THỰC HÀNH CURATOR HƯỚNG THAY ĐỔI CẦN THIẾT CHO SỰ PHÁT TRIỂN CHUYÊN NGHIỆP MĨ THUẬT Ở VIỆT NAM

Bài viết khái quát về khái niệm ''curator'' (giám tuyển), vai trò của curator đối với hoạt động nghệ thuật, đồng thời giới thiệu thực trạng thực hành curator với những kết quả, hạn chế trong hoạt động triển lãm, bảo tàng thời gian qua ở Việt Nam. Từ đó khẳng định sự cần thiết phát triển curator ở Việt Nam.

    Curator (có gốc từ tiếng Latinh: Cura, có nghĩa là: “chăm sóc”), lâu nay được hiểu để chỉ những người liên quan đến nhiệm vụ quản lý, giám sát, giải thích ý nghĩa các di sản vật thể: hiện vật sưu tập, tác phẩm nghệ thuật, kho trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng, thư viện1... Ngày nay, khái niệm này ngày càng mở rộng hơn do xuất hiện nhiều sự kết hợp đa ngành mới từ phát triển cơ sở dữ liệu số, bảo tàng cũng như công nghiệp văn hóa. 

    Có nhiều chức năng trong vai trò của một curator nên có khá nhiều định nghĩa khác nhau tùy thuộc mức độ đánh giá về nhiệm vụ của chuyên gia curator trong lĩnh vực cụ thể và cấp độ quản lý nào. Curator có thể là nghệ sĩ nhưng phần lớn là những chuyên gia trong các ngành triết học, lịch sử nghệ thuật, khảo cổ học, nhân học… có học vấn cao, am hiểu rộng, sâu sắc về chuyên môn, luật pháp và khả năng thẩm định giá trị của hiện vật sưu tầm, tuyển chọn cũng như đồng hành và khích lệ, quảng bá tác phẩm của các nghệ sĩ. Curator ngoài kiến văn xã hội sâu sắc, đòi hỏi phải có sự dũng cảm, chính kiến riêng trong công việc và nhiều ý kiến cho rằng các curator xuất thân từ những nhà nghiên cứu, bảo tàng, các ngành khoa học xã hội và nhân văn, dễ có được tầm bao quát, “vô tư” trong việc đánh giá, tuyển chọn tác phẩm, nghệ sĩ. Bởi nếu curator xuất thân là nghệ sĩ, đôi khi gu nghệ thuật, cái “tôi - thẩm mĩ” cá nhân của nghệ sĩ lại cũng lấn át việc khách quan của quá trình tuyển chọn. Vào cuối thập kỷ 1980, do đại chúng hóa thẩm mĩ của quá trình toàn cầu hóa và môi trường tự do biểu đạt của thế giới ngày càng “phẳng”, xuất hiện nhiều curator tự do, có thể không liên quan chuyên môn và học vấn cao về nghệ thuật nhưng do gần gũi, chia sẻ quan niệm, có mối quan hệ rộng, đã tự tìm kiếm, tạo dựng các không gian nghệ thuật thử nghiệm phi lợi nhuận, triển lãm, xuất bản, thương mại… hoạt động không trong hệ thống nghệ thuật hàn lâm. Chính điều này khích lệ phát triển mối quan tâm của nghệ sĩ và công chúng đối với nghề curator. Việc nhiều cá nhân bằng nhiều con đường trở thành curator “tự phát”, tạo ra sự năng động, đa diện và kích thích sáng tạo của môi trường sáng tác, học thuật nghệ thuật nhưng đi kèm là quá trình “bình dân hóa”, “trăm hoa đua nở” cũng dễ dẫn đến cảm giác dễ dãi, ai cũng có thể đảm đương được vai trò curator đầy thách thức này.

    Lựa chọn, đánh giá tiềm năng các nghệ sĩ, hiện vật thông qua nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật, hướng dẫn xây dựng nội dung liên quan về vấn đề được tuyển chọn, tổ chức triển lãm, viết giới thiệu, xuất bản các bài nghiên cứu, nói chuyện với công chúng, thảo luận tại các seminar, đề xuất các công việc hỗ trợ liên quan: bảo quản, vận chuyển, trưng bày… là những vấn đề mà người curator thường thực hiện.

    Trong khi đó, môi trường hoạt động nghệ thuật đương đại nhấn mạnh vai trò quan trọng của người curator về khả năng tuyển chọn và tạo ra sự kiện truyền thông để quảng bá, kết nối trải nghiệm giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng. Chính vì vai trò quảng bá, truyền thông quan trọng này đã tạo ra một đặc quyền, một quyền lực vô hình của những tên tuổi curator nổi tiếng. Uy tín của curator trở nên như một bảo chứng cho giá trị nghệ thuật, thương mại của tác phẩm sưu tập hay nghệ sĩ được họ tuyển chọn giới thiệu, định vị được chỗ đứng tương lai của tác phẩm, nghệ sĩ trong thị trường và mặt bằng nghệ thuật, hay cả khi sự xuất hiện của nghệ sĩ còn mơ hồ, ở dạng tiềm năng. 

    Nhìn chung, vai trò của curator ngày càng quan trọng trong sự phát triển của ngành bảo tàng và các sự kiện triển lãm, hội chợ nghệ thuật lớn tầm vóc quốc tế. Quyền lực được ví von như là “vua” của các hoạt động nghệ thuật đương đại. Curator sẽ có thể bao gồm là các cá nhân hoặc có thể cả một nhóm làm việc (curatorial team) có vai trò quan trọng nhưng khá linh hoạt, mỗi chuyên gia phụ trách một lĩnh vực quản lý, sưu tập cụ thể và hoạt động dưới sự chỉ đạo chung của curator trưởng. Vị trí cũng đa dạng, curator có thể là chuyên gia cơ hữu, cũng có thể là curator độc lập, curator khách mời tư vấn cho từng sự kiện cụ thể từ các tổ chức văn hóa liên quan.

    Trước năm 1986, các sự kiện mĩ thuật, triển lãm mĩ thuật ở Việt Nam chưa hề có khái niệm giám tuyển trong ban tổ chức. Thông thường sẽ theo quy trình: họa sĩ gửi tác phẩm - hội đồng nghệ thuật duyệt treo - triển lãm. Công tác truyền thông bao gồm: biểu ngữ, thông cáo báo chí, lời giới thiệu của ban tổ chức và có thể có vựng tập triển lãm. Gần như hoạt động báo chí, quảng bá ít được quan tâm, phó mặc thông tin cho các nhà báo, truyền hình viết bài, đưa tin.

    Sau những năm 1990, giới hoạt động mĩ thuật Việt Nam mới dần làm quen với thuật ngữ curator và các nghệ sĩ thực hành tự phát các thao tác của công việc này. Cho đến nay, kiến thức thông qua đào tạo công việc của curator (giám tuyển) mới chỉ được thực hiện có tính chất giới thiệu sơ lược ở một số trường mĩ thuật: Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có chương trình học phần dạy khoảng 120 tiết qua 2 học kỳ, Trường Đại học Nghệ thuật Huế mới chỉ thực hiện được 2 workshop liên quan, chưa có chương trình dạy; Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang dự định đưa vào đào tạo với thời lượng 3 tín chỉ, khoảng 45 tiết. Trước đây, năm 2007, Quỹ Ford Foudation đã tổ chức một số buổi thuyết trình của Koán Jeff Baysa giám tuyển người Mĩ (xuất thân là bác sĩ) về curator cho một số giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau dự án hợp tác với Quỹ Ford Foudation, nhóm giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã xuất bản giáo trình Quản lý mĩ thuật năm 2008 phục vụ cho đào tạo của Khoa Quản lý văn hóa, trong đó có giới thiệu một số thông tin và kỹ năng thực hành giám tuyển. Còn rất sơ lược nhưng đây có lẽ là cuốn giáo trình đầu tiên ở Việt Nam có đề cập đến công việc giám tuyển.

    Dù không nhiều nhưng ít ra những khái niệm, phương thức hoạt động giám tuyển đã được giới thiệu chính thức trong một số trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, còn phải một khoảng cách khá xa mới đáp ứng được với thực tế đòi hỏi của xã hội trước sự lớn mạnh của một thế hệ nghệ sĩ 7x-9x tuổi trẻ năng động.

    Có lẽ họa sĩ Như Huy là người đầu tiên chuyển ngữ khái niệm “curator” sang tiếng Việt thành “giám tuyển”. Nhà báo Nguyên Hưng, đặc biệt là họa sĩ Như Huy, đã tích cực có một số bài báo, dịch in thông tin về hoạt động và vài cá nhân curator uy tín trên thế giới.

    Nếu nhìn nhận đơn giản, giám tuyển là người tổ chức, tuyển chọn những tác phẩm nghệ thuật, điều phối triển lãm, truyền thông… trong một triển lãm có chủ đề và mục đích cụ thể thì ở Việt Nam có thể coi họa sĩ Nguyễn Quân là người đầu tiên thực hành gần với chức năng giám tuyển qua trưng bày Triển lãm 16 tác giả năm 1989 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây có thể coi là những hoạt động đầu tiên có chủ đích như một giám tuyển (mặc dù người thực hành chưa chắc liên quan đến kinh nghiệm hay lý thuyết nào) với việc các nghệ sĩ tự công bố các tác phẩm, tự chịu kinh phí, không kiểm duyệt, và nghệ sĩ có thể bán tác phẩm, vấn đề truyền thông được coi trọng.

    Năm 1993, Nguyễn Quân còn tổ chức triển lãm đầu tiên Tranh trừu tượng toàn quốc Việt Nam tại gallery Hoàng Hạc Sài Gòn. Năm 1996, Trang An Gallery được thành lập, họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp phụ trách. Nguyễn Xuân Tiệp thực sự đã thực hành như một giám tuyển chuyên nghiệp qua hàng chục triển lãm mĩ thuật của Trang An gallery, dù chưa bao giờ bị đóng khung vào danh xưng đó. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, các triển lãm của nhóm Tác phẩm mới và ở ngoài Bắc là nhóm Gang of five cũng có thể coi là những hoạt động tiền đề cho công việc giám tuyển với một hình thức tổ chức triển lãm, công bố tác phẩm khác với những hình thức tổ chức của nhà nước trước đây mà vẫn tồn tại đến nay. Cùng khoảng thời gian đó, ở Hà Nội, salon Natasha cũng tổ chức các hoạt động cá nhân, những triển lãm nội bộ của một số nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài cũng có thể coi là những hoạt động giám tuyển đầu tiên. Không gian xanh Gallery cũng tổ chức một số sự kiện triển lãm trong và ngoài nước với sự giám tuyển của chủ Gallery – bà Trần Thị Quỳnh Nga. 

    Những hoạt động giám tuyển thời kỳ đầu của các nghệ sĩ về sau đã được tiếp nối của một số nhà nghiên cứu, các giám tuyển được đào tạo bài bản từ nước ngoài về Việt Nam làm việc, dần hình thành nên một phương thức hoạt động tiệm cận với cách vận hành nghệ thuật trên thế giới. Có thể kể đến những đóng góp tài trợ của một số trung tâm văn hóa nước ngoài ở Việt Nam như Quỹ Ford, Viện Goethe Hà Nội, Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp (Le’Space) tại Hà Nội cho các hoạt động nghệ thuật đương đại, một thời kỳ còn thể nghiệm ở dạng underground, từ đó hình thành nên một số giám tuyển trẻ, năng động.

    Ở Việt Nam chưa thực sự có hoạt động mạnh mẽ của công tác giám tuyển, đặc biệt các bảo tàng, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật lại càng thiếu vắng hoạt động này. Đó là một một khiếm khuyết rất lớn trong thiết chế hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật ở cấp độ nhà nước. Sau năm 1986, các hoạt động mĩ thuật diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức nghệ thuật mới đòi hỏi phải có những cách tiếp cận tổ chức, công bố triển lãm mới dẫn đến nhu cầu hình thành các không gian nghệ thuật phi lợi nhuận và xuất hiện người làm giám tuyển chuyên nghiệp. Ngoài Natasha và bà Quỳnh Nga, có thể coi họa sĩ Trần Lương và họa sĩ Như Huy là những người đi đầu thực hành và công bố công khai những hoạt động giám tuyển với các họa sĩ trong và ngoài nước. Trần Lương và Như Huy là những giám tuyển tự học, hình thành hoạt động trên cơ sở kinh nghiệm triển lãm của bản thân và các nhóm bạn bè cũng như mối quan hệ, những thông tin từ bên ngoài, quốc tế được du nhập vào Việt Nam. Hai giám tuyển này đã thành công nhất định, ảnh hưởng, tạo tiền đề cho hoạt động giám tuyển hình thành và có chỗ đứng trong tổ chức triển lãm tại Việt Nam. Việc quảng bá giới thiệu những hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ đương đại Việt Nam ra nước ngoài có đóng góp nhất định từ những nỗ lực của hai giám tuyển Trần Lương và Như Huy. 

    Thống kê chưa đầy đủ nhưng có thể tạm chia thành ba nhóm đã làm những công việc liên quan giám tuyển ở Việt Nam. Ngoài khác nhau về thế hệ, thời điểm xuất hiện, họ cũng khác nhau về quan niệm nghệ thuật và tiêu chí thực hành giám tuyển:

    * Nhóm đã làm những công việc liên quan nhưng không quan tâm đến danh xưng giám tuyển trong hoạt động: hoạ sĩ, nhà phê bình mĩ thuật Nguyễn Quân; hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp; hoạ sĩ Nguyễn Trung; hoạ sĩ, nhà phê bình mĩ thuật Phan Cẩm Thượng (giám tuyển triển lãm Lục thập hoa giáp, triển lãm Đồ họa Phật giáo…); nhà điêu khắc Đào Châu Hải; nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn (giám tuyển loạt Triển lãm điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn).

    * Nhóm giám tuyển quốc tế có nhiều mối quan tâm đến mĩ thuật Việt Nam: có thể kể đến một số nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nước ngoài như Nora Taylor, Natalia Kraevskaia, Veronica Radulovic, Zoe Butt, Brian Bring, Phoebe Scott, Dinh Q. Le, Suzane Lech, Joy Fane, Thomas Ulbrich M.A (Thọ studio), Iola Lanzi, Thomas Craig Gallery, Arlette Quỳnh Anh Trần… và một số cá nhân trong các gallery, quỹ tư nhân khác, góp phần giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài. Cũng có thể thấy, hoạt động này chưa thể bao quát toàn bộ các xu hướng, tác phẩm, tác giả của mĩ thuật Việt Nam nhưng cũng là những đóng góp tích cực cho văn hóa, nghệ thuật giai đoạn đầu sau Đổi mới cũng như nghệ thuật đương đại.

    * Nhóm chủ lưu có ý thức thực hành giám tuyển trong hoạt động triển lãm: Tiếp sau thế hệ giám tuyển đầu tiên như Trần Lương, Như Huy thì có một số nghệ sĩ cũng dần tham gia vào công tác làm giám tuyển và hoạt động giám tuyển dần chuyên nghiệp hóa. Vai trò và dấu ấn của giám tuyển thể hiện đậm nét hơn trong các triển lãm, có thể điểm qua như: họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, họa sĩ Trương Tân, họa sĩ Nguyễn Minh Phước, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, họa sĩ Nguyễn Phương Linh, họa sĩ Nguyễn Minh Thành, họa sĩ Lê Thanh Hải - Lê Đức Thanh (Le brother), nhà phê bình nghệ thuật Dương Thu Hằng, curator Lê Thiên Bảo, curator Lê Thuận Uyên, họa sĩ Hiếu Mường, nhà phê bình mĩ thuật Nguyễn Anh Tuấn, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Tuấn Mami, curator Biile Nguyễn, curator Vũ Ngọc Trâm (Manzi), nhà báo Trương Uyên Ly, họa sĩ Phan Hải Bằng, nghệ sĩ Tricia Nguyễn, curator Quynh Phạm, curator Quỳnh Nguyễn, curator Nguyễn Bích Trà, nghệ sĩ Trương Quế Chi, họa sĩ Thủy Nguyễn, nhà phê bình mĩ thuật Vũ Đức Toàn, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành, curator Vân Đỗ, curator Nhung Walsh, họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, nhà phê bình mĩ thuật Trần Thu Huyền, nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng, nhóm chuyên gia của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, gần đây là sự xuất hiện sự năng nổ của curator Đỗ Tường Linh, Ace Le…

    Các cơ quan quản lý cũng chuyển mình vào cuộc và từ những vai trò quản lý, một số cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã mạnh dạn thể nghiệm thực hành vai trò giám tuyển qua tổ chức một số hoạt động cấp nhà nước như triển lãm Mở cửa - Triển lãm mĩ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (nhóm giám tuyển: Vi Kiến Thành, Nguyễn Đức Bình, Phạm Hà Hải); triển lãm Tác phẩm mĩ thuật các nghệ sĩ tiêu biểu Châu Á (nhóm giám tuyển: Vi Kiến Thành, Trịnh Tuân); triển lãm Tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mĩ thuật (giám tuyển: Vi Kiến Thành)... Tuy nhiên, chất lượng các triển lãm chưa thuyết phục được dư luận công chúng bởi tiêu chí tuyển chọn, ý tưởng triển lãm, nhận định truyền thông… Có thể thấy rằng từ vai trò quản lý với phương thức thụ động: nhận-duyệt trưng bày tác phẩm chuyển sang làm một giám tuyển có cặp mắt xanh trong tuyển chọn nghệ sĩ và thực hiện các thao tác của tổ chức triển lãm theo yêu cầu cao của công chúng xã hội quả là không đơn giản. Trong khi đó, nếu như Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chỉ đóng vai trò là cơ quan tổ chức và mời giám tuyển độc lập như Trần Lương (giám tuyển Festival Mỹ thuật Trẻ 2007) và Vũ Đình Tuấn, Khổng Đỗ Tuyền (giám tuyển Triển lãm tranh lụa và điêu khắc nhỏ năm 2018) thì các sự kiện đó thành công. Điều đó cho thấy ngoài năng lực thẩm mĩ cá nhân, giám tuyển còn cần phải sự chuyên tâm vì công việc, có chủ kiến độc lập và tự do, khao khát cái mới, cái sáng tạo… 
    Tóm lại, sau năm 1986, cùng với sự đổi mới xã hội, kinh tế, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực, tiệm cận dần với những chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực hoạt động văn học, nghệ thuật. Việc hình thành và phát triển của nghề giám tuyển trong hoạt động triển lãm, bảo tàng thời gian qua là một minh chứng cụ thể. Có thể thấy mấy vấn đề sau:

    Những kiến thức về công tác giám tuyển chưa được đào tạo có hệ thống, bài bản và quy mô trong các trường khoa học xã hội và nhân văn và nghệ thuật ở Việt Nam.

    Những lý thuyết, kinh nghiệm thực hành, hoạt động của ngành curator trên thế giới được phổ biến rất ít trong mặt bằng hoạt động mĩ thuật. Các ấn phẩm xuất bản chính thống hiếm khi đề cập đến vấn đề này. Thông tin về ngành curator trên thế giới về Việt Nam chủ yếu do nỗ lực cá nhân của hoạ sĩ Như Huy công bố trên mạng xã hội. 

    Từ những thông tin ít ỏi về các thao tác, điều kiện để tiến hành công việc giám tuyển, bằng tình yêu nghệ thuật, nỗ lực cá nhân và kinh nghiệm bản thân, phần lớn (85-90%) người thực hành giám tuyển hiện nay ở Việt Nam là tự học, xuất thân là nghệ sĩ, tự phát và đam mê công việc mà thành. Do nền tảng đào tạo chung của xã hội, các giám tuyển Việt Nam chủ yếu tiến hành công việc bằng kinh nghiệm, nhạy cảm cá nhân; các lý thuyết, quy trình thực hiện của công tác giám tuyển không thực hiện đầy đủ. Khả năng truyền thông, viết giới thiệu, trình bày nghiên cứu của đa số giám tuyển Việt Nam còn hạn chế, khác hẳn phần diễn ngôn của các giám tuyển người nước ngoài do họ phần lớn là nhà nghiên cứu có kiến thức sâu rộng về công việc thực hiện.

    Ngoài Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các bảo tàng mĩ thuật, trung tâm triển lãm, viện nghiên cứu, trường đại học mĩ thuật, chưa có cá nhân nào chính thức hoạt động với vai trò giám tuyển chuyên nghiệp, được thừa nhận như chuyên gia cơ hữu trong hệ thống cơ quan. Phần lớn các giám tuyển Việt Nam hiện nay đều hoạt động tự do ở những quỹ, tổ chức tư nhân, các không gian nghệ thuật thử nghiệm phi lợi nhuận. Thành công và sự năng động của họ cũng một phần nhờ môi trường tự do, kích thích cạnh tranh và ít quan liêu của các cơ chế này…

    Để phát triển nhân lực cho nghề giám tuyển ở Việt Nam đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển xã hội, có lẽ đã đến lúc cần có chiến lược, tích cực đào tạo hệ thống các giám tuyển Việt Nam ở trong và ngoài nước. Nếu có chiến lược phát triển nghề giám tuyển ở Việt Nam ngay từ bây giờ, lựa chọn đào tạo chuyên gia giám tuyển thì 7-10 năm nữa, hệ thống bảo tàng và các thiết chế văn hóa nhà nước mới có được đội ngũ chuyên gia làm được nghề giám tuyển cho riêng mình, bởi ngoài việc tiếp thu kiến thức, công việc giám tuyển đòi hỏi phải trải nghiệm nhiều về nghiên cứu và thực tiễn.
    Trong khi chưa đủ về chuyên gia, kinh nghiệm và kiến thức về giám tuyển, có thể học tập kinh nghiệm như hệ thống Bảo tàng SAM, Gallery nghệ thuật quốc gia Singapore cũng như nhiều bảo tàng trên thế giới là thuê chuyên gia nước ngoài. Cần thiết phải mời, thuê chuyên gia curator nước ngoài về làm cùng theo từng dự án để các chuyên gia Việt Nam có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

    Áp dụng cơ chế mời, tạo điều kiện hoạt động cho giám tuyển độc lập đảm nhiệm vai trò chủ động để góp phần làm các sự kiện, triển lãm do các cơ quan nhà nước tổ chức mang tính chất quốc gia, nhà nước có chất lượng cao hơn, góp phần thay đổi phương thức tổ chức, lựa chọn tác phẩm, trưng bày, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả xã hội, thẩm mĩ của các triển lãm này, đáp ứng đòi hỏi của thời đại.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu bài giảng của Curator Koán Jeff Baysa tại Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2007.
2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mĩ thuật Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo.
3. https://idesign.vn/art-and-ads/giamtuyen-la-gi-the-nao-moi-la-mot-giamtuyen thuc-thu-509176.html.

Chú thích:
1 https://en.wikipedia.org/wiki/Curator

Bình luận

    Chưa có bình luận