HỆ BIỂU TƯỢNG TRONG VĂN HỌC CÁCH MẠNG VÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA SAU 1945

Bài viết phân tích nội hàm biểu tượng và hệ biểu tượng trong văn học, nghệ thuật. Đồng thời, phân tích những biểu tượng tiêu biểu trong hệ biểu tượng của văn học cách mạng và xã hội chủ nghĩa sau 1945 ở nước ta.

    Biểu tượng (tiếng Anh: symbol), theo cách hiểu thông thường và phổ biến trong các ngôn ngữ văn hóa của thế giới, là một sự vật, hình ảnh biểu thị một nội dung khác hoàn toàn với đặc tính tự nhiên, nghĩa trực tiếp của sự vật, hình ảnh đó. Hình ảnh con đường chẳng hạn, trong nhiều trường hợp, là biểu tượng của số phận con người (như biểu tượng “Con đường đau khổ” trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga A. Tolstoi). Hay cây trúc là biểu tượng cho người quân tử trong văn hóa truyền thống Việt Nam cũng tương tự. Giữa con đường, cây trúc chẳng có mối quan hệ trực tiếp gì với số phận con người và người quân tử cả. Về điều này thì ở ta cũng đã có những nghiên cứu khoa học chuyên sâu1. Biểu tượng có nhiều loại, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của văn hóa: biểu tượng chính trị, biểu tượng tôn giáo, biểu tượng luật pháp, biểu tượng nghệ thuật. Về ý nghĩa, biểu tượng không chỉ là hiện tượng thuộc ý thức cá nhân mà còn thuộc ý thức cộng đồng, không chỉ mang mã văn hóa (hay “gen” văn hóa) truyền thống mà còn in dấu ấn hệ tư tưởng và trạng thái tinh thần đương đại. Về chức năng, biểu tượng làm phương tiện giao tiếp (trao nhẫn như biểu tượng hôn nhân), nhận diện (chẳng hạn quốc kỳ nhận diện một quốc gia), có vai trò củng cố hệ tư tưởng, phục vụ hoạt động giáo dục đối với quần chúng đương thời (chẳng hạn các biểu tượng chính trị-xã hội), làm kim chỉ nam cho các cuộc vận động xã hội (như biểu tượng bảo vệ môi trường của Liên Hợp Quốc). Hệ thống biểu tượng là cơ sở của một nền văn hóa dân tộc, một thời kỳ văn hóa, văn nghệ: văn nghệ cổ điển, văn nghệ lãng mạn, văn nghệ xã hội chủ nghĩa, văn nghệ hiện đại và hậu hiện đại. Mỗi giai đoạn có hệ thống biểu tượng cơ bản riêng của mình. Là phạm trù của thế giới quan, nó khác với ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ vốn chỉ thuộc bình diện thi pháp nghệ thuật. Việc nghiên cứu biểu tượng hiện đại và hậu hiện đại đang diễn ra sôi nổi trong mĩ học và lý luận văn nghệ phương Tây. Bài viết này tập trung xem xét các biểu tượng nghệ thuật, chủ yếu trong văn học cách mạng và chủ nghĩa xã hội sau 1945 ở nước ta.

    Hơn hẳn các loại biểu tượng văn hóa khác về tính tổng hợp, biểu tượng văn học, nghệ thuật hội tụ nhiều phương diện văn hóa: truyền thống và đương đại, cá nhân và cộng đồng, hữu thức và vô thức, cảm tính và trừu tượng. Sự hình thành, hoạt động của các biểu tượng văn học, nghệ thuật chịu ảnh hưởng của các quan điểm tư tưởng, các loại biểu tượng văn hóa khác, nhất là tôn giáo và chính trị. Do đặc thù thực tiễn xã hội và tư tưởng hệ chính thống ở nước ta thời kỳ lịch sử này, các biểu tượng tôn giáo ít có ảnh hưởng. Chủ nghĩa duy vật của hệ tư tưởng Mác-xít hạn chế sự phát triển tôn giáo (“Tôn giáo là thuốc phiện đối với nhân dân” - C. Marx), lĩnh vực tôn giáo trong hệ thống văn hóa bị thu hẹp. Thời kháng chiến chống Pháp, các biểu tượng tôn giáo ít nhiều còn mang ý nghĩa tích cực (Làng tôi của Văn Cao) nhưng về sau ý nghĩa tiêu cực thể hiện nhiều hơn. Trái lại, các biểu tượng chính trị - xã hội có ý nghĩa to lớn, ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành các biểu tượng nghệ thuật. Các biểu tượng chính trị - xã hội là cơ sở của văn hóa chính trị, chúng không thể thiếu đối với bất kể phong trào đảng phái, chính thể nhà nước nào. Không có các biểu tượng chính trị - xã hội, các quá trình, phong trào chính trị khó có thể tạo được những phong trào xã hội lớn, thiết lập các quan hệ đối ngoại nhà nước, các chương trình của đảng cầm quyền, địa vị và quyền lực của các nhà lãnh đạo chính trị. Phân tích biểu tượng chính trị, nguồn gốc hình thành, cách thức hoạt động cũng như tiếp nhận cho phép người ta dự báo diễn biến tình hình xã hội, đất nước, một công việc rất quan trong tình trạng xã hội có nhiều biến đổi. Đấy là một chủ đề khoa học khác, ở đây chúng tôi chỉ nói đến vai trò của hệ tư tưởng chính trị - xã hội đối với sự hình thành một số biểu tượng văn học, nghệ thuật tiêu biểu.

    Màu đỏ và một số biểu tượng tương ứng: Trong tự nhiên có nhiều màu sắc, có màu mắt ta nhận biết được, có màu không nhìn thấy. Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định màu sắc có ý nghĩa phổ quát nhất định đối với tâm lý, nhận thức, hành động của con người, nghĩa là có ý nghĩa tượng trưng. “Màu sắc có thể có những ý nghĩa khác nhau tùy theo khu vực văn hóa; thế nhưng màu sắc vẫn luôn luôn và ở mọi nơi làm bệ đỡ cho tư duy biểu tượng”2. Trong hệ tư tưởng cách mạng, cộng sản chủ nghĩa, màu đỏ tượng trưng cho cái thiêng, sự thiêng liêng. Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng là một biểu tượng lớn, trong đó màu đỏ là màu của máu (“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” - Văn Cao), của nhiệt huyết cách mạng. Màu đỏ là tông màu chủ đạo của hệ tư tưởng cộng sản. Cờ của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác theo hệ tư tưởng cộng sản đều có nền đỏ, các Đại hội Đảng có tông màu chủ đạo là màu đỏ. Rồi rất nhiều những dấu hiệu khác: quân đội Liên Xô được gọi là Hồng quân, khăn quàng của thiếu niên tiền phong màu đỏ, ngày cuối tuần lao động công ích được gọi là “Chủ nhật Đỏ”. Một “thế giới của các ký hiệu màu sắc” như vậy được tạo ra, hiển nhiên mang ý nghĩa tượng trưng. Trong văn hóa truyền thống của chúng ta, màu đỏ được coi là tượng trưng cho sự may mắn (số đỏ), cho hội lễ: câu đối đỏ, phong bao hồng/ đỏ ngày Tết Nguyên Đán, nói chung, nó thuộc “gen văn hóa tích cực” như cách gọi của các nhà văn hóa học. Đây là sự phối hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống với văn hóa chính trị đương đại, dễ dàng được quần chúng tiếp nhận. Từ nền tảng tư duy đó đưa đến việc hình thành ba biểu tượng quan trọng nhất của văn nghệ cách mạng: trái tim, mặt trời, lửa. Trái tim hồng, mặt trời đỏ, lửa hồng là những hình ảnh tiêu biểu của mĩ học văn nghệ cách mạng. Các biểu tượng ấy nhiều khi kết hợp với nhau, cũng có khi là thi tứ riêng trong một tác phẩm. Trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thế giới có một biểu tượng lớn thuộc loại này là trái tim Danko trong truyện Bà lão Idecgin của M. Gorki. Bản thân tác giả cũng là một biểu tượng của nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hình ảnh chàng Danko xé toang lồng ngực, lấy trái tim làm lửa soi đường cho đoàn người đang lạc lối trong rừng tối đã hấp dẫn nhiều nhà văn và thành “cổ mẫu” của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thế giới. Đây là hình ảnh biểu tượng ấy: “Bỗng chàng đưa tay lên xé toang lồng ngực mình, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu. Trái tim cháy rực rỡ như mặt trời, ánh lửa của nó phá tan mọi đe dọa của thiên nhiên, phá tan mọi trắc ẩn của lòng người”3. Trái tim, lửa, mặt trời được kết hợp trong một biểu tượng văn học rực rỡ gợi liên tưởng đến thần Promete mang lửa xuống trần gian cho loài người trong thần thoại Hi Lạp. Trong văn thơ cách mạng, hình ảnh mặt trời là biểu tượng của lý trí, nhận thức, sự soi sáng (“Mặt trời chân lý chói qua tim” - Tố Hữu). Lửa là biểu tượng cho tình cảm, nhiệt huyết. Không có thời kỳ nào hình ảnh lửa được thể hiện trong văn học nhiều như thời kỳ này. Một phần do đặc thù của thực tế kháng chiến, chiến tranh (các lực lượng kháng chiến phải giấu những hoạt động của mình trong bóng tối) nhưng điều quan trọng hơn là lòng nhiệt tình với lý tưởng được xem như một phẩm chất, giá trị rất cao của con người. Trái tim biểu tượng của lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, với cách mạng. Nhà văn Nga M. Solokhov, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng thế giới Sông Đông êm đềm, khi có người hỏi ông viết theo chỉ thị của ai, ông từng phát biểu: “Tôi viết văn theo chỉ thị của trái tim, mà trái tim tôi thuộc về Đảng”. Lời phát biểu này của Solokhov hay được các nhà văn ta dẫn lại. Tố Hữu cũng viết một cách tượng trưng: “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều”. Trong văn hóa, văn học từ xa xưa, trái tim vốn đã tượng trưng cho tình yêu, lòng chung thủy, giờ mang thêm một nét nghĩa mới: trung thành với lý tưởng, với cách mạng. Trong hệ biểu tượng này có một tác phẩm rất đặc sắc. Đó là bài thơ của Nguyễn Mỹ Cuộc chia ly màu đỏ được sáng tác năm 1964. Trong văn thơ truyền thống, các cuộc chia ly thường gắn với tâm trạng buồn thương, một màu xám lạnh. Truyện Kiều có cuộc chia ly Thúc Sinh - Thúy Kiều: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”, “màu quan san” dĩ nhiên không có trong bảng sắc màu tự nhiên mà là một hình ảnh tu từ mà ta có thể hình dung đó là màu xám lạnh. Còn ở đây là màu đỏ, không phải màu đỏ thông thường của tự nhiên mà là một tượng trưng và tác giả nói rõ trong một câu thơ: “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy”. “Màu đỏ ấy” vừa mang đặc tính tự nhiên vừa mang phẩm chất tinh thần: chiếc áo đỏ của người đi tiễn, được liên kết với cánh nhạn lai hồng, hoa chuối đỏ tươi, với ngọn lửa tình yêu rực cháy, bình minh, rạng đông, than lửa, lửa hồng than bếp. Đây hiển nhiên là màu đỏ của lý tưởng (“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”), của tình yêu lý tưởng, và do vậy, chia tay mà không chia ly (“Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như không hề có cuộc chia ly”) bởi vì lý tưởng không bị ngăn cách bởi không gian, nó ở trong con người.

    “Gia đình lớn: Lối tư duy “Gia đình lớn” có trong tâm thức người Việt cổ, thể hiện qua các huyền thoại về Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương. Theo huyền thoại, Gia đình lớn thủy tổ của Bách Việt này gồm người cha (Lạc Long Quân) và người Mẹ (Âu Cơ) sinh ra 100 người con, sau đó 50 người con theo cha về miền biển, 50 con theo mẹ về miền núi, lập con trưởng là Hùng Vương nối ngôi. Thời phong kiến, các sử gia có ý thức quốc gia độc lập đã góp phần củng cố giả thuyết này4. Ngày nay Vua Hùng được tôn vinh như vị Vua-Cha đầu tiên của dân tộc Việt đồng hành với quốc gia Việt Nam. Thời trung đại, cách nhìn Nho giáo về xã hội cũng lấy mô hình gia đình hình dung thế giới. Vua là con trời (Thiên tử), chúng dân là con cái của vua, ở trên đất của vua, được vua nuôi dưỡng. Cách tư duy gia đình vẫn còn dấu vết đến tận ngày nay – thế kỷ XXI. Trong các cơ quan nhà nước, nhiều khi vẫn xưng hô chú, bác, anh, chị, em. Cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc cùng ý thức “bốn phương vô sản đều là anh em”, “các nước xã hội chủ nghĩa anh em” cũng hòa hợp ở mức độ nào đó với lối tư duy này, làm cơ sở cho nhiều biểu tượng văn học. Ở đây nói về mấy biểu tượng chủ yếu.

    Người cha - Lãnh tụ: Biểu tượng - cổ mẫu về người cha rất tiêu biểu trong tâm thức văn hóa nhiều dân tộc, điều này đã được nhà phân tâm học G. Jung nghiên cứu rất sâu. Trong đời sống văn hóa Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều tầng lớp nhân dân gọi trìu mến là “cha già dân tộc”. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật cách mạng đã biểu đạt thành công hình ảnh này. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, nhạc Văn Cao, Nguyễn Đình Thi là những ví dụ tiêu biểu nhất. Có ba bài hát ca ngợi Hồ Chủ tịch đều rất hay: ba bài hát của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận – ba nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam. Trong thơ Tố Hữu, Người là hình ảnh lớn lao, đồng hành với đất nước (“Bác ngồi đó lớn mênh mông/ Trời xanh, biển rộng ruộng đồng nước non”), có tầm nhìn xa trông rộng, dẫn đường chỉ lối cho dân tộc, cho cách mạng (“Người ngồi đó với cây chì đỏ/ Vạch đường đi từng bước, từng giờ”), cũng là người cha thân yêu, bình dị (“Bàn tay con nắm tay cha”). Con người bình dị ấy cũng có tiểu sử, hoạt động có màu sắc huyền thoại, người mang lại thắng lợi, “niềm vui”, mùa xuân cho cộng đồng dân tộc, như các tác giả viết: “Người về đem tới ngày vui/ Mùa Thu nắng tỏa Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về mang tới xuân đời…” (Ca ngợi Hồ Chủ tịch - Văn Cao, 1950). Lãnh tụ thường được thể hiện như một người cha, người bác đối với thanh niên, người ông đối với nhi đồng (“Người là cha, là bác, là anh” - Tố Hữu). Bức ảnh Hồ Chủ tịch cầm đũa chỉ huy dàn nhạc hát bài Kết đoàn (Lâm Hồng Phong, 1960), các bức ảnh Hồ Chủ tịch đứng giữa vòng tròn hoặc hàng ngang thân mật, vui vẻ bên các anh hùng, thanh thiếu niên, nhân dân lao động… thể hiện hai phương diện không tách rời nhau này của biểu tượng Người cha-Lãnh tụ.

    Mẹ - Tổ quốc: Trong văn học lãng mạn trước 1945, ta thường thấy bóng dáng “người con gái”, văn học sau 1945 thấy nhiều bà mẹ: bà mẹ Gio Linh, bà má Hậu Giang, bà Bầm, bà Bủ, “Người mẹ cầm súng”, mẹ chiến sĩ… Nhiều lắm! Rất có thể những người cộng sản trong hoạt động cách mạng thời bí mật, rồi sau này trong kháng chiến chống ngoại xâm, được quần chúng nuôi dưỡng, che chở, trong đó quan trọng nhất là những người mẹ, người chị, vì thế, chủ đề này được nhấn mạnh, gợi nhiều cảm xúc. Người mẹ là biểu tượng gốc của văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ nữ thần, mẫu thần. Đây là tín ngưỡng thờ mẹ, nữ thần với quyền năng sinh sôi, bảo vệ, che chở cho con người. Truyền thuyết mẹ Âu Cơ với bọc trăm trứng được diễn giải như người mẹ của các dân tộc trên đất Việt Nam. Người mẹ nghèo làng Gióng căm cụi nuôi con để khi đất nước có giặc, động viên con ra đánh giặc. Biểu tượng Mẹ - Tổ quốc không phải chỉ có trong văn học, nghệ thuật nước ta và cũng không chỉ có trong văn học cách mạng. Ở Liên Xô có rất nhiều tượng đài Mẹ - Tổ quốc. Chẳng hạn tác phẩm Mẹ - Tổ quốc của Vuchetich đặt tại Thành phố Volgagrad, khánh thành ngày 15/10/1967, khi đó là tượng đài lớn nhất thế giới. Bức tượng là hình ảnh một người mẹ đang bước lên, tay phải giương cao thanh kiếm, mặt ngoảnh ra sau kêu gọi mọi người dân đứng lên đánh đuổi giặc. Chiều cao tổng cộng của tượng đài 52m, đặt trên đồi Mamayev Kurgan, để tưởng niệm cuộc kháng cự và chiến thắng vĩ đại Stalingrad năm 1943. Ngoài ra còn nhiều tượng Mẹ - Tổ quốc ở nhiều địa phương khác nữa trên khắp nước Nga và cả một số nước thuộc Liên Xô cũ. Hình tượng mẹ tượng trưng cho đất nước, Tổ quốc trong văn nghệ cách mạng Việt Nam thấy từ cuối kháng chiến chống Pháp, như trong các bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy, Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý. Văn nghệ Miền Nam trước 1975 cũng nói đến “mẹ Việt Nam” chịu nhiều khổ đau. Văn học cách mạng nói về bà mẹ Việt Nam khác, về bà mẹ Việt Nam “chiến đấu”, “người mẹ cầm súng” vì độc lập của Tổ quốc. Nguyễn Trọng Tạo viết những câu thơ: “Nơi anh đến hậu phương hay tiền tuyến/ Mẹ cánh đồng, mẹ nhà máy, mẹ dòng sông/ Mẹ đất đai dàn trận mênh mông/ Ngày có giặc mẹ như ngọn súng” (Con đường của những vì sao). Thơ Bùi Minh Quốc ca ngợi “Mẹ đào hầm dưới tầm đại bác/ Đất quê ta mênh mông, lòng mẹ rộng vô cùng”.

    Người anh hùng mới: Lý tưởng cộng sản đặt ra yêu cầu phải có con người mới để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Hệ thống tuyên truyền đặt nhiệm vụ quan trọng tạo dựng hình ảnh biểu tượng người anh hùng của thời đại mình. Ở cả Liên Xô (cũ) lẫn Việt Nam đều có đại hội toàn quốc tuyên dương công trạng các anh hùng. Các nhà văn được đề nghị đến đó để viết những truyện về người anh hùng. Ở Việt Nam, Đại hội chiến sĩ thi đua lần thứ nhất vào năm 1952 (ngày 30.4) diễn ra tại Thái Nguyên. Đến dự Đại hội có Hồ Chủ tịch, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Sự có mặt các vị lãnh đạo cao nhất cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động này. Tại đây, 7 anh hùng đầu tiên đã được vinh danh: 3 anh hùng lao động (Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh), 4 anh hùng quân đội (Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu). Trong các sách dạy cho học sinh phổ thông những năm sau đó ở Miền Bắc có rất nhiều truyện kể lại về cuộc đời và chiến công của những anh hùng này. Đại hội lần thứ III được tiến hành năm 1958 tại Hà Nội, tham gia có đủ người Nam, người Bắc, các dân tộc (cả Hoa kiều), nhiều lứa tuổi, các thành phần: trí thức, nông dân, công nhân, quân đội. Ở các Đại hội (I, II, III, IV), người ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tham dự. Một trong những nguyên mẫu anh hùng đã trở thành nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc Đất nước đứng lên. Tiểu thuyết kể về cuộc đời của anh hùng Núp thuộc dân tộc Ba Na. Anh hùng Núp đã có công vận động người dân Tây Nguyên đi theo cách mạng, tham gia chống Pháp. Có thể coi cuốn sách như sự mở đầu cho loại truyện viết về người anh hùng rất phổ biến trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thuộc loại truyện anh hùng còn có thể thấy Sống như anh của Trần Đình Vân viết về Nguyễn Văn Trỗi, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi viết về chị Út Tịch, bài thơ Người con gái Việt Nam của Tố Hữu viết về Trần Thị Lý, các sáng tác về bà Mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội ta trong chiến tranh bắn phá Miền Bắc của không quân Mĩ, Hồ Giáo anh hùng lao động chăn nuôi bò trên nông trường Ba Vì, trường ca Khúc hát người anh hùng viết về nữ du kích Mạc Thị Bưởi của nhà thơ thiếu niên Trần Đăng Khoa… Loại sách “Người tốt việc tốt” ra đời và được phổ biến rất rộng rãi. Sách khổ nhỏ, khoảng vài ba chục trang, có thể dễ dàng mang theo trong túi xách, lượng xuất bản rất lớn, giá rẻ. Hầu như trong mỗi gia đình ở Miền Bắc đều có những cuốn sách thuộc loại “văn học siêu đại chúng” như vậy. Hàng ngàn những câu chuyện về người tốt, việc tốt thuộc mọi lứa tuổi, mọi thành phần đều được nêu gương. Tác phẩm văn học thành cuốn giáo khoa, văn học như một nhà trường lớn trong khung cảnh gọi là “ra ngõ gặp anh hùng”, trong nhà đọc sách về những người anh hùng.

    Hình ảnh anh hùng trong văn học ít nhiều có màu sắc sử thi, thường được ví von, gợi nhắc đến các nhân vật huyền thoại: Thạch Sanh, Thánh Gióng. Nhà thơ Tố Hữu viết về anh Giải phóng quân “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/ Mà xông xáo, tung hoành, ngang dọc”. Hành động của các anh hùng ít nhiều cũng có tính chất “siêu phàm”, được biểu trưng cho những thực thể lớn lao: người anh hùng của Lê Anh Xuân chết trong tư thế đang đứng bắn, “như dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. “Người con gái Việt Nam” Trần Thị Lý của Tố Hữu thì “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/ Không giết được em người con gái anh hùng”. Đâu là những phẩm chất của người anh hùng mới? Đó là niềm tin vào lẽ phải, mục tiêu hoạt động được xác định một lần và mãi mãi, dù có phải trải qua bất kỳ hoàn cảnh khắc nghiệt nào. Vì cách mạng được xem là sự nghiệp của quần chúng lao động, của “giai cấp vôi sản”, vì thế, người làm nên lịch sử mới là những người lao động hoặc tự giác ngộ từ bỏ giai cấp xuất thân của mình để hòa mình vào tầng lớp cần lao. Những nhân vật anh hùng thường có quá khứ nghèo khổ: nông dân nơi làng quê, thợ thuyền nơi các bến cảng, hầm mỏ. Trong văn học, nghệ thuật có rất nhiều tác phẩm văn xuôi, bài thơ, ca khúc, kịch, điện ảnh ca ngợi những người như vậy: những nhân vật nam, nữ trong các tiểu thuyết, truyện của Phan Tứ (Mẫn và tôi), Nguyên Ngọc (Rừng xà nu), Nguyễn Khải (Chiến sĩ); thơ của Lê Anh Xuân (Dáng đứng Việt Nam); các ca khúc Người chiến sĩ ấy, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân)… Trong việc xây dựng hình tượng nhân vật văn học, các nhà văn Việt Nam chịu ảnh hưởng từ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa các nước khác, nhất là văn học Liên Xô (cũ). Hình tượng Pavel Korchagin trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của N.A. Ostrovsky với ý chí sắt thép vượt lên tình cảnh tật nguyền của bản thân để có đóng góp vào “sự nghiệp chung” không còn chỉ là hình tượng văn học mà dường như đi ra ngoài trang sách thành người anh hùng trong thực tế. Người ta nói về Korchagin như một người có thật. Câu nói của nhân vật trong tiểu thuyết được nêu như châm ngôn sống, được ghi trong sổ tay của hàng vạn thanh niên Miền Bắc lúc đó: “Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Hình bóng các nhân vật chính trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ của nhà văn Séc Yulius Fucik, nhân vật Davydov trong Đất vỡ hoang của M. Solokhov, những nhân vật trong Cận vệ thanh niên của A. Fadeev có thể nhận thấy trong các nhân vật của văn học Việt Nam. Điều đáng chú ý là không thấy phiên bản Việt Nam kiểu nhân vật có số phận và nội tâm phức tạp như Gregori Melekhov trong tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm của M. Solokhov, dù tác phẩm này được phổ cập rất rộng ở Việt Nam.

    Con đường cách mạng: Con đường là hình ảnh biểu tượng rất cổ xưa trong văn hóa và văn học, rất phổ biến trong các nền nghệ thuật thế giới. Ở mỗi nền văn hóa, nghệ thuật, dù có một số khía cạnh chung, song nội dung biểu tượng vẫn có những ý nghĩa khác nhau. Trong văn học Nga chẳng hạn, con đường luôn là hình ảnh nổi bật ở Pushkin, Lermontov, Gogol, A. Tolstoi. Đó là con đường mùa đông dài bất tận đi liền với hình ảnh tuyết trắng, cỗ xe tam mã với người đánh xe. Có những ý nghĩa khác nhau của biểu tượng này ở mỗi nhà văn, nhà thơ, song phổ biến nhất là con đường tượng trưng cho số phận của nước Nga, của người nông dân Nga. Bộ tiểu thuyết Con đường đau khổ của A. Tolstoi biểu trưng cho hành trình tìm chân lý của giới trí thức Nga đầu thế kỷ XX. Trong văn hóa phương Đông, con đường là một biểu tượng lớn, nó có ý nghĩa bản thể, biểu trưng cho quy luật của thế giới (Đạo). Trong văn học truyền thống Việt Nam, hình ảnh con đường cũng có những ý nghĩa tượng trưng. Trong thơ ca dân gian, “đường xa” là biểu tượng sự xa cách: “con đường lưu lạc” của Thúy Kiều, con đường tự do cho cá nhân của Tự lực văn đoàn. Biểu tượng con đường trong văn học sau 1945 có ý nghĩa khác hẳn. Đó là con đường của sự phát triển cách mạng đi đến thắng lợi với nhiều chặng khác nhau. Hệ tư tưởng Mác-xít nhìn thấy con đường của lịch sử nhân loại đi qua năm hình thái xã hội lên xã hội cộng sản. Hồ Chí Minh, năm 1947, viết tác phẩm Đường kách mệnh vạch con đường đi cho cách mạng Việt Nam. Bài Tiến quân ca, bản quốc ca của Việt Nam, là hình ảnh đoàn quân bước đi trên con đường xa, biểu tượng con đường đi tới của dân tộc. Tố Hữu viết trường ca Ta đi tới: “Đường cách mạng dài theo kháng chiến”, rồi Ba mươi năm đời ta có Đảng: “Hôm nay ôn lại quãng đường dài”; Nguyễn Tuân viết Đường vui, Nguyên Ngọc có tùy bút Đường chúng ta đi… Hình ảnh tượng trưng “Con đường cách mạng” rất nổi bật trong văn học Việt Nam. Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy mỗi nền văn học có hệ biểu tượng của mình gồm một số biểu tượng cơ sở và những biểu tượng “thứ cấp” có phạm vi ảnh hưởng hạn chế hơn. Việc mô tả hệ thống biểu tượng, xem xét cơ chế hình thành biểu tượng của nền văn học nhằm nhận thức bản chất của nó, một công việc có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Trong phân tích hệ biểu tượng văn học, nghệ thuật có hai điều nên lưu ý là: 1/ Ý nghĩa của một biểu tượng được bộc lộ một cách khách quan và được một cộng đồng văn hóa nhất định chấp nhận, tuy nhiên không thể “múc cạn” (diễn giải hết) hàm nghĩa của một biểu tượng; 2/ Một nền văn nghệ mới ra đời sẽ xuất hiện những biểu tượng nghệ thuật mới và những cách diễn giải mới đối với một số biểu tượng cơ bản đã có. Đây cũng là quá trình kế thừa truyền thống và sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

 

 

 

Chú thích:
1 Xem: Trịnh Bá Đĩnh (Chủ biên, 2017), Từ ký hiệu đến biểu tượng, NXB. Khoa học xã hội.
2 Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB. Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, tr. 561.
3 Macxim Gorki (1979), Tuyển tập truyện ngắn, tập 2, NXB. Văn học.
4 Ngô Sĩ Liên (2013), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB. Thời đại, tr. 45.

    

    

Bình luận

    Chưa có bình luận