TỪ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN NGHỆ GIẢI PHÓNG, NGHĨ VỀ XÂY DỰNG VĂN NGHỆ HIỆN NAY

Trên cơ sở phân tích, đánh giá bối cảnh lịch sử, xã hội và thành tựu của văn nghệ giải phóng nước ta giai đoạn 1954-1975, bài viết đề xuất giải pháp cho công tác xây dựng văn nghệ hiện nay.

    Tìm hiểu văn kiện Đảng từ buổi đầu thành lập, qua Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), đến các nghị quyết chuyên sâu về văn hóa, văn nghệ thời gian gần đây, chúng ta thấy rõ sự phát triển vượt bậc trong nhận thức, quan niệm, đường lối, chủ trương, cũng như chính sách về văn hóa, văn nghệ. Mặc dù thế, Đảng vẫn nhận định rằng, việc cụ thể hóa từ đường lối, chủ trương thành chính sách, biện pháp cụ thể còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời những chuyển động trong xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ. Vì vậy, việc suy nghĩ, tìm kiếm, đề xuất, kiến nghị những giải pháp mới cho sự phát triển văn nghệ là cần thiết và không bao giờ là đủ.

    Trong những giải pháp để phát triển văn hóa, văn nghệ, có việc do sáng tạo, có việc được gợi mở từ những kinh nghiệm lịch sử. Nhìn lại chặng đường của văn nghệ dân tộc ta trải qua trong thời hiện đại, chúng ta thấy có những thời kỳ mang đến những dấu ấn rất sâu sắc. Hoạt động văn nghệ giải phóng trong giai đoạn 1954-1975 là một trong những trang hào hùng như vậy. Trên cơ sở nghiên cứu và suy nghĩ về hoạt động văn nghệ giải phóng thời hào hùng độc đáo ấy, chúng tôi thấy nhiều điều bổ ích có thể vận dụng vào việc xây dựng văn nghệ trong chặng đường mới.

    1. Đôi điều nhìn lại

    Để hiểu sâu hơn về văn nghệ giải phóng, cần trở lại đôi nét bối cảnh lịch sử, xã hội và văn nghệ của thời kỳ này. Đó là vào năm 1954, các nước tham dự Hội nghị Genève về chiến tranh Đông Dương đã công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam song phải tạm chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, hai năm sau, sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

    Trong khi chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định, thì chính quyền Sài Gòn được sự dung túng của đế quốc Mĩ, ngang nhiên công khai phá hoại Hiệp định. Chúng gom dân lập “ấp chiến lược”, “khu trù mật” để dễ bề kiểm soát; khủng bố những người cộng sản và kháng chiến cũ, thực hiện nhiều cuộc thảm sát dã man, điển hình ở Vĩnh Trinh, Hướng Điền, Ngân Sơn, Hàm Thuận… Theo một tài liệu, ở Miền Nam, “từ năm 1955 đến 1960, có 68.000 người bị giết, 191.700 người bị thương trong các cuộc càn quét, 160.000 người cộng sản và yêu nước bị bắt và giam cầm. Trên toàn Miền Nam mọc lên 817 nhà tù, gần 300 khu”1.

    Chúng ta hết sức kiềm chế mong có hòa bình và tiến hành tuyển cử. Nhiều cán bộ, đảng viên cắn răng nhẫn nhịn để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Có người uất ức trước hành động tàn ác của địch, gửi thư lên Trung ương, bày tỏ thái độ không hài lòng và xin được cầm vũ khí quyết sống chết với quân thù. Không thể đang tâm để kẻ thù hoành hành mãi, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời, như một làn gió mới cho cách mạng Miền Nam. Đó là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Phương thức mới này đã thổi bùng ngọn lửa của phong trào đấu tranh thành cao trào đồng khởi. Bắt đầu từ Trà Bồng (Quảng Ngãi), đặc biệt ở Bến Tre, phong trào nổi dậy mạnh mẽ phá tan nhiều đồn bốt, giành chính quyền ở nhiều nơi và giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Từ nơi đây, phong trào lan rộng ra nhiều tỉnh và toàn Miền Nam, đòi hỏi một tổ chức tập hợp quần chúng, lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho Tổ quốc, giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị của ngoại xâm và bè lũ tay sai.

    Vì vậy, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời. Trong những mục tiêu quan trọng nhất, Chương trình của Mặt trận xác định “Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ” (điểm 1); trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật thì khẳng định “Bài trừ văn hóa và giáo dục nô dịch, xây dựng một nền văn hóa giáo dục dân tộc, tiến bộ, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phát triển khoa học kỹ thuật và văn học, nghệ thuật dân tộc, khuyến khích và giúp đỡ trí thức, văn nghệ sĩ có đủ điều kiện phát triển tài năng để phục vụ công cuộc xây dựng nước nhà” (điểm 5); về đối ngoại, thì chủ trương “thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình trung lập” (điểm 8)2. Tính cách mạng, chính nghĩa và rộng mở ấy đã có sức lôi cuốn và đoàn kết mọi đối tượng hướng theo ngọn cờ của Mặt trận và được sự ủng hộ của bè bạn trên thế giới. Đó là tiền đề về phương diện chính trị, xã hội và văn nghệ cho việc thành lập một tổ chức văn nghệ tiến bộ và cách mạng của nhân dân.

    Thực ra, phong trào văn nghệ của nhân dân Miền Nam không bao giờ tắt. Sau Hiệp định Genève, trong vùng do địch kiểm soát, nhiều đoàn hát trong dân vẫn bí mật hoạt động. Nhiều văn nghệ sĩ vẫn sáng tác những bài thơ yêu nước, ca ngợi những người gắn với phong trào đấu tranh vì dân tộc.

    Ở một bình diện khác, trên báo chí công khai trong các đô thị, xuất hiện một số truyện ngắn, bài thơ bằng cách sử dụng biểu tượng, xa gần đề cập những nhiệm vụ chính trị hiện tại như: đòi hòa bình thống nhất, hiệp thương tuyển cử, ca ngợi truyền thống của dân tộc, kháng chiến chống ngoại xâm, chống chế độ độc tài. Thậm chí, có vở sân khấu được diễn công khai, bất chấp mật vụ theo dõi, gây rối.

    Với tinh thần đó, cùng với các lực lượng khác như công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ giải phóng, tháng 7/1961, Hội Văn nghệ Giải phóng ra đời, tự nguyện đứng dưới cờ Mặt trận.

    Tuyên ngôn thành lập Hội có đoạn nhấn mạnh: “Văn nghệ chỉ có thể tự do khi nào đất nước được tự do. Toàn bộ hoạt động của chúng tôi nhằm cống hiến nhiều nhất cho sự tự do đó của Tổ quốc (…). Đánh đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai là nhiệm vụ hàng đầu của mọi người dân Miền Nam. Những người làm công tác văn học, nghệ thuật ở Miền Nam sung sướng được gánh vác phần nghĩa vụ thần thánh ấy”3. Với tôn chỉ, mục tiêu ấy, Hội đã chiếm lĩnh trận địa văn nghệ cách mạng, đoàn kết, động viên văn nghệ sĩ yêu nước, tiến bộ, cách mạng, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp chống xâm lăng, giành độc lập cho Tổ quốc. 

    Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Giải phóng là soạn giả cải lương Trần Hữu Trang. Ông sinh năm 1906 tại xã Phú Kiết, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), là một nghệ sĩ tài năng, có uy tín cao với đồng nghiệp, từng sáng tác nhiều vở kịch nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám, như Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937). Sau ngày 23/9/1945, ông tham gia kháng chiến, phong trào bảo vệ hoà bình Sài Gòn-Chợ Lớn; sau 1954 ra chiến khu hoạt động và được cử làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Nhà văn Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), từ Miền Bắc vào, là Phó Chủ tịch Hội, đồng thời là Trưởng Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

    Tổng Thư ký Hội là nhà văn Lý Văn Sâm. Ông sinh năm 1921, quê Đồng Nai, từng nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám, là cán bộ đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Sau 1954, ông ở lại Miền Nam hoạt động, bị chính quyền Diệm bắt giam. Ông tham gia lãnh đạo tù nổi dậy, phá nhà lao, ra vùng giải phóng.

    Hai Phó Tổng Thư ký là nhà văn Bùi Kinh Lăng, sinh năm 1923 và nhà thơ Giang Nam, sinh năm 1929, đều là những người sáng tác thơ văn từ kháng chiến chống Pháp, có kinh nghiệm trong quản lý và chỉ đạo hoạt động văn nghệ.

    Trần Hữu Trang không may hi sinh vào ngày 18 tháng 1 năm 1966, tại căn cứ, do B.52 Mĩ oanh tạc. Sau khi Trần Hữu Trang qua đời, nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước) được cử thay thế.

    Ngay trước khi thành lập Hội, đã có những sáng tác mang nội dung văn nghệ giải phóng. Tiêu biểu trong thời kỳ này là bài thơ Mồ anh hoa nở của Thanh Hải (1956), nói về lòng chung thủy của nhân dân Miền Nam đối với những người cộng sản, qua hình ảnh đông đảo quần chúng đi sau quan tài tiễn đưa người chiến sĩ bị kẻ thù sát hại: “... Không được đứa nào chôn/ Lũ chúng vừa quay lưng/ Chiếc quan tài sơn son/ Đã đưa anh về mộ/ Đi theo sau hồn anh/ Cả làng quê đường phố/ Cả lớn nhỏ gái trai/ Đám càng đi càng dài/ Càng dài càng đông mãi”.

    Một số bài thơ của Văn Công, Giang Nam, Nguyễn Lưu, Y Điêng… cũng nói đến lòng yêu nước, tình nghĩa thủy chung của/ với những người cộng sản, kháng chiến cũ. Một số thơ của các nhà cách mạng cũng được bí mật lưu truyền. Vì thế, lúc Hội ra đời, đã nhanh chóng nắm lấy ngọn cờ tập hợp các văn nghệ sĩ, khuyến khích sáng tạo.

    Từ năm 1959, đường dây 559 mở ra, nhiều văn nghệ sĩ quê Miền Nam tập kết được trở về hoặc Miền Bắc vào chi viện. Những người lên đường sớm là Bùi Kinh Lăng, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Liên Nam, Phan Tứ, Võ Trần Nhã, tiếp theo là Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Bổng, Anh Đức, Hoài Vũ, Nam Hà, Dương Hương Ly, Chu Cẩm Phong, Cao Duy Thảo. Những năm tiếp theo thêm Từ Sơn, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Sáng, Dương Thị Xuân Quý, Diệp Minh Tuyền… Nhiều người vào Nam lấy bút danh mới như Anh Đức (Bùi Đức Ái), Phan Tứ (Lê Khâm), Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước)… Các ngành khác cũng chi viện nhiều cán bộ quan trọng cho các chiến trường. Về âm nhạc là: Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Phan Huỳnh Điểu, Trần Hoàn, Xuân Hồng, Lư Nhất Vũ, Thuận Yến, Lưu Cầu; về điện ảnh: Mai Lộc, Khương Mễ, Nguyễn Hiền, Vũ Sơn, Trần Nhu, Trịnh Mai Diêm, Hoàng Thanh, Kim Chi; về sân khấu: Ngô Y Linh, Bích Lâm, Thanh Nha, Phạm Ngọc Truyền, Khánh Cao; về văn công: Thái Ly, Việt Cường, Tô Lan Phương, Trần Mùi, Thế Hải, Mai Lâm, Phương Thảo; về hội họa: Lê Lam, Huỳnh Phương Đông, Thế Vinh, Thái Hà, Phạm Đỗ Đồng, Nguyễn Văn Kinh, Thái Bình; về nhiếp ảnh: Đinh Thúy, Đinh Quang Thành, Lâm Tấn Tài, Trần Ấm… Năm 1970, Trung ương còn dành cho Miền Nam một lớp viết văn trẻ với hơn 80 cây bút để tăng cường đội ngũ sáng tác và báo chí văn nghệ. Nhiều người về sau phát triển tốt, có nhiều thành tựu quý.

    Biết là gian khổ, thiếu thốn, nhưng không một ai thoái thác nhiệm vụ. Tất cả chỉ muốn nhanh đến mặt trận. Đến rồi lại muốn xuống vùng sâu, nơi chiến trận ác liệt. Anh Đức từng trăn trở: “Năm 1962, tôi để lại sau lưng mình Miền Bắc (…) và đối diện với con đường rừng núi ngút ngàn, nơi trận đánh từ xa được chuẩn bị từ rất sớm với quyết tâm dữ dội nhưng âm thầm kín đáo. Trên từng chặng đường tôi tự nhủ, chuyến này mình phảiráng viết, và dự tính khi về tới Nam Bộ sẽ viết bút ký trước, kế đến truyện ngắn, rồi liệu bề mà viết tiểu thuyết. Điều tôi ngại nhất là chưa kịp thâm nhập, chưa kịp viết gì thì đã chết”4, Nguyễn Trung Thành khi nói về Phan Tứ, cũng là bộc lộ lòng mình: “Phan Tứ thật hạnh phúc, anh đã tham gia cuộc giải phóng Tứ Mỹ, là cán bộ chính trị trong đoàn phát động quần chúng mở đồng bằng của Khu. Thậtra, theo tôi ở đây có một điều rất hệ trọng. Tất cả anh em chúng tôi trở về chiến trường bấy giờ, không ai nói với ai, nhưng đều đã xác lập một cách sống: sống thật sự, tham gia hết mình trong cuộc như bất cứ người chiến sĩ nào, không làm “nhà văn” chuyên ghi chép và quan sát, đứng bên cạnh, đứng ngoài. Như Nguyễn Thi tâm niệm đêm Sê-pôn nọ, Phan Tứ đang làm bây giờ”5. Xuân Mậu Thân 1968, Lê Anh Xuân năn nỉ lãnh đạo xin được xuống đường tham gia chiến dịch, khi lãnh đạo không đồng ý, anh nói như giận lẩy: “Tụi em về là để chiến đấu với đồng bào, với các anh. Nếu chỉ về để làm người đứng xem và viết thì về làm gì”6. Tinh thần nhiệt huyết, hăng hái ấy có thể thấy ở các mặt trận. Các nhà văn bám phong trào để viết. Phan Tứ cắm ở vùng sâu viết Về làng, Gia đình má Bảy; Anh Đức về Miền Tây Nam Bộ viết Bức thư Cà Mau, Hòn Đất; Nguyễn Trung Thành đến những vùng chiến sự ác liệt viết Đường chúng ta đi, Đất Quảng; Nguyễn Văn Bổng xuống Bến Tre và đi tiếp để viết Rừng U Minh; Nguyễn Thi đi Long An, Mỹ Tho, viết Người mẹ cầm súng, Ước mơ của đất, Ở xã Trung Nghĩa; Viễn Phương bám trụ cùng dân và du kích Củ Chi để viết Anh hùng mìn gạt; Lê Văn Thảo đi với bộ đội viết Đêm Tháp Mười, Ngoài mặt trận. Họa sĩ quân đội Huỳnh Quốc Trọng xuống đồng bằng vẽ về đời sống nhân dân Nam Bộ. Họa sĩ Trang Phượng đi chiến dịch, vào Sài Gòn vẽ nhiều tranh thể hiện cuộc chiến đấu sôi động trong Thành phố dịp Tổng tiến công xuân Mậu Thân. Các họa sĩ, nhạc sĩ say mê sáng tác, các ca sĩ say mê biểu diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Hầu như ai cũng sôi sục ham muốn được viết, được vẽ, được bày tỏ những thu nhận và suy nghĩ về cuộc chiến đấu anh hùng của chiến sĩ và nhân dân. Tất cả nghĩ về huớng ấy, chỉ một lòng một dạ làm sao công việc của mình có ích cho cách mạng, có lợi cho cuộc kháng chiến.

    Không ngại gian khổ đã đành, mà ngay khi có thể phải hi sinh họ cũng không so đo tính toán. Nguyễn Thi đi với bộ đội trong Tổng tiến công xuân 1968, lúc chỉ huy hi sinh, địch phản kích mạnh, đồng đội biết anh có tuổi lại là người có quân hàm cao, đề nghị anh đứng ra chỉ huy đơn vị, đánh địch đến cùng. Anh ngã xuống trong trận chiến sinh tử ấy, về sau đồng đội tìm thấy bản thảo trong ba lô của anh gửi về đơn vị, mới biết đấy là một nhà văn quân đội danh tiếng. Nhà văn trẻ Nguyễn Hồng thâm nhập một đơn vị giữ chốt, gặp địch nống ra lấn đất sau Hiệp định Paris, anh nắm chỉ huy một mũi, kiên cường đánh địch đến viên đạn cuối và hi sinh như một người anh hùng. Hoàng Việt, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân, Hồng Tân, Nguyễn Trọng Định, Phương Thảo và nhiều anh chị khác đã hi sinh quả cảm trong đối đầu với địch, để lại nhiều tình cảm sâu nặng trong đồng đội và sự nghiệp văn chương.

    Một việc quan trọng khác là trong điều kiện của chiến tranh, Hội Văn nghệ Giải phóng vẫn tìm cách quảng bá thành tựu đạt được. Hội lập cơ quan ngôn luận là Tạp chí Văn nghệ Giải phóng để đăng tác phẩm và phát ngôn những vấn đề cần thiết. Báo Văn nghệ Giải phóng ra số đầu vào Tết âm lịch Tân Sửu - 1961. Người thực hiện số báo đầu tiên là nhà văn Lý Văn Sâm, ông từng xúc động kể lại ký ức của mình về điều đó. Những số báo thời kỳ đầu còn đơn giản nhưng rất ý nghĩa, vì đã khẳng định vị thế của báo chí văn nghệ cách mạng. Khi đến với bạn bè quốc tế rất được cảm tình.

   Hội có một nhà xuất bản, in các tác phẩm thuộc nhiều loại hình: văn, thơ, nhạc, họa, bằng một số ngôn ngữ quốc tế thông dụng, để giới thiệu ra nước ngoài. Chính những ấn phẩm này lan tỏa, giúp bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ Mặt trận nhiều hơn.

    Hội còn tổ chức những cuộc xét thưởng để tôn vinh những tác phẩm chất lượng. Năm 1965, Hội đồng Văn học, nghệ thuật của Mặt trận đã trao giải cho 54 tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc, riêng văn học có 17 giải: Sống như Anh, Bức thư Cà Mau, Hòn Đất, Quê hương, Bài ca chim Chơ rao, Những đồng chí trung kiên, Rừng xà nu, Con người Miền Nam, Cửu Long cuộn sóng, Người mẹ cầm súng, Trường Sơn hùng tráng, Đâu có giặc là ta cứ đi, Bức thư làng Mực...

    Hai tác giả Thu Bồn, Nguyễn Trung Thành còn được Hội Nhà văn Á-Phi trao giải thưởng văn học, tạo tiếng vang trong khu vực và thiện cảm với văn nghệ sĩ quốc tế. Dẫu sao ở ngoài vùng giải phóng hay ở chiến khu, việc lựa chọn con đường còn dễ dàng và thuận lợi hơn trong các đô thị, nhất là các đô thị lớn. Bởi lẽ, trong đô thị muôn vàn con đường mở ra trước mặt, nhưng lại có không ít khó khăn. Đi theo chính quyền tay sai chọn lối “vinh thân phì da” thì không đành với lương tri. Đi với cách mạng thì bị o ép, truy lùng, săn đuổi, bắt bớ, tù đày. Viết “chống cộng” thì trái lòng mình, cảm thấy như là tội lỗi. Chạy theo những trang viết nhục dục đồi trụy thì lương tâm cắn rứt. Viết ngợi ca dân tộc, ca ngợi chính nghĩa, tu tỉnh con người, thì sách khó bán. Đủ thứ ràng buộc, chi phối. Phải suy nghĩ lắm để làm sao tìm được cách thích hợp với cuộc đời.

    Những năm đầu sau Hiệp định Genève, địch khủng bố gắt, việc đấu tranh theo chủ trương của trên, không hề đơn giản. Các nhà văn đã phải tìm nhiều cách luồn lách để bày tỏ ý tưởng của mình mà kẻ thù không thể bắt bớ. Như Lê Vĩnh Hòa qua chuyện Chiếc áo thiên thanh để nói tấm lòng yêu hòa bình. Viễn Phương nói đến Sắc lụa Trữ La, Trang Thế Hy nói về Áo lụa giồng, Nắng đẹp miền quê ngoại ngầm ẩn giấu tấm lòng ca ngợi quê hương, kháng chiến, cổ vũ dùng hàng nội hóa. Vũ Hạnh dưới hình thức truyện xưa nước ngoài viết Bút máu để chống bọn bồi bút. Kịch Lấp sông Gianh của Kinh Luân mượn chuyện lịch sử nói lên khát vọng thống nhất đất nước. Bạo dạn hơn, Lý Văn Sâm dưới bút danh Bách Thảo Sương viết truyện Chuông rung trên tháp cổ như một ám chỉ lên án chế độ độc tài họ Ngô, lập tức bị chính quyền Sài Gòn tìm cách gây sự, bắt giam tại nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa). Sau này, ông đã đề cập chuyện viết trên sách báo công khai rằng: “Tưởng cũng nên nhắc lại hoàn cảnh của những người cầm bút ở vùng tạm chiếm. Hoạt động trong lòng địch phải hết sức thông minh, linh hoạt, dũng cảm và khôn khéo. Viết văn, viết báo phải có cách luồn lách ngòi bút qua mắt kiểm duyệt”7.

    Với quân đội Sài Gòn, có những người nhìn ra bộ mặt thật của nó. Thực chất đó chỉ là đội quân tay sai đánh thuê, nhưng với người dân lại vô cùng bất nhân, độc ác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có dũng cảm như nhà văn Thủy Thủ, hay các cây bút Phan Lạc Tuyên, Lưu Kiểng Xuân, bỏ ngũ ra với cách mạng (truyện Chiếc guốc xinh xinh). Kể cả sau này, có nhiều cách phản ứng nhưng thường là than thân trách phận, thấy mình như “con thú tật nguyền” (chữ dùng của Ngụy Ngữ), chiến đấu cho một lý tưởng vô vọng; hoặc là những lao công đào binh bị phạt thành “người bắt ruồi” mà vẫn không thoát được cái chết thảm (Nguyễn Hoàng Thu). Hơn nữa, có người nhận ra sự tưởng thưởng của cấp trên chỉ là “những vòng hoa ngụy tín” chẳng có ý nghĩa gì với những người lính thấp cổ bé họng (Thế Vũ). Tâm lý phản chiến ấy trong hàng loạt tác phẩm của Huỳnh Ngọc Sơn, Võ Trường Chinh, Ngụy Ngữ, Thế Vũ, Nguyễn Hoàng Thu… thể hiện sự thất vọng của lớp trẻ trước thời cuộc và thân phận người lính đánh thuê.

    Một xu hướng khác của những nhà văn có lương tri hoạt động công khai là tìm về với dân tộc. Đó là những người hiểu biết sâu rộng, có người từng tham gia kháng chiến. Nay họ không muốn bản rẻ lương tâm cho ngoại bang kiếm sống, vì vậy trở lại viết về một thời kháng chiến, và những trang hào hùng của dân tộc. Tiêu biểu là những tên tuổi như Nguyên Văn Xuân, Võ Hồng, Nguyễn Hiến Lê, Thiếu Sơn, Trần Tuấn Khải, Mặc Khải, Thuần Phong. Phần lớn số này, khi Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ra đời vào năm 1966, họ đều tích cực tham gia và tác động tích cực đến phong trào. Một số khác, cùng nói về vấn đề này trên báo chí, coi như lời tâm sự với lớp trẻ, giúp họ tìm về với dân tộc, như Lý Chánh Trung, Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Ngọc Lan.

    Một khuynh hướng khác khá sôi nổi là hoạt động văn nghệ của học sinh, sinh viên. Đó là những phong trào xuống đường đấu tranh đòi đốt xe Mĩ, Hát cho dân tôi nghe, Những đêm lửa trại, Tiếng trống hào hùng… với nhiều tiết mục văn nghệ, hát những bài giàu tính tranh đấu và cách mạng. Hoạt động của các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh... cùng những tên tuổi trong phong trào đô thị như Trần Quang Long, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Võ Quê, Cao Quảng Văn… đã chiếm được nhiều thiện cảm và tác động đến thanh niên, học sinh rất mạnh.

    Những cây bút lý luận mang nội dung tiến bộ và cách mạng, tuy xuất hiện không nhiều nhưng cũng đáng chú ý. Trong số này phải kể đến Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Hoàng Hà, Nguyễn Nguyên, Trần Triệu Luật. Vũ Hạnh viết Chín điểm trong văn nghệ, sau đổi là Tìm hiểu văn nghệ, để phổ biến các quan điểm sáng tác của cách mạng và phê phán những hiện tượng tiêu cực trong văn học. Những bài viết trong Đọc lại Truyện Kiều, nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, cũng là một thái độ phê phán những quan điểm sai trái khi mượn Truyện Kiều để đánh lạc hướng đấu tranh. Ông còn “ẩn danh” một người Ý, viết tập Người Việt kỳ diệu (sau đổi tên là Người Việt cao quý) ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người Việt, được công chúng rất hoan nghênh và in lại nhiều lần. Lữ Phương có nhiều bài nghiên cứu chất lượng, vạch rõ những tiêu cực của văn nghệ dưới thời Ngô triều, hoặc thể hiện thái độ tích cực khi phê phán các cuốn tiểu thuyết theo khuynh hướng đồi trụy của Chu Tử. Nguyễn Trọng Văn luận bàn về con đường âm nhạc của Phạm Duy, cho rằng ông ta “đã chết” vì đánh mất âm nhạc yêu nước, kháng chiến trước đây của chính ông ta, và chạy theo âm nhạc hippie, tâm ca, tục ca tệ hại. Hoàng Hà, Nguyễn Nguyên, Lê Nguyên Trung, Vương Quế Lâm (tức Nguyễn Văn Bổng) cũng có những bài viết tích cực vào thời sôi động của Tạp chí Tin văn.

    Cần nói đến phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc ra đời vào năm 1966, mà đỉnh cao là Đại hội Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ra mắt công khai ngay tại Tòa đô chính (nay là Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố). Đây là sự chỉ đạo tài tình của Đảng, cũng là hoạt động khéo léo, tinh tế của những người thực hiện. Khi Mĩ đổ quân vào nước ta, bộ mặt xâm lược bộc lộ và kéo theo nhiều tệ nạn. Vì vậy cần một phong trào chống lại. Thông qua các đảng viên nằm vùng, các nhân mối, những người cảm tình với cách mạng, một cuộc vận động rộng lớn trong thành phố và toàn Miền Nam ra đời. Phong trào lựa chọn những nhân vật có uy tín lớn để có sức thu phục rộng rãi. Đại hội diễn ra ngay tại sào huyệt của địch, với hàng nghìn người tham gia, khiến kẻ địch sợ hãi, muốn đàn áp mà không dám. Những yếu nhân đứng đầu, từ Giáo sư Lê Văn Giáp (Chủ tịch), Giáo sư Dương Minh Thới và nhà thơ Trần Tuấn Khải (Chủ tịch danh dự) cùng nhiều nhân vật lừng lẫy khác tham gia Ban Chủ tịch và Ban Thư ký đã có sức tác động rất mạnh. Nhà văn Vũ Hạnh, Tổng Thư ký, người hoạt động từ thời kháng Pháp, từng ra chiến khu tiếp nhận chỉ thị mật, cùng nhiều nòng cốt khác của cách mạng, như các văn sĩ Lưu Nghi, Vân Trang, Phong Sơn, Hà Kiều, Ngọc Trai, Minh Quân, tham gia mà địch không thể bắt bớ. Đó là một bài học kinh nghiệm quý không chỉ cho phong trào lúc đó mà còn được vận dụng về sau.

    Tổng kết lại, từ hoạt động của văn nghệ giải phóng, một mặt, ta có được nhiều tác phẩm có chất lượng, phản ánh một thời kỳ hào hùng của lịch sử dân tộc, mặt khác, đem đến những bài học quý về tổ chức hoạt động văn nghệ. Đây cũng là vốn sống đặc sắc tích lũy cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác về sau, thậm chí suốt cả cuộc đời.

    2. Suy ngẫm và đề nghị

    Nhìn lại chặng đường trên, từ những dữ liệu đã nêu, có lẽ tất cả chúng ta cùng suy ngẫm và có thể rút ra một vài điều bổ ích cho công việc xây dựng văn nghệ trong thời hiện tại.

    Một là, bài học về khơi gợi phát huy lòng yêu nước, chuyển hóa thành lý tưởng trong cuộc đời và nghệ thuật. Đây chính là động lực để vượt qua tất cả trở ngại và sáng tạo. Tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ giải phóng thực sự là chiến sĩ, không ngại gian khổ, không sợ hi sinh. Họ vượt lên mọi thiếu thốn, gian lao, bom đạn, để sống, chiến đấu và lao động sáng tạo. Người hoạt động văn nghệ thời ấy có thể làm mọi việc, gùi gạo, làm rẫy, chống càn, cầm súng, bám dân tại địa bàn, tìm hiểu hiện thực, tích lũy vốn sống và sáng tác, biểu diễn. Tính lý tưởng và tính chân thật của tác phẩm cũng từ đây mà ra. Vì thế có độ tin cậy và sức thuyết phục.

    Thành tựu này, phần do tác động chung thời cuộc, phần do tác động riêng của lãnh đạo. Thời đó, rất nhiều lãnh đạo gương mẫu, chăm lo cho cấp dưới, thu phục được quần chúng, nhiều nghệ sĩ cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo, thêm niềm tin và cố gắng hết mình. Đó là một may mắn và khích lệ lớn với văn nghệ sĩ văn nghệ giải phóng.

    Hai là, cần hết sức quý trọng nhân tài và tạo điều kiện cho những tác phẩm tốt ra đời. Tôi thường nghĩ, muốn có tác phẩm lớn rất cần tài năng, nhưng làm sao cho tài năng sớm kết tinh. Thời giải phóng, khi thấy có dấu hiệu của tài năng là lãnh đạo tạo điều kiện cho phát triển; tài năng được trân trọng nhưng không được nuông chiều mà đưa vào thử thách, giúp họ nhận thức bản chất vấn đề và thể hiện trong sáng tác. Giai đoạn ấy, hậu phương rất trân trọng tác phẩm từ mặt trận gửi về. Thu Bồn gửi bản thảo Bài ca chim Chơ rao qua khách đường dây ra Bắc vẫn được xuất bản chu đáo. Nhiều trang viết của Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Vũ, Dương Hương Ly, Lê Văn Thảo, được in ra và công diễn nhờ tấm lòng của bộ phận tiếp nhận. Có tác giả chỉ đọc qua máy truyền tin vẫn được xử lý cẩn thận. Bản thảo của Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong được in thành sách nhờ những người biết trân trọng con chữ tâm huyết của nhà văn. Ngày nay, những dấu hiệu tài năng có thể nhiều hơn, nhưng chúng ta chưa thật chú ý hoặc lãnh đạm bỏ qua, khiến đơn vị và cá nhân đôi khi không tranh thủ được thời cơ.

    Thứ ba, làm sao thể hiện đúng bản chất chân dung dân tộc. Trên báo chí, có người từng khuyên, thiên hạ cần gì thì mình làm hàng đó để đáp ứng. Có người chạy theo “cái lạ, của độc”, đã nghiêng về miêu tả cái xấu xí trong tâm hồn; sự nhếch nhác, bẩn thỉu, bần cùng “nơi ổ chuột” trong cuộc sống, cho đó là chân dung thực của dân tộc này. Tôi không nghĩ như vậy, nếu nhìn dân tộc với tầm rộng xa hơn, với truyền thống kiên cường chống xâm lược trong lịch sử, tinh thần anh dũng trong những cuộc kháng chiến gần đây, sự đổi mới và sáng tạo trong xây dựng mấy thập kỷ qua, sẽ cho chúng ta hình dung một chân dung dân tộc kiểu khác. Và đó là điều mà nhân loại đang muốn tìm hiểu. Không thể lấy lý do “vì cái lạ, vì nhu cầu của một thiểu số nào đó”, hoặc tiến tới “công dân toàn cầu” hoặc vì “không có trải nghiệm” mà dựng lên một chân dung dân tộc thiếu chân xác và méo mó. Thời kháng chiến, những nghệ sĩ có lương tri từng khuyến nghị nên trở về với dân tộc, toàn tâm cống hiến cho lợi ích dân tộc, không lẽ bây giờ chúng ta lại lẩn tránh và chấp nhận rời bỏ chính mình.

    Bốn là, cần tinh tế ứng xử với thời cuộc và con người, đặc biệt là trong văn nghệ. Thời giải phóng, chủ trương “trung lập” trong đối ngoại là một sách lược. Và chính điều đó có sức thu hút đoàn kết rộng rãi. Đấy là một cách hiểu người, hiểu ta để ứng xử phù hợp. Trong xã hội lúc đó, có rất nhiều cách yêu nước và tùy vào những hoàn cảnh khác nhau. Không nên và không thể lấy tiêu chuẩn của mình áp đặt người khác. Nhiều khi phải chấp nhận yêu cầu theo mức độ để tạo sự đoàn kết và hòa đồng. Đó là phương thức vận động cho ra đời lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc năm 1966. Cốt tử là tập trung cho mục tiêu chính, còn nhiều điều khác có thể thể tất. Trong tình hình hiện nay, không phải mọi nghệ sĩ đều sống và nghĩ như lãnh đạo - nhất là sự khác biệt giữa các thế hệ , điều đó càng rõ. Vậy làm gì để mọi cách nhìn đều có phần chung mà không triệt tiêu đa dạng. Tài năng tổ chức, bàn bạc dân chủ, khoa học, khoan dung sẽ có sức thuyết phục cao nhất. Bài học sử dụng nhuần nhuyễn và tinh tế các hình thức tác động riêng và chung một thời, nay vẫn còn nguyên tác dụng đối với những người quản lý, lãnh đạo văn nghệ.

    Năm là, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng rất cần quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình. Trong kháng chiến, làm lý luận, phê bình thực khó. Bom đạn ngút trời, địch càn thường xuyên, dễ gì mà nghiên cứu, viết lý luận, phê bình. Tài liệu tham khảo không dễ kiếm. Việc công bố, quảng bá, cũng khó khăn. Cơ quan thông tin thời chiến, kể cả qua sóng phát thanh, không đủ truyền tải. Cho nên khi có được bài đăng công khai trên báo chí trong đô thị hay trên sóng phát thanh là vô cùng phấn khởi. Nếu là “người của ta” cũng không dễ gì trình bày hết nhẽ, vì còn phải tính đến đối tượng tiếp nhận, còn kiểm duyệt, địch theo dõi. Nếu là “người trung tính”, chỉ đưa ra dấu hiệu tích cực, tiến bộ đã là rất tốt. Vì vậy, đọc những bài viết đó, xin mở lòng thông cảm, khoan dung, đừng săm soi kiểu “bới lông tìm vết”. Trong tình hình như vậy, có được những cây bút như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Trần Triệu Luật, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lý Chánh Trung… là rất quý. Một số trường hợp được chi viện từ Miền Bắc hoặc thoát ly từ nội thành, sau một thời gian, vì khó khăn đã kể, có khi cũng chuyển nghề hoặc lặng bút. Tiếc mà không thể khác. Từ những bài học ấy, trong điều kiện hiện tại, khi nhiều thuận lợi mở ra, càng cần quan tâm hơn đến công việc lý luận, phê bình.

    Trên đây là một vài điều suy nghĩ và đề nghị, chúng tôi tin rằng, nếu vận dụng cẩn trọng, hợp lý và sáng tạo, chúng ta sẽ tạo được những chuyển biến tích cực.

 

 

 

Chú thích:
1 Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014, tr. 532.
2 Chung một ngọn cờ, NXB Sự thật, 1993, tr. 957-961.
3 Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, tr. 650.
4 Anh Đức (2002), Truyện ngắn và bút ký, NXB Hội Nhà văn, tr.182.
5 Hoàng Minh Nhân, Đinh Thị Phương Thảo (2001), Mẫn và tôi sống mãi, NXB Thanh niên, tr. 429.
6 Giang Nam (2004), Sống và viết ở chiến trường, NXB Hội Nhà văn, tr. 170-172.
7 Bùi Quang Huy (2001), Trang sách hồng mở giữa đời hoa, NXB Đồng Nai, tr. 482.

    

Bình luận

    Chưa có bình luận