Vua Hàm Nghi mới chính là họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam, trước cả Lê Văn Miến

Lịch sử hội họa Việt Nam hiện ghi nhận họa sĩ Lê Văn Miến là họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam, với bức ‘Bình văn’ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẽ khoảng 1898-1905. Nhưng thực ra vua Hàm Nghi đã vẽ bức tranh đầu tiên vào năm 1889.

 

TS Amandine Dabat (bên trái) trao tặng bức tranh của vua Hàm Nghi cho đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là giám đốc Nguyễn Anh Minh - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ngày 12-11, vua Hàm Nghi đã có vị trí của mình như một họa sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh những họa sĩ khác, với tác phẩm Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers).

Bức tranh được bà Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi, đại diện gia đình trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nguyện ước của gia đình mong muốn công chúng Việt Nam và du khách quốc tế có cơ hội được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của "vị hoàng đế bị lưu đày, người nghệ sĩ ở Algiers" ngay chính quê hương của ông.

Đại diện gia đình vua Hàm Nghi và đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bên bức tranh vua Hàm Nghi được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bức tranh vua Hàm Nghi ký Tử Xuân

Bà Amandine Dabat cho biết bức tranh sơn dầu Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) do vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, thể hiện quang cảnh đồng quê gần nhà ông ở Algiers. 

Phong cảnh hoàng hôn dưới góc nhìn ngược sáng là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông.

Sử dụng phong cách chấm họa ảnh hưởng từ các họa sĩ Pháp vào cuối thế kỷ 19, tác giả đã làm cho màu sắc rực rỡ của buổi chiều tà trở nên rung động.

Năm 1926, bức tranh được triển lãm tại phòng trưng bày Mantelet-Colette Weil ở Paris, với tựa đề Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) và nhà vua ký tên Tử Xuân.

Đó là biệt danh mà ông được gọi khi còn nhỏ và ông đã dùng nó làm tên gọi trong suốt cuộc đời mình.

Tại buổi lễ tiếp nhận, TS Nguyễn Anh Minh - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới gia đình vua Hàm Nghi vì món quà quý giá.

Ông đánh giá tác phẩm Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) không chỉ bổ sung, làm giàu thêm cho bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cận - hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Ngay sau khi tiếp nhận, bức tranh được trưng bày trang trọng tại phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh những tác phẩm của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí…

Tác phẩm Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) được trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ Việt Nam hiện đại đầu tiên?

Năm 1888, vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Algiers (thủ đô Algeria) năm 1889. Ông sống tại một biệt thự trên khu đồi El Biar, cách thủ đô Algiers khoảng 12km.

Bà Amandine Dabat cho biết, trong thời gian bị lưu đày, nhà vua theo học hội họa và điêu khắc, theo đuổi trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng.

Trước khi tạ thế, ông đã để lại một gia tài đồ sộ về nghệ thuật bao gồm 91 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc khác. Nhiều tác phẩm của ông được giới nghệ thuật biết đến qua các cuộc đấu giá và triển lãm tại Pháp.

Chân dung tự họa của vua Hàm Nghi

Ông đã trưng bày các tác phẩm 3 lần ở Paris: năm 1904 tại Bảo tàng Guimet (phấn màu khô), năm 1909 tại Phòng trưng bày Devambez (bản vẽ), năm 1926 tại Phòng trưng bày Mantelet - Colette Weil (12 tranh phấn màu, 38 tranh sơn dầu, 8 tác phẩm điêu khắc).

Gần đây, sau khi bà Amandine Dabat bảo vệ luận án tiến sĩ Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger và ra mắt cuốn sách cùng tên phát triển từ luận án tiến sĩ này, tại Pháp, vua Hàm Nghi đã được coi là một họa sĩ Việt Nam.

Năm 2020, hai bức tranh sơn dầu trên vải, hai bức tranh phấn và một tác phẩm điêu khắc của vua Hàm Nghi đã được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Cernuschi ở Paris.

Bà Amandine Dabat cho biết GS Nora Taylor trong một bài viết về vua Hàm Nghi năm 2022 đã nhấn mạnh rằng cho đến nay, Lê Văn Miến là họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam, với bức tranh sơn dầu đầu tiên của ông, mang tên Bình văn, được vẽ trong khoảng thời gian từ 1898 - 1905.

Tuy nhiên khi vẽ bức tranh đầu tiên của mình vào năm 1889, vua Hàm Nghi đã đi trước họa sĩ Lê Văn Miến.

Đông đảo đại biểu, người yêu mỹ thuật đến chiêm ngưỡng bức tranh của vua Hàm Nghi - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Cuốn sách Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger được ra mắt bản tiếng Việt dịp này sẽ làm rõ hơn về cuộc đời nghệ thuật của vua Hàm Nghi, những ảnh hưởng của ông, sự phát triển phong cách của ông và mối liên hệ của ông với các nghệ sĩ lớn của thời đại.

(Theo: tuoitre.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận