TỪ ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM (1943) ĐẾN THÀNH TỰU BẢO TỒN, PHÁT HUY NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG HÔM NAY

Việt Nam là một quốc gia có nền âm nhạc truyền thống phát triển phong phú và độc đáo. Sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại là thành quả sáng tạo của văn nghệ sĩ dựa trên nền âm nhạc truyền thống. Kể từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), âm nhạc truyền thống Việt Nam được bảo tồn và phát huy một cách toàn diện. Nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống qua các giai đoạn kể từ Đề cương cho phép rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho giai đoạn hiện nay.

    Nói đến sự biến đổi, phát triển của văn hóa, xã hội Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX-nửa đầu thế kỷ XX, chúng ta cần đặt vấn đề trong bối cảnh xã hội đất nước từ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt là sau Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Trong đó, hai luồng văn hóa có nguồn gốc phương Tây với mục tiêu và phương pháp thâm nhập khác nhau là những yếu tố quan trọng của bối cảnh. Đó là văn hóa Pháp qua con đường khai thác thuộc địa và văn hóa Mác-xít qua con đường giải phóng dân tộc, được truyền chủ yếu từ Liên Xô (cũ) vào Việt Nam. Cần phải nói thêm rằng, sự tiếp xúc văn hóa phương Tây tại Việt Nam diễn ra ngay từ thế kỷ XVI qua hoạt động truyền đạo và các giao lưu thương mại, song còn mờ nhạt; phải đến giai đoạn khi thực dân Pháp chính thức bình định và tiến hành khai thác thuộc địa nước ta, vấn đề giao lưu, tiếp biến văn hóa mới thực sự diễn ra mạnh mẽ và rõ ràng. Nói cách khác, chúng ta không thể phủ nhận một sự thậtrằng quá trình này vô hình trung đã thổi một “luồng gió mới” vào đời sống văn hóa, xã hội nước nhà và có những bước phát triển tích cực ngay từ những thập kỷ cuối thế kỷ XIX. “Điều chúng ta quan tâm ở đây là từ thế kỷ XIX, văn hóa Pháp có điều kiện thâm nhập ngày càng sâu vào xã hội Việt Nam, đem lại nhiều biến đổi sâu sắc”1 .

    Trước sự du nhập mạnh mẽ của nhiều luồng nghệ thuật mới từ phương Tây vào Việt Nam như vậy, để nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của ta có được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ còn phải đặc biệt quan tâm đến một tiền đề nữa, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã tác động không nhỏ tới đời sống nghệ thuật nước nhà nói chung, âm nhạc nói riêng. Với mục tiêu cốt lõi: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng, Đề cương là một đường hướng đầu thể hiện tư duy lý thuyết khoa học với chủ nghĩa yêu nước trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 mà đồng chí Trường Chinh đại diện đưa ra cho thấy hướng đi nhất quán: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng là một đòi hỏi có tính thời đại của dân tộc. Ở đây, vấn đề “Dân tộc”, phù hợp với tinh thần và lợi ích dân tộc được đề cập trước hết. Ngay sau đó là vấn đề văn hóa nước nhà phải hướng tới đại chúng, phục vụ vì con người và xã hội Việt Nam. Đáng chú ý là vấn đề “Khoa học”. Đề cương khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm… Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng quá trớn của bọn tờrốtkít”2 . Đây có thể coi như cuộc gặp gỡ tư tưởng thời đại giữa thực tế xã hội truyền thống với sự hiện diện và phát triển của văn hóa, khoa học phương Tây ở Việt Nam. Chính vì thế, văn hóa giai đoạn này phải là “văn hóa mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo chủ trương chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xô viết, mà văn hóa Việt Nam (trước hết - NĐL) là văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”3 .

    Từ quan điểm của Đảng ta mà đội ngũ những người làm âm nhạc thực hiện một cuộc bảo vệ bản sắc văn hóa âm nhạc truyền thống một cách mạnh mẽ. Họ là lực lượng nòng cốt, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp bảo tồn âm nhạc truyền thống, đồng thời phát triển nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu thị hiếu thẩm mĩ phù hợp với bối cảnh xã hội mới ngay thời kỳ đầu thế kỷ XX.

    1. Những thành tựu tiêu biểu
    1.1. Về bảo tồn văn hóa âm nhạc truyền thống dân tộc
    Với phương châm “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng”, các nhạc sĩ đã tiếp thu kỹ thuật âm nhạc phương Tây vào bảo tồn và phát huy nền âm nhạc truyền thống trong nền âm nhạc mới Việt Nam. Nguyễn Xuân Khoát cho rằng: “Khi gây dựng lại truyền thống hò hát trong sinh hoạt quần chúng, chúng ta phải đề cao không ngừng bằng mọi cách, cũng như trong việc khai thác phát triển cần nhất phải nhìn rõ nhược điểm vật liệu khai thác đối chiếu với nội dung đề tài mà bổ khuyết một cách thật khoa học”4 . Ở đây, vấn đề bảo tồn và phát triển một cách khoa học đã được đề cập. Nếu như trước đây phần lớn sự sáng tạo của ta thực hiện theo kinh nghiệm của ông cha thì sau này, từ khóa “khoa học” trong sáng tạo, thực hành và truyền dạy được chú trọng. Sau này, Giáo sư Trần Văn Khê cũng là người có nhiều hoạt động cụ thể trong công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá vốn âm nhạc truyền thống dân tộc ở cả trong và ngoài nước. Ông cũng đưa ra luận điểm rất đáng chú ý rằng: “Khai thác vốn cổ không chỉ trở về với khuôn mẫu cũ, chỉ đem làm sống lại những lối nhạc, có thể hợp với tâm hồn người Việt thời xưa mà rất xa lạ với người Việt thời nay. Khai thác vốn cổ để cho vốn ấy chẳng những trường tồn mà còn phát triển”. Và quan trọng, “muốn phát triển một lối nhạc cổ truyền, trước hết phải thấu đáo những đặc điểm và bí quyết của truyền thống đó. Muốn thấu đáo một truyền thống, phải học hỏi, sưu tầm. Nếu không thì việc nhập cảnh những nhạc thuật nước ngoài có thể làm cho một truyền thống chết ngột”5 .

    “Dân tộc” đi liền với “khoa học” và “đại chúng”, đó là vấn đề rất khó, đòi hỏi trong sáng tạo âm nhạc cần lực lượng được đào tạo bài bản, khoa học cũng như có ý thức chuyên nghiệp thật sự. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn yêu cầu, trong phát huy vốn cổ truyền âm nhạc dân tộc, “Ta tôn trọng, yêu quý vốn cổ nhưng ta không “tòng cổ” một cách thiếu phê bình, việc nâng cao (cụ thể là sửa chữa nhạc và lời một số bài cho thích hợp) là một việc rất tôn trọng yêu quý vốn cổ, vì có như vậy mới làm giàu thêm kho tàng dân ca của dân tộc”. Và quan trọng hơn là luận điểm cho rằng khi bảo tồn và phát huy dân ca nói riêng, âm nhạc cổ truyền nói chung, có một nguyên tắc bắt buộc của người trực tiếp làm công tác này là: “Chỉ có ý thức yêu, tôn trọng dân ca (vốn cổ) mới làm được việc nâng cao dân ca, ta không sợ phát triển dân ca thành “dân ca Âu phương” được”6 . Có nghĩa là khi nói đến hoạt động sáng tạo, vận dụng những thủ pháp sáng tác hay nâng cao, cải cách âm nhạc truyền thống của dân tộc, chúng ta không lo sợ rằng “gieo vừng ra ngô” hoặc Tây không ra Tây và Ta không ra Ta, mà trên hết, chúng ta phải có sự nghiên cứu nghiêm túc, tỉ mỉ và cẩn trọng, phải hiểu một cách thấu đáo vốn dân ca, dân nhạc đó thì mới tiến hành công việc nâng cao, phát triển được.

    Cùng với quan điểm của đội ngũ trí thức, những người trực tiếp làm âm nhạc là quan điểm của những người làm công tác quản lý, tư tưởng của Đảng ta, trong đó đáng chú ý là những người thực hiện, đưa Đề cương về văn hóa Việt Nam vào cuộc sống. Đồng chí Cù Huy Cận khi là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, khi nói cụ thể về việc cải tiến nhạc cụ đã khẳng định: “Cải tiến nhạc cụ là một yêu cầu khách quan, một đòi hỏi của quần chúng thời đại chúng ta. Nhạc cụ cũ không thể nào diễn đạt hết những tình cảm mới của dân tộc. Chúng ta cần giữ gìn những âm sắc của nhạc cụ dân tộc, cần dùng nhạc cụ dân tộc để phục vụ nhân dân nhưng đồng thời còn phải thông qua cây đàn, thông qua nghệ thuật âm nhạc dân tộc làm cho nhân dân thế giới hiểu được chúng ta nữa”7 .

    Như vậy, tư tưởng có tính xuyên suốt quá trình hoạt động bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống, các nhạc sĩ, những người làm công tác quản lý của chúng ta luôn tỏ rõ ý thức, trách nhiệm bản thân trước vấn đề bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc thế nào để giữ lại những tinh hoa mà ông cha ta đã dày công sáng tạo và chưng cất từ bao đời nay.

    1.2. Về phát huy nền âm nhạc truyền thống trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam
    Nền âm nhạc Việt Nam bao gồm cả âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại. Tuy nhiên, nền âm nhạc hiện đại được phát triển trên nền tảng của nền âm nhạc truyền thống dân tộc nhưng quan trọng là tiếp thu những tri thức, lý thuyến khoa học âm nhạc phương Tây và các nước tiên tiến. Cả 3 yếu tố Dân tộc, Khoa học và Đại chúng đều được chú trọng trong toàn bộ khâu đào tạo, sáng tác, biểu diễn và giảng dạy. Căn cứ vào thực tiễn nhận thức nhạc mới của người dân mà văn nghệ sĩ biết vận dụng như thế nào để đưa tinh thần tiến bộ vào tác phẩm, phát huy âm nhạc mới trong đời sống xã hội ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Nhạc sĩ Đào Trọng Từ cho rằng: “Nhân dân lao động từ trước đến nay ít được nghe nhạc phương Tây, cho nên chưa hiểu gì về nhạc phương Tây […]. Do đó, phương pháp giáo dục và trau dồi kiến thức âm nhạc là cho nghe nhiều, và tất nhiên là phải cho nghe nhiều loại nhạc có giá trị cả về hai mặt tư tưởng và nghệ thuật”8 . Khi bàn về Tân nhạc trong xu thế phát triển phù hợp với thời đại, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng đồng thời cho rằng: “Phải làm sao để thanh niên bây giờ không chỉ cầm nhị kéo Lưu thủy, Kim tiền, mà kéo được cả những bài đang hát hiện nay, thậm chí những bài cổ điển mà đàn Viôlông kéo được thì nhị cũng kéo được” 9.

    Bên cạnh những quan điểm phối hợp Đông-Tây trong trình diễn nhạc truyền thống dân tộc, nhiều nhạc sĩ đã chú ý đến cách viết để làm sao một bản nhạc mang được hơi thở Việt, nhạc tính Việt. Theo nhạc sĩ Thẩm Oánh thì khi sáng tác Tân nhạc, “cách viết […] thì […] theo phương pháp Tây phương nhưng âm thanh […] thì phải thể theo ý nhạc Việt Nam”10 . Đây là một trong những tiêu chí quyết định để cho ra đời một nền âm nhạc mới Việt Nam do chính người Việt Nam sáng tác cho công chúng của mình. Và theo nhạc sĩ quan sát và nghiên cứu âm nhạc giai đoạn này, ông cho biết, chính nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có thể coi là một trong những nhạc sĩ đầu tiên có công lao lớn đối phong trào phát triển Tân nhạc, đáp ứng nhu cầu thị hiếu thời đại, tìm phương hướng dân tộc hóa âm nhạc cải cách11 .

    Có thể nói, đây là kết quả của sự hội gộp giữa quan điểm trực tiếp của những người làm nghệ thuật âm nhạc, đồng thời có sự thống nhất tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta khi nhìn nhận văn hóa truyền thống dân tộc và những tinh hoa văn hóa nhân loại chính là những yếu tố tiên quyết cho một xã hội phát triển bền vững. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 cùng với nhiều quan điểm của Đảng ta ngay từ thời kỳ đó đã cùng với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà làm nên cuộc cách mạng văn hóa, ở đây là riêng lĩnh vực âm nhạc, có tính bước ngoặt. Trong quan điểm của Đảng ta giai đoạn này đã xác định rõ: “Vận động văn nghệ nhân dân là bồi dưỡng, hướng dẫn khả năng văn nghệ của nhân dân, mà chủ yếu là công nông binh, tạo điều kiện cho quần chúng tiến lên làm chủ thực sự của nền văn nghệ mới […]. Quan trọng hơn, “các đội kịch, nhạc lưu động giới thiệu cho quần chúng những tác phẩm có giá trị” […]. Tập cho quần chúng những hình thức giản đơn như vè, ca dao, kịch cương tiến dần đến những hình thức cao hơn”12 .

    Như vậy, nền Tân nhạc Việt Nam đã có một quá trình thai nghén, định hình và phát triển rất mạnh mẽ nhờ vào môi trường, bối cảnh xã hội cùng với những đóng góp vô cùng lớn lao của chính người Việt Nam tiến bộ. Theo nhận xét của PGS. TS. Nguyễn Thụy Loan: “Sự ra đời của âm nhạc cải cách là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt, bước phát triển mới trong lịch sử âm nhạc nước ta. Cũng như sự canh tân sân khấu cổ truyền, sự ra đời của âm nhạc mới không phải chỉ do tác động của cuộc xâm lăng văn hóa, mà còn là một tất yếu lịch sử khi quan hệ sản xuất thay đổi, các giai cấp mới hình thành, có nếp nghĩ và cuộc sống khác hẳn xưa”13 . Đây chính là một quy luật lịch sử mà người làm âm nhạc Việt Nam giai đoạn đầu này đã nắm được và thực hiện thành công, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đời sống văn hóa nước nhà hàng thế kỷ qua. Tác giả Nguyễn Thụy Loan cho biết thêm: Những tác phẩm bước ngoặt cho sự ra đời này gắn với tên tuổi của một số nhạc sĩ như Đinh Nhu với Cùng nhau đi hồng binh (1930), Lê Yên với Vườn xuân (1937), Văn Chung với Trên thuyền hoa (1937), Nguyễn Xuân Khoát với Bình minh (1938), Nguyễn Văn Tuyên với Một kiếp hoa (1938, lời Nguyễn Văn Cổn), Lê Thương với Tiếng đàn đêm khuya (1938), và một số nhạc sĩ khác như: Vũ Khánh, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Thiện Tơ, Nguyễn Trần Dư... Đây được coi như những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đầu tiên mà ở đó đã giải quyết được mối quan hệ tự nhiên giữa cao độ âm nhạc với thanh điệu trong tiếng Việt theo ngữ hệ La-tinh trên cơ sở hệ thống bình quân luật của thang âm nhạc Tây Âu.

    Sau đó, hệ thống tác phẩm âm nhạc lớn ra đời, ở cả các thể loại hợp xướng, giao hưởng và các hình thức sân khấu âm nhạc mới được phát huy, phát triển phù hợp với thị hiếu thời đại.

    Trong sự nghiệp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục từ trung cấp đến đại học và sau đại học được đầu tư, nâng cấp và xây dựng. Hiện nay, ngoài ba Nhạc viện (Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh) còn có hàng chục trường đại học, cao đẳng của trung ương có đào tạo về âm nhạc. Đó là không kể đến hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật ở hầu hết 63 tỉnh/ thành trong cả nước. Nhiều con em người dân tộc thiểu số được phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện phát triển tài năng. Trong đào tạo sáng tác, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là nơi đào tạo chuyên nghiệp từ bậc trung cấp tới sau đại học; là nơi duy nhất trong cả nước đào tạo mã ngành âm nhạc học ở trình độ Tiến sĩ. Nhiều luận án được thực hiện trên cơ sở những nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền hoặc xây dựng chất liệu âm nhạc cổ truyền trong các tác phẩm, từ khí nhạc tới hợp xướng - thanh nhạc.

    Trong biểu diễn, yếu tố “đại chúng” được thể hiện rất rõ ở chỗ: phần lớn chương trình biểu diễn âm nhạc từ cấp trung ương tới địa phương đều được tuân theo một “form”, hay bố cục chung là hướng tới chọn những bài hát có nội dung ca ngợi và tôn vinh vẻ đẹp, hình ảnh đất nước, con người và tình yêu đôi lứa trong sáng, giản dị hồn hậu từ trong lao động sản xuất đến đời thường. Đây có thể được coi như “luật bất thành văn”, nói đúng hơn là nguyên tắc chung mà các đạo diễn hay những người dàn dựng chương trình đã nắm được trong quá trình đào tạo tại các trường nghiệp vụ văn hóa, nghệ thuật của ngành. Tùy theo từng chủ đề và sự kiện được tổ chức mà “hàm lượng” các bài hát được chọn cho đêm diễn theo hướng chung đó. Tính Đảng và nguyên tắc xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc được đưa lên vị trí hàng đầu trong dàn dựng chương trình và tổ chức biểu diễn. Đáng chú ý là thời gian gần đây, hoạt động biểu diễn gắn liền với việc phát huy những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống, từ nội dung đến hình thức, được các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ hưởng ứng và tích cực tham gia, nhiều sáng tác mới ngày càng được khai thác từ chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống phối hợp với bối cảnh văn hóa-xã hội cụ thể.

    2. Kết luận
    Có thể coi Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 như một sự tổng kết quan trọng, thể hiện sự thống nhất, đồng lòng của Đảng ta và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức – mà phần lớn họ là những người con của cách mạng, đi theo Đảng và đã có những đóng góp không nhỏ cho dân tộc cả trên mặt trận giải phóng dân tộc và phát triển nền văn hóa truyền thống nước nhà. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 cũng được coi là tiền đề quan trọng để chúng ta hoàn thiện và nâng cao hơn tinh thần đó ở Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII sau này. Như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”14 .

    Sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là một định hướng đúng đắn, kịp thời, tạo đà cho chủ nghĩa yêu nước trong giới văn nghệ sĩ, trí thức được phát huy, khẳng định. Từ quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược, nguồn lực có vai trò quan trọng tạo phong trào này chính là đội ngũ trí thức Tây học, trực tiếp là những người vừa trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật nước nhà giai đoạn này. Nếu như cá nhân những người làm văn hóa âm nhạc có vai trò quyết định trực tiếp cho nền âm nhạc Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX vừa thể hiện sâu sắc dân tộc tính trong bảo tồn, phát huy âm nhạc cổ truyền dân tộc, đồng thời phát triển Tân nhạc mang hơi thở mới thì vai trò lãnh đạo của Đảng và Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 chính là đường hướng quan trọng có tính nhất quán, góp phần tăng cường cổ vũ, động viên những người làm âm nhạc và công chúng tham gia một cách chủ động vào phong trào bảo tồn và phát huy truyền thống và hiện đại trong nền âm nhạc Việt Nam giai đoạn này. Đây có thể coi là cơ sở quan trọng để nửa sau thế kỷ XX, nền âm nhạc Việt Nam đã khẳng định được không khí mới trên cả bình diện phát huy nền âm nhạc dân tộc, đồng thời tiếp cận nhiều khuynh hướng sáng tác mới phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam đương đại.

 

 

 

Chú thích:
1 Trường Lưu (2013), Văn hóa mấy vấn đề từ giai đoạn bản lề (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), NXB. Văn hóa thông tin, tr. 68.
2 Trường Chinh (1943): “Đề cương về văn hóa Việt Nam” , in trong Một số văn kiện của Đảng về công tác tư tưởng văn hóa, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương xuất bản năm 2000, tập 1, tr. 30-32.
3. Trường Chinh (1943), Sđd, tr. 30-32.
4 Nguyễn Xuân Khoát: “Hò”, Tập san âm nhạc, số 10, 11; in trong Hợp tuyển Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, NXB Văn hóa dân tộc, 1956, tr. 139.
5 Trần Văn Khê: “Để khơi mạch sống cho cổ nhạc Việt Nam”, Tạp chí Bách khoa, số 99; in trong Hợp tuyển Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, NXB. Văn hóa dân tộc, 1961, tr.270.
6 Nguyễn Đình Tấn: “Mấy y kiến trao đổi về nâng cao và phát triển Quan họ”, Tập san âm nhạc, số 10, số 11; in trong Hợp tuyển Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, NXB. Văn hóa dân tộc, 1956, tr. 130.
7 Dẫn theo Lê Huy: “Vấn đề cải tiến nhạc cụ dân tộc”, Tạp chí Văn hóa, số 12.1959 và số 04.1960; in trong Hợp tuyển Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập 3, NXB. Văn hóa dân tộc, 1959, tr. 91.
8 Đào Trọng Từ: “Nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc của quần chúng”, Báo Văn học, 1962.
9 Nguyễn Văn Thương: “Tham luận Hội thảo của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Giám đốc Nhạc viện Hà Nội” Tạp chí âm nhạc, số 4 ; in trong Hợp tuyển Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, NXB. Văn hóa dân tộc, 1982, tr. 795.
10 Thẩm Oánh: “Lịch sử tiến hóa của nền âm nhạc cải cách Việt Nam”, Việt Nhạc, số 5, 1948, tr. 2.
11 Theo Thụy Loan: “Suy nghĩ về sức sống Việt Nam qua những chặng đường sử nhạc”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệthuật, số 1, 3, 4, 5; in trong Hợp tuyển Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, NXB. Văn hóa dân tộc, 1980, tr. 678.
12 Trích Báo cáo Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, NXB. Chính trị quốc gia, tr. 75 - 80.
13 Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam (Giáo trình bậc Đại học), Nhạc Viện Hà Nội, tr. 72-73.
14 Nguyễn Phú Trọng: “Toàn văn bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021”, Cổng thông tin Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2023, tr.7.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận