Xin chữ đầu năm mới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cầu mong năm mới đạt được nhiều thành tích tốt trong học, một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam nói chung và của người Hà Nội nói riêng. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thành phố Hà Nội không chỉ bám sát tinh thần Nghị quyết mà còn có nhiều cách làm sáng tạo để văn hóa thực sự trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Trong 10 năm qua, quá trình triển khai Nghị quyết số 33 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Thủ đô đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật. Thành ủy tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương, kế thừa và phát huy tốt những thành tựu đạt được sau 15 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), khẳng định cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với tình hình cụ thể của Hà Nội, từng bước đáp ứng yêu cầu cũng như xu thế của thời đại.
Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực. Đặc biệt, thành phố quan tâm tới xây dựng chiến lược, tầm nhìn phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại như việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai được thực hiện nhất quán từ thành phố tới cơ sở gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực cho văn hóa.
Qua đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò và nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được nâng lên rõ rệt; sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện, đạt và vượt chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 11- CT/TU ngày 3/10/2012 về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”; ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội" và "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”. Thành phố đưa vào giảng dạy các bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương" trong nhà trường và nhiều mô hình gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa được xây dựng góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.
Công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nề nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý; chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào Xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ từ thành phố tới cơ sở, kết quả đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những sự việc phức tạp xảy ra trên địa bàn, được Trung ương đánh giá cao.
Biểu dương những kết quả thành phố đạt được trong xây dựng văn hóa, phát triển con người Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ, văn hóa của Thủ đô đã đóng góp vai trò quan trọng không chỉ trực tiếp vào sự phát triển của Thủ đô mà nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề văn hóa và phát triển con người của Thủ đô cũng ngày càng sâu sắc, toàn diện và cập nhật xu thế phát triển của Thế giới.
Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 33, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành tập trung cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống; tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quản trị văn hóa; nghiên cứu thử nghiệm chính sách mới liên quan đến lĩnh vực văn hóa; giao lưu và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa.
(Theo: ttdn.vn)