Năm 2016, Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định là một trong những ngành quan trọng. Luật Điện ảnh từ khi ra đời năm 2006 đã liên tục được bổ sung sửa đổi vào các năm 2009, 2018, 2020 và gần đây nhất, Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 đã có những sửa đổi đáng kể, đặc biệt là việc bổ sung thuật ngữ “công nghiệp điện ảnh”1. Không thể phủ nhận rằng xu hướng phát triển của điện ảnh Việt Nam chịu sự tác động của xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá. Việc phát triển một nền điện ảnh độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập, toàn cầu hoá là mục tiêu của điện ảnh nước ta trong giai đoạn hiện nay: “Chủ động hội nhập thị trường điện ảnh khu vực và thế giới; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng giao lưu, quảng bá phim với các nước trong khu vực và trên thế giới”. Để thực hiện mục tiêu đó, các đạo diễn Việt Nam đã có những đổi mới về nội dung cũng như hình thức thể hiện. Điều này đã kéo khán giả đến rạp và đem lại doanh thu cao cho các bộ phim, tạo ra một thị trường điện ảnh Việt Nam sôi động trong những năm gần đây. Bên cạnh dòng phim độc lập (phim “art house”) đặt hàm lượng nghệ thuật, sự thể nghiệm sáng tạo là tiêu chí đầu tiên, hướng đến các Liên hoan Phim quốc tế, còn có một dòng phim hướng đến số đông khán giả mà vẫn đảm bảo chất lượng nghệ thuật nhất định. Trong đó, một số bộ phim có doanh thu cao là động lực để các nhà sản xuất tiếp tục đầu tư vào điện ảnh Việt, có thể kể đến: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (78 tỉ), Em là bà nội của anh (102 tỉ), Tháng năm rực rỡ (85 tỉ), Mắt biếc (180 tỉ), gần đây nhất là Tiệc trăng máu (180 tỉ). Điểm chung dễ nhận thấy của các bộ phim trên là chúng đều là phim cải biên hoặc phim remake (làm lại)2.
Từ hiện tượng và xu hướng điện ảnh trên, bài viết của chúng tôi tiếp cận Tiệc trăng máu (2020) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từ góc nhìn văn hóa đại chúng. Tiệc trăng máu được remake từ bộ phim Perfect Strange (2016) của đạo diễn người Ý Paolo Genovese. Perfect Strange là bộ phim mang tính đại chúng cao, nó có sự thú vị và hấp dẫn về đề tài, câu chuyện, nhân vật… Minh chứng là, bộ phim lập kỷ lục về phim có số lượng remake lớn nhất với 24 bản phim tính đến năm 2023. Tiệc trăng máu làm lại trên một bản phim ăn khách là một lợi thế, bộ phim còn được cho là có sự gần gũi với bản phim remake của Hàn Quốc Intimate Strangers (2018, Lee Jae-kyoo), điều đó càng gia tăng sức hút của phim. Ngay khi công chiếu, Tiệc trăng máu đã tạo được tiếng vang từ các phòng vé. Doanh thu của bộ phim là 180 tỉ, nằm trong “Top 3 phim Việt ăn khách nhất lịch sử phòng vé trong nước” ở thời điểm phim ra đời3. Thành công của Tiệc trăng máu không chỉ đến từ việc nó được làm lại từ phim ăn khách mà nó còn là sự sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng qua chiến lược remake đại chúng hoá thể loại và bản địa hoá văn hoá trong bộ phim remake. Trong bài viết, từ điểm nhìn văn hoá đại chúng, chúng tôi sẽ phân tích và chỉ ra các yếu tố làm nên thành công của phim Tiệc trăng máu, khẳng định sự sáng tạo và nhạy bén của đạo diễn trong việc nhào nặn chất liệu có trước để tạo ra những bộ phim phù hợp với khán giả đại chúng, đem lại doanh thu cao. Đồng thời, từ góc độ tiếp nhận, từ doanh thu của bộ phim – như là minh chứng cho sự yêu thích của khán giả – chúng tôi bước đầu khái lược diễn ngôn về thị hiếu của công chúng tiếp nhận. Từ đó, chúng tôi cũng khẳng định remake phim là xu hướng làm phim mang tính chất văn hoá đại chúng, phù hợp với bối cảnh điện ảnh đương đại Việt Nam hiện nay.
(Poster phim remake “Tiệc trăng máu” của Nguyễn Quang Dũng)
1. Remake phim: xu hướng làm phim mang tính chất văn hóa đại chúng
Có thể nói lịch sử phim remake đã ra đời cùng với lịch sử điện ảnh. Khó có thể xác định được bộ phim remake đầu tiên. Tuy nhiên, có thể kể đến một số bộ phim remake xuất hiện ở giai đoạn đầu như: L’Arroseur (1896, Georges Méliès) remake từ L’Arroseur Arrosé (1985, Louis Lumière), The Great Train Robbery (1904, Siegmund Lubin) remake từ bộ phim cùng tên (1903) của Edwin S. Porter4. Nhiều bộ phim remake như The Departed (2006), A Star Is Born (2008), Little Women (2019) đã có được thành công vang dội so với bản gốc về doanh thu và còn giành được các giải thưởng hàn lâm danh giá. Một bộ phim gốc có thể được remake thành nhiều bản phim khác nhau ở nhiều nền văn hoá khác nhau. Ở Việt Nam, remake phim diễn ra ở cả thể loại điện ảnh và truyền hình. Những bộ phim remake đầu tiên là Mùi mò gai (2006), Cô gái xấu xí (2008), Ngôi nhà hạnh phúc (2009)… Những bộ phim truyền hình này thường được remake từ phim Hàn Quốc. Tuy nhiên, remake phim chỉ trở thành xu hướng trong thời gian gần đây với sự lên ngôi của văn hóa đại chúng. Từ năm 2015 đến 2020, điện ảnh Việt Nam có khoảng 14 phim remake từ Hàn Quốc, Thái Lan, Ý… như Em là bà nội của anh (2015), Sắc đẹp ngàn cân (2017), Yêu đi đừng sợ (2017), Tháng năm rực rỡ (2018), Anh trai yêu quái (2019)…
Phim remake gắn liền với văn hóa đại chúng và là xu hướng của các nền điện ảnh trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa. Văn hóa đại chúng là tổng thể các ý tưởng, quan niệm, thái độ, hành vi lan truyền, hình ảnh và các hiện tượng khác, những gì được cho rằng có sự đồng tình một cách phổ biến nhưng không tuân theo một thủ tục quy định của một nền tư tưởng nhất định. Các đặc điểm của văn hóa đại chúng là có tính đại chúng, không theo tư tưởng cá nhân hóa, có khả năng lan truyền một cách mạnh mẽ, không theo một quy chuẩn sẵn, được sự hưởng ứng và đồng tình của cộng đồng.
John Storey trong Lý thuyết văn hóa và văn hóa đại chúng (Cultural theory and popular culture) cũng cho rằng văn hóa đại chúng gắn với văn hóa tiêu dùng, sản xuất đại trà và tiêu thụ đại trà, đặc biệt gần với văn hóa Mĩ. Theo Nguyễn Đăng Điệp trong bài viết “Văn học đại chúng ở Việt Nam hiện nay”5, đại chúng là “thị trường”, “bình dân”, “giải trí”. Văn hóa đại chúng hướng đến số đông khán-thính giả và đề cao chức năng giải trí. Nguyễn Văn Dân nhấn mạnh đến hai vấn đề quan trọng là “hiệu quả tiêu thụ của sản phẩm văn hóa” (gắn với nền tảng thương mại) và “thị hiếu của đại chúng toàn cầu” (với sự hiện diện của kỹ thuật truyền thông hiện đại). Như vậy, về cơ bản, các tác phẩm đại chúng là sản phẩm của xã hội tiêu dùng và thời đại truyền thông. Tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn văn hoá đại chúng là chỉ ra đặc điểm, tính chất của tác phẩm đó phù hợp với số đông khán giả và được khán giả yêu thích.
Có nhiều định nghĩa về phim remake6, tuy nhiên, có thể hiểu một cách thống nhất rằng phim remake là phim lấy chất liệu từ những bộ phim ra đời trước đó. Thông thường, các nhà làm phim giữ nguyên cốt truyện, hệ thống nhân vật, chỉ thay đổi một số chi tiết và cách thức thể hiện. Giống như cải biên, remake có thể được diễn ra ở các loại hình nghệ thuật. Bản phim được viết lại/ làm lại từ tác phẩm điện ảnh, truyền hình, sân khấu, múa... Về bản chất, remake có thể được xem là một hình thức của cải biên. Nói như Kristin Thompson trong cuốn Storytelling in Film and Television thì phim remake, cải biên đều là “sự tái tạo và mở rộng các câu chuyện sẵn có”7. Ở đây có thể khẳng định rằng hoạt động remake không phải là sự sao chép mang tính thương mại các câu chuyện sẵn có, hay thể hiện sự thiếu thốn các kịch bản gốc, mà việc remake phim cũng mang tính sáng tạo. Tương tự hình thức liên văn bản, remake đặc trưng bởi “các mô hình lặp lại và biến đổi nối tiếp”. Sự “biến đổi nối tiếp” này không chỉ diễn ra trên phương diện cấu trúc tự sự mà còn được nhấn mạnh ở phương diện văn hoá. Vì tính chất đại chúng và thương mại của phim remake, các bản phim remake thường có xu hướng thương thoả văn hoá sao cho gần gũi với văn hoá bản địa để phù hợp với khán giả bản địa. Ở đây có thể thấy phim remake dù mượn cốt truyện, nhân vật của phim gốc nhưng bộ phim vẫn phải tạo được không khí riêng độc đáo, mang hơi thở thời đại và tính chất văn hóa địa phương để khán giả vừa thấy gần gũi vừa thấy tò mò, thích thú. Theo đó, về tính chất, phim remake vừa mang tính quốc tế vừa mang tính bản địa. Sự cân bằng giữa tính địa phương/ bản địa và tính toàn cầu cũng là công thức các nhà sản xuất tìm kiếm khi thực hiện remake phim. Suy cho cùng, một bộ phim remake thành công vẫn phải là phim phù hợp với thị hiếu khán giả về cả câu chuyện, cách kể chuyện, ngôn ngữ điện ảnh, đặc biệt là bầu sinh quyển văn hoá của phim.
Theo Constantine Verevis trong Remaking Film, remake có thể được nhìn nhận ở ba khía cạnh, đó là: thứ nhất, remake như một lĩnh vực/ hạng mục của công nghiệp văn hoá, tức là từ góc độ của nhà sản xuất và đạo diễn, phim remake là một bộ phim thương mại, nhấn mạnh đến khía cạnh mua/ bán bản quyền; thứ hai, remake với tư cách là tác phẩm, khi đó, nghiên cứu remake là xem xét các yếu tố của văn bản (cốt truyện, câu chuyện, cấu trúc tự sự…), ở khía cạnh thứ hai này, remake là quá trình tạo tác văn hóa, tự sự và thẩm mĩ; thứ ba, remake như là hình thức tiếp nhận, xem xét các vấn đề của nghiên cứu tiếp nhận, bao gồm khán giả và thể chế (diễn ngôn)8.
Giống như cải biên, đạo diễn được coi là chủ thể sáng tạo của phim remake. Việc ràng buộc giữa bản gốc và bản remake được cho là rõ ràng hơn bởi hoạt động mua bản quyền. Phiên bản remake luôn gợi nhớ đến bản gốc, đồng thời cũng nhấn mạnh sự thay đổi và sáng tạo. Trong quá trình remake, có nhiều yếu tố quyết định đến chiến lược remake của đạo diễn như là “quy ước về thể loại, sở thích cá nhân, các cam kết chính trị-xã hội cụ thể, hoàn cảnh lịch sử”9…
Một đặc điểm của phim remake đó là chúng thường được làm lại từ những tác phẩm ăn khách. Các nhà làm phim tận dụng mối liên hệ của khán giả với nhân vật và thế giới yêu thích của họ ở bộ phim gốc. Khai thác sự gắn bó và sự hoài niệm với các bộ phim gốc được xem là yếu tố then chốt tạo nên thành công của các bộ phim remake, như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã chia sẻ rằng: Có hai lý do chính để các nhà sản xuất remake một bộ phim. Thứ nhất, tác phẩm gốc hấp dẫn số đông khán giả. Thứ hai, do đạo diễn có hứng thú với phim đó10.
Theo đó, remake phim vừa là một hoạt động nghệ thuật vừa là một hoạt động kinh tế. Thông thường các bộ phim remake thường được cho là đề cao yếu tố thương mại hơn là thẩm mĩ nghệ thuật. Remake hướng đến khán giả đại chúng hơn là các giải thưởng ở các liên hoan phim. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các bộ phim remake không có tính thẩm mĩ nghệ thuật và không đạt được các giải thưởng cao ở các liên hoan phim. Đơn cử như CODA (2021, Sian Heder) – bộ phim remake từ tác phẩm của Pháp La Famille Bélier (2014, Éric Latigau) – đã giành được nhiều giải thưởng ở Oscar, trong đó có hạng mục Phim hay nhất.
2. Phim remake Tiệc trăng máu và chiến lược đại chúng hoá thể loại, bản địa hoá văn hoá
Như trên đã nói, Tiệc trăng máu được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng remake từ bộ phim Ý Perfect Strangers (2016) của đạo diễn Paolo Genovese. Perfect Strangers là bộ phim thành công cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại. Bộ phim giành hạng mục Phim xuất sắc nhất ở Giải David di Donatello và đem lại doanh thu 32,3 triệu USD. Đặc biệt, Perfect Strangers tạo kỷ lục Guinness với số bản phim được làm lại nhiều nhất trên thế giới với 18 bản phim (tính đến tháng 7 năm 2019). Đến nay, bộ phim đã có 24 bản remake ở nhiều quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Mĩ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Câu chuyện trong Perfect Strangers xoay quanh bữa ăn tối của một nhóm bạn. Trong bữa tiệc, một trò chơi được đưa ra: tất cả mọi người để điện thoại lên bàn và phải công khai tin nhắn, cuộc thoại gọi đến. Đạo diễn tạo ra nhiều tình huống bi hài kịch để từ đó nhiều bí mật được bật mí. Những mối quan hệ tưởng chừng bền chặt nhất như vợ chồng, người yêu, bạn thân lại dễ dàng bị phá vỡ bởi hành động công khai điện thoại. Với đặc điểm là bộ phim ăn khách và có tính đại chúng cao, Perfect Strangers đã được Công ty HKFILM mua bản quyền. Bộ phim remake được Nguyễn Quang Dũng – một đạo diễn đã có kinh nghiệm làm nhiều phim thương mại ăn khách – thực hiện. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được biết đến với nhiều bộ phim như Hồn Trương Ba, da hàng thịt (2006), Nụ hôn thần chết (2008), Giải cứu thần chết (2009), Những nụ hôn rực rỡ (2010), Mĩ nhân kế (2013)… và trước khi remake Tiệc trăng máu, Nguyễn Quang Dũng đã remake thành công phim bộ Hàn Quốc Sunny (2011) thành Tháng năm rực rỡ (2018) với doanh thu 84 tỉ đồng, lọt top 5 phim Việt có doanh thu cao nhất ở thời điểm công chiếu. Với sự am hiểu về thị trường điện ảnh Việt Nam kết hợp với một tư duy điện ảnh rõ ràng, tính thẩm mĩ nhạy bén, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có chiến lược remake phim riêng, anh lấy lại cốt truyện chính và nhân vật từ bản phim gốc. Điều này đã là một bảo chứng phòng vé, giảm thiểu rủi ro cho nhà sản xuất bởi khán giả được xem lại câu chuyện yêu thích từ một phiên bản khác. Hơn nữa, đạo diễn còn học hỏi cách thức remake từ Intimate Strangers – một phiên bản remake Perfect Strangers thành công của Hàn Quốc. Dễ dàng nhận thấy văn hoá Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm gần gũi và tương đồng, không chỉ điện ảnh mà nhiều sản phẩm nghệ thuật của Việt Nam như âm nhạc cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng Hallyu Hàn Quốc. Cùng với đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng chuyển dịch thể loại và bản địa hoá văn hoá cho phù hợp với khán giả Việt. Đó là chiến lược remake phù hợp và đem lại hiệu quả cao.
2.1. Chủ đề, đề tài mang tính thời sự và phổ quát: khai thác những bí mật của con người hiện đại
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khi remake Tiệc trăng máu đã giữ lại chủ đề, đề tài mang tính phổ quát và đại chúng của phim gốc Perfect Strangers. Tiệc trăng máu khai thác câu chuyện về một nhóm bốn người đàn ông, họ thân nhau từ thuở nhỏ. Trong buổi tiệc tại nhà Quang, Nguyệt Ánh, Bất Bình cùng vợ (Thu Quỳnh), Linh cùng người yêu sắp cưới (Kathy) và Mạnh cùng gặp nhau để vừa dự tiệc tân gia vừa ngắm nguyệt thực. Trong bữa tiệc, nhóm bạn cùng chơi trò công khai các cuộc gọi và tin nhắn điện thoại. Từ đó, những căng thẳng, kịch tính gia tăng, nhiều bí mật được phơi bày. Bộ phim được triển khai với hai cái kết giả định: cái kết đầu tiên là các mối quan hệ đổ vỡ, bản chất thật của mỗi người bị phơi bày; cái kết thứ hai là các mối quan hệ vẫn tốt đẹp, những bí mật vẫn được giấu kín khi mọi người cùng không tham gia trò chơi.
Chủ đề của phim được cho là lấy ý tưởng từ câu nói của nhà văn Gabriel García Márquez: “Con người ai cũng có ba cuộc sống: công khai, riêng tư và bí mật”, sẽ ra sao nếu ba cuộc sống này cùng được phơi bày. Bộ phim cũng đã nêu bật một sự thật rằng con người không ai hoàn hảo cả, chúng ta luôn che giấu phần bất hoàn hảo của mình nhưng sự thật rồi sẽ được bóc trần, “bản chất con người giống như nguyệt thực, cứ tưởng là sẽ che mờ được mọi thứ, nhưng rồi tất cả sẽ lộ ra thôi”. Đặc biệt, đề tài của phim mang tính thời sự và đương đại khi khai thác mối quan hệ của con người trong một xã hội quá lệ thuộc vào điện thoại và công nghệ. Vì thế, bộ phim còn chất vấn việc công nghệ nắm giữ cuộc sống và lấy đi sự riêng tư của chúng ta như thế nào. Từ tình huống là một trò chơi, chiếc điện thoại dần bật mí nhiều bí mật của nhóm bạn, từ đó, sự giả dối, thiếu chân thành của mỗi nhân vật dần bị vạch trần. Bộ phim, vì thế, cũng đưa cảnh báo về sự đứt gãy và kém hoàn hảo trong các mối quan hệ, dù đó là mối quan hệ thân thiết nhất như vợ chồng, người yêu hay bạn bè chí cốt. Nhiều câu trích dẫn trong phim được khán giả thích thú như: “Không ai hoàn hảo cả, chúng ta rất dễ bị tổn thương, mà điện thoại chứa nhiều thứ trong đó, những kẻ không hoàn hảo thì không nên dùng những thứ hoàn hảo này”. Trong xã hội hiện đại, điện thoại là một thành tựu công nghệ, là một công cụ khó có thể thiếu. Tuy nhiên, sử dụng nó như thế nào lại là vấn đề đáng được quan tâm. Thực tế, điện thoại, công nghệ đang khiến con người đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó có việc mất giao tiếp và kết nối. Ở đây, đạo diễn còn nhấn mạnh một nguy cơ lớn hơn từ chiếc điện thoại thông minh, đó là nó chứa đựng quá nhiều thứ riêng tư, thầm kín của con người. Mỗi chiếc điện thoại như một cái kho mở chứa đựng nhiều bí mật. Dường như con người đã tự cho điện thoại hay công nghệ có quyền năng như chúa trời, nó kiểm soát và dễ làm tổn thương con người bằng việc có thể ẩn giấu những bí mật nhưng cũng dễ dàng phơi bày chúng. Chính bởi vậy, điện thoại có thể gắn kết mọi người nhưng cũng có thể phá tan các mối quan hệ tưởng chừng bền chặt. Trong phim, chính từ chiếc điện thoại, những mối quan hệ truyền thống vốn bền vững lại rất dễ bị đổ vỡ và đứt gãy. Rõ ràng việc công nghệ chi phối con người qua việc lưu giữ nhiều bí mật là vấn đề dễ dàng nhìn ra ở bất kỳ nền văn hóa nào trong thời đại toàn cầu hoá và chủ nghĩa tiêu dùng. Bộ phim có một đề tài thời thượng, gần gũi và đầy hấp dẫn với khán giả đại chúng. Công chúng ở nhiều quốc gia cùng thấy nó như kể chính câu chuyện của mình. Đó chính là tính chất “tồn tại liên tục” của câu chuyện gốc – phẩm chất của một bộ phim được remake ở nhiều nền văn hoá.
2.2. Kiểu nhân vật thời đại: bất hoàn hảo và nhiều bí mật
Khi remake Tiệc trăng máu, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã làm nổi bật tính cách và mối quan hệ của các nhân vật cho phù hợp với khán giả và văn hoá Việt. Đặc biệt, dù trong một không-thời gian giới hạn, hành động tiết chế, các nhân vật trong phim đều có sự phát triển tính cách và tâm lý xuyên suốt phim. Cả bảy nhân vật đều được xây dựng với những tính cách đa dạng, chân thực và gần gũi với công chúng hiện đại. Hai đặc điểm được đạo diễn nhấn mạnh ở nhân vật là con người bất hoàn hảo và nhiều bí mật. Đó là đặc điểm dễ thấy của con người đương đại, thống nhất với tính chất của chủ nghĩa hiện đại. Tuyến nhân vật chính được giữ nguyên so với bản gốc, bao gồm: cặp vợ chồng chủ nhà Quang-Nguyệt Ánh, cặp vợ chồng Bất Bình-Thu Quỳnh, cặp người yêu sắp cưới Linh-Kathy và thầy giáo đồng tính Mạnh. Mặc dù mượn cốt truyện và nhân vật của bản phim Ý nhưng đạo diễn đã Việt hoá tính cách nhân vật để khán giả dễ dàng nhận ra lối sống, cách ứng xử của người Việt, đặc biệt là tính cách gia trưởng rất riêng của đàn ông Việt trong phim.
Cả hai bản phim đều xoay quanh câu chuyện của bảy nhân vật ở lứa tuổi 40, 50. Trong văn hoá Việt Nam, trung niên là lứa tuổi con người đã trưởng thành và có vị trí nhất định trong công việc và cuộc sống. Câu chuyện về nhân vật tuổi trung niên không xuất hiện quá nhiều trong điện ảnh như lứa tuổi đôi, ba mươi. Bởi vậy, vấn đề của bộ phim cũng không tập trung vào những lạc lõng, hoài nghi trong hành trình kiếm tìm bản ngã như những bộ phim về tuổi trẻ. Ở đây, đạo diễn Quang Dũng đã giữ nguyên lứa tuổi và bảo lưu tính chất của nhân vật. Đạo diễn xoáy sâu vào những mâu thuẫn giữa phần công khai và phần bí mật, riêng tư của con người, gài cắm vào đó tính chất gia trưởng và nhiều định kiến của người Việt. Thông qua công nghệ hiện đại là điện thoại, bộ phim đặt nhân vật vào tình huống phải bộc lộ hết bản chất thật. Xuất hiện trong phim, cặp vợ chồng gia chủ Quang-Nguyệt Ánh là hiện thân của những người trí thức giàu có: Quang là bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ, còn Nguyệt Ánh là chuyên gia tư vấn tâm lý. Tiếp đó, Bất Bình làm ở toà soạn báo, còn vợ anh là Thu Quỳnh là một nhà thơ kiêm việc nội trợ, chăm sóc con. Cặp đôi trẻ trung nhất là Linh quản lý nhà hàng và Kathy bác sĩ thú ý. Mạnh đã ly hôn vợ, làm việc dạy học. Ngay sau những phút đầu làm quen với nhân vật, từ tình huống trò chơi điện thoại thì những bí mật dần được hé lộ. Nếu Quang là điển hình cho người đàn ông thấu hiểu nhưng luôn thấy kém cỏi, tự ti về hoàn cảnh thì Nguyệt Ánh là hình tượng phụ nữ thành đạt nhưng mang bí mật về những vết nứt không tìm được cách hàn gắn trong gia đình mình. Linh là điển hình của người đàn ông dối trá và lăng nhăng, anh sắp cưới Kathy nhưng lại làm cho người phụ nữ khác có bầu, đê tiện nhất là việc anh có quan hệ với Nguyệt Ánh – vợ của Quang bạn thân của mình. Linh cũng là người thể hiện rõ nhất những định kiến với người đồng tính, anh nổi giận, thậm chí muốn xông vào đánh bạn thân vì đã che giấu giới tính thật. Kathy là cô gái trẻ, lãng mạn và bản lĩnh, cô có tính cách của người trẻ, thẳng thắn và yêu, ghét rõ ràng. Mạnh là người đồng tính, anh sợ con mắt định kiến nên không dám thừa nhận và công khai với bạn bè, dù đó là những người bạn thân từ thuở thơ bé. Trong các nhân vật, cặp vợ chồng Bất Bình và Thu Quỳnh là cặp nhân vật được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dành nhiều đất diễn và tập trung tô đậm hơn cả. Trong khi người chồng trong bản phim của Ý hành xử ga-lăng và lịch thiệp thì Bất Bình lại cục cằn, khó tính và thô lỗ hơn. Đạo diễn dụng ý xây dựng hình ảnh một người đàn ông gia trưởng, khó tính, khắt khe, anh ta luôn coi trọng mẹ hơn vợ, luôn đòi hỏi vợ phải ngoan ngoãn với mẹ, phải ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. Đây là hình mẫu người đàn ông quen thuộc trong gia đình Việt, đa số những khán giả xem phim đều có thể nhìn ra đặc điểm của người đàn ông của gia đình mình bên trong nhân vật này. Chính sự đồng cảm này càng khiến cho khán giả yêu thích nhân vật và bộ phim.
Có thể thấy đạo diễn đã khắc hoạ tính cách nhân vật qua những lời thoại và cử chỉ, đặc biệt khơi sâu vào tâm lý, cảm xúc nhân vật. Bản chất nhân vật được từ từ hé lộ, qua đó tạo nên những căng thẳng, kịch tính cho khán giả. Điểm đặc biệt trong tính cách của nhân vật là họ có những bí mật giấu kín, không chỉ với những người bạn thân mà với cả người vợ hay chồng của mình. Điều đó cho thấy con người hiện đại luôn sống với những nỗi bất an, họ vì những định kiến mà không được sống thật. Đồng thời, qua đặc điểm, tính cách nhân vật và cách nhân vật ứng xử cũng biểu hiện những mối quan hệ (gia đình, bạn bè chí cốt) tưởng chừng rất khăng khít, thân thiết lại dễ dàng trở nên rệu rã, đứt gãy. Nhấn mạnh đặc điểm này ở hệ thống nhân vật, đạo diễn cho thấy sự thấu cảm trạng thái, tâm lý của con người trong xã hội hiện đại, khán giả được chia sẻ và dễ đồng cảm vì ai cũng có thể thấy mình trong đó.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng cho khán giả thấy sự gần gũi của nhân vật khi xây dựng nhân vật định kiến và chịu chi phối bởi định kiến trong xã hội. Đây là điểm thay đổi cho thấy tính chất của văn hoá Việt. Thông qua hành động và ứng xử, các nhân vật không chỉ định kiến về người đồng tính mà còn chịu định kiến về danh dự và địa vị trong xã hội. Nhóm bốn người đàn ông là những người bạn chơi với nhau từ thuở nhỏ được đạo diễn giới thiệu ngay trong phần mở đầu. Đây là chi tiết được thêm vào so với bản gốc và có sự tương đương với bản remake Hàn. Chính vì đã quen biết nhau từ lâu nên khi trưởng thành họ luôn muốn tạo dựng hình ảnh thành đạt trong mắt bạn bè, ai cũng muốn tô đẹp bản thân mình với người khác. Chính bởi vậy, họ phải che giấu đi phần họ cho là xấu, là kém của mình và phải cố gắng diễn tròn vai. Tuy nhiên, bản chất thì không thể giấu kín, những sự thật về họ được phơi bày một cách bẽ bàng. Đạo diễn tạo ra các motif về sự hiểu lầm, hoá giải hiểu lầm, đan xen với việc phơi bày sự thật, điều đó làm tính cách, tâm lý và cảm xúc nhân vật được khắc hoạ rõ nét. Điều thú vị là đạo diễn không đẩy các xung đột, mâu thuẫn đến bi kịch mà khéo léo thể hiện lúc căng, lúc trùng. Đan xen với những mâu thuẫn, xung đột là những chi tiết hài hước, giễu nhại giúp giảm nhẹ bi kịch và căng thẳng. Bộ phim vì thế không tạo cảm giác bi kịch và buồn bã. Khán giả như được trải nghiệm những cảm xúc hồi hộp, hiếu kỳ, tò mò của nhân vật. Điều đó giúp bộ phim hấp dẫn và mang tính giải trí cao.
2.3. Cốt truyện kịch tính và gia tăng chi tiết trào phúng
Cốt truyện chính của Tiệc trăng máu được giữ lại tương đối so với bản gốc. Tuy nhiên, để phù hợp với thị hiếu khán giả Việt, đạo diễn đã học hỏi cách thức từ bản remake Hàn, đó là gia tăng sự kịch tính, bất ngờ và trào phúng, tạo kết cấu chặt chẽ, chú ý đến các tình huống tâm lý, cảm xúc của con người hiện đại. Phim được triển khai theo dòng thời gian tuyến tính và tuân thủ cấu trúc ba hồi của Hollywood, tạo thuận lợi cho khán giả dễ hiểu và dễ nắm bắt sự kiện phim. Mượn một trò chơi công khai điện thoại, đạo diễn có thể dễ dàng phát triển tuyến truyện và đưa đẩy cao trào truyện phim một cách hợp lý. Điều thú vị là đạo diễn cấu trúc truyện phim đầy bất ngờ, mang tính đại chúng cao nhưng đồng thời cũng đan xen nhiều chi tiết biểu tượng, chứa đựng hàm ý nghệ thuật sâu sắc. Các sự kiện kịch tính của phim được triển khai theo các món ăn trên bàn tiệc, từ món khai vị, món chính đến món tráng miệng, đồng thời gắn liền với quá trình phát triển của nguyệt thực, tương ứng với mỗi giai đoạn của mặt trăng bị khuất dần là các hồi của phim.
Bộ phim bắt đầu với hình ảnh bốn cậu bé chơi trò chơi ở bãi biển trong đêm nguyệt thực, sau đó là hình ảnh hiện tại, các nhân vật gặp nhau tại bữa tiệc tân gia nhà Quang và Nguyệt Ánh. Căn chung cư cao cấp ở tầng penthouse với đồ đạc xa xỉ, đắt tiền là bối cảnh của truyện phim. Với một không-thời gian giới hạn, sự thu hút của phim sẽ đến từ kịch bản. Sau màn chào hỏi và bắt đầu món khai vị, nhóm bạn cùng ngắm trăng và trở vào bàn tiệc. Ngòi nổ của phim xuất hiện với chi tiết Nguyệt Ánh rủ mọi người chơi trò chơi công khai điện thoại. Từ đó, đạo diễn tự do đưa đẩy tuyến truyện khi thì căng thẳng, kịch tính, lúc giải toả bằng trò đùa giỡn, hiểu lầm. Khán giả như được cùng trải nghiệm cảm xúc của nhân vật. Trong phim, khi mặt trăng bị khuất 1/3 là lúc mâu thuẫn đầu tiên xuất hiện. Về mặt cấu trúc kịch bản, truyện phim bước sang hồi 2, nhân vật bước vào một hành trình mới không thể ở trạng thái bình thường ban đầu được nữa. Khi đó, các nhân vật bắt đầu bộc lộ phần bí mật. Nguyệt Ánh nhận được điện thoại của ba và bí mật về việc cô chuẩn bị phẫu thuật ngực bị lộ; Bất Bình lo lắng vì 9h30 anh sẽ nhận được hình ảnh thiếu đứng đắn của người phụ nữ trên mạng; Quang nói với Bất Bình việc mình bị vỡ nợ, nguy cơ căn nhà đang ở sắp bị thu hồi… Tiếp đó, khi mặt trăng bị ăn mất phần nửa là lúc những bí mật được tiết lộ nhiều hơn, những mối quan hệ riêng bị phơi bày, mâu thuẫn, xung đột gia tăng. Thu Quỳnh hiểu lầm Bất Bình là gay vì anh dùng điện thoại của Mạnh. Nguyệt Ánh biết được chồng đang đi điều trị tâm lý và chính chồng là người đưa bao cao su cho con gái… Vào thời điểm mặt trăng tròn nhuốm màu đỏ thẫm là lúc những sự thật ghê gớm nhất bị lộ tẩy. Linh lăng nhăng và làm người phụ nữ khác có thai, thậm chí anh còn quan hệ lén lút với Nguyệt Ánh, Thu Quỳnh và Bất Bình có những bất đồng không thể chia sẻ, Mạnh là gay… Giai đoạn thứ tư của nguyệt thực là lúc trò chơi kết thúc, ánh trăng trở lại bình thường và cục diện của trò chơi “trăng máu” chạm đích. Rõ ràng nguyệt thực được xem là một biểu tượng mạnh mẽ, có ý nghĩa xuyên suốt bộ phim. Nguyệt thực được đưa vào chính nhan đề Tiệc trăng máu. Nhan đề này được thay đổi so với bản gốc Perfect Strangers hay bản Hàn Intimate Strangers. Nếu trong bản gốc, nguyệt thực xuất hiện như một hiện tượng để nhóm bạn cùng tĩnh lặng ngắm trăng thì ở bản remake của Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn đã khắc hoạ hai lần nguyệt thực: lần đầu được thêm vào là khi nhóm bạn còn nhỏ, họ cùng nhau ngắm nguyệt thực. Điều này tô đậm mối quan hệ gắn bó của nhóm bạn, họ là những người bạn thân từ thuở thơ ấu và cùng chơi với nhau đến hiện tại, từ đó càng cho thấy tính chất dễ tổn thương, tan vỡ của các mối quan hệ trong đời sống đương đại.
Bên cạnh đó, chiếc điện thoại cũng là một biểu tượng quan trọng trong phim. Nếu trong đời sống đương đại, điện thoại là một phương tiện phổ biến và hữu dụng, giúp kết nối con người thì trong phim nó lại là nơi chứa đựng những bí mật, trở thành phép thử cho các mối quan hệ thân thiết. Trong phim, đạo diễn dẫn dắt truyện phim bằng tình huống tham gia trò chơi công khai điện thoại. Nói đến trò chơi là thể hiện tính giải trí, vui vẻ của hoạt động nhưng sự bất ngờ của trò chơi đó lại thể hiện tính vô dụng chi dụng, nó như một phép thử sâu sắc về bản diện cá nhân và đời sống. Từ trò chơi được gợi mở trên bàn tiệc, một trò chơi lớn của đời sống được phơi bày. Xã hội hiện đại, công nghệ thông tin phát triển có tác động hai mặt: một mặt, nó giúp kết nối mọi người nhanh chóng và thuận lợi; mặt khác, nó cũng tạo ra một không gian ảo, làm con người dễ dàng đeo mặt nạ, “phù phép” cho bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Thông điệp của đạo diễn là khi con người quá phụ thuộc vào công nghệ, con người dễ bị thu hút và khống chế bởi nó, gián tiếp tạo ra sự thiếu kết nối, đứt gãy các mối quan hệ truyền thống.
Trong phiên bản gốc của Ý, đạo diễn đã đan cài những chi tiết trào phúng, hài hước. Tuy nhiên, Tiệc trăng máu nhấn mạnh và gia tăng những chi tiết hài hước đen hơn, biểu lộ rõ hơn ý nghĩa của chất trào phúng này. Theo đó, bộ phim vừa hài vừa châm biếm, giễu nhại, khán giả có thể bật cười nhưng lại ngay lập tức thấy chua xót. Bộ phim vì thế pha trộn một cách thành công giữa chính kịch, bi kịch và hài kịch. Đạo diễn không đẩy xung đột, mâu thuẫn đến bi kịch mang đến cảm xúc tiêu cực cho khán giả mà các tình tiết được đưa ra và tiết chế vừa đủ, nó vừa vặn để bộ phim ở một góc độ, như một lời dự báo, cảnh tỉnh con người về vai trò nắm giữ bí mật của điện thoại, góp phần thể hiện thông điệp phim và mang đến cuộc phiêu lưu cảm xúc, dễ dàng tiếp nhận với số đông khán giả.
2.4. Sự kết hợp của diễn viên ngôi sao và bối cảnh hiện đại, sang trọng
Điểm thu hút của Tiệc trăng máu là ngoài việc có một kịch bản thông minh, nhiều kịch tính và đề tài thời sự thì đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn dụng công trong ngôn ngữ điện ảnh của phim, đặc biệt là tập trung vào diễn viên ngôi sao và bối cảnh hiện đại, xa xỉ của phim.
Với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, diễn viên của phim rất quan trọng. Anh từng chia sẻ: “Khi mình đã có câu chuyện tốt, một tính cách nhân vật tốt thì việc chọn diễn viên có thể hoá thân vào câu chuyện ấy, nhân vật ấy là vô cùng quan trọng. Và khi đã tìm được diễn viên thì coi như phim đã gần xong, bởi diễn viên là cầu nối cảm xúc giữa câu chuyện trên giấy với người xem, đem tới cho người xem không chỉ cảm xúc về nhân vật, tính chân thực của câu chuyện mà còn cả tư tưởng của đạo diễn”10. Các nhân vật trong Tiệc trăng máu đều được các diễn viên ngôi sao của điện ảnh Việt đảm nhận, diễn xuất của họ thể hiện rõ tính cách và tâm lý nhân vật. Thái Hoà thể hiện xuất sắc diễn biến tâm lý và tính cách gia trưởng của người đàn ông Việt. Đức Thịnh hoá thân vào nhân vật thầy giáo Mạnh, anh thể hiện được sự giằng xé, bất lực và thất vọng người LGBT trước định kiến của bạn bè. Thu Trang thể hiện tròn vai người phụ nữ Việt vừa hiện đại vừa có phần cam chịu, khán giả có thể vừa cười nhưng cũng ngay lập tức khóc theo nhân vật của cô. Hồng Ánh thể hiện được hình tượng người phụ nữ thành đạt, giàu có nhưng thất bại trong việc kết nối với thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, các diễn viên Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn đều làm tương đối tròn vai, thể hiện được tính cách nhân vật của mình.
Thêm vào đó, bối cảnh phim cũng là một điểm nhấn thu hút khán giả. Câu chuyện phim chủ yếu diễn ra ở nội cảnh trong căn penthouse xa xỉ và sang trọng. Căn hộ này không đơn thuần là bối cảnh, nó còn được xem là “xương sống, là nhân vật trong phim, chứng kiến toàn bộ sự việc”12. Nó được thiết kế để có “tính kể chuyện”. Chính bởi vai trò quan trọng đó, đạo diễn đã cho dựng lại bối cảnh ở phim trường với kinh phí 3 tỉ đồng. Trong căn penthouse, đồ nội thất được thiết kế tỉ mỉ và hiện đại, đặc biệt là phần nội thất của khu bếp và bàn ăn – bối cảnh chủ đạo của phim. Từ bộ bàn ăn, đèn trang trí đến các đồ vật trên bàn ăn đều được chọn lựa kỹ lưỡng và xa hoa, thể hiện được tính chất giàu có của gia đình Quang và Nguyệt Ánh, đồng thời, bối cảnh sang trọng đó cũng bắt mắt và thoả mãn về mặt thị giác với khán giả.
Với một bối cảnh hẹp, giới hạn, câu chuyện tập trung khai thác bản chất con người và các mối quan hệ, đạo diễn sử dụng nhiều cảnh trung cận và cận cảnh. Các nhân vật xuất hiện chính giữa khuôn hình, lấp đầy khuôn hình và biểu lộ rõ diễn biến cảm xúc, tâm lý nhân vật. Góc máy ngang đậm tính sinh hoạt, có lợi thế trong việc khai thác các mối quan hệ cũng được gia tăng. Trong phim, phân cảnh các nhân vật ngồi trên bàn tiệc làm liên tưởng đến bức tranh nổi tiếng của nghệ thuật Phục Hưng Bữa ăn tối cuối cùng của Leona de Vinci. Nó như biểu tượng của câu chuyện về sự bóc trần những dối trá của nhân vật. Những cảnh quay dài thường xuyên được sử dụng kết hợp với lối dựng đôi lúc mượt mà, tĩnh lặng, đôi lúc lại căng thẳng, kịch tính. Bộ phim hạn chế sử dụng âm nhạc, âm thanh nhấn mạnh cảm xúc của nhân vật. Lời thoại của phim cũng được xây dựng rất khéo léo, duyên dáng, gần gũi mà không hề thô tục. Rõ ràng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có sự đầu tư trong ngôn ngữ điện ảnh của phim, tạo ra một bữa tiệc âm thanh và thị giác đẹp mắt, hấp dẫn khán giả đại chúng.
3. Thay lời kết
Như vậy, nếu Perfect Strangers đậm tính hài, chính kịch và mang dấu ấn văn hoá Ý thì Tiệc trăng máu tạo ấn tượng bởi những vấn đề của con người hiện đại và nét duyên hài giễu nhại, hài đen (yếu tố được yêu thích của số đông khán giả Việt). Đạo diễn đã thêm vào và tô đậm chất hài hước, trào phúng trong các tình huống, xung đột tạo nên sự thú vị và hấp dẫn của bộ phim. Chiến lược của phim remake Tiệc trăng máu là đại chúng hoá thể loại và bản địa hoá văn hoá. Bộ phim có chủ đề, đề tài mang tính phổ quát, cốt truyện nhiều kịch tính và đan cài chi tiết trào phúng, nhân vật có cá tính và gần gũi, ngôn ngữ điện ảnh tinh tế. Bên cạnh một kịch bản phim chặt chẽ và hấp dẫn, bộ phim còn được đầu tư kỹ lưỡng từ bối cảnh, góc máy, lối dựng, đặc biệt là hệ thống diễn viên ngôi sao… Hơn nữa, văn hoá phương Tây trong bản gốc được bản địa hoá trong bản remake, nó thể hiện qua cách ứng xử, hệ thống ẩm thực, trang phục, đặc biệt là những suy nghĩ định kiến và tính chất gia trưởng đậm văn hoá Việt. Tiệc trăng máu thành công bởi nó vừa thể hiện những vấn đề của thời đại, mang tính phổ quát, vừa có được sự gần gũi về mặt văn hoá bản địa với khán giả đại chúng.
Từ hiện tượng remake Tiệc trăng máu có thể khái quát công thức thành công của một bộ phim remake Việt Nam đó là: bộ phim có một chủ đề, đề tài gần gũi, thời sự và phổ quát; đặc biệt, kịch bản phim chặt chẽ, thú vị với hệ thống nhân vật có tính cách, cốt truyện kịch tính, đan xen yếu tố hài hước, trào phúng; diễn xuất của diễn viên ngôi sao, ngôn ngữ điện ảnh chỉn chu, vừa mang tính nghệ thuật vừa có tính giải trí. Bên cạnh đó, nhà sản xuất đã có một chiến lược truyền thông marketing và thời điểm công chiếu phim phù hợp. Phải khẳng định rằng công thức này có tính lịch sử/ giai đoạn nhất định, nó phù hợp với bối cảnh hiện nay bởi phim hướng đến đáp ứng thị hiếu khán giả Việt Nam đương đại. Cũng từ hiện tượng này, có thể thấy khán giả đại chúng Việt đang có xu hướng yêu thích những bộ phim giải trí, dễ hiểu nhưng cũng chứa đựng những vấn đề về bản chất con người và xã hội. Một bộ phim đáp ứng thị hiếu khán giả cần mang chở những vấn đề của thời đại, thể hiện tính toàn cầu nhưng cũng có những dư vị riêng mang bản sắc văn hoá Việt. Khán giả có quyền lựa chọn món ăn tinh thần phù hợp với họ trên bàn tiệc, đó không còn là món ăn nhạt nhẽo, chỉ thuần tính giải trí mà đã có những đòi hỏi sâu sắc hơn về thông điệp và thẩm mĩ nghệ thuật.
Nghiên cứu phim remake Việt Nam vẫn còn là một mảnh đất rộng mở, đầy sự mời gọi. Bài viết đang dừng lại tiếp cận phim remake ở khía cạnh văn bản, tức là phân tích cấu trúc tự sự, thẩm mĩ và văn hoá trong tác phẩm. Những khía cạnh về công nghiệp văn hoá của phim remake và vấn đề tiếp nhận, thể chế (diễn ngôn) mới được đề cập sơ lược. Chúng tôi coi đó là khoảng trống mời gọi cho những nghiên cứu tiếp theo để tìm hiểu phim remake một cách hệ thống và toàn diện hơn. Từ góc độ thể chế, có thể thấy những thay đổi trong chính sách, cụ thể Luật Điện ảnh sửa đổi là bước tiến quan trọng, nó thể hiện quan điểm của nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp điện ảnh. Đây có thể xem là sự mời gọi và kích thích các nhà sản xuất, đơn vị tư nhân đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hoá này, góp phần tạo nên sự sôi động, hấp dẫn cho thị trường điện ảnh Việt, hứa hẹn sẽ có nhiều bộ phim phù hợp với khán giả đại chúng hơn nữa trong thời gian tới.
Chú thích:
* Bài viết thuộc Đề tài của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số CS.2022.05, năm 2022-2023.
1 “Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, sử dụng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh” (Luật Điện ảnh sửa đổi 2022).
2 Vì tính chất phổ biến của thuật ngữ “Remake” nên trong bài viết, chúng tôi giữ nguyên thuật ngữ tiếng Anh: Remake.
3 Tam Kỳ (2020): “Tiệc trăng máu vào top 3 phim Việt ăn khách nhất lịch sử”, https://vnexpress.net/tiectrang-mau-vao-top-3-phim-viet-an-khach-nhat-lich su4199580.html), 12/8/2023.
4 Dẫn theo “Retracing Hollywood’s Fascination with the Remake” trên https://filmschoolrejects.com/ hollywood-remake-history/
5 Nguyễn Đăng Điệp (2017): “Văn học đại chúng ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, tháng 7/2017, tr. 31-39.
6 Trong bài “Phim remake là gì?”, tác giả đưa ra định nghĩa: “Phim remake (dòng phim có ngữ cảnh quốc tế được Việt hóa)”, https://chickgolden.com/phimremake-la-gi-1645173366); Bùi Thị Hồng Gấm: “Remake là phim lấy chất liệu chính từ phim đã ra đời trước đó”, https://vhnt.org.vn/doi-net-ve-phim-remake/ (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 417, tháng 3/2019).
7 Kristin Thompson (2003), Storytelling in Film and Television, Cambridge and London: Harvard UP, p.83.
8 Constantine Verevis (2004), “Remaking Film”, Film Studies (4), p. 87-103.
9 Eduard Cuelenaere (2020), “Towards an Integrative Methodological Approach of Film Remake Studies”, Adaptation 13 (2):1-14.
10 Nguyễn Hưng Hiệp (2023): “Phim remake - liệu sự sáng tạo có đang bị xói mòn?”, https://vietcetera.com/vn/phim-remake-lieu-su-sang-taoco-dang-bi-xoi-mon.
11 Lê Minh (2009), Khi đạo diễn trẻ già dặn, NXB Văn hoá Sài Gòn, tr. 35-36.
12 Tiểu Phong (2020): “Khám phá bối cảnh xa hoa ngốn vài tỉ đồng của phim Tiệc trăng máu”, https://thethaovanhoa.vn/kham-pha-boi-canh-xa-hoangon-vai-ty-dong-cua-phim-tiec-trang-mau20200523012153809.htm