HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG “VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở VIỆT NAM: VAI TRÒ CỦA SÁNG TẠO, LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH VÀ QUẢNG BÁ” KHU VỰC PHÍA BẮC

Sáng 15/4, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tiếp nối sau thành công của Lớp bồi dưỡng với chủ đề ''Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận-phê bình và quảng bá'' cho các học viên ở khu vực phía Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục tổ chức Lớp bồi dưỡng dành cho các học viên ở khu vực phía Bắc từ ngày 15-17/4/2024.

 

   Đến dự, có đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;Nguyễn Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Lê Ngọc Hân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh; Hoàng Văn Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đào Huy Toàn, Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh; Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh; Trần Thùy Liên, Phó Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh.Về phía Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, có PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng; các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng: TS Bùi Thế Đức, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh; PGS, TS Trần Khánh Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Sau Đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

   ​Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của 144 học viên đến từ nhiều cơ quan, lĩnh vực (trong đó có 2 PGS; 44 tiến sĩ, 62 thạc sĩ, còn lại là cử nhân; có 37 đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các sở, ban, ngành, các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, các báo, đài phát thanh, truyền hình; có 65 đồng chí là giảng viên đến từ các trường đại học ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam).

   Trong phát biểu khai mạc, PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng; tính đặc thù của văn học, nghệ thuật được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng; những điểm cơ bản trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính Phủ; nội dung cơ bản của Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ngày 22/12/2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Theo Chủ tịch Hội đồng, trên cơ sở các đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua, hội nghị đã đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá nhằm tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách về thu hút nguồn lực xã hội; việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số...; Xác định những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả, sức lan tỏa cao và phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào... Với chiến lược và định hướng này, công nghiệp văn hóa (trong đó có văn học, nghệ thuật) thực sự là một trong những động lực mạnh mẽ nhất của nền kinh tế hiện đại, góp phần định hình và phản ánh bản sắc văn hóa của các quốc gia, cộng đồng.


PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng.

   Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thay mặt lãnh đạo tỉnh, phát biểu chào mừng, đánh giá cao việc Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương chọn Quảng Ninh – tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam, một trong những cái nôi của người Việt cổ – làm nơi tổ chức Lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá”. Đây là cơ hội quý báu để đội ngũ chuyên gia, cán bộ, nhất là đội ngũ những người trẻcông tác trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được gặp gỡ, học hỏi, trau dồi kiến thức.


Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng Lớp bồi dưỡng

   Qua Lớp bồi dưỡng, các học viên sẽ có thêm những kinh nghiệm quý giá để đội ngũ những người làm công tác trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung có đúc kết sâu sắc làm rõ những nội dung quan trọng, cốt lõi về vai trò của sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá văn học, nghệ thuật, đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay.


Quang cảnh Lớp bồi dưỡng

   Trong khuôn khổ chương trình Lớp bồi dưỡng, các học viên được tham gia chuyến khảo sát thực tế tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông và Đền Cặp Tiên. Tại đây, sau khi được ôn lại những chiến công oanh liệt của nhân dân ta trong 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, các học viên đã dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Ông Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và các nhân thần đang được tôn thờ tại đền.

   Phát biểu tổng kết Lớp bồi dưỡng, PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đánh giá hầu hết học viên nghiêm túc thực hiện các nội quy của lớp học: tập trung nghe giảng, chủ động trao đổi, thảo luận ở trong và ngoài giờ học để làm sáng tỏ thêm các vấn đề đặt ra. Điều này không chỉ thể hiện sự nhiệt tình, tích cực mà còn là biểu hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân học viên đối với vấn đề phát huy tối đa vai trò của văn học, nghệ thuật trong phát triển công nghiệp văn hóa. Ông đặt niềm tin “sau lớp học này, mỗi chúng ta đều thấy mình ở đâu, vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào trong công cuộc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa”.

   Có 128/144 học viên tham gia Lớp bồi dưỡng được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2024 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (một số đồng chí, vì phải giải quyết công việc đột xuất ở cơ quan, không thể tham dự đầy đủ các buổi học trên lớp nên chưa đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận trong đợt học này).


PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ báo cáo chuyên đề “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam”.


PGS, TS Bùi Hoài Sơn báo cáo chuyên đề “Công nghiệp văn hóa Việt Nam - cơ hội, tiềm năng và thực tiễn phát triển”.


Nhà lý luận, phê bình Phan Cẩm Thượng báo cáo chuyên đề “Mĩ thuật và vấn đề thay đổi phương thức sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của sản phẩm công nghiệp văn hóa”.


TS Ngô Phương Lan báo cáo chuyên đề “Công nghiệp điện ảnh Việt Nam với việc phát triển các dòng phim và xây dựng thị trường điện ảnh”.

PGS, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm báo cáo chuyên đề “Xây dựng sản phẩm âm nhạc Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa”.

   Một số hình ảnh tiêu biểu của Lớp bồi dưỡng tại Quảng Ninh:
























   

 

Bình luận

    Chưa có bình luận