HỘI THẢO KHOA HỌC ''LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VIỆT NAM 50 NĂM SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC HOÀ BÌNH, THỐNG NHẤT, ĐỔI MỚI: THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN''

Sáng 12/12, tại số 9 Nguyễn Cảnh Chân, Ba Đình, Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng) đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề ''Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển''.

 

    GS, TS Nguyễn Xuân Thắng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì và phát biểu chỉ đạo. Nhà báo Lê Quốc Minh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng; Nhà báo Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng  Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Bùi Thế Đức – nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng; TS Ngô Phương Lan – nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS, TS Trần Khánh Thành – nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng đồng chủ trì.


GS, TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo Hội thảo

    Đến dự có các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ và các nhà báo đại diện cho các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

    Theo Ban Tổ chức Hội thảo, đến thời điểm này, có 103 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật công tác ở các cơ quan Trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ, các Hội Văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương, chứng tỏ chủ đề Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong nước, ngoài nước. 

    Báo cáo đề dẫn của PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh: Lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ là lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng, sự phát triển của văn hóa, xã hội nói chung. Với vai trò là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, lý luận, phê bình là người bạn đồng hành, đồng cảm, hỗ trợ, điều chỉnh, định hướng hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quá trình tiếp nhận thẩm mĩ của công chúng. 

     Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của lý luận, phê bình, từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới và phát triển, Đảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo phát triển lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, coi đây là một trong những trụ cột quan trọng cho sự phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 


PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo.

    Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, đồng thời cũng mở ra cho văn hóa, văn nghệ nước nhà một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển và từng bước hoàn thiện theo xu hướng hoà hợp dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Đó là những tiền đề hết sức quan trọng tạo điều kiện cho văn hóa, văn nghệ nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng, bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Trong nửa thế kỷ đó, nền văn hóa, văn nghệ nước nhà được xây dựng, vun đắp trong không khí hòa bình, thống nhất, dân chủ, đổi mới, phát triển và hội nhập. Tất nhiên, để có sự thăng hoa trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, chúng ta vừa phải biết tiếp nhận, kế thừa, sáng tạo những giá trị văn hóa, văn nghệ ưu việt, nhân văn, vừa phải hòa hợp, hóa giải những trở ngại, thách thức, có mặt phức tạp, do quan niệm, quan điểm chưa gặp nhau; những tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc của hệ giá trị truyền thống và cả sự xâm lấn, ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng văn hóa từ bên ngoài. 50 năm cũng là khoảng thời gian cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ Trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài. Đồng thời, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chúng ta cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, nhất là những vấn đề mới, khó, có tính lịch sử cụ thể, tính cách tân tạo ra sự phân hóa và thách thức mĩ cảm của công chúng tiếp nhận; bài học về giải quyết các hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật... 

    Đây là những vấn đề vừa mang tính thời sự, vừa có tính trầm tích qua thời gian của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên quan tâm, tìm hiểu sâu, kỹ về đối tượng để nắm bắt kịp thời và có biện pháp xử lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.


Quang cảnh Hội thảo khoa học toàn quốc tại phiên thảo luận thứ nhất

      Hội thảo tập trung bàn thảo về mấy nhóm vấn đề sau:

    Thứ nhất, đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển.

    Thứ hai, phân tích, đánh giá quá trình hòa hợp, hòa giải, thống nhất, tiếp biến, phát triển của nền văn học, nghệ thuật cách mạng, đồng thời đánh giá một cách khách quan, chính xác, thỏa đáng những đóng góp của bộ phận văn học yêu nước, tiến bộ ở các đô thị Miền Nam 1954-1975; văn học yêu nước, tiến bộ của của người Việt Nam ở nước ngoài; quá trình giao lưu, tiếp thu, tiếp biến các trào lưu tư tưởng, lý luận văn nghệ nước ngoài ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra trong quá trình hòa hợp, giao lưu, tiếp nhận, tiếp biến văn hóa, văn nghệ đã, đang và cần được giải quyết.

    Thứ ba, đánh giá quá trình kế thừa và cách tân lý luận, phê bình văn nghệ dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, phát triển, hội nhập.

    Thứ tư, khẳng định những ưu điểm, thành tựu; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hóa, văn nghệ nước ta, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam  giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn. 

    Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; coi văn hóa, văn nghệ là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Tư tưởng đó được thể hiện rất sớm, nổi bật trong Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943) với những quan điểm lý luận, tầm nhìn xa về văn hoá, văn nghệ mang tầm Cương lĩnh của một đảng cách mạng khi mới chỉ hơn 13 năm tuổi. Kế thừa những tư tưởng còn nguyên giá trị về văn hoá, văn nghệ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng ta đã đổi mới tư duy, nhận thức, bổ sung lý luận, không ngừng hoàn thiện các chủ trương, đường lối về phát triển văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ mới.  

    Theo GS, TS Nguyễn Xuân Thắng: gần 50 năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với văn học, nghệ thuật từng bước được tháo gỡ; môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới. Đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà ngày càng sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện. Đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, nhất là các vấn đề lớn, phức tạp, nóng bỏng của đời sống xã hội được phản ánh chân thực, sinh động hơn trong các loại hình văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới đã ra đời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần hình thành nên nguồn lực và động lực nội sinh để phát triển đất nước. 

    Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thể hiện quan điểm, góc nhìn đa chiều, sự đánh giá khách quan về thực trạng và giải pháp cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật sau 50 năm đổi mới, phát triển, đồng hành cùng lịch sử dân tộc.

    Giáo sư Phong Lê bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng ở thế hệ người viết lý luận, phê bình trẻ những cũng trải lòng với những băn khoăn, lo lắng về các giá trị truyền thống, về bản sắc văn hóa dân tộc trước sự phát triển của công nghiệp 4.0, của sự phong phú, đa dạng các lý thuyết mới được tiếp thu thiếu chọn lọc, còn lẻ tẻ, rời rạc kiểu “mạnh ai nấy làm” hiện nay và cả sự thiếu hụt lực lượng làm lý luận, phê bình chuyên nghiệp.

    PGS, TS Nguyễn Văn Dân đồng quan điểm với Giáo sư Phong Lê khi bàn về vấn đề tiếp thu lý thuyết nước ngoài: “Đáng chú ý ở đây còn là câu chuyện một số người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thiếu tư duy hệ thống khi tiếp cận các lý thuyết nước ngoài. Chúng ta cần hiểu không có lý thuyết nào nghiên cứu toàn diện tác phẩm văn nghệ. Mỗi lý thuyết đều có một cách tiếp cận riêng đối với tác phẩm, đóng góp riêng cho một số nền văn nghệ. Tiếp thu lý thuyết bên ngoài là cần thiết, nhưng tiếp thu quá hồn nhiên và thiếu suy xét logic sẽ là biểu hiện của căn bệnh lệ thuộc vào nước ngoài; không khác gì “chở củi về rừng” và hậu quả cũng chỉ là sự ra đời của các tác phẩm theo kiểu “phê bình tán dóc lý luận”.

    TS Ngô Phương Lan chia sẻ những khó khăn, nhọc nhằn của người làm lý luận, phê bình điện ảnh trong tình hình thiếu chỗ dựa về lý thuyết riêng cho từng ngành nghệ thuật; những băn khoăn về đội ngũ làm lý luận, phê bình trong lĩnh vực này; về vấn đề kế thừa, cách tân trong tác phẩm điện ảnh trong xã hội số...  

    Kiến trúc sư Vũ Hiệp – người 2 lần nhận tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương – chia sẻ những khó khăn, vất vả của người trẻ làm công tác lý luận, phê bình: “thù lao cho công trình lý luận, phê bình quá ít ỏi nên người viết lý luận, phê bình chủ yếu là vì đam mê tìm tòi, khám phá một mĩnh vực mới và vì trách nhiệm với nghề”.

    Nhà văn Cao Duy Sơn mong muốn mảng văn học các dân tộc thiểu số được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn; đề nghị Hội đồng tổ chức hội thảo khoa học về mảng văn học, nghệ thuật đặc biệt này. 

    Tham luận của TS Bùi Thế Đức đề xuất các Bộ, ngành chức năng, các trường đại học cần tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo những đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Trước mắt, cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở các trường đại học đa năng. Phát triển mạng lưới các trường chuyên năng khiếu nghệ thuật ở các địa phương. Bên cạnh đó, cần đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại. Có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với các sinh viên học ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khi ra trường để bổ sung về những cơ quan làm công tác văn học, nghệ thuật hiện đang còn “mỏng manh” hoặc “trống vắng” về lĩnh vực rất quan trọng này.

    Nhà văn Ngô Thảo chia sẻ: Tổng kết chặng đường 50 năm văn học, nghệ thuật từ sau ngày đất nước thống nhất cần đánh giá khách quan, tìm ra nguyên nhân và rút ra bài học cho sự lãnh đạo văn học, nghệ thuật.

    Kết quả Hội thảo còn là cơ sở khoa học để Hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

    Sau Hội thảo, Hội đồng lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, in Kỷ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ.

    Một số hình ảnh tại Hội thảo khoa học toàn quốc:














DƯƠNG HUYỀN TRANG

 

    

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận