Kiến tạo vị thế mới cho điện ảnh Thủ đô Thông điệp khích lệ để viết tiếp những trang vàng

Tuần qua, người dân Thủ đô được sống trong không khí tưng bừng của hai sự kiện văn hóa lớn: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (diễn ra từ ngày 7 đến 11-11) và Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội (diễn ra từ ngày 9 đến 17-11). Điều đặc biệt là cả hai sự kiện này đều có những hoạt động gợi nhớ một thời vàng son của điện ảnh Hà Nội, gửi gắm khát vọng kiến tạo một vị thế mới cho điện ảnh Thủ đô.

 

Khán giả háo hức vào xem những bộ phim nổi tiếng của Hà Nội một thời.

Hiệu ứng từ những bộ phim cũ

Sáng 8-11, đông đảo người xem xếp hàng tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia để tham dự buổi chiếu phim “Hà Nội mùa đông năm 46” và giao lưu với các thành viên trong đoàn làm phim. Đây là một hoạt động nằm trong Chương trình Phim Việt Nam chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô - một điểm nhấn đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) - năm 2024.

“Hà Nội mùa đông năm 46” được coi là một bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Thủ đô năm 1946. Bộ phim đoạt được nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 - năm 1999, bao gồm giải Bông sen Bạc, Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc và Nhạc sĩ xuất sắc.

Tại buổi giao lưu với khán giả, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ niềm xúc động khi thấy khán giả vẫn tìm đến với “Hà Nội mùa đông năm 46” sau gần 3 thập niên, đó là một điều đặc biệt. Nhiều khán giả nói rằng đây là cơ hội để họ được sống trong bầu không khí lịch sử của Hà Nội một thời.

“Hà Nội mùa đông năm 46” là bộ phim có tính di sản. Cùng với bộ phim này, trong khuôn khổ Chương trình Phim Việt Nam chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, khán giả háo hức khi được xem lại 8 bộ phim đặc sắc về Hà Nội được sản xuất trong nhiều thời kỳ, từ những năm chiến tranh chống Mỹ cho đến những năm gần đây. Trong đó, ngoài những bộ phim truyện nổi tiếng được nhiều khán giả biết đến, còn có 1 phim tài liệu và 4 phim hoạt hình, phục vụ khán giả thuộc nhiều độ tuổi. Trong đó, ở mảng phim truyện còn có 3 phim khác là: “Truyện cổ tích cho tuổi 17”, “Em bé Hà Nội” và “Long Thành cầm giả ca”. Theo Ban tổ chức HANIFF VII, 4 bộ phim với những phong cách làm phim độc đáo mang đến cho công chúng góc nhìn đa chiều về Hà Nội trong nhiều giai đoạn. Chùm phim về Hà Nội góp phần mang đến cho khán giả, nhất là khán giả quốc tế, sự hiểu biết về bề dày lịch sử của vùng đất cũng như tính cách của người Hà Nội.

Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 cũng đề cập đến điện ảnh như một di sản gắn liền với Hà Nội. Đáng chú ý, trong đó có buổi tọa đàm “Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ” bàn về vai trò của điện ảnh như một phép lưu giữ ký ức về văn hóa và con người Hà Nội, với sự tham gia của các khách mời là lớp diễn viên tài năng thuộc các thế hệ đầu của điện ảnh Việt Nam và Hà Nội như NSND Minh Châu, NSND Lan Hương. Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo 2024 còn trình chiếu bộ phim “Hãy t​​ha thứ cho em” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Bộ phim nói về những người trẻ tại Hà Nội đầu những năm 1990, mạnh mẽ, phóng khoáng, có chút gì đó nổi loạn nhưng cũng đầy suy tư, chới với khi phải đối mặt với quá khứ.

Đau đáu câu hỏi về điện ảnh Hà Nội hôm nay

Các sự kiện kể trên có một điểm khá chung, đó là mang đến cho khán giả cơ hội thưởng thức những tác phẩm kinh điển, gợi nhớ một thời vàng son của điện ảnh Hà Nội. Những mốc son của điện ảnh Hà Nội ở góc nhìn của một liên hoan phim quốc tế được tổ chức thường kỳ ở Thủ đô, hay trong một sự kiện văn hóa sáng tạo mang tính kết nối quá khứ, hiện tại, mang thông điệp khích lệ để Hà Nội viết tiếp từ những trang vàng như thế.

Chợ dự án - một hoạt động quan trọng tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII .

Tuy nhiên, những gì đã thấy ở hai sự kiện nói trên cũng đặt ra cho những người làm điện ảnh hôm nay câu hỏi: Điều gì đang là trở lực chính của điện ảnh Hà Nội khi số lượng phim điện ảnh sản xuất tại Thủ đô và phim có đề tài về Hà Nội ngày càng ít ỏi đến khó tin?

Trong HANIFF VII chỉ có hai bộ phim về Hà Nội là “Đào, phở, piano” và “Hồng Hà nữ sĩ” đã ra mắt năm ngoái tham gia trong Chương trình phim Việt Nam đương đại.

Ngoài ra, tại Lễ hội thiết kế sáng tạo 2024 có giới thiệu một bộ phim độc lập mới sản xuất lấy bối cảnh Hà Nội là “Cu li không bao giờ khóc”. Đó là điều đáng buồn khi so với bức tranh chung của điện ảnh Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 40 phim truyện điện ảnh được sản xuất, hầu hết trong số đó được làm ở phía Nam.

Một trong những cái khó của điện ảnh Hà Nội, theo nhà phê bình điện ảnh, TS Ngô Phương Lan, đó là chúng ta đang thiếu chính sách khuyến khích điện ảnh phát triển. Bà cho rằng, Hà Nội cần có định hướng lớn và cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích điện ảnh phát triển, như định hướng sáng tạo điện ảnh lấy con người làm trung tâm; khuyến khích hoạt động điện ảnh phục vụ nhân dân, mang lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế; gắn phát triển ngành công nghiệp điện ảnh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Những vấn đề khác như nguồn nhân lực, công nghệ, vốn..., theo các chuyên gia, chỉ là khó khăn trước mắt bởi khi có cơ chế tốt, việc kết nối, huy động nguồn lực không khó, đặc biệt là trong giai đoạn công nghiệp điện ảnh được đánh giá là ngành giàu tiềm năng.

Cần có bước đột phá

Nửa đầu năm 2024, phòng vé Việt đã vượt mốc 2.000 tỷ đồng doanh thu toàn ngành. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành điện ảnh nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua. Đây là cơ hội mà điện ảnh Hà Nội không thể đứng ngoài!

Tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, nhiều người đặt câu hỏi rằng, liệu thương hiệu này có trở thành “bàn đạp” phát triển cho điện ảnh Việt Nam nói chung, đặc biệt là điện ảnh Hà Nội trong tương lai gần? Khẳng định điều này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã trải qua 6 kỳ và kỳ thứ VII này là sự kiện quan trọng đối với điện ảnh Việt Nam, tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, giúp các nhà làm phim Việt Nam gặp gỡ và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các đạo diễn, nhà sản xuất, nghệ sĩ điện ảnh quốc tế, đồng thời tiếp cận xu hướng và công nghệ làm phim tiên tiến, phục vụ việc sản xuất phim chất lượng cao. Liên hoan phim cũng là dịp để những người làm nghề trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, hợp tác thông qua các hoạt động chuyên môn chất lượng cao.

Bên cạnh hoạt động chiếu phim, hội thảo tại Liên hoan phim, chợ dự án góp phần phát triển tài năng trẻ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Liên hoan phim đồng thời là cơ hội để giới thiệu Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các đoàn làm phim quốc tế với những bối cảnh quay độc đáo, đặc sắc.

Có thể thấy, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội không chỉ là sự kiện văn hóa đặc sắc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, giúp điện ảnh Việt khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới và ghi dấu ấn trong hội nhập quốc tế.

Đánh giá cao vai trò của sự kiện đối với việc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội, trong đó có điện ảnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng khẳng định: Liên hoan phim đã được nâng tầm cả về chất lượng và quy mô, thu hút được nhiều bộ phim đa sắc màu, phong cách thể hiện độc đáo, sáng tạo. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII là dịp để các nhà sản xuất, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc trong nước và quốc tế lan tỏa sự đam mê nghề nghiệp, tìm tòi cơ hội hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường điện ảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hy vọng rằng, với những hiệu ứng từ sự kiện văn hóa lớn mang thương hiệu Thủ đô này, điện ảnh Hà Nội sẽ có thêm động lực để lại vươn mình và vươn tầm.

(Theo: hanoimoi.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận