PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Bài viết đánh giá thực trạng, chỉ ra những yếu kém, bất cập của công tác phê bình văn học, nghệ thuật. Đồng thời, phân tích, lý giải nguyên nhân của những yếu kém bất cập đó từ nhiều phía: từ người viết, người lãnh đạo, quản lý, các cơ quan hoạt động văn nghệ đến cơ chế, chế độ đãi ngộ. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp cho hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay

    Một hiện thực đáng buồn. Có thể nói như thế về thực trạng của phê bình văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay mà không sợ quá lời. Công việc phê bình văn học, nghệ thuật không được coi trọng ở nhiều khâu: từ người cầm bút đến người sử dụng, và hậu quả là công chúng cũng không coi trọng, không chờ đợi, thậm chí quên luôn.

    1. Về phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam
    Hiện nay, có không nhiều bài viết chất lượng theo đúng yêu cầu, trách nhiệm của phê bình văn nghệ. Hiểu chữ phê bình đủ nghĩa, không chỉ là “phê” cho người ta thấy cái dở, sự thiếu sót của tác phẩm mà còn phải “bình” đến nơi đến chốn sự thành công, cái hay, cái đẹp, không chỉ về nội dung tác phẩm mà cả hình thức thể hiện theo đặc thù ngôn ngữ của ngành nghệ thuật của tác phẩm được viết cũng như giá trị của tác phẩm trong bối cảnh xã hội và của sự phát triển ngành đó nếu có. Soi chiếu tiêu chí đó vào thực tế, có thể thấy vẫn còn nhiều bài viết “phê” không đến nơi đến chốn, “bình” cũng chẳng thấu đáo.

    Nói rằng không có những bài viết phê bình đúng nghĩa và có giá trị thì không đúng nhưng thực sự rất ít, và buồn thay, đó lại là khuynh hướng chung của những người có điều kiện cầm bút hiện tại. Nói rằng “có điều kiện” là để chỉ những người đang hoạt động trong các tòa soạn báo, tạp chí, trong ban văn nghệ của đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương – những người có điều kiện để đăng bài hoặc lên sóng. Những người viết phê bình tự do ít được đặt viết bài nếu bản thân biên tập viên và “sếp” của cơ quan ngôn luận đó không chú ý đến tính khách quan, đa chiều của phê bình. Vì vậy, xuất hiện tình trạng viết theo kiểu “điểm báo, điểm phim, đọc sách”... nghĩa là tóm tắt nội dung là chính, may ra thì có thêm vài nhận xét hay, dở và vài ba câu về đạo diễn hoặc diễn viên... Và như thế thì điểm phim, điểm sách, điểm vở diễn cũng viết na ná như nhau. Từ đó, đã xuất hiện cụm từ “phê bình kiểu báo chí” để chỉ kiểu viết hời hợt này.

    Ở báo chí, bài của cộng tác viên được xử lý có nhiều lúc tùy tiện. Ở những tạp chí chuyên ngành và người phụ trách có xu hướng theo học thuật thì khi thay đổi hoặc sửa chữa câu chữ, biên tập viên trao đổi với tác giả. Đó là cách làm đúng luật và thể hiện sự tôn trọng người viết. Nhưng ở một số tờ báo không chuyên ngành thì sự sửa chữa, cắt cúp rất chủ quan, nhiều khi cắt cơ học, họa sĩ cũng có thể cắt do “thiếu chỗ” trên tờ báo. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm cay đắng về chuyện bài của mình bị sửa chữa, cắt cúp vô lối này.

    Phê bình “kiểu báo chí” này có thể có những bài trung tính, khách quan, mặc dù hời hợt. Nhưng không ít trường hợp có những bài viết theo kiểu quảng cáo tiếp thị, khen vống lên vì mối quan hệ cá nhân của người viết với người có tác phẩm hoặc có khi theo cách áp đặt chủ quan của người viết phê bình. Còn đâu tính khách quan của ngòi bút phê bình ?

    Tôi đã hỏi ý kiến một số nhà văn về phê bình văn nghệ và nhận được câu trả lời của họ. Ngô Thảo, nhà văn, nhà phê bình sân khấu nói: “Chỉ có những ý kiến sau các buổi tổng duyệt là khả dĩ, còn nói chung không có phê bình sân khấu” (Có khi vì nể người phụ trách nhà hát – sợ bị chê thì vở diễn không có khản giả). Nhà báo, nhà văn Trần Chiến nói rằng: “Đôi khi một vài ý kiến vỗ vai nhau nói thì có giá trị”. Nhà văn Bắc Sơn nhận xét về một số bài phê bình (trong đó có bài viết về truyện của ông) rằng chính những người viết cũng không hiểu hoặc hiểu không đúng tác phẩm.

    Một trong những điều thiếu hụt trong phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta là thiếu sinh hoạt phản biện đầy đủ của người viết. Ví dụ: Việc xuất bản một số tác phẩm văn học viết theo khuynh hướng tự nhiên, miêu tả những chuyện sex và những mối quan hệ giới tính một cách dung tục. Tự do sáng tác là của nhà văn nhưng sự phổ biến và tiếp nhận nó như thế nào là điều cần được chú ý. Nhìn nhận nghiêm túc và mức độ, không phải chỉ vì chúng ta bị ảnh hưởng tư tưởng cũ mà lẽ ra cần phải tranh luận cho thấu đáo thì có hiện tượng một vài nhà phê bình theo xu hướng cấp tiến ca ngợi các tác phẩm đó, hết lời tung hô các tác giả, coi họ như những người tiên phong của trào lưu đổi mới. Như vậy không tốt và là sự vô trách nhiệm. Một vài bộ phim điện ảnh miêu tả không đúng hiện thực xã hội của thời quá khứ được khen hết lời, thậm chí đoạt những giải thưởng cao mà hiếm có bài vạch ra sự yếu kém, sai lệch. Những tác phẩm kiểu này qua thời gian sẽ làm cho những người không biết về hiện thực xã hội mà bộ phim miêu tả hiểu sai về lịch sử. Trong sáng tác, sự tiếp nhận lý thuyết và các khuynh hướng sáng tác của nước ngoài (chẳng hạn, chủ nghĩa hậu hiện đại) là lẽ tự nhiên bởi vì những người sáng tạo luôn hướng đến cái mới. Nhưng sáng tác không phải chỉ để thể hiện bản thân mình là người tiên phong mà đích ngắm của sự sáng tạo trước hết phải là công chúng trong nước. Sáng tác chỉ để thỏa mãn bản thân mà không hướng tới công chúng thì không phải là điều đáng khuyến khích. Ở ta cũng có một số tác phẩm (mới) theo trào lưu đó. Bản thân tôi đã cố gắng đọc một cuốn tiểu thuyết rất dày có tên Hỗn độn, khó đọc quá nên tôi cũng đọc một cách “hỗn độn” rồi bỏ dở. Tôi làm nghề viết, việc đọc sách là một trong những yếu tố để tồn tại mà không đủ kiên nhẫn để đọc hết cuốn sách thì những người không làm nghề sẽ đọc thế nào? Khi những tác phẩm kiểu này được xuất bản, trên công luận hiếm có sự trao đổi, sự đối thoại đến nơi đến chốn của các luồng ý kiến trái chiều qua các bài viết để công chúng biết được những tác phẩm ấy hay ở chỗ nào, dở như thế nào. Những cuộc tranh luận có tính trao đổi hoặc phản biện sẽ tạo nên sự hấp dẫn của phê bình văn nghệ, cuốn hút những người cầm bút, những người có thể theo nghề và độc giả. Những tác phẩm được coi là phản lại đường lối của Đảng hoặc phản lại quyền lợi dân tộc càng phải được mổ xẻ, tranh luận cho đầy đủ để công chúng biết cái xấu, cái chưa được của tác phẩm chứ không nên dập tắt một chiều và ngay lập tức (nhất là sách và phim bị cấm phát hành). Càng công khai, càng thẳng thắn thì càng có lợi cho công chúng và giới chuyên môn. Rất tiếc, người viết phê bình văn học, nghệ thuật ở ta còn thiếu tinh thần phản biện đầy đủ.

    2. Nguyên nhân của sự bất cập
    Nguyên nhân của sự bất cập trong phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay có thể tìm từ nhiều phía: từ phía người viết, người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn nghệ và cả chế độ đãi ngộ…
    2.1. Về phía người viết
    Chúng ta phải nói về vấn đề đào tạo và tự đào tạo của người viết phê bình văn học, nghệ thuật. Đội ngũ viết chủ lực hiện nay ở các cơ quan báo chí hầu hết đều đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành văn học, âm nhạc, mĩ thuật, sân khấu, điện ảnh… và cả những người đã tốt nghiệp đại học ngành báo chí. Trường đại học đào tạo báo chí chắc chắn sẽ không dạy chuyên sâu về các ngành nghệ thuật. Những người tốt nghiệp các trường văn học, nghệ thuật được đào tạo về chuyên môn văn học, nghệ thuật. Nhưng nếu chúng ta đi sâu tìm hiểu thì ở một số trường, do điều kiện của môi trường đào tạo, do trình độ và nhiệt huyết của giảng viên, do cách học và nhiệt tình của sinh viên mà kết quả đào tạo không được như mong muốn (Tôi có một kỷ niệm khó quên: một sinh viên đến nhờ hỗ trợ làm luận văn tốt nghiệp khoa lý luận-phê bình điện ảnh, sinh viên đó thật thà nói với tôi: “Thú thật với cô, em cũng chẳng hiểu ngôn ngữ điện ảnh là gì”. Thực ra, nó là tổng hợp nhiều môn em ấy học trong trường nhưng không ai giúp em ấy đúc kết lại. Lúc ấy tôi nghĩ: Trời ơi, những người học lý luận-phê bình như thế này mà ngồi ở một tòa soạn, họ cứ tự nhiên cho quyền sửa chữa bài của người khác – nhất là những người khi viết luôn đắn đo, cân nhắc từng câu từng chữ – thì thật đau khổ cho người cầm bút).

    Kiến thức ở nhà trường mới chỉ là cơ bản, là sơ đẳng nếu sau khi ra trường, người học không tiếp tục trau dồi mở rộng hiểu biết thì năng lực sẽ rất hạn hẹp. Trong khi đó, ở các ban văn nghệ của báo, đài, đòi hỏi một phóng viên, biên tập viên phải phụ trách vài ba ngành nghệ thuật. Tính không chuyên, kiến thức chưa thể đủ dùng, nếu bản thân mỗi người không tự học thêm (và cả việc học văn bằng II của môn mình chưa được đào tạo) thì chuyện viết, chuyện sử dụng, biên tập bài phê bình văn nghệ bị hạn chế là điều không tránh khỏi. Việc học tập, trau dồi kiến thức,rèn luyện bản thân để mở rộng sự hiểu biết, nâng cao tay nghề không còn là việc của bản thân các nhà báo, nhà phê bình mà còn là việc quan thiết của những người làm công tác lãnh đạo, quản lý và cả các biên tập viên.

    Như vậy, thực trạng người viết phê bình văn học, nghệ thuật còn thiếu tinh thần phản biện đầy đủ là nguyên nhân của sự “yếu và thiếu”, sự trầm lắng của phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay. Bởi nếu thiếu tinh thần phản biện thì không thể “phê” cho hợp tình hợp lý, “bình” cho đến nơi đến chốn; không thể chỉ ra cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của tác phẩm một cách thuyết phục. Và như thế thì không thể làm tròn trách nhiệm định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ, định hướng thẩm mĩ cho công chúng tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật.

    2.2. Về phía người quản lý
    Không phải tất cả những cán bộ quản lý lĩnh vực văn nghệ của các đài, báo đều có chuyên môn sâu rộng về văn học, nghệ thuật (trừ ở các tạp chí chuyên ngành) hoặc có tình yêu với các bộ môn này.

    Người được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo, quản lý lâu nay bắt buộc phải có bằng cao cấp lý luận chính trị nhưng dường như chưa có nơi nào yêu cầu xem xét việc họ đã dự các lớp đào tạo/ tập huấn về lý luận và thực tiễn văn học, nghệ thuật hoặc học thêm về ít nhất là một trong các ngành văn học, nghệ thuật hay chưa. Việc quan tâm đến trình độ chính trị của người được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý văn nghệ là rất đúng nhưng chưa đủ. Bởi thực tế cho thấy nếu điều hành công tác văn hóa tốt thì hiệu quả chính trị lớn hơn rất nhiều.

    Đây đó vẫn còn thực trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí văn nghệ hầu như không quan tâm đến việc tự bồi dưỡng kiến thức văn học, nghệ thuật cho mình. Và dường như họ cũng ít quan tâm tới việc bồi dưỡng chuyên môn cho cấp dưới, cũng không để tâm đến việc cấp dưới của mình thuận hay nghịch với lĩnh vực được phân công phụ trách. Cán bộ quản lý nào có chút tình yêu với văn học, nghệ thuật thì còn chăm chú đến chất lượng chuyên môn (văn học, nghệ thuật) của bài viết. Còn nói chung, điều quan tâm lớn nhất, gần như tuyệt đối của họ là làm sao không sai phạm về chính trị, sau đó có thể mới tính đến “hay” (mà không hay cũng chẳng sao!). Bởi vậy, họ duyệt cho qua những tin, bài về văn học, nghệ thuật cũng theo tiêu chuẩn chính trị: không phạm luật, không phạm những điều cấm kỵ về chính trị là được. Do đó, ở nhiều báo, tạp chí, những bài phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng xuất hiện rất ít, mặc dù trong thực tế, vẫn còn khá nhiều người viết tốt. Cách quản lý này, về khách quan, làm cho các mục văn học, nghệ thuật thiếu chiều sâu, ít thú vị, ảnh hưởng đến tâm thế của cả người viết lẫn những người biên tập và ảnh hưởng đến cả cảm hứng của công chúng.

    Khi người có quyền chỉ đạo một cơ quan báo chí không đánh giá đúng, không coi trọng vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật thì hoạt động này trên thực tế sẽ rời rạc; chức năng tích cực và cần thiết của phê bình là góp phần thúc đẩy sáng tác và nâng cao thị hiếu cho công chúng sẽ khó được phát huy.

    2.3. Về chế độ nhuận bút
    Chế độ nhuận bút dành cho phê bình văn học, nghệ thuật cũng là một trong những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công tác phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay.

    Học phê bình văn học, nghệ thuật đã khó, đi xin việc cũng không dễ dàng (nhiều người học lý luận-phê bình văn học, nghệ thuật phải làm trái nghề), đồng lương có lẽ cũng chẳng nhiều nhặn gì nếu so với các công việc khác trong xã hội. Vì vậy, chỉ những ai thực sự yêu nghề mới theo nghề. Mà những yếu tố kích thích lòng yêu nghề lại cần được nghiêm túc xem xét và đánh giá lại. Một bài viết phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật, nếu đặt trong mối tương quan giữa sự đầu tư trí tuệ và cảm xúc, thời gian hoàn thành bài viết với số tiền thù lao (nhuận bút) ít ỏi đến mức thê thảm (những người làm nghề khác rất ngạc nhiên khi biết mức thù lao cho những bài viết nghiêm túc và là kết quả của sự đầu tư trí tuệ cùng với cảm xúc ấy) thìrất dễ lý giải vì sao lĩnh vực phê bình không hấp dẫn người cầm bút. Nói như vậy để một lần nữa khẳng định rằng chỉ có ai rất yêu nghề mới theo đuổi công việc phê bình văn học, nghệ thuật. Mà số này luôn luôn không nhiều và ngày càng mai một.

    3. Một số đề xuất
    Một là, về quản lý, các cán bộ quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của phê bình văn học, nghệ thuật có giá trị, có chất lượng để có khả năng tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và có tác động tới sáng tác. Đó là cách triển khai nhiệm vụ chính trị có hiệu quả nhất. Ở mỗi cấp lãnh đạo, quản lý có nhiệm vụ và cách làm riêng nhưng thiết nghĩ cấp nào cũng cần thực hiện nhiệm vụ học và tự học không ngừng để nâng cao sự hiểu biết về văn học, nghệ thuật; quan tâm đào tạo cấp dưới; chăm chút cho các chuyên mục của báo, đài và sử dụng tốt, thậm chí cả việc bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên.

    Hai là, về đào tạo, cần tăng cường chất lượng đào tạo sinh viên, nhất là sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật (ngành văn học thì có thể yên tâm vì đã có truyền thống về đào tạo). Thậm chí, các cơ quan báo chí có thể theo quy trình “đào tạo” ngược lại với hiện tại: lấy sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí về làm biên tập viên hoặc phụ trách các chuyên mục rồi cử đi đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành liên quan đến chuyên mục được phân công. Các báo, tạp chí chuyên ngành cũng có thể làm như vậy - lấy sinh viên tốt nghiệp đại học ở các trường đào tạo về văn học, nghệ thuật rồi cho đi học lớp báo chí ngắn hạn. Làm được như vậy, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ tốt hơn là chỉ học báo chí rồi về ngỡ ngàng khi bắt tay vào làm công việc có liên quan đến các loại hình nghệ thuật. Đạo diễn Việt kiều Pháp Lê Lâm nói rằng ở Trường La Femis mà ông tham gia giảng dạy, sinh viên muốn học phê bình điện ảnh phải có bằng Thạc sĩ của một trường đại học khoa học xã hội. Nhà nghiên cứu, phê bình mĩ thuật Nguyễn Hải Yến, trong một bài viết cách đây đã lâu, cũng nêu ý kiến đào tạo những cử nhân khoa học xã hội thành nhà phê bình mĩ thuật. Ý kiến đó rất đúng,rất cần thực hiện. Nhưng khổ nỗi, hiện nay, các trường nghệ thuật rất ít thí sinh đăng ký dự tuyển vào các lớp phê bình. Thậm chí, có những khóa, hễ thí sinh nào đăng ký dự tuyển là được học mà vẫn không đủ chỉ tiêu đào tạo. Riêng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây đã không mở được chuyên ngành lý luận-phê bình vì không có thí sinh đăng ký dự tuyển. Bên cạnh đó, đối với các phóng viên, biên tập viên đang công tác thì nên có quy chế đào tạo, nâng cao trình độ tại chỗ bằng cách tạo điều kiện cho đi học thêm văn bằng 2 hoặc các lớp ngắn hạn chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực mà họ phụ trách/ kiêm nhiệm. Có quy chế chính thức thì phóng viên, biên tập viên sẽ phải thực hiện và các cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng phải thực hiện trách nhiệm nâng cao trình độ cho cấp dưới của mình.

    Ba là, cần thay đổi chế độ nhuận bút quá “bèo bọt” cho các bài phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật hiện nay. Thực ra, những người tâm huyết với nghề sẽ không chỉ vì sự tương quan giữa số tiền nhuận bút với sự đầu tư trí tuệ, cảm xúc và công sức mà nản chí. Họ viết vì nhiều lẽ - đam mê, trách nhiệm - và rõ ràng không ai trong số họ chỉ sống bằng nhuận bút nhưng họ vẫn cảm thấy tủi thân vì lao động trí óc không được coi trọng. Như vậy, chế độ nhuận bút cũng là một trong những yếu tố khích lệ người viết phê bình.

    Trên đây là vài nét phác thảo về tình hình và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn của phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Thực trạng yếu kém, bất cập của phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta tồn tại đã khá lâu và sẽ tiếp tục nếu không có quyết tâm thay đổi của từ người quản lý cao nhất đến các cấp dưới, thấp dần, đến biên tập viên và người cầm bút. Muốn có sự chuyển biến về phê bình văn học, nghệ thuật, cần phải có sự thay đổi nhận thức và cách làm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp cao, rồi cùng với đó là cơ chế đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và những chính sách đãi ngộ cụ thể để khuyến khích những người công tác trong lĩnh vực này. Xin phép được nói rằng: Lâu nay việc này chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức. Và hiện thực đáng buồn này sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Điều đó không nên tiếp tục tồn tại bởi như thế là thiếu trách nhiệm đối với văn học, nghệ thuật. 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận