Quang cảnh buổi giao lưu giữa Hội VHNT tỉnh Nam Định và Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An
Trong chương trình, Đoàn đã đến thăm và có buổi gặp gỡ, trao đổi công tác, giao lưu với Hội VHNT Nam Định. Trong không khí thân mật, nhạc sĩ – NSƯT Kiều Khắc Dư, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định đã bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp đoàn công tác Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An. Ông tự hào chia sẻ với đoàn những hoạt động mà Hội VHNT tỉnh Nam Định đã phát động trong thời gian qua và những thành tích Hội đã đạt được. Với bề dày truyền thống gần 50 năm, Hội VHNT Nam Định cũng đã có những đóng góp tốt trong sự phát triển chung của tỉnh, và về VHNT, Nam Định là một trong những địa phương có nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi, có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Hiện tại Hội VHNT tỉnh Nam Định có gần 300 hội viên thuộc 7 chuyên ngành văn xuôi, thơ, nghiên cứu phê bình, âm nhạc-múa, nhiếp anh, sân khấu, mỹ thuật. Cùng với đó là sự cống hiến của rất nhiều của các NSƯT, NSND tài năng. Ông rất vui khi được đón tiếp, giao lưu học hỏi với Đoàn công tác của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An tại Nam Định.
Phát biểu tại buổi giao lưu, PGS,TS Đinh Trí Dũng – Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nghệ An cũng đã bày tỏ sự xúc động và cảm ơn về sự đón tiếp chu đáo, thân tình của Hội VHNT Nam Định dành cho Đoàn, đồng thời chia sẻ những hoạt động cũng như những thành tích mà Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đã đạt được trong thời gian qua. Ông cũng nhấn mạnh về điểm chung của hai mảnh đất Nghệ An và Nam Định với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử.
PGS, TS Đinh Trí Dũng và NSƯT Kiều Khắc Dư trao tặng những ấn phẩm VHNT và tạp chí Sông Lam, tạp chí Văn Nhân
Lãnh đại hai Hội cũng chia sẻ về những khó khăn chung của các Hội VHNT, từ đó đã trao đổi với nhau những kinh nghiệm trong công tác Hội, trong sáng tác, trong hoạt động của hai tạp chí văn nghệ. Trong buổi giao lưu, hai Hội cũng đã trao tặng những tác phẩm VHNT; những ấn phẩm của Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Văn Nhân cùng những món quà ý nghĩa khác.
Nhà báo Đào Thúy Hoa, Phó tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam trao đổi về hoạt động của tạp chí văn nghệ tại buổi giao lưu
Trong buổi giao lưu, họa sĩ Vũ Xuân Dương – Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nhân và nhà báo Đào Thúy Hoa – Phó tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam cùng các văn nghệ sĩ đã có những chia sẻ, những trao đổi về kinh nghiệm trong nghề, đồng thời giao lưu văn hóa văn nghệ với những bài thơ, những bản nhạc, những làn điệu dân ca… Buổi giao lưu đã khép lại trong không khí ấm áp, thân tình.
Cán bộ, văn nghệ sĩ Hội VHNT tỉnh Nam Định và Hội LH VHNT Nghệ An chụp hình lưu niệm
Trong chuyến đi, Đoàn cũng đã thăm một số di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của vùng đất địa linh nhân kiệt, trong đó có hai di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là đền Trần, chùa Phổ Minh. Đoàn còn tham quan một số di tích, địa điểm văn hóa khác như đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Phủ Dầy, Nhà trưng bày ngành Dệt…
Một số hình ảnh trong chuyến đi thực tế sáng tác:
Đoàn tham quan đền Trần hay thường gọi là Trần miếu
Đoàn dâng hương tại đền Trần
Đền được xây dựng cách đây hơn 300 năm, trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần, là nơi thờ các vị vua Trần, triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nơi đây còn thờ phụng các vị tướng có công lớn đối với thời nhà Trần. Trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai, đền Trần được nhân dân trùng tu, tôn tạo và ngày nay là một quần thể di tích khang trang, mang đậm dấu ấn thời đại nhà Trần, và được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ dâng hương khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng Tám âm lịch hằng năm.
Đoàn đi tham quan chùa Phổ Minh
Sau khi Kim Phật Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai người làm kiệu bát cống bằng đá và xây tòa tháp lên trên, sau đó đặt 7 trong số 21 viên xá lị của vua cha vào hòm đá quý, đưa vào trong tháp Phổ Minh ở trước cửa chùa
Chùa Phổ Minh còn được gọi là chùa Tháp, nằm ở phía tây đền Trần. Ngôi chùa được xây dựng dưới triều Lý, đến thời Trần niên hiệu Thiệu Long năm thứ 5 (1262) được mở rộng quy mô, bề thế. Chùa Phổ Minh từng là nơi tu hành, tụng niệm của nhiều vị vua và quan lại quý tộc nhà Trần. Là di tích có danh tiếng trong tập bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1470, chùa được xem là đại danh lam của nước Đại Việt. Đây còn là một trong những nơi tu hành của Đức quân vương Trần Nhân Tông cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang. Năm 2012, chùa Phổ Minh được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Đoàn dâng hương tại di tích quốc gia Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Tiết mục dân ca ví, giặm của đoàn công tác Nghệ An được trình diễn giao lưu tại đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Cụ Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên vào khoa thi năm Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) dưới triều Vua Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được bổ làm quan ở Hàn lâm viện thăng đến chức Hàn lâm Thị thư trưởng Hàn lâm Viện sự, đứng đầu viện Hàn lâm. Ông là người có tài ngoại giao nên được vua giao trọng trách soạn thảo văn tự bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Trạng nguyên Lương Thế Vinh là người tài hoa, uyên bác về nhiều lĩnh vực như: âm nhạc, giáo dục, toán học, văn học… Sau khi mất (ông mất năm 1496), ông được thờ làm phúc thần. Đền thờ ông được lập tại thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản). Năm 1990, Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Đoàn tham quan di tích Phủ Dầy ở xã Kim Thái (Vụ Bản)
Nam Định với gần 400 điểm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được xem là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, trong đó Phủ Dầy là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với các thần tích về cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ 2. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là Phủ Tiên Hương (phủ chính), Phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào dịp ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh “Tháng Ba giỗ Mẹ”.

Nhà trưng bày Dệt Nam Định
Nhà trưng bày Dệt may Nam Định trưng bày hiện vật ngành may mặc của Việt Nam nằm trên khu đất Nhà máy Dệt Nam Định cũ, từng là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Nhà trưng bày Dệt Nam Định được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (còn gọi là Natexco) thành lập vào năm 2012 trên địa điểm của Nhà máy Dệt Nam Định trước đây. Nhà trưng bày có kiến trúc theo phong cách Pháp.
Những nơi mà đoàn công tác đi tham quan đã giúp các văn nghệ sĩ được mở rộng sự hiểu biết, mở rộng tầm nhìn và có thêm nguồn cảm hứng sáng tác văn học nghệ thuật. Trại sáng tác được tổ chức từ 25/2-11/3. Kết thúc trại sáng tác, các hội viên tham gia báo cáo tác phẩm cho các ban chuyên ngành và cho lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật.
(Theo: tapchisonglam.vn)