''Bắt bệnhViệ'' phim kinh dị Việt: Vì sao ghê nhưng không thấy sợ?

Thể loại kinh dị Việt Nam đang được đầu tư ngày càng nhiều, có cải thiện về nhiều mặt, nhưng vẫn còn yếu một yếu tố đặc biệt quan trọng và cần được cải thiện: Sự hồi hộp và căng thẳng.

 

Phim "Linh miêu: Quỷ nhập tràng." (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Bước ra khỏi rạp sau khi xem phim “Linh miêu: Quỷ nhập tràng,” khán giả có 2 luồng ý kiến: Sợ và không sợ. Tuy nhiên, đối với khán giả thích phim kinh dị, bộ phim xem chưa "đã."

“Mình đã thử xem một số phim kinh dị Việt gần đây nhưng không sợ nổi. Có thể vì mình đã xem nhiều nên quen các mô típ và mánh lới hù dọa, nhưng ngay cả khi không có những mô típ ấy, mình vẫn không thấy sự hồi hộp, bồn chồn khi xem phim,” một fan của dòng kinh dị nêu ý kiến.

Cảm xúc về phim là chủ quan. Tuy nhiên có một số quy tắc khiến phim kinh dị trở thành một thể loại riêng biệt. Để làm ra tác phẩm thành công, người làm kinh dị cần đáp ứng rất nhiều yếu tố.

"Bóc tách" phản ứng của bộ não với phim kinh dị

Theo lý giải trong bài viết “Tâm lý học của nỗi sợ: Khám phá khoa học phía sau ngành giải trí kinh dị” của trường Đại học Concordia St. Paul (Mỹ), cảm giác thích thú khi xem phim kinh dị không đến từ nỗi sợ, mà đến từ phản ứng của cơ thể trước nỗi sợ đó.

Đầu tiên, người xem cần nhận thức rõ mình đang ở nơi an toàn. Khi tình huống kinh dị xuất hiện, người xem đứng trước 2 lựa chọn: trốn tránh (che mắt, bịt tai…) hoặc đối đầu. Nếu đối đầu, cơ thể sẽ tiết ra adrenaline (hormone giúp đối mặt tình huống nguy hiểm), endorphins (hormone giúp giảm đau, giảm căng thẳng) và dopamine (hormone tạo cảm giác thỏa mãn, được truyền động lực) để tăng khả năng sinh tồn.

“Về cơ bản, nỗi sợ làm bộ não bạn ngập trong những chất hóa học giúp xoa dịu,” Tiến sỹ xã hội học Margee Kerr (Đại học Pittsburgh) diễn giải. Sau khi tình huống hù dọa kết thúc, người xem nhận ra mình an toàn trong hiện thực, bộ não sẽ tiếp nhận đây là trải nghiệm tích cực.

Phim kinh dị có những tác động "tích cực" lên bộ não. (Ảnh minh họa: Media Psychology)

Song các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra không phải ai cũng có cơ chế phản ứng tương tự, vì vậy sẽ có những người không thích thể loại kinh dị.

Để cảm nhận được nỗi sợ trong phim, người xem cần đồng cảm với nhân vật. Trang tin điện ảnh nổi tiếng Screen Rant nêu ra 10 yếu tố làm nên một phim kinh dị hay, tổng hợp từ ý kiến từ người dùng Reddit (diễn đàn trực tuyến có tới 430 triệu tài khoản trên toàn thế giới), gồm: (1) Đừng kể, hãy tả; (2) Khiến thứ an toàn trở nên đáng sợ; (3) Đừng cho con “quái vật” lộ diện sớm; (4) Khiến bộ phim càng chân thực càng tốt; (5) Khiến khán giả đồng cảm hoặc quan tâm tới nhân vật; (6) Âm nhạc phù hợp; (7) Thông điệp quan trọng; (8) Hé lộ về quy tắc hoặc cơ chế hoạt động của con “quái vật”; (9) Đừng lạm dụng yếu tố “gore” (kinh dị xác thịt); (10) Khó đoán.

Trong khi yếu tố số 1 và số 7 được áp dụng chung cho phần lớn thể loại điện ảnh; thì các yếu tố số 2, 4, 5, 6 giúp khán giả tin vào độ chân thực của bộ phim. Các yếu tố số 3, 8, 10 sẽ khiến khán giả tò mò, tập trung và ngồi tới cuối phim để tìm hiểu bản chất thật sự của nỗi kinh hoàng bí ẩn.

Vừa làm, vừa cải thiện

Hậu COVID-19, dòng phim kinh dị Việt Nam có dấu hiệu bùng nổ khi năm nào cũng có nhiều hơn 1 tác phẩm. Nhiều nhà làm phim nhận xét do việc kiểm duyệt phim đã “thoáng” hơn nên tạo điều kiện ảnh khai thác thể loại đầy hấp dẫn này.

Tuy nhiên điểm đáng tiếc là dòng phim kinh dị Việt Nam còn khiêm tốn. Một bộ phận khán giả nhận xét những phim kinh dị ra mắt gần đây như “Chuyện ma gần nhà,” “Kẻ ăn hồn,” “Quỷ cẩu” hay vừa ra mắt là “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” chưa đạt ở nhiều yếu tố, từ diễn xuất đến không khí trong phim.

Một nhà sản xuất chỉ ra sự tiến bộ ở kinh phí. Kinh phí cao hơn, đạo cụ, hóa trang, kỹ xảo, sản xuất nói chung... đều được nâng tầm. Tuy nhiên người làm phim còn yếu về khả năng gây dựng kịch tính và căng thẳng.

“Cũng không loại trừ đây là chủ ý của nhà làm phim, bởi làm phim ghê quá thì không mấy khán giả dám xem, thị trường Việt Nam thì còn quá nhỏ. Không ai muốn phim bị thua lỗ cả, trừ khi phải làm tốt hẳn và tạo thành hiện tượng gây sốt thì may ra” - người này nhận định.

Diễn viên Thanh Mỹ với tạo hình dị dạng trong phim "Cám" (thu 96,3 tỷ đồng). (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Trên thực tế, các phim này đã và đang mang về doanh thu khả quan. "Quỷ cẩu" thu 108 tỷ đồng, "Cám" 96,3 tỷ đồng, "Kẻ ăn hồn" 66,9 tỷ đồng (số liệu theo nền tảng độc lập thống kê doanh số phòng vé Việt - Box Office Vietnam). Phim "Linh miêu: Quỷ nhập tràng" vẫn đang chiếu ngoài rạp, đã thu 57,2 tỷ đồng.

Các phim kinh dị Việt gần đây chủ yếu khai thác 2 yếu tố chính là “body horror” (khai thác sự đau đớn về thể chất) và “folk horror” (kinh dị dân gian). Khán giả đứng trước những "món ăn" quen thuộc sẽ bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn nữa.

Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa (Quỷ cẩu, Linh miêu: Quỷ nhập tràng) cho biết đang cùng êkíp nỗ lực thay đổi cách thể hiện, ví dụ không dùng nhiều “jumpscare” (hù dọa kiểu gây giật mình) như trước nữa. Trong tương lai, êkíp của anh đang ấp ủ 8 phim điện ảnh kinh dị dân gian-tâm linh khác, đây sẽ là cơ hội để cải thiện chất lượng phim.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm, học hỏi và sáng tạo, thử nghiệm thêm nhiều thể loại kinh dị hơn, nhiều câu chuyện tâm lý nghệ thuật nặng hơn để có được dòng kinh dị riêng của Việt Nam. Những phim kinh dị của Thái Lan, Indonesia đều rất đặc trưng và đã đến được với thế giới. Vì vậy chúng tôi cũng đang cố gắng tạo ra chuỗi phim kinh dị đậm đà màu sắc của mình,” đạo diễn Võ Thanh Hòa nói.

(Theo: vietnamplus.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận