Tiến sĩ Ngô Phương Lan được trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật của Pháp

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Việt Nam, Bộ trưởng Văn hóa Pháp, bà Rachida Dati, đã trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật bậc Officier (bậc Sĩ quan) cho Tiến sĩ Ngô Phương Lan.

 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Rachida Dati trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật bậc sĩ quan cho Tiến sĩ Ngô Phương Lan.

Huân chương Văn học Nghệ thuật là một trong những phần thưởng cao quý của nước Cộng hòa Pháp, nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp nổi bật cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Với Huân chương bậc Sĩ quan - cấp bậc cao trong 3 hạng mục của huân chương này, Tiến sĩ Ngô Phương Lan được ghi nhận vì hành trình cống hiến bền bỉ cho nền điện ảnh Việt Nam và nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt với Pháp.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Rachida Dati, Bộ trưởng Văn hóa Pháp, khẳng định, Huân chương cao quý này là sự ghi nhận cho một hành trình phi thường, hành trình của một người phụ nữ có sự tận hiến không biên giới đối với điện ảnh, với tầm ảnh hưởng vượt xa khỏi biên giới Việt Nam. Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng là biểu tượng sống động cho sự gắn kết bền chặt giữa hai đất nước.

“Những đóng góp của bà không chỉ dừng lại ở công tác quản lý nhà nước. Bà còn làm một nhà phê bình, một cây bút tiểu luận, một nhà nghiên cứu. Có nhà báo từng nhận xét rằng bà là người xem nhiều phim nhất tại Việt Nam. Nhận định đó hẳn không sai và có lẽ đó cũng chính là bí quyết tạo nên sự tinh tế trong tư duy, sự thấu hiểu và một góc nhìn luôn tươi mới của bà,” Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp nói.

"Bà là người truyền lửa, một phụ nữ của sự kết nối, văn hóa và đối thoại. Những đóng góp của bà tại các liên hoan phim, làm giám khảo quốc tế, hoạt động giảng dạy và sự hiện diện tích cực trong các tổ chức chuyên ngành là minh chứng cho quá trình cống hiến bền bỉ, đầy đam mê, niềm tin vào sức mạnh của nghệ thuật thứ bảy", bà Rachida Dati nói.

Phát biểu khi được trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật, Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho biết, từ nhỏ bà đã yêu thích văn học Pháp, khi học đại học cũng say mê phim của các đạo diễn Pháp và cho rằng, nước Pháp là cái nôi của văn học và điện ảnh thế giới, kết tinh giá trị văn hóa của nhân loại.

Bà Ngô Phương Lan phát biểu khi nhận Huân chương.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng chia sẻ, trong suốt thời gian công tác tại Cục Điện ảnh và đến nay tại Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN (VFDA), đã có nhiều hợp tác với Đại sứ quán (ĐSQ) và các nhà làm phim Pháp.

Sáng lập Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) vào năm 2023, với sự phối hợp của ĐSQ Pháp tại Hà Nội, đã có nhiều hoạt động lớn được tổ chức thành công như Tiêu điểm điện ảnh Pháp tại DANAFF 2 năm 2024, toạ đàm Kết nối các LHP bờ biển Cannes- Busan- DANAFF với sự tham gia của chuyên gia đến từ LHP Cannes và các nhà điện ảnh, nhà làm phim tên tuổi của Pháp.

Từ đó, Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho biết, bà đã có cơ hội góp phần vào thành công trong các hoạt động quảng bá điện ảnh và du lịch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 78 vừa diễn ra.

Tại DANAFF 3, một section quan trọng sẽ được mở là DANAFF's TALENT- Tài năng triển vọng DANAFF. Cùng với Workshop Ươm mầm tài năng đào tạo diễn xuất, DANAFF’s TALENT sẽ có Chợ dự án phim mang tên Vườn ươm dự án để phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ của châu Á và Việt Nam, với hầu hết các thầy dẫn dắt chính đều là những chuyên gia hàng đầu của Pháp.

“Điều đáng kể là với sự phối hợp của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức thành công Tiêu điểm điện ảnh Pháp tại DANAFF 2 – năm 2024, trong đó không chỉ đánh giá những giá trị và sự đặc sắc của phim Pháp, của mối “duyên nợ” từ chiều sâu tâm hồn Pháp - Việt đọng trong những bộ phim Pháp về Việt Nam mà còn khẳng định những đóng góp của điện ảnh Pháp trong hợp tác, phát triển và đem lại sự đa dạng văn hóa cho điện ảnh độc lập Việt Nam mà dòng phim tài liệu trực tiếp Varan là một minh chứng”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan bày tỏ.

“Tôi rất hy vọng là trong tương lai gần, DANAFF nói riêng và điện ảnh Việt Nam nói chung sẽ còn nhận được sự hỗ trợ thường xuyên và hiệu quả hơn của Bộ Văn hoá, Bộ Ngoại giao Pháp, Viện Pháp, cho sự nuôi dưỡng và phát triển một thế hệ làm phim trẻ tài năng, chuyên nghiệp của Việt Nam”, bà Lan nhấn mạnh.

Đại diện ngành Văn hóa hai nước chúc mừng Tiến sĩ Ngô Phương Lan.

Đón nhận Huân chương cao quý, Tiến sĩ Ngô Phương Lan xúc động chia sẻ: “Tôi xin được chia sẻ niềm vui và vinh dự này với tất cả mọi người! Xin chân thành cảm ơn bà Bộ trưởng Văn hóa Pháp, ngài Đại sứ và toàn thể các vị lãnh đạo, cán bộ của Đại sứ quán Pháp, Viện Pháp tại Việt Nam, cùng các đồng nghiệp, nhà báo, gia đình, bạn bè, những người luôn quan tâm, hỗ trợ và đồng hành với tôi vô điều kiện”.

Huân chương được trao tặng không chỉ là vinh dự cá nhân đối với bà Ngô Phương Lan, mà còn là minh chứng cho vai trò ngày càng quan trọng của điện ảnh Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới.

Tiến sỹ Ngô Phương Lan sinh năm 1963 tại Hà Nội, là nhà phê bình lý luận điện ảnh, tốt nghiệp khoa Biên kịch - Lý luận phê bình ở trường Đại học Điện ảnh quốc gia Nga ở Moskva. Bà là con gái Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân - một trong những người đặt nền móng cho nền hoạt hình Việt Nam và Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Lan.

Bà nguyên là Cục trưởng Cục Điện ảnh (2012-2018), Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (2011-2018), Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa V. Hiện bà đảm nhận vị trí Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) và là Ủy viên Ban chấp hành Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC).

Năm 2017, bà được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Năm 2022, bà nhận giải “Người có nhiều đóng góp về tác quyền của khu vực châu Á - Thái Bình Dương” tại Triển lãm Điện ảnh châu Á – CineAsia và giải thưởng “Nhà giáo dục bản quyền của năm” tại Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ. Năm ngoái, bà ra mắt tập sách tiểu luận phê bình điện ảnh Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập. Năm 2023, bà nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận