Triển lãm tranh Việt Nam ra mắt Tuần lễ nghệ thuật châu Á London

Từ ngày 30/10 - 8/11, phòng tranh Thăng Long Art Gallery tổ chức triển lãm "Một thoáng Việt Nam" tại nhà đấu giá Bonhams trong khuôn khổ Tuần lễ nghệ thuật châu Á London lần thứ 27, đánh dấu sự góp mặt lần đầu của một phòng tranh Việt Nam tại sự kiện nghệ thuật uy tín của London.

 

Nhân viên phòng tranh Thăng Long Art Gallery giới thiệu về các tác phẩm với khách tham quan. Ảnh: TTXVN phát

   Tuần lễ nghệ thuật châu Á London (Asian Art in London-AAL) là sự kiện thường niên được sáng lập vào năm 1998 nhằm quảng bá nghệ thuật châu Á tại trung tâm nghệ thuật London, thu hút sự tham gia của các phòng tranh, các nhà đấu giá nổi tiếng và các tổ chức văn hóa chuyên về nghệ thuật châu Á đến từ Anh, châu Âu và thế giới. Hằng năm, các triển lãm và các phiên đấu giá tại AAL thu hút số lượng lớn các nhà sưu tập, giám tuyển, họa sĩ, chuyên gia nghệ thuật và du khách quốc tế.

   AAL năm nay gồm khoảng 20 triển lãm nghệ thuật châu Á của các phòng tranh đến từ nhiều quốc gia cùng hơn 20 phiên đấu giá chuyên đề nghệ thuật Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, nghệ thuật Hồi giáo. Sự kiện cũng gồm một hội thảo nghệ thuật châu Á với sự tham dự của các giám tuyển hàng đầu từ các bảo tàng và phòng trưng bày lớn, cùng các chuyên gia, học giả trong ngành.

   Bà Sophie Kempson, Giám đốc phát triển chương trình tại AAL, cho biết đây là năm đầu tiên AAL tổ chức các triển lãm tranh ngay tại các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s, Bonhams và Christie’s, tạo cơ hội để quảng bá các nền nghệ thuật châu Á khi đông đảo người dự các phiên đấu giá có trải nghiệm khám phá các phòng tranh hoặc các họa sĩ mới mà họ chưa từng biết.

“Một thoáng Việt Nam” mang tới bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm của 4 họa sĩ Việt Nam thuộc những thế hệ nghệ thuật khác nhau. Ảnh: Phong Hà/PV TTXVN tại Anh

   Tham dự sự kiện, “Một thoáng Việt Nam” mang tới bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm của 4 họa sĩ, khắc họa phong cách độc đáo và góc nhìn cá tính của các họa sĩ thuộc những thế hệ nghệ thuật khác nhau như trường phái lập thể trên sơn mài truyền thống của Phùng Phẩm (1932), phong cách tối giản với bột màu trên vải màn của Lê Thiết Cương (1962), biểu cảm mãnh liệt với sơn dầu của Lý Trần Quỳnh Giang (1978) và chân dung đốt gỗ độc đáo của Ngô Văn Sắc (1980).

   Bà Kempson cho rằng triển lãm “Một thoáng Việt Nam” đã mang đến một góc nhìn mới cho London về nghệ thuật đương đại Việt Nam và là cơ hội để người yêu nghệ thuật quốc tế biết tới các họa sĩ, các tác phẩm thuộc thế hệ sau thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Bà bày tỏ ấn tượng với các tác phẩm trưng bày tại triển lãm, đặc biệt là tranh sơn mài và tranh đốt gỗ.

   Ông Nguyễn Đình Long - đại diện Thăng Long Art Gallery - chia sẻ, thông qua “Một thoáng Việt Nam”, Thăng Long Art Gallery mong muốn quảng bá nhiều hơn về văn hoá và nghệ thuật đương đại Việt Nam tới người yêu nghệ thuật nước ngoài. Ông cũng cho biết việc các triển lãm trong khuôn khổ của AAL được tổ chức tại các sàn đấu giá uy tín như Sotherby’s, Christie’s và Bonhams là cơ hội tốt để quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam khi tranh Việt Nam được đứng chung với các nền nghệ thuật lớn khác.

Tác phẩm trưng bày tại triển lãm nghệ thuật Trung Quốc trong khuôn khổ Tuần lễ nghệ thuật châu Á London. Ảnh: Phong Hà/PV TTXVN tại Anh

   Cũng theo ông Long, để tham gia AAL, các tác phẩm và tác giả dự triển lãm phải vượt qua tuyển chọn khắt khe của Ban tổ chức. Điều này phản ánh chất lượng nghệ thuật Việt Nam cũng như mối quan tâm của quốc tế đối với nền nghệ thuật nước nhà. Các tác phẩm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ báo giới, các nhà sưu tập quốc tế và các bảo tàng. Ông Long nói rõ việc tham dự các sự kiện quốc tế uy tín như AAL sẽ giúp Việt Nam hòa nhập sâu hơn vào nền nghệ thuật thế giới.

   Bà Joan Yip, chuyên gia cấp cao và trưởng bộ phận Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á tại nhà đấu giá Bonhams, nhận xét nghệ thuật Việt Nam đang tạo nên làn sóng thực sự ở Anh và châu Âu, với ngày càng nhiều các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam hiện diện tại các bảo tàng, hội chợ nghệ thuật, các phiên đấu giá và phòng trưng bày. Bà Yip đánh giá cao các họa sĩ Việt Nam khi giữ được bản sắc văn hóa riêng trong tác phẩm, đồng thời kết hợp các kỹ thuật truyền thống với một số chủ đề hiện đại. Theo bà, cách biểu đạt mới này giúp các nhà sưu tập phương Tây và người yêu nghệ thuật dễ dàng hiểu được nền nghệ thuật Việt Nam. Trong con mắt của ba Yip, nghệ thuật Việt Nam được biết đến nhiều với hội họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương nhưng nghệ thuật trong thời chiến, thời kỳ đổi mới và đương đại vẫn còn nhiều điều thú vị cần khám phá.

Tác phẩm trưng bày tại triển lãm nghệ thuật Trung Quốc trong khuôn khổ Tuần lễ nghệ thuật châu Á London. Ảnh: Phong Hà/PV TTXVN tại Anh

   Cũng theo bà Yip, để quảng bá nền nghệ thuật của mình, Việt Nam cần tham gia nhiều hơn vào bối cảnh nghệ thuật toàn cầu thông qua việc tham gia các hội chợ và triển lãm nghệ thuật quốc tế, cũng như hợp tác với các bảo tàng và phòng trưng bày quốc tế, giúp mang đến lượng khán giả lớn hơn, đồng thời thúc đẩy danh tiếng quốc tế của nghệ thuật Việt Nam.

   “Một thoáng Việt Nam” phản ánh sự tham dự tích cực của Việt Nam vào các sự kiện nghệ thuật quốc tế tại Anh. Hồi tháng 3 và tháng 10, các tác phẩm của 18 họa sĩ Việt Nam đã tham dự hội chợ nghệ thuật quốc tế Affordable Art Fair tại London, gây ấn tượng với người yêu nghệ thuật Anh và quốc tế.

(Theo: baotintuc.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận