Văn học Việt Nam từ 1975: Chờ văn chương Việt chinh phục quốc tế

Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề '50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế', hội nghị làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam, khơi gợi những câu hỏi lớn và mở ra những triển vọng mới mẻ.

 

Sáng tạo giữa những chuyển động lịch sử

Hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình (LLPB) Văn học Nghệ thuật T.Ư tổ chức. Trong phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động to lớn, sâu sắc vào sự phát triển của văn học Việt Nam. Văn học không chỉ phản ánh những gì đã xảy ra mà còn phải dự báo tương lai. Người viết cần đặt mình vào tâm thế của một kẻ đi tìm những giá trị mới, trong một thế giới biến động không ngừng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động to lớn tới sự phát triển của văn học Việt Nam.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng LLPB Văn học nghệ thuật T.Ư, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh tầm quan trọng của các tác phẩm văn học trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn học Việt Nam cần bám rễ sâu vào truyền thống văn hóa nhưng cũng phải tiếp nhận những dòng chảy hiện đại để vươn tới tầm vóc mới. Chỉ khi dung hòa được hai yếu tố này, văn học Việt Nam mới có thể ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn trên bản đồ thế giới”, ông Kỷ nói.

Năm 1975 không chỉ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng với ngày đất nước thống nhất mà còn mở ra một chương mới cho văn học Việt Nam. Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học khẳng định, văn học 50 năm qua đã đồng hành với dân tộc trong hành trình vượt qua những biến động lịch sử, văn hóa và xã hội.

Ông nhấn mạnh: "Sau chiến tranh, văn học đã trở thành nhịp cầu nối liền những vết thương quá khứ, khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước. Từ sử thi thời chiến, chúng ta đã chuyển mình sang cái nhìn thế sự - đời tư, nơi văn học phản ánh sự phức hợp của con người trong một xã hội đổi mới".

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương- một trong những tiếng nói nổi bật của văn học đương đại - chia sẻ: “Văn học thời hậu chiến đã thoát ly khỏi những khuôn mẫu sử thi để tìm kiếm những cách thể hiện mới, mạnh dạn đối diện với những phức tạp của hiện thực”. Ông ví văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước vừa cần mẫn vá lại những vết thương, những rách nát của con người, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước.

Nhà văn Nguyễn Một (thứ 3 từ trái qua) nhận Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á 2022-2023 với tác phẩm Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Nguyễn Bình Phương cũng ẵm giải nhờ Một ví dụ xoàng.

Một trong những điểm nổi bật của hội nghị là sự ghi nhận vai trò của các diễn ngôn mới trong văn học Việt Nam. Theo PGS.TS Trần Hoài Anh, sự xuất hiện của các diễn ngôn như diễn ngôn chấn thương, diễn ngôn sinh thái và diễn ngôn đô thị đã định hình những cách nhìn nhận và tiếp cận mới đối với hiện thực. Ông nhận định: “Những diễn ngôn này không chỉ phản ánh hiện thực một cách sắc nét mà còn làm phong phú thêm biên độ nghệ thuật, góp phần định vị văn học Việt Nam trên bản đồ văn học thế giới”.

Bên cạnh đó, văn học của những tác giả nữ đã trở thành một điểm sáng đặc biệt. PGS.TS Thái Phan Vàng Anh trong tham luận “Ý thức giới của những diễn ngôn cá nhân trong tiểu thuyết nữ đầu thế kỷ XXI”, đã khẳng định, tiếng nói của các nhà văn nữ không chỉ làm phong phú thêm văn học đương đại mà còn thúc đẩy một sự nhận thức mới về vai trò của giới trong nghệ thuật.

Bà nhấn mạnh: “Tiểu thuyết của các nhà văn nữ như Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Khắc Ngân Vi… đã tạo nên một dòng chảy mạnh mẽ, khẳng định tiếng nói cá nhân, đi sâu vào những thân phận riêng và khám phá bản thể của chính họ”. Những tác phẩm như Đàn bà xấu thì không có quà của Y Ban hay Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là câu chuyện của cá nhân mà còn là bức tranh khái quát về những biến động xã hội.

Văn học dù đạt được nhiều thành tựu, song hội nghị cũng đặt ra những câu hỏi lớn về sự phát triển bền vững của văn học Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp chỉ ra rằng, văn học Việt Nam đang đối mặt với sự mất cân đối giữa số lượng và chất lượng. Ông đặt vấn đề: “Vì sao sau 50 năm, chúng ta vẫn hiếm những đỉnh cao nghệ thuật, những tác phẩm đủ sức vượt thời gian và chinh phục độc giả quốc tế”.

Nguyên nhân, theo ông, nằm ở sự chi phối ngày càng lớn của kinh tế thị trường đối với văn học. Thị hiếu thương mại hóa đã làm giảm đi tính độc lập và chiều sâu nghệ thuật của nhiều tác phẩm. “Phê bình cánh hẩu, quảng cáo thiếu trách nhiệm và xu hướng viết chiều lòng đám đông đang làm mai một giá trị thực sự của văn học”, ông Điệp khẳng định.

Một thách thức khác đến từ sự hội nhập quốc tế. PGS.TS Trần Hoài Anh nhấn mạnh: “Dù việc tiếp nhận ảnh hưởng từ văn học phương Tây là rất cần thiết, nhưng chúng ta cần một bộ lọc văn hóa đủ mạnh để không bị hòa tan hay đánh mất bản sắc”.

Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để văn học Việt Nam phát triển trong thời đại toàn cầu hóa. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường vai trò của lý luận phê bình. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh: “Lý luận phê bình không chỉ là sự tự ý thức của văn học mà còn là chiếc la bàn định hướng, giúp văn học vượt qua những thách thức của thời đại”.

Giao lưu văn hóa quốc tế cũng được coi là chìa khóa để hiện đại hóa văn học. Tuy nhiên, cần có sự tiếp nhận chọn lọc, tránh rơi vào tình trạng sao chép hay đánh mất giá trị dân tộc. Nhà văn Nguyễn Bình Phương nêu: “Sáng tạo trong văn học không chỉ là phản ánh hiện thực mà còn là hành trình kiến tạo bản sắc trong sự đối thoại với thế giới”.

(Theo: tienphong.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận