Lan tỏa tác phẩm VHNT qua môi trường số

Công nghệ phát triển đã mang đến những hỗ trợ thiết thực và hữu ích trong đời sống. Nếu biết tận dụng lợi thế của công nghệ, việc đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) đến với công chúng sẽ trở nên thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

 

Tận dụng tối đa nền tảng công nghệ

Trong hội thảo khoa học “Làm thế nào để những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng” do Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM tổ chức mới đây, PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Lý luận phê bình - Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, đã đưa ra nhận định, quá trình phổ biến VHNT đến khán giả đã huy động rộng rãi các phương tiện truyền thông tham gia, qua đó phần nào đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Tuy nhiên, quá trình quảng bá vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những tác phẩm do Nhà nước đặt hàng, phần nhiều trong số này gặp phải tình trạng chung: làm xong rồi… “cất kho”. Từ đó, dẫn đến tình trạng tác phẩm thì không thiếu mà công chúng vẫn luôn “khát”.

Các khách mời giao lưu tại chương trình "Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn" do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức

Nhà báo Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu TPHCM, cho rằng, trong thời đại công nghệ số, việc ra mắt, vận hành website là việc không khó và rất quan trọng đối với một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Hiện tại, một số sân khấu của TPHCM như: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, Nhà hát Idecaf, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Thiên Đăng, Sân khấu Hoàng Thái Thanh… đều đã có website riêng, cung cấp thông tin vở diễn, bán vé trực tuyến, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận các tác phẩm mong muốn. Thậm chí, tại Nhà hát Idecaf, 95% lượng vé bán ra đều là vé bán trực tuyến.

Cũng theo nhà báo Nguyễn Thanh Hiệp, chuyển đổi số ngành sân khấu đang là yêu cầu tất yếu. Thậm chí, thông qua nhiều nền tảng mạng xã hội hiện nay, chính các nghệ sĩ còn đang đảm nhận nhiều vai trò, nhiệm vụ mới với mục đích chung là đưa khán giả đến gần hơn với nhà hát.

“Trong vai trò Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, NSƯT Lê Diễn luôn tranh thủ livestream để khán giả dễ dàng nắm bắt thông tin về các hoạt động của nghệ thuật xiếc, nhất là qua các chuyến tổ chức đưa nghệ sĩ TPHCM đến tranh tài tại các quốc gia”, nhà báo Thanh Hiệp cho biết.

Không chỉ riêng sân khấu mà các lĩnh vực VHNT khác cũng đang tận dụng lợi thế của công nghệ để lan tỏa tác phẩm. Nhiều năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (Hội Âm nhạc TPHCM) đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để tiến hành hòa âm, thu âm, quay MV, dựng phim hoạt hình, quay chương trình dạy hát… phục vụ cho kênh YouTube 300 bài hát thiếu nhi do nhạc sĩ lập ra.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn chủ động đến 60 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TPHCM để giao lưu, biểu diễn, tặng sách và tự phổ biến những bài hát thiếu nhi của mình.

“Cách truyền thông đơn giản nhất, mang lại hiệu quả nhất và cũng ít tốn kém nhất đó là tận dụng tất cả sức mạnh của mạng xã hội. Việc này ai trong số nghệ sĩ chúng ta cũng làm được chỉ là có muốn hay không mà thôi”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Theo Nhà giáo ưu tú, ThS Đoàn Phúc Linh Tâm (Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM), Singapore được biết đến như một trong những quốc gia tiên phong trong việc sử dụng công nghệ để kết nối nghệ thuật với công chúng. Các nền tảng kỹ thuật số như National Arts Council và các ứng dụng trực tuyến đã giúp số hóa các tác phẩm VHNT, đưa chúng đến gần hơn với mọi tầng lớp khán giả. Người dân có thể dễ dàng truy cập thông tin, xem tác phẩm hoặc thậm chí tham gia các sự kiện văn hóa nghệ thuật chỉ qua một thiết bị di động.

Điều này không chỉ giảm thiểu rào cản về địa lý mà còn tạo điều kiện để thế hệ trẻ tiếp cận nghệ thuật thông qua phương thức mà họ quen thuộc nhất, đó là công nghệ.

Cũng theo ThS Đoàn Phúc Linh Tâm, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển và lan tỏa giá trị của VHNT đến với công chúng thế giới. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần học hỏi những bài học từ Singapore hay Indonesia, Thái Lan, Malaysia, đồng thời điều chỉnh phù hợp với bối cảnh và đặc thù văn hóa của nước nhà.

“Trong thời đại số, công nghệ trực tuyến là cầu nối hiệu quả nhất để đưa tác phẩm VHNT đến với công chúng. Việt Nam cần xây dựng các nền tảng trực tuyến, nơi người dân có thể dễ dàng truy cập để tìm kiếm, xem và trải nghiệm các tác phẩm. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) có thể mang lại những trải nghiệm độc đáo và mới mẻ cho khán giả. Đây cũng là cách để thu hút giới trẻ, nhóm đối tượng vốn có xu hướng yêu thích công nghệ và trải nghiệm hiện đại”, ThS Đoàn Phúc Linh Tâm cho biết.

(Theo: sggp.org.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận