PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐIỆN ẢNH: VIỆT NAM HỌC GÌ TỪ THÀNH CÔNG CỦA ĐIỆN ẢNH HÀN QUỐC?

Chiều ngày 30/6, Hội thảo ''Điện ảnh Hàn Quốc – Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh'' được tổ chức tại Furama Resort, Đà Nẵng; trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Châu Á Đà Nẵng lần thứ III (DANAFF III).

 

   Đến dự hội thảo có ông Choi Young Sam, Đại sứ Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam, ông Yang Yun Ho, Phó Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Đạo diễn Kim Hong Joon - Giám đốc Viện phim Hàn Quốc (KOFA), ông Choi Seung Jin giám đốc trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Dong Ho, người sáng lập, nguyên chủ tịch LHP quốc tế Busan, Đạo diễn Park Kwang Su, Chủ tịch LHP quốc tế Busan, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên Hoan Phim, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó chủ tịch, Ban Chấp hành Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam.

   Phát biểu dẫn đề, định hướng Hội thảo, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng cho rằng: đây là hội thảo thiết thực, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng công nghiệp điện ảnh vốn vẫn được đánh giá là mũi nhọn.


TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng phát biểu đề dẫn Hội thảo

   Điện ảnh Hàn Quốc là tấm gương sáng cho điện ảnh Việt Nam và trong khu vực để nghiên cứu, học tập và phấn đấu dài lâu. “Khi chọn chùm phim trong Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, chúng tôi có rất nhiều suy nghĩ vì khi xem lại những phim thuộc 1960 và phim kinh điển Việt Nam cùng thời thì có sự tuơng đồng đáng ngạc nhiên. Nhưng với trào lưu hallyu được mở rộng và toàn cầu hóa thì đã tạo nên sự bùng nổ của điện ảnh Hàn Quốc. Không phải nền điện ảnh nào cũng thành công cả mặt nghệ thuật đỉnh cao và cả thị trường, vững chắc trên trường quốc tế. Những sự phát triển đó, theo tôi, phải vài hay vài chục năm mới có được”; là kết quả của sự tích lũy kinh nghiệm, sự nỗ lực của người làm phim, sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, các địa phương, tầm nhìn nhà quản lý... làm sao để đưa được phim Việt Nam ra nước ngoài” – TS. Ngô Phương Lan chia sẻ. Bên cạnh đó, bà cũng khẳng định, việc DANAFF chọn và vinh danh nhiều nhà làm phim xuất sắc của châu Á như một sự đón nhận, học hỏi từ các nền điện ảnh thành công của Châu Á và rất mừng khi DANAFF III đã có vinh dự trao giải Thành tựu trọn đời cho Im Kwon Taek – nhà làm phim huyền thoại của điện ảnh Hàn.


Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam phát biểu chào mừng Hội thảo

   Đại sứ Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) - Ông Yang Yun Ho đều khẳng định rằng: Cảnh quan đặc sắc của Việt Nam cùng nhiệt huyết của các nhà làm phim trẻ sẽ mang đến thành công cho điện ảnh Việt Nam. Nhiều phim Hàn được khán giả Việt Nam đón nhận, các trường điện ảnh Hàn Quốc có nhiều sinh viên Việt Nam mang ước mơ học tập, mở ra hành trình mới cho Điện ảnh Việt, mong đợi những bộ phim chung của hai nước sẽ trở thành hiện thực. Đã đến lúc cần mở ra việc hợp tác sản xuất chung thay vì chỉ là hỗ trợ. Và tại Hội thảo này, các nhà chuyên môn sẽ cùng trao đổi cởi mở và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.

   Điện ảnh Hàn Quốc có sức ảnh hưởng lớn và nhận được sự quan tâm của khán giả toàn cầu. Ở Việt Nam, số lượng phim Hàn Quốc được chiếu ngoài rạp, trên truyền hình và các nền tảng VOD luôn đứng đầu các bảng xếp hạng, nhất là trên truyền hình và các nền tảng. Mức độ phổ biến của phim Hàn Quốc đối với khán giả đại chúng Việt Nam cũng như ảnh hưởng của phong cách làm phim Hàn Quốc đối với nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình Việt Nam là không thể phủ nhận.


Các khách mời tọa đàm (Từ trái sang phải: Đạo diễn Phan Đăng Di - Tiến sĩ Park Hee Seong - Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Ông Park Kwang Su - Ông Kim Dong Ho - Bà Kim Seonah - Ông Kim Hong Joon - Ông Choi Seung Jin)

   Điện ảnh Hàn Quốc đã hiện diện tại Việt Nam từ lâu và được tiếp cận qua nhiều hình thức như các bài viết điểm phim trên báo, tạp chí, các tiểu luận của sinh viên, nghiên cứu của một số học giả trong và ngoài nước. Với mong muốn tiếp nối và mở rộng các tiếp cận đó trên một quy mô học thuật và đối thoại quốc tế sâu rộng hơn, hội thảo quốc tế “Điện ảnh Hàn Quốc: Bài học thành công quốc tế và Kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh” trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng được tổ chức với mong muốn mở ra cơ hội cho những thảo luận tập trung, cởi mở, có chất lượng về nền điện ảnh quan trọng này cả trên khía cạnh nghiên cứu tác phẩm với sự tham dự của các chuyên gia quốc tế, Hàn Quốc và Việt Nam; các đại biểu đến từ các hãng phim, công ty phát hành và hệ thống rạp chiếu phim, các Liên hoan phim; đại diện các trường điện ảnh, các trường đại học có chuyên ngành nghiên cứu phim của Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam… Có 9 tham luận được trình bày tại Hội trường. Trong tham luận “Vẻ đẹp và sức mạnh của nghệ thuật dân tộc trong phim Im Kwon Taek”, Thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ đã khẳng định Im Kwon Taek là tượng đài trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Phim của ông mang phong cách nghệ thuật độc đáo, đậm bản sắc văn hóa Hàn Quốc và sử dụng nhiều thủ pháp điện ảnh ấn tượng. Những tác phẩm của Im Kwon Taek đã truyền cảm hứng cho các bộ phim mang tính cách tân của điện ảnh Hàn Quốc, gây ảnh hưởng tới quá trình tự do hóa, dân chủ hóa xã hội Hàn Quốc trong thập niên 80. Vấn đề này cũng được đạo diễn Kim Hong Joon - Giám đốc Viện phim Hàn Quốc (KOFA) đồng tình qua tham luận: “Thế giới điện ảnh của bậc thầy Im Kwon Taek”. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Quý Hà, Phó Giáo sư bậc I, Khoa Nghiên cứu Điện ảnh, Đại học North Carolina Wilmington (Hoa Kỳ) mang đến góc nhìn độc đáo khi bàn luận về sự tương đồng giữa Điện ảnh hiện thực xã hội và Nho giáo suy tàn trong phim Aimless Bullet (Obaltan, Yu Hyun-mok, 1961) Tướng về hưu (Nguyễn Khắc Lợi, 1988). Hai tác phẩm nổi tiếng của hai nền điện ảnh đều xoáy sâu vào thực tại nghiệt ngã của xã hội thời hậu chiến, đẩy con người vào cùng cực. Cũng bàn về vấn đề này, TS. Đào Lê Na - Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM lại đem tới một góc nhìn khác qua tham luận “Tái cấu trúc truyền thống qua hình ảnh người phụ nữ và không gian gia đình trong điện ảnh Hàn Quốc thời kỳ hậu chiến”. Hai tham luận của TS. Hồ Khánh Vân - Phó Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM và TS. Nguyễn Phương Khánh - Giảng viên chính Khoa Ngữ văn – Truyền thông, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà phân tích, đánh giá hai bộ phim nổi tiếng The Day a Pig Fell into a Well của Hong Sang Soo và Save the Green Planet! của Jang Joon Hwan.

   Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội trường đều chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về sự “vượt thoát” ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ để hướng đến phong cách làm phim mang đặc sắc Hàn Quốc, qua các phim giải trí xuất sắc những năm 2000. Đó còn là kinh nghiệm trong việc nâng cao nội lực của nền điện ảnh dân tộc và đưa phim Việt Nam ra thế giới.

   Phát biểu của ông Lee Jinsik, Giám đốc điều hành Công ty Anidue Phó chủ tịch cấp cao Hiệp hội Nhân vật Hàn Quốc (KOCA) giúp chúng ta nhìn lại quá trình điện ảnh Hàn quốc phát triển và vươn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đạo diễn, NSX, Biên kịch Phan Gia Nhật Linh cũng trao đổi về những trải nghiệm thực tế khi anh từng trực tiếp thực hiện các bộ phim remake từ Hàn Quốc, cũng như hợp tác và sản xuất phim với nước bạn.

   Trong phần Tọa đàm, DANAFF vinh sự chào đón sự trở lại của ông Kim Dong Ho - Nguyên Chủ tịch LHPQT Busan – khách mời danh dự từng chia sẻ những nghiệm quý báu tại DANAFF II. Ngoài ra, khách mời Tọa đàm còn có: Đạo diễn Kim Hong Joon - Giám đốc Viện phim Hàn Quốc (KOFA); Đạo diễn, Biên kịch Kim Han Min, Hàn Quốc; GS, NSX Kim Seonah - Trường Sân khấu và Điện ảnh, Đại học Dankook, Chủ tịch Hiệp hội các nhà làm phim nữ Hàn Quốc; ông Choi Seung Jin - Giám đốc Trung tâm văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam (KCC); Bà Park Heeseong - Phòng Chính sách, Nghiên cứu và Phát triển, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC); và bà Ngô Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch cao cấp Công ty BHD, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam… Điểm nhấn quan trọng được các khách mời tọa đàm hướng đến chính là vai trò của Liên hoan phim quốc tế Busan, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Viện phim Hàn Quốc, các tổ chức, hội đoàn điện ảnh Hàn Quốc trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh trong nước, thúc đẩy giao lưu quốc tế, quảng bá điện ảnh Hàn Quốc tại nước ngoài và tạo ra làn sóng điện ảnh Hàn Quốc trên thế giới.

   Từ nội dung các tham luận, trao đổi cho đến nội dung tọa đàm, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho điện ảnh Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, điện ảnh Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc về mặt chiến lược. Đó là cách hỗ trợ hệ sinh thái làm phim; cách kết nối với các ngành công nghiệp sáng tạo khác (âm nhạc, truyền hình, mỹ thuật); cách xây dựng kịch bản mang tính toàn cầu mà vẫn giữ bản sắc Việt và hợp tác cùng Hàn Quốc để phát triển điện ảnh và sản xuất phim.

   Ngoài ra, các bài học cụ thể như vai trò của việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong phát triển công nghiệp điện ảnh. “Truyền thống không chỉ là chất liệu biểu đạt, mà còn là nguồn lực sáng tạo và giá trị chiến lược trong quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh” (Hoàng Dạ Vũ). Điều này thể hiện rất rõ trong cách làm phim của Im Kwon Taek khi ông không đơn thuần làm phim về truyền thống mà còn tái định nghĩa và làm mới truyền thống trong cấu trúc nghệ thuật hiện đại. Làm mới truyền thống, "tái cấu trúc truyền thống" trong phim Hàn Quốc “không phải là sự quay trở lại với các quy tắc đạo đức cố định mà là một cuộc đàm phán năng động diễn ra thông qua các biểu tượng trực quan và tự sự” (Đào Lê Na) mà là sự sáng tạo độc đáo – nơi “thể loại được bản địa hóa, phá vỡ, lai ghép và tái cấu trúc theo những điều kiện lịch sử, văn hóa và chính trị riêng”(Nguyễn Phương Khánh). Đó còn là bài học về cách làm phim của Hàn Quốc “nơi những mảnh ghép đời thường tưởng chừng vô nghĩa lại trở thành ngôn ngữ biểu đạt của những khát vọng sâu thẳm, nơi sự phân mảnh và rối loạn được nâng lên thành một mỹ học phản ánh chính bản chất phi lý và bất định của đời sống hiện đại. Dưới lớp vỏ bọc giản dị của hiện thực thường nhật là một kết cấu điện ảnh giàu tính suy tưởng, nơi các nhân vật lơ lửng giữa những ngưỡng ranh đạo đức, hiện thực và giả tưởng, sống trong một thời gian phi tuyến tính và luôn bất an về bản thể. Sự im lặng, sự chậm rãi và lối kể chuyện lạnh lùng, khách quan của Hong không nhằm tạo ra sự xa cách mà chính là để trao cho người xem quyền được nhập cuộc, được cảm, được chiêm nghiệm và tự hoàn thiện hành trình tri nhận cá nhân của mình” (Hồ Khánh Vân). Ở đó, “con người hiện lên nhỏ bé, bất toàn, bất lực, nhưng vẫn khát khao yêu, khát khao hiện hữu” – và cũng chính từ đó, điện ảnh chạm đến cái đẹp sâu xa nhất: cái đẹp của một cuộc sống không hoàn hảo nhưng đầy chân thật và người. Tại hội thảo, ông Lee Jinsik, Giám đốc điều hành Công ty Anidue, Phó chủ tịch cấp cao Hiệp hội Nhân vật Hàn Quốc (KOCA) còn chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng cốt truyện của phim; sử dụng hệ thống âm thanh, rạp chiếu; là kinh nghiệm tiếp thị dựa trên sự phân tích thị trường dựa vào các “fan” hâm mộ...

   Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng – DANAFF bày tỏ: Buổi Hội thảo đã mang lại nhiều giá trị học thuật, mang lại những khía cạnh sâu về nghệ thuật từ những đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc. Ngoài ra việc trao đổi kinh nghiệm là dịp hiếm có để lắng nghe những nhân vật làm nên thành công của điện ảnh trong nửa thế kỷ qua, để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về điện ảnh Hàn và nhận về những bài học quý giá. Tại DANAFF III, bên cạnh chương trình Tiêu điểm điện ảnh với những bộ phim mang nét độc đáo riêng, sự hiện diện của những chuyên gia điện ảnh và ngôi sao, đó được coi là thành công đối với DANAFF.

   Song song với hội thảo, một chùm gồm 11 bộ phim Hàn Quốc tiêu biểu được sản xuất từ thập niên 60 thế kỷ 20 đến nay và 03 bộ phim của nhà làm phim kỳ cựu Hàn Quốc Im Kwon Taek sẽ được giới thiệu tới khán giả Việt Nam và các đại biểu tham dự hội thảo thông qua chương trình Tiêu điểm Điện ảnh Hàn Quốc (Focus on Korean Cinema) - DANAFF 2025.

Khánh Linh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận