Đây là lần đầu tiên sự kiện Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình – vùng đất giàu di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên kỳ vĩ. Sự kiện là dịp để tôn vinh những giá trị trường tồn của thơ ca Việt Nam, đồng thời quảng bá tiềm năng văn hóa và du lịch của Ninh Bình đến với công chúng trong nước và quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã gióng hồi trống dài, chính thức mở đầu cho Ngày Thơ Việt Nam 2025. Ảnh: TTXVN.
Tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã gióng hồi trống dài, chính thức mở đầu cho Ngày Thơ Việt Nam 2025.
Tiếp theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã nêu bật ý nghĩa của chủ đề “Tổ quốc bay lên”, được lấy cảm hứng từ câu thơ trong tác phẩm “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ, anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân:
“Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Ông Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Chúng ta chọn tinh thần từ bài thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân là để bày tỏ sự tôn vinh và lòng biết ơn đối với tất cả những người con trên mảnh đất Việt Nam yêu quý đã dâng hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Những hy sinh lớn lao trong các cuộc chiến tranh vệ quốc chính là nền tảng để đất nước đứng dậy và vươn cao.”
Ngày Thơ Việt Nam 2025 đánh dấu lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Ninh Bình, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh:
“Non nước Ninh Bình, với cảnh sắc sơn thủy hữu tình, đã là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều bậc danh nho và thi sĩ từ các thời đại. Đây không chỉ là điểm đến của du khách mà còn là nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc qua những áng thơ bất hủ.”
Đặc biệt, di tích quốc gia đặc biệt Núi Non Nước – nơi khắc ghi gần 50 bài thơ trên vách đá từ thế kỷ 13 đến 19 – đang được địa phương xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Đây là minh chứng sống động cho sự kết nối giữa văn học và lịch sử trên mảnh đất cố đô.
Ngay trong đêm khai mạc, khán giả đã được thưởng thức các tiết mục ngâm thơ và đọc thơ từ nhiều thế hệ nhà thơ. Mở đầu là bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp nối là các tác phẩm của Trương Hán Siêu, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình Thi và nhiều nhà thơ đương đại.
Một điểm nhấn đặc biệt là bài thơ song ngữ “Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ” của nhà thơ Mỹ Bruce Weigl, cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam. Với sự xúc động, ông chia sẻ: “Việt Nam luôn là quê hương thứ hai trong trái tim tôi. Những người mẹ Việt Nam, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Vẻ, đã cho tôi thấy sức mạnh của tình yêu và lòng nhân ái vượt lên trên những đau thương chiến tranh.”
Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl, cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam.
Ngoài ra, chương trình còn kết hợp các ca khúc phổ nhạc từ thơ, như “Đường chúng ta đi”, “Tổ quốc gọi tên mình”, mang đến những cung bậc cảm xúc lắng đọng, đưa thơ ca đến gần hơn với khán giả.
Bên cạnh các tiết mục trình diễn, không gian Ngày Thơ Việt Nam 2025 còn trưng bày poster của 20 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng các tác phẩm thơ cổ và hiện đại về vùng đất Ninh Bình. Buổi tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, tạo nên không khí trao đổi học thuật sôi nổi.
Ngày Thơ Việt Nam từ lâu đã trở thành sự kiện văn hóa mang tính biểu tượng, tôn vinh thơ ca như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Sự kiện không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn là cầu nối giữa thơ ca và công chúng, giữa các thế hệ nhà thơ.
Với chủ đề “Tổ quốc bay lên”, Ngày Thơ Việt Nam 2025 đã thành công trong việc truyền tải thông điệp về hòa bình, khát vọng sống và sự trường tồn của văn hóa dân tộc, khẳng định vị thế của thơ ca Việt Nam trên trường quốc tế.
(Theo: baovannghe.vn)