Sân khấu cần nhiều hơn sự dấn thân và sáng tạo

Tháng 11, những người yêu sân khấu Thủ đô vừa được thưởng thức một 'bữa tiệc' sân khấu đa sắc cùng Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024. Cuộc tranh tài của 12 đơn vị nghệ thuật thuộc nhiều loại hình: chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, múa rối,… đã phần nào vẽ nên diện mạo sân khấu Thủ đô hiện tại.

 

Cảnh trong vở “Khoảng trống” (Nhà hát Kịch Hà Nội) - Huy chương Vàng Liên hoan. (Ảnh: Vi Anh)

Năm 2024 là năm sân khấu Việt Nam diễn ra sôi động với khá nhiều “sân chơi” nghệ thuật. Trước Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng là Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất tại Hải Phòng vào tháng 5; Liên hoan Kịch nói toàn quốc tại Thái Nguyên vào tháng 6. Cũng trong tháng 11, đồng thời diễn ra Liên hoan Cải lương toàn quốc tại Cần Thơ, tiếp nối là Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh đang làm nóng không gian nghệ thuật tại thành phố mang tên Bác.

Đó là lý do Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm nay chỉ thu hút 12 đơn vị nghệ thuật dự thi, do các bên đều phải cân đối nguồn lực để lựa chọn tham gia các cuộc thi phù hợp. Theo quy định, mỗi đơn vị được tranh tài với một tác phẩm nên Liên hoan chỉ có 12 vở diễn so găng. Tuy nhiên, không vì thế mà cuộc đọ sức nghệ thuật mất đi kịch tính, bởi có nhiều vở ở thế “kẻ tám lạng, người nửa cân”, đúng như đánh giá của nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan: 12 tác phẩm được đầu tư nghiêm túc về kịch bản và dàn dựng chính là 12 “trái ngọt” với cả khán giả và nghệ sĩ.

“Những nhân vật được khắc họa từ Liên hoan như Hồ Xuân Hương, Lý Thường Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng đế cờ lau, Thiếu phụ Nam Xương, các cô gái Hà Nội hát ả đào và kẻ sĩ Hà Nội tham gia vào cuộc kháng chiến rồi tiếp quản và xây dựng Thủ đô sẽ còn sống lâu trong lòng khán giả” - nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn nhấn mạnh.

Theo dõi Liên hoan, có không ít vở diễn đã chạm được đến cảm xúc của khán giả nhờ dấu ấn trong khai thác nội dung và nghệ thuật. Tiêu biểu như “Khoảng trống” (Nhà hát Kịch Hà Nội) với cách chuyển tải những bi kịch thầm kín của người trí thức trong xã hội hiện đại; “Cánh cửa khép hờ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam) với thử nghiệm táo bạo khi lần đầu tiên đưa đề tài giả tưởng lên sân khấu cải lương để cảnh tỉnh nhân loại về hiểm họa từ lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo; hay hài kịch “Lộ hàng” với các pha châm biếm, đả kích sâu cay về những giá trị ảo, góc khuất trong làng giải trí.

Trong khi đó, vở chèo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (Nhà hát Chèo Quân đội) khéo léo gây ấn tượng bằng việc khắc họa đậm nét những khía cạnh rất “tình”, rất “nhân văn” nơi “vị tướng của lòng dân”; “Hoàng thành Thăng Long” (Nhà hát Múa rối Việt Nam) lại hấp dẫn người xem bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa rối cạn và rối nước, kể câu chuyện đầy sống động về Hoàng thành Thăng Long với những giá trị về văn hóa, kiến trúc, lịch sử...

Cảnh trong vở "Người hát ả đào" (Nhà hát Chèo Hà Nội) - Huy chương Bạc Liên hoan. (Ảnh: Xuân Đạt)

Theo Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Hà Đình Cẩn, cũng từ Liên hoan, có thể vui mừng nhìn thấy sự tiếp nối thế hệ khi “đội ngũ nghệ sĩ gạo cội vẫn còn đó, yêu nghề, sống chết với nghề và có sự kế tiếp của các nghệ sĩ trẻ tài năng. Chúng ta thấy những người trẻ làm sân khấu hôm nay đang đổi mới từ mỹ thuật sân khấu tới lối trình diễn nhưng không xa lạ mà được công chúng đón nhận, hòa đồng. Đó là thước đo chuẩn mực cho thành công của Liên hoan”.

Con số 7/12 vở diễn được trao giải (gồm 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc), 62 diễn viên được nhận Huy chương (27 Huy chương Vàng, 35 Huy chương Bạc) và 13 thành phần sáng tạo xuất sắc được vinh danh phần nào đã khẳng định chất lượng nghệ thuật của Liên hoan. Tuy nhiên, từ đây, vẫn nhận ra những “khoảng trống” cần điều chỉnh.

Bước sang mùa thứ 6 tổ chức, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 (tên gọi những mùa trước là Liên hoan Sân khấu Thủ đô) không chỉ thu hút sự tham dự của các đơn vị sân khấu trên địa bàn Hà Nội mà còn có sự góp mặt của các đơn vị nghệ thuật đến từ các địa phương lân cận như Đoàn Chèo Hải Phòng, Nhà hát Chèo Bắc Giang. Dù vậy, Liên hoan vẫn khuyến khích tác phẩm có nội dung gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, với mục tiêu đưa Liên hoan trở thành hoạt động nghệ thuật có thương hiệu của Thủ đô.

Song đáng tiếc, chất Hà Nội trong một Liên hoan sân khấu của Hà Nội và về Hà Nội dường như vẫn còn mờ nhạt. Đây cũng là điều khiến Hội đồng Giám khảo Liên hoan trăn trở, vì “vẫn cảm thấy thiếu vắng một Hà Nội rất Hà Nội như trong ca khúc của Trịnh Công Sơn hay trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi,...”.

Và đương nhiên, cái chất Hà Nội ấy chỉ có thể tìm thấy khi những người làm nên tác phẩm sân khấu thật sự hiểu, yêu và không ngại đi sâu tìm kiếm, chuyển tải những vẻ đẹp riêng có của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Thêm một nốt trầm là sự vắng bóng của những đề tài hiện đại vẫn kéo dài từ các mùa Liên hoan trước đến nay. Nhìn vào danh sách vở diễn dự thi, chỉ có rất ít tác phẩm mang theo hơi thở cuộc sống hôm nay. Đây cũng là tồn tại bấy lâu khiến sân khấu xa rời thực tại, không đủ sức hấp dẫn công chúng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ.

Hiện thực này đặt ra đòi hỏi cần phải có những giải pháp để phát triển đội ngũ sáng tác, tìm kiếm các kịch bản chất lượng đáp ứng được mong mỏi của khán giả hôm nay. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự dấn thân sáng tạo của những người làm sân khấu, dám khai phá, lý giải, đi đến tận cùng những vấn đề nóng bỏng trong dòng chảy cuộc sống đương đại. 

(Theo: nhandan.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận