Liên hoan Sân khấu kịch nói TP.HCM: Cuộc trình diễn phong phú

Liên hoan Sân khấu kịch nói TP.HCM lần thứ nhất 2024 diễn ra từ ngày 12 - 29.11 đem đến cho khán giả một "đại tiệc" vô cùng phong phú, đủ thể loại, màu sắc. Có thể nói đây là đợt trình diễn thực lực đẹp mắt.

 

TRĂM HOA ĐUA NỞ

Chỉ trong một thời gian ngắn, khán giả TP.HCM được thưởng thức rất nhiều thể loại kịch nói với nhiều phong cách biểu diễn, trong đó nổi trội vẫn là kịch tâm lý, xã hội, bi kịch - mà mỗi đơn vị lại có phong cách riêng làm nên vườn hoa đa sắc.

Vở Hoa sắt của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM ẢNH: H.K

Nghiêm túc, chuẩn mực thì có Má ơi! Út dìa (IDECAF), Cơn mê cuối cùng (Hoàng Thái Thanh), Bến lửa lòng (5B), Đứt dây tơ chùng (sân khấu Hồng Vân), Tiếng chim vườn ngọc (Công ty Sân khấu Điện ảnh Trăng), Cù lao dậy sóng (Công ty Nguyễn Vĩnh Lộc). Mang hơi hướng nhạc kịch có Giáng Hương (Thiên Đăng), Bông cánh cò (sân khấu Hồng Vân). Màu sắc kinh dị có Đêm vượn hú (5B). Tươi trẻ, hoạt náo có Lỡ nhớ lầm thương, Ông già đoàn lô tô (Thế Giới Trẻ), Dâu ngọt (sân khấu Trương Hùng Minh)… - đây vẫn là thế mạnh của sân khấu TP.HCM bởi hướng đến thị trường, khán giả mua vé hằng tuần, nên chọn thể loại này là thích hợp nhất.

Thực tế, hầu hết các vở đều không phải dựng để đi thi mà đã dựng để bán vé từ trước, cho nên có đời sống thực sự, đã được khán giả "thẩm định" trước khi tham dự liên hoan.

Mảng gây bất ngờ và cũng chiếm số lượng khá nhiều là kịch truyền thống cách mạng. Hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vào năm 2025, nhiều đơn vị đã dựng mảng kịch này, sau liên hoan có thể tiếp tục diễn phục vụ. Hoa sắt (Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM), Ngày ấy cổng trời (sân khấu Trịnh Kim Chi), Đồng chí (Hội Sân khấu TP.HCM), Khát vọng hòa bình (Nhà hát Kịch TP.HCM), Những cánh hoa trinh trắng (Công ty truyền thông và giải trí Ấn Tượng Mới), Cánh đồng rực lửa (sân khấu Quốc Thảo) là những vở như thế. Khán giả bất ngờ bởi sự mềm mại, rất "đời" của các vở đề tài cách mạng; ít có sự hô hào, lên gân, nên gây được cảm xúc, cảm tình rất tốt. Thậm chí, có vở anh hùng ca vẫn khéo léo chen vào những lớp hài duyên dáng như Cánh đồng rực lửa, Ngày ấy cổng trời, khán giả thú vị theo dõi một mạch mà không thấy nặng nề.

Ngoài ra, có thể thấy cả kịch sử hoành tráng như Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử (IDECAF), hoặc kịch thiếu nhi sinh động như Mễ Cốc phiêu lưu ký (sân khấu Trương Hùng Minh), Colora xứ sở rực rỡ (sân khấu Ban Mai). Quả là cuộc trình diễn phong phú của một thành phố đầy năng lượng.

Qua liên hoan, có thể nhìn thấy tổng quan sân khấu TP.HCM một cách rõ ràng hơn. Mặc dù ngày thường vẫn có những vở chạy theo thị trường dễ dãi, diễn để mưu sinh, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của nghệ sĩ qua liên hoan lần thứ nhất này.

SÂN KHẤU XÃ HỘI HÓA LÀM CHỦ ĐẠO

Có được sự đa sắc như thế là nhờ sân khấu TP.HCM đã xã hội hóa từ lâu, các đơn vị tự tìm hướng đi cho mình, tự quẫy đạp với thị trường để tồn tại, giúp cho mọi khả năng được bung ra, phát triển. Nói đúng hơn, liên hoan chính là cuộc trình diễn thực lực sân khấu TP.HCM mà chủ đạo vẫn là sân khấu xã hội hóa, nghệ sĩ tự bỏ tiền ra làm. Không phải đợi tới liên hoan họ mới khởi động, mà hoạt động thường xuyên, cọ xát thường xuyên, hiểu khán giả và đem đến thứ mà khán giả cần, khán giả thích. Đó là lý do ngay cả khi dựng kịch cách mạng thì sân khấu xã hội hóa vẫn dựng mềm mại, dễ xem. Có những nghệ sĩ không có đơn vị hoạt động thường xuyên, phải chờ những dịp như thế này mới xuất hiện, họ vẫn biểu diễn rất gần gũi, cảm động, bởi được sống trong không khí của sân khấu xã hội hóa mỗi ngày; hoặc họ có thể tham gia phim ảnh, cũng là xã hội hóa. Ngay cả lực lượng sinh viên các trường sân khấu hoặc học viên các lò đào tạo sân khấu cũng có cơ hội hoạt động nhiều hơn, tạo nên một hệ sinh thái sân khấu rộng mở.

Vở Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử của sân khấu IDECAF ẢNH: H.K

Từ kinh nghiệm này cho thấy, lợi thế lớn nhất của sân khấu TP.HCM là mở rộng phát triển, tạo cơ hội cho tài năng xuất hiện, làm nên đời sống văn hóa phong phú, sôi động trong mọi thời khắc, chứ không đợi tới liên hoan.

Nhưng cũng từ đây những người làm nghề tâm huyết có thêm suy nghĩ, nên chăng nhà nước tận dụng những vở diễn tốt trong liên hoan, đầu tư cho họ, để vở được phổ biến rộng rãi trong công chúng hơn. Nhiều vở dự liên hoan xứng đáng được nhà nước hoàn lại một phần tiền đầu tư, hoặc "mua dàn" để diễn miễn phí cho học sinh, sinh viên, giáo viên, công nhân…, và những thành phần khán giả khó có đủ khả năng mua vé. Đặc biệt, kịch sử, kịch thiếu nhi là những tác phẩm rất nên được phổ biến. 

(Theo: thanhnien.vn)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận