Sáng ngày 14/11, Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Không gian văn hoá trà Tân Cương (tại xã Tân Cương) và Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (tại xóm Cường, xã Thịnh Đức), thành phố Thái Nguyên.
Toàn cảnh Hội nghị Khảo sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác văn hoá, văn nghệ tại tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Thế Bắc)
Không gian văn hoá trà Tân Cương là nơi lưu giữ những tài liệu và hiện vật liên quan đến trà theo dòng chảy của lịch sử, đồng thời tôn vinh và thúc đẩy nghề trồng chè phát triển. Đây cũng là nơi tổ chức sưu tầm, trưng bày các tài liệu hiện vật về chè, nét văn hóa trà; tổ chức đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, sự phát triển của cây chè cũng như nét văn hóa trà độc đáo ở Thái Nguyên. Thông qua đó, gắn bảo tồn, phát huy văn hoá trà với phát triển kinh tế du lịch, góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống và phát triển kinh tế-xã hội-văn hoá-văn nghệ của địa phương.
Đoàn Khảo sát và đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên tại HTX Chè Hảo Đạt – một đơn vị sản xuất trà và giới thiệu văn hoá trà Tân Cương (Ảnh: Thế Bắc)
Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Làng Thái Hải) được bà Nguyễn Thị Thanh Hải (nay là Trưởng làng) lập nên năm 2003 với mục đích giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc Tày. Làng có diện tích hơn 25 ha với núi đồi, cỏ cây, hoa lá và hồ nước lớn, đặc biệt là có 30 ngôi nhà sàn cổ của dân tộc Tày, có tuổi đời hàng trăm năm, được di chuyển về từ ATK Định Hóa và phục dựng giữ nguyên bản để gìn giữ, bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết: “Năm 2002, tôi thế chấp nhà cửa, tài sản ở thành phố Sông Công để về đây mua gom đất. Tôi mua đất với mục đích trồng rừng và làm nơi bảo tồn nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Bởi thời điểm đó nhiều bà con vùng ngược theo nhau bán nhà sàn lấy tiền. Đến cuối năm 2003, tôi dựng lại hoàn chỉnh 28 nếp nhà sàn cổ, đến nay có 30 nhà sàn. Nhà dựng theo kiến trúc xuyên toang, tứ trụ, kín đáo, thoáng mát và gói ghém ở đó là triết lý âm dương ngũ hành”. Cư dân của Làng Thái Hải từ nhiều nơi tự nguyện về đây sinh sống và cùng nhau giữ gìn văn hoá dân tộc. Họ cùng làm, cùng ở, “ăn chung một nồi cơm, uống chung một giếng nước, tiêu chung một túi tiền”, sống yêu thương, hoà thuận và coi Làng là “gia đình” lớn! Hiện nay Làng có gần 200 cư dân, có nhiều gia đình, có gia đình 4 thế hệ cùng ở, ngoài dân tộc Tày còn có một số hộ người dân tộc khác đến sinh sống như: dân tộc Nùng, dân tộc Kinh, dân tộc Sán Chay và dân tộc Dao. Nơi đây phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc Tày:
Văn hoá vật thể tiêu biểu được bảo tồn ở đây như: kiến trúc nhà sàn; ẩm thực và văn hóa truyền thống của dân tộc Tày với các đồ dùng, vật dụng trong nhà như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước, mâm ăn cơm bằng gỗ, rổ rá, chậng, bồ đan bằng tre, nứa để đựng đồ đạc; trang phục truyền thống được bà con mặc hằng ngày; thuốc nam chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và các loại ẩm thực như: bánh chưng, bánh gai, chè lam, thịt treo gác bếp và rượu men lá chưng cất theo phương pháp truyền thống.
Đoàn Khảo sát và đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên thăm Thư viện Tuổi trẻ Thái Hải (Ảnh: Thế Bắc)
Văn hóa phi vật thể được bảo tồn ở đây như: coi trọng ngôn ngữ (mọi công dân của làng nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc); hằng ngày cùng tập luyện, trao truyền hát then, đàn tính; từng gia đình thực hiện gìn giữ nếp sống truyền thống; đặc biệt là giữ nét đẹp văn hóa tâm linh tín ngưỡng như: lễ hội Lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên được duy trì theo phong tục.
Đoàn Khảo sát và đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên trao đổi và nghe nghệ nhân ở Làng nhà sàn Thái Hải trình diễn hát then (Ảnh: Thế Bắc)
Chiều ngày 14/11, Đoàn công tác cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên chủ trì Hội nghị Khảo sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác văn hoá, văn nghệ. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các cơ quan của tỉnh Thái Nguyên: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Hội Văn học nghệ thuật; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Đài Phát thanh-Truyền hình; Báo Thái Nguyên, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Tại Hội nghị, Đoàn công tác đã nghe Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đoàn công tác cùng các đại biểu trao đổi, thảo luận về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và gợi ý một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, văn học, nghệ thuật kết hợp với phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội của tỉnh.
PGS, TS Trần Khánh Thành – Trưởng đoàn Khảo sát phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Thế Bắc)
Kết luận Hội nghị, PGS, TS Trần Khánh Thành – Trưởng đoàn công tác đánh giá cao tinh thần, sự nỗ lực và kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương trong công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, văn học, nghệ thuật, như: Tỉnh uỷ đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt và hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác văn hoá, văn học, nghệ thuật; các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã triển khai nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học để góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ của tỉnh; Hội Văn học Nghệ thuật các cấp trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của hơn 1000 văn nghệ sĩ, góp phần thiết thực đưa các Nghị quyết, Kết luận về công tác văn hoá, văn nghệ vào cuộc sống... PGS, TS Trần Khánh Thành nhấn mạnh: “Tỉnh Thái Nguyên có nhiều giá trị văn hoá, văn nghệ độc đáo; có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời cần tìm ra những giải pháp hiệu quả, thiết thực để vừa giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hoá, văn nghệ độc đáo, đặc sắc; vừa phát huy được tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nhất là gắn việc bảo tồn, phát huy văn hoá, văn nghệ vào phát triển du lịch, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh”.
NGUYỄN THẾ BẮC