Mong manh công nghiệp điện ảnh

Đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ: 'Nếu thực sự việc kiếm tiền từ làm phim dễ dàng, chắc chắn chúng tôi không phản ứng mạnh mẽ với việc tăng thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) như vậy đâu'. Ông thậm chí còn cảm thán: Làm phim vốn đã là nghề 'đốt tiền' nhanh nhất, còn đốt cả những giấc mơ nữa!

 

Một cảnh quay trong phim Cám. Ảnh: ĐPCC

Khó khăn chực chờ

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng đang trong quá trình lấy ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối tháng 11 này. Trong đó, ban soạn thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% (thay vì 5% như hiện nay) đối với dịch vụ điện ảnh. Đây cũng là lý do khiến hơn 30 doanh nghiệp hoạt động trong ngành, như: Galaxy, BHD, CJ CGV Việt Nam, Lotte Cinema Việt Nam, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương phim, CJ HK, 89SGROUP, VCCORP... đã cùng nhau ký tên vào văn bản kiến nghị gửi đến Quốc hội và Chính phủ. Các doanh nghiệp này cho rằng, đề xuất tăng thuế là không hợp lý!

“Việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp, mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh, làm cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi thêm sâu sắc, trong khi sức mua của họ đang giảm. Chúng tôi cho rằng, ở điều kiện thị trường và nền kinh tế phát triển bình thường, việc thay đổi mức thuế suất cần có sự cân nhắc, lập luận dựa trên các căn cứ khoa học, sự phát triển của ngành và sức chịu đựng của người dân”, văn bản kiến nghị có đoạn nêu rõ.

Ở vai trò một nhà làm phim, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, hiện một bộ phim có ngân sách khoảng 20 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí quảng bá), sau khi thuế VAT tăng đồng nghĩa con số này là 21 tỷ đồng. Trong khi đó, để đạt điểm hòa vốn cần nhân với hệ số 2,5 (tức là phim kinh phí sản xuất 20 tỷ đồng phải đạt tối thiểu 50 tỷ đồng). Thậm chí nhiều phim hiện chi phí lên đến hơn 50 tỷ đồng, nghĩa là để hòa vốn phải thu về trên 100 tỷ đồng. “Với mức hòa vốn cao như vậy, nhà đầu tư sẽ thấy điện ảnh là ngành nghề cực kỳ mạo hiểm, họ sẽ đi tìm hướng đầu tư khác”, đạo diễn Charlie Nguyễn phân tích.

Còn theo bà Vũ Thị Bích Liên, đại diện cụm rạp Mega GS, việc tăng thuế cũng sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống rạp. “Thực tế, nhiều người dân vẫn chưa có thói quen đến rạp xem phim, do đó mặc dù giá vé xem phim bình quân của Việt Nam khá thấp, nhưng chúng tôi vẫn cố choàng gánh để tạo thói quen cho khán giả. Nếu thuế tăng, chi phí làm phim tăng, giá vé cũng phải tăng để bù đắp, khó khăn sẽ càng tăng thêm”, bà Vũ Thị Bích Liên chia sẻ.

Nhiều hệ lụy

Ngoài những tác động trực tiếp như đã đề cập, nhiều nhà làm phim cho rằng, những hệ lụy không chỉ dừng lại ở đó. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, để hạn chế nguy cơ thua lỗ khi thuế suất tăng cao, nhà đầu tư sẽ giữ kinh phí thấp nhất có thể. Điều này dẫn đến buộc phải siết lại ở tất cả các khâu từ kịch bản, diễn viên, kỹ xảo, hậu kỳ… và dĩ nhiên là không gian sáng tạo cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều. Đặc biệt, những nhà làm phim trẻ, mới bước vào nghề, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Khi thị trường quá mạo hiểm, nhà đầu tư chỉ trông đợi và tin tưởng vào những đạo diễn đã có thương hiệu. Vô tình, những tài năng trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, dù hiện tại chúng ta đang có thế hệ trẻ rất năng động, sáng tạo, cái thiếu chỉ là kinh nghiệm. Nếu mất đi cơ hội làm nghề, người trẻ lấy đâu ra kinh nghiệm. Và chúng ta sẽ khó có được những bộ phim của các bạn trẻ mang góc nhìn mới lạ, đột phá. Trong điện ảnh, ai cũng hiểu, luôn cần sự tươi trẻ”, đạo diễn Charlie Nguyễn phân tích.

Hầu hết các doanh nghiệp điện ảnh Việt đều hy vọng kiến nghị của họ sẽ được lắng nghe để ít nhất mức thuế suất sẽ được giữ nguyên 5%. Lý tưởng hơn là có thể giảm xuống còn 3% (giảm 2% so với hiện nay). Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng mong muốn có cái nhìn đầy đủ, toàn diện và khách quan hơn của các cấp quản lý về thực trạng thị trường điện ảnh Việt hiện nay. Bởi thực tế, điện ảnh Việt đang bị nhìn vào bề nổi của tảng băng chìm nhiều hơn.

“Chúng ta không thể thấy 1, 2 bộ phim được vài trăm tỷ đồng mà lại tưởng là toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng. Thực tế, hầu hết các bộ phim đều đang lỗ ròng”, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng 10 vừa qua.

(Theo: sggp.org.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận