Hội thảo khoa học "50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc"

Ngày 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: "50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc".

 

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các văn nghệ sĩ thuộc 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, các nhà quản lý văn học nghệ thuật và đại diện giới khoa học xã hội, nhân văn.

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh PV

Đã có 45 tham được gửi về BTC tập trung vào việc nhìn lại, đánh giá khái quát và sâu sắc thực trạng phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua, từ sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình đến biểu diễn và quảng bá tác phẩm. Đó là hành trình quan trọng không chỉ khẳng định văn học nghệ thuật không chỉ thể hiện sáng tạo cá nhân mà còn là biểu hiện cho tinh thần dân tộc, của bản sắc văn hóa và khát vọng sống cao đẹp của con người Việt Nam. Chính văn học nghệ thuật đã góp phần "giữ lửa" cho lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên không ngừng của dân tộc trong suốt nửa thế kỷ qua.

Bước vào kỷ nguyên mới, văn học nghệ thuật tiếp tục chứng minh sức sống mãnh liệt khi thích ứng linh hoạt với sự phát triển của công nghệ, internet và các xu hướng toàn cầu. Văn học mạng, nghệ thuật kỹ thuật số, âm nhạc đa phương tiện, phim ảnh tương tác… ngày càng phổ biến, mở ra những không gian sáng tạo mới cho nghệ sĩ và công chúng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh PV

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác văn hóa, văn học nghệ thuật nói chung và hoạt động sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của văn nghệ sĩ nói riêng.

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bước đột phá phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI được đưa vào cuộc sống, công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã trở thành một xu thế tất yếu, tác động vô cùng mạnh mẽ, sâu sắc và mau lẹ đến môi trường văn hóa, môi trường sáng tạo văn học nghệ thuật. Đồng thời, tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn hóa, văn nghệ nước nhà. Sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm văn nghệ cũng mang đến nhiều tác động đến đời sống, nhu cầu, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Trước tác động của thời kỳ mới, cùng với sự thay đổi về thị hiếu và đòi hỏi ngày càng cao trong trải nghiệm của công chúng đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ phải tiếp tục là đội ngũ tiên phong của đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong việc xây dựng và phát triển, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành cho văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng một sự quan tâm đặc biệt. Nhất là trong quá trình đất nước ta đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện thì sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng và Nhà nước càng mạnh mẽ, cụ thể hơn, có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, đương nhiên phải theo những quy định, cơ chế cụ thể.

Tại tham luận ""Góp thêm cách nhìn về một nửa thế kỷ văn học (30/4/1975-30/4/2025) nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, văn học Việt Nam nửa thế kỷ qua đã làm được hai việc. Một là trả nợ quá khứ, hai là nhập cuộc đổi mới.

Đưa ra những đánh giá về chuyên môn, về đội hình văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, nửa thế kỷ qua, là nửa thế kỷ sum họp của 5 thế hệ nhà văn. Đó là các thế hệ nhà văn tiền chiến, các nhà văn chống Pháp, các nhà văn chống Mỹ, các nhà văn hậu chiến, các nhà văn xuất hiện trong đổi mới. Mỗi thế hệ có lợi thế riêng, cùng bổ sung và cộng hưởng với nhau, đưa nền văn học ta phát triển lên một tầm cao mới. Bước vào kỷ nguyên mới, sứ mệnh vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai thế hệ trẻ. Thời gian là của họ. Tương lai cũng thuộc về họ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu phấn đấu để có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng sâu sắc trong xây dựng con người.

Đi vào những góc độ chuyên ngành, nhiều tham luận đã nêu bật được sự lan tỏa của văn học nghệ thuật nước nhà ra cộng đồng quốc tế. Nhiều tác phẩm văn học được dịch và xuất bản tại nước ngoài, các bộ phim, vở kịch, tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc... liên tục được giới thiệu ở các liên hoan nghệ thuật quốc tế, mang lại hình ảnh sinh động, chân thực và giàu cảm xúc về đất nước, con người Việt Nam. Tiếp tục góp phần khẳng định, Văn học nghệ thuật đã trở thành cây cầu nối đưa văn hóa Việt đến với bạn bè năm châu, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua văn hóa, khẳng định bản lĩnh và tâm hồn Việt.

Ngoài đánh giá, khẳng định tầm vóc của văn học nghệ thuật 50 năm qua, một số tham luận đã đưa ra những kiến nghị mang tính định hướng cho tương lai, như: cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài và hiệu quả hơn cho văn học nghệ thuật; xây dựng hệ thống chính sách ưu tiên đối với các tài năng trẻ, nghệ sĩ vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sáng tạo, phổ biến văn học nghệ thuật; sự cần thiết của giáo dục nghệ thuật trong trường học; phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp hóa và hội nhập quốc tế... Đây được xem là yếu tố cần và đủ để tiếp tục xây dựng một nền văn học nghệ thuật hiện đại, nhân văn, mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp cận với các giá trị phổ quát của nhân loại để có thể đồng hành cùng dân tộc trong mọi thời đại.

Hội thảo khoa học toàn quốc "50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc" không chỉ là sự kiện mang tính tổng kết, mà còn là sự khẳng định về vai trò không thể thay thế của văn học nghệ thuật trong việc hình thành bản sắc quốc gia, dân tộc, cũng như bồi đắp nguồn năng lượng tinh thần to lớn, cùng dân tộc chinh phục những đỉnh cao mới.

(Theo: baovannghe.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận