Những đêm nhạc cháy vé và câu hỏi đặt ra cho người làm văn hóa nghệ thuật

Hàng loạt show ca nhạc cháy vé dường như đang 'đốt cháy' thị trường âm nhạc Việt, cho thấy sự chuyển mình và những tín hiệu khả quan của ngành công nghiệp giải trí nước nhà đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi đáng để suy ngẫm cho người làm văn hóa nghệ thuật.

 

Đã không còn xa lạ nữa cảnh tượng những đêm diễn với hàng chục nghìn khán giả cổ vũ cuồng nhiệt đến tận phút cuối bất chấp mọi điều kiện thời tiết. Đã không còn xa lạ nữa hình ảnh người trẻ kiên nhẫn đếm từng phút chờ săn vé, tâm trạng háo hức hay niềm hạnh phúc khi cầm trên tay tấm vé đêm diễn của nghệ sỹ mình yêu thích, những dòng người xếp hàng dài check-in trước giờ diễn nhiều tiếng đồng hồ,… Đó thực sự đang là những gì diễn ra tại Việt Nam mấy năm gần đây chứ không phải ở bất kỳ quốc gia nào khác. Hàng loạt show ca nhạc cháy vé dường như đang “đốt cháy” thị trường âm nhạc Việt, cho thấy sự chuyển mình và những tín hiệu khả quan của ngành công nghiệp giải trí nước nhà đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi đáng để suy ngẫm cho người làm văn hóa nghệ thuật.

Concert “Anh trai say Hi” chật kín khán giả. Ảnh: Châu Châu

Cơn sốt vé các concert “Anh trai say Hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” những ngày qua dù làm dấy lên không ít ý kiến trái chiều nhưng đều khiến chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng: thị trường âm nhạc cũng như đời sống văn hóa đang có nhiều thay đổi. Trong năm nay nói riêng, mấy năm gần đây nói chung, nhiều show ca nhạc lớn nhỏ của nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế liên tục được tổ chức ở Việt Nam. Khán giả Việt đã được gặp những thần tượng, thưởng thức những buổi biểu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới mà trước đây chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội tham dự như nhóm nhạc Westlife, Maroon 5, Blackpink, ca sĩ Charlie Puth,… Các chương trình này luôn trong tình trạng cháy vé dù giá vé không hề rẻ, dao động từ tiền triệu đến hàng chục triệu đồng. Chưa kể, khán giả còn sẵn sàng di chuyển quãng đường xa, không ngại chi phí ăn ở để có thể đến xem chương trình mình yêu thích. Bên cạnh các concert của nghệ sỹ quốc tế, các show diễn của nghệ sỹ trong nước cũng sôi động không kém. Theo một khảo sát của Ticketbox Vietnam, năm 2024, có hơn 65% người tham gia sẵn sàng chi từ 3-20 triệu đồng cho vé các show diễn của những nghệ sỹ nổi tiếng trong nước như: Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Đen Vâu, Vũ,… 70% lượng vé bán ra tại các sự kiện âm nhạc lớn ở Việt Nam cho khán giả trong độ tuổi từ 18-30.

Bên cạnh các show lớn, được đầu tư quy mô, bài bản với cách tổ chức chuyên nghiệp thì các show ca nhạc nhỏ cũng liên tục được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước hàng tuần, hàng tháng,… Người trẻ đã quá quen với tên các phòng trà ca nhạc hay các đơn vị tổ chức sự kiện như Mây Lang Thang,.. Tại Vinh, người yêu nhạc cũng đã quen với phòng trà Silent & Listen tổ chức đêm diễn hàng tháng. Giá vé của các chương trình ca nhạc này dao động trong khoảng 600 nghìn đến dưới 3 triệu đồng. Và gần như đêm diễn nào cũng chật kín khán giả.

Câu chuyện “đu idol” hay chạy theo thần tượng” xin phép không bàn đến ở đây (và tác giả đã từng bàn ở một bài viết khác). Điều bài viết muốn nhấn mạnh đó là việc sẵn sàng chi của người dân, đặc biệt là giới trẻ cho những gì họ yêu thích và cho những dịch vụ có chất lượng. Mặt khác, nó cũng phản ánh nhu cầu giải trí của người dân, sự đam mê của người trẻ và những bước tiến trong tổ chức sự kiện âm nhạc, các chương trình giải trí hiện nay. Đã qua rồi cái thời người ta đắn đo suy nghĩ, không dám chi cho các loại hình giải trí; hay nói cách khác là quen với những “món ăn miễn phí”. Giờ đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, người ta cũng quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần và sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ giải trí xứng tầm. Một bộ phận chỉ trích lối sống của giới trẻ hay cho rằng không thể hiểu được suy nghĩ của người trẻ hiện nay khi họ sẵn sàng bỏ ra một hay nhiều tháng lương để mua một vé ca nhạc. Tuy nhiên, những nhận xét này ít nhiều còn phiến diện, chưa thấy được sự chuyển biến của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội; chưa thấy giá trị mà những chương trình biểu diễn nghệ thuật như thế này mang lại, hay tác động của nó đến nền kinh tế cũng như sự phát triển thị trường âm nhạc theo hướng chuyên nghiệp. Chúng ta không nên khư khư giữ tư duy cũ để đánh giá các hiện tượng ngày nay và không nên áp đặt các chuẩn mực, các giá trị, sở thích của riêng mình khi đưa ra những lời nhận xét. Ngày nay, quan điểm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, rất đơn giản: cái gì chạm được đến cảm xúc của họ, thỏa mãn nhu cầu giải trí của họ thì họ sẵn sàng chi trả. Đó chính là điều mà chúng ta cần nắm bắt thay vì lên án.

Nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm với khán giả tham dự concert “Anh trai say Hi”. Ảnh: Châu Châu

Thực tế này không chỉ giúp ta rút ra những bài học liên quan đến thị trường âm nhạc mà còn từ đó nhìn nhận lại nhiều lĩnh vực khác của văn hóa. Lâu nay, rất nhiều ý tưởng liên quan đến việc bán vé (vé tham quan bảo tàng, di tích; vé kịch hát, các đêm diễn nghệ thuật truyền thống,…) trên địa bàn tỉnh Nghệ An gần như đều không thể thông qua. Điều đáng nói, người ta thường đánh giá việc này khó thành công do những yếu tố khách quan như nhu cầu, đời sống,… của người dân mà ít khi đánh giá những yếu tố chủ quan như cách thức tổ chức, nội dung chương trình, tính hấp dẫn của các điểm đến… Có lẽ, nếu chúng ta vẫn cứ than vãn rằng các chương trình văn hóa nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật truyền thống, do các cơ quan Nhà nước tổ chức thu hút dân xem đã khó, nghĩ đến bán vé là không tưởng vì người dân chưa sẵn sàng chi cho những dịch vụ giải trí thì đã đến lúc phải nhìn lại. Nhìn lại để thấy những chuyển biến của thị trường, thị hiếu, để không đổ lỗi cho yếu tố khách quan thêm nữa và nhận ra những vấn đề của mình để thay đổi. Đó là thay đổi cách làm, cách tiếp cận khán giả; là làm sao đưa những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng và trở thành các sản phẩm văn hóa hấp dẫn.

Làm sao để tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo? Làm sao để những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống cũng có sức hút mạnh mẽ đối với người trẻ? Đó là câu hỏi chúng ta cần suy nghĩ trả lời thay vì chỉ đổ lỗi cho thị hiếu, cho nhu cầu hay sự thờ ơ của người dân. Và điểm mấu chốt để làm được những việc này là phải thay đổi tư duy, phát huy sự sáng tạo, nắm bắt xu thế, thay đổi cách làm, chuyên nghiệp hóa các khâu tổ chức. Thay đổi và hành động thực sự, quyết liệt chứ không chỉ ở lời nói. Chắc chắn, người dân, đặc biệt là giới trẻ sẽ không quay lưng với những sản phẩm văn hóa thực sự giá trị, hấp dẫn, thực sự chạm đến cảm xúc của họ. Chắc chắn nếu chúng ta dám thay đổi, dám tạo ra những bước đột phá thì sẽ thu lại được thành công.

(Theo: tapchisonglam.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận