Lý giải sự lên ngôi của phim kinh dị Việt

Nhìn vào 'thực đơn' tại các rạp chiếu hiện nay có thể thấy, phim kinh dị chiếm thế thượng phong. Thậm chí phim kinh dị Việt còn nổi trội hơn kinh dị ngoại về doanh thu. Mặc dù về kỹ xảo hay ý tưởng, chúng ta vẫn còn nhiều thua kém. Phải chăng khán giả Việt đang dành sự ưu ái đặc biệt cho dòng phim kinh dị nội?

 

Ma da khai thác nỗi sợ sông nước từ bao đời của người Việt.

Hết quỷ chó đến mèo ma

Linh miêu là phim có nhiều suất chiếu nhất tại các rạp, hứa hẹn tiếp nối thành công của Quỷ cẩu trước đó của cùng ê-kíp Võ Thanh Hòa (nhà sản xuất) và Lưu Thành Luân (đạo diễn). Họ cũng không ngại công bố kế hoạch đến năm 2030 sẽ tung ra 14 phim kinh dị dựa trên các con vật trong truyền thuyết dân gian Việt Nam: heo năm móng, thần trùng, ngư tinh, thuồng luồng, trăn đầu người, xà niêng, chuột ngũ sắc, hổ tinh, ngư tinh… Đây có thể coi là mạch kết nối tạo nên một “vũ trụ linh dị” riêng của ê-kíp.

Linh miêu mượn khung cảnh gia môn quyền quý ở Huế để kể chuyện ma.

Tóm lại, bằng một cách nào đó đoàn làm phim luôn muốn các phim về sau sẽ phải có liên quan đến thành công của phim trước đó. Điều này tạo nên độ tin cậy của thương hiệu khiến khán giả tiếp tục mua vé.

Ê-kíp Linh miêu chi tiền tỷ để trùng tu một biệt thự ở Huế làm bối cảnh phim.

Sau thành công bất ngờ của Quỷ cẩu cuối năm ngoái, ê-kíp đã được nhà đầu tư mạnh tay chi cho Linh miêu. Vì thế có thể thấy, bối cảnh, trang phục ở phim này chỉn chu hơn. Nói chung kể chuyện nhà quyền quý ở Huế thì không thể nào không có sự đầu tư. Phim cũng tận dụng đặc sản kiến trúc… nghĩa trang cầu kỳ riêng có ở Huế. Đạo diễn khéo léo đưa nghề khảm sành sứ vào phim để có thể khai thác một yếu tố văn hóa đặc thù Huế.

Nếu ở phim trước, các nhân vật bị ma chó báo thù vì tội ác với loài chó thì với Linh miêu, mèo chỉ là một hình thức ác quái được con người mượn tay để giải quyết oán thù trong gia đình. Câu chuyện được kể một cách từ tốn, mạch lạc. Các nhân vật rõ tính cách hơn là ưu điểm có thể thấy ở Linh miêu so với phim tiền nhiệm. Thành công nữa của Linh miêu là phân vai khá hợp lý.

Tuy nhiên “ma mèo” có vẻ lại không đáng sợ bằng “quỷ cẩu”. Nhà sản xuất cũng thừa nhận điều này nằm trong dụng ý, vì họ muốn đẩy mạnh yếu tố văn hóa. Ngoài vận dụng văn hóa Huế, các tác giả còn mượn cả văn hóa tộc người ở Tây Nguyên để lý giải về gốc tích của linh miêu. Nhưng đoạn này có vẻ hơi khiên cưỡng. Ngoài ra, phim vẫn còn khá máy móc khi ra sức khắc họa sự ác độc của các nhân vật chỉ để chứng tỏ kết cục dành cho họ là xứng đáng.

Cạnh tranh giữa các “vũ trụ”

Hiện nay, điện ảnh Việt đang tồn tại tới 3 vũ trụ kinh dị. Ngoài đàn thú ma của Võ Thanh Hòa - Lưu Thành Luân còn có cảm hứng ngũ hành của Nhất Trung - Nguyễn Hữu Hoàng, mở đầu bằng Ma da ra rạp giữa tháng 8 thu về 127 tỷ đồng, trở thành phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất. Đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà Hoàng Quân được xem là những người đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng vũ trụ kinh dị thuần Việt với loạt phim Kẻ ăn hồn, Tết ở làng địa ngục, Chuyện ma gần nhà, Bắc kim thang… gần đây cũng tung ra Cám - thành công về doanh thu nhưng được đánh giá là bước lùi so với chính những phim cùng ê-kíp.

Phải chăng đang có một cơn khát phim kinh dị từ phía khán giả, khiến cho những phim kinh dị chất lượng vừa phải, thậm chí được làm quấy quá cũng vẫn được đón nhận. Điều này khiến việc mở ra các vũ trụ kinh dị đơn giản trở thành việc một cơ hội kinh doanh không thể bỏ lỡ?!

Đầu tiên phải thấy rằng, cách dùng khái niệm “vũ trụ điện ảnh” ở ta có phần dễ dãi. Vũ trụ theo kiểu Hollywood thì các phim phải liên quan ở mức tình tiết diễn biến. Phim này là tiền hay hậu truyện của phim trước. Và tất nhiên có cả một hệ thống nhân vật chung sẽ lần lượt được đưa vào tâm điểm trong từng phim. Loạt phim này thường căn cứ trên loạt truyện tranh nổi tiếng trước đó, cộng với hệ thống kịch bản liền mạch nối tiếp nhau - là chất liệu sẵn sàng cho nhà làm phim nhào nặn.

Các vũ trụ điện ảnh ở Việt Nam vẫn còn là những mảnh ghép khá rời rạc. Nó không tạo ra được loạt nhân vật nổi bật để khai thác lâu dài. Do đó, các nhà làm phim sẽ phải bám vào những điển tích, biểu tượng có sẵn trong dân gian để khai thác. Như Tấm Cám được kể đi kể lại không biết bao lần. Trong khi những điển tích đòi hỏi kỹ xảo phức tạp như Thánh Gióng, Sơn Tinh… chưa ai dám động. Dù những “vũ trụ” này đầy hứa hẹn sẽ sản sinh ra những “siêu anh hùng”.

Có thể thấy, văn hóa truyền thống đang là chỗ dựa tốt cho các nhà làm phim kinh dị Việt. Đây cũng là yếu tố quan trọng để hút khách. Khán giả hiện nay vẫn tò mò muốn biết những câu chuyện quen thuộc sẽ được làm mới, được “kinh dị hóa” như thế nào.

Bao giờ tới kỳ ảo Việt?

Việc khán giả say mê xem kinh dị Việt cũng có thể vì họ chưa có những lựa chọn hấp dẫn hơn. Đồ rằng lúc này nếu phim kỳ ảo, thần tiên Việt xuất hiện có khi sẽ còn bùng nổ hơn. Nhưng để có được những kịch bản tốt cho dòng phim này sẽ còn khó khăn gấp bội, chưa kể đầu tư cho kỹ xảo, phục trang. Vì những bối cảnh kinh dị chắc chắn sẽ dễ dàn dựng hơn một thế giới thần tiên rực rỡ cần nhiều chi tiết để khắc họa. Những kịch bản kinh dị có vẻ cũng dễ xây dựng hơn với mô-típ “ác giả ác báo” quen thuộc.

Chỉ vài năm trước, phim Việt ra rạp không hài thì cũng phải có yếu tố hài mới mong bán vé, nay đã bị phim kinh dị lấn át hoàn toàn. Phim chính kịch, tâm lý chỉ còn vài tên tuổi mạnh trụ lại. Vì thế cũng không rõ trào lưu “vũ trụ kinh dị” Việt tới lúc nào sẽ hết hút khách.

Diễn viên Hồng Đào - trước đây không bao giờ xem phim kinh dị nay cũng góp mặt trong Linh miêu - cho rằng, như bất cứ xu hướng nào, đến khi khán giả bội thực thì các nhà làm phim cũng phải tìm hướng đi khác. Chị lý giải: “Nhiều người làm kinh dị vì thích, nhưng cũng có người thấy doanh số bán vé cao thì nhào vô. Nhưng cho dù kinh dị, kinh điển hay tình cảm gì thì anh cũng phải làm tốt thì mới tồn tại được”.

(Theo: tienphong.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận