối ân huệ của Thiên tử cho làm phò mã.
Trương Lỗ nhắc lại rằng chồng nàng đã hi sinh ở chiến trường, rủ nàng quay về. Tô Thị nói với ông thầy chèo rằng người này không phải chồng nàng. Nàng vẫn tin chồng nàng chưa chết, đang chờ mong mẹ con nàng. Nàng lại lên đường tiếp tục đi tìm chồng. Tới một nơi, họ gặp nhóm hát xẩm kiếm tiền (ở đây chúng ta được nghe các làn điệu xẩm). Tô Thị bị ngất, gánh hát xẩm đã cứu nàng. Khi biết nàng đi tìm chồng, gánh hát kể cho nàng (bằng hát xẩm) về một người đàn ông cầm chiếc khăn tay của người vợ chung tình. Một tên lái buôn Tàu đòi mua nhưng anh ta không bán vì chung tình với vợ. Lúc đầu nó dụ dỗ đi theo nó kiếm tiền. Sau anh ta đi theo nó. Bạc tiền đầy túi nhưng nghĩa tình nhạt phai, xa mặt cách lòng. Tô Thị không tin đó là chồng nàng. Nàng bảo: “Không phải chồng con”. Trương Lỗ cũng nói hùa theo: “Huynh tôi không phải người như thế”. Nhà xẩm nói: “Chuyện của nhà xẩm chỉ có thế thôi”. Một cậu trong nhóm xẩm đòi tiền công hát cho. Tô Thị nghe nhưng bà trùm gạt đi không cho lấy vì thương hoàn cảnh nàng Tô Thị.
Một cảnh trong vở “Ngàn năm mây trắng” (Ảnh: Hà Phương)
Nàng lại đi tiếp, vào đến Huế. Đến đoạn này thì khán giả lại được nghe hát văn Huế. Tô Thị tìm đến ngôi đền thiêng nơi tiếng hát văn Huế của cô đồng vang lên vạch trần câu chuyện của nàng Tô Thị bị Trương Lỗ (người anh em kết nghĩa với chồng nàng) hãm hại, nàng Tô Thị lúc ấy mới biết chân tướng của Trương Lỗ.
Sau đó, biết là không tìm được chồng, nàng bồng con trở về, ngự trên đỉnh núi bồng bềnh ngàn năm mây trắng. Cái tên vở ca kịch dân tộc Ngàn năm mây trắng vừa phù hợp với câu chuyện huyền thoại vừa nêu lên vẻ đẹp của nàng Tô Thị.
Sở dĩ tôi kể chuyện kịch chi tiết như thế để thấy sự sáng tạo của tác giả kịch bản: vừa đắp thêm bề dày cho cốt truyện vừa cho thấy nhiều kiểu người, vừa cho khán giả được thưởng thức những loại hình hát dân gian hòa quyện với nhau, mỗi loại xuất hiện một cách hợp lý và khéo léo.
Ngàn năm mây trắng có kịch tính - một yêu cầu cần có của một vở kịch - đó là lớp cô đồng vạch trần tội ác của Trương Lỗ. Vở kịch có thoại đẹp, ngoài phần dẫn chuyện còn nêu được tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của những người dân bình thường. Đây là một tác phẩm sân khấu mang những nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống, xử lý khéo léo, cốt truyện không mỏng, khá súc tích; nhân vật có tính cách rõ ràng; những người mà Tô Thị gặp trên đường đi tìm chồng là những người dân tốt bụng, giàu lòng trắc ẩn. Kịch bản xử lý tốt.
Tóm lại, tác giả kịch bản đã thông minh và sáng tạo, từ một câu vẻn vẹn về tích nàng Tô Thị bồng con chờ chồng làm thành một vở kịch thơ có xương có thịt, có nhân vật hợp lý, có kịch tính, ngôn từ cũng có lúc gây chú ý. Gã bất nhân Trương Lỗ nói với Tô Thị: “Ta đã hứa với Trần Huynh là chăm sóc mẹ con nàng. Ta thà chết còn hơn sống bất nhân, bất nghĩa”, trong khi chính gã là kẻ bất nhân, bất nghĩa: giết anh kết nghĩa hòng chiếm Tô Thị - vợ của người anh kết nghĩa.
Bài viết này chủ yếu là tôi bàn về kịch bản. Còn trên sân khấu, đó là một vở ca kịch (opera dân tộc) nên không thể không nhắc đến việc dàn dựng hợp lý của NSƯT Triệu Trung Kiên và NSND Thanh Ngoan, trước đó là công chuyển thể thành kịch hát của Hoàng Song Việt và âm nhạc của Duy Hòa. Sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam trình diễn cũng hoàn hảo. Tóm lại, đây là một vở ca kịch thành công trên cơ sở một kịch bản được viết một cách thông minh và sáng tạo, ca ngợi con người Việt Nam, ở đây tiêu biểu là phụ nữ Việt Nam - nàng Tô Thị và các lớp quần chúng.