Buổi tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình và các đại biểu từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đến dự có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; cùng các nhà thơ lão thành như Vũ Quần Phương, Đặng Huy Giang...
 |
Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” diễn ra ngày 12/2 tại Ninh Bình. Ảnh: Đức Phương/TTXVN. |
Trong không khí sôi nổi, nghiêm túc, tọa đàm đã ghi nhận 11 bài tham luận, tập trung vào các chủ đề như: trách nhiệm xã hội của nhà thơ, giá trị vĩnh cửu của thơ ca, động lực và khát vọng sáng tạo trong bối cảnh thơ ca đương đại.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định: “Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Khát vọng ấy gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sĩ. Thơ ca có giá trị đối với đời sống bởi nó khơi gợi sự tử tế trong mỗi con người.”
Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ những câu chuyện về thơ ca trong giai đoạn kháng chiến, minh chứng qua những tác giả như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên những người đã gác lại hào quang của phong trào Thơ Mới để đồng hành cùng dân tộc, trở thành chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Bên cạnh đó, nhà thơ Đặng Huy Giang đặt câu hỏi đầy trăn trở, làm sao để thi ca tìm lại giá trị đích thực của mình? Ông nhấn mạnh rằng trước khi sáng tác được những bài thơ hay, người nghệ sĩ cần nghiêm túc lao động sáng tạo và giữ gìn tinh thần trách nhiệm với thi ca.
 |
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Đức Phương/TTXVN. |
Những chia sẻ từ lớp nhà thơ trẻ mang lại làn gió mới cho buổi tọa đàm. Nhà thơ Nguyễn Như (1985) bày tỏ: “Là một người viết trẻ, tôi luôn trăn trở trước những biến chuyển của xã hội: sự suy thoái đạo đức, con người ngày càng xa rời giá trị cốt lõi. Là một công dân, một tác giả thơ, tôi luôn gắn bó với những trải nghiệm đời sống thực tế và biến chúng thành cảm hứng sáng tác.” Anh cũng chia sẻ rằng thơ ca Việt Nam hiện vẫn chưa vươn tầm quốc tế một cách mạnh mẽ, nguyên nhân đến từ việc thiếu chiến lược truyền thông và dịch thuật để đưa thơ Việt đến gần hơn với độc giả toàn cầu.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, trong khi đó, lại bày tỏ sự lạc quan về xu hướng cách tân trong thơ đương đại Việt Nam, nhận định: “Thơ hậu chiến đã đặt nền móng cho những cách tân đầy triển vọng, và thơ đương đại Việt Nam đang bước vào một chặng đường mới.”
Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” đã mang lại nhiều góc nhìn sâu sắc và tâm huyết về vai trò, sứ mệnh của thơ ca trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Các bài tham luận đều thống nhất thông điệp chính: “Thi ca phải là nguồn cảm hứng, là khát vọng và trách nhiệm giúp con người vươn lên, đồng hành cùng dân tộc trong mọi bối cảnh lịch sử.”
Sự kiện khép lại với nhiều ý tưởng hứa hẹn sẽ định hướng cho những bước đi mới của thơ ca Việt Nam trong thời gian tới.
Theo baovannghe.vn