Giữ gìn những di sản điện ảnh cho thế hệ sau

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và các cộng sự ở Ơ Kìa Hà Nội film production đã bắt tay vào xây dựng dự án bảo tổn và phục chế phim truyện nhựa của Hãng phim truyện Việt Nam bị hủy hoại do không được quan tâm bảo quản đúng tiêu chuẩn. Dự án không chỉ góp phần gìn giữ những di sản bằng hình ảnh cho các thế hệ sau này, mà còn góp thêm tiếng nói vào việc coi điện ảnh là di sản văn hóa cần được bảo vệ, phát triển.

 

   Phục chế và số hóa phim

   Bắt đầu từ năm 2021, nhận thấy đời sống mong manh của những cuốn phim truyện nhựa kinh điển, vốn được coi là tinh túy của nền điện ảnh Việt Nam đứng trước mối đe doạ bị lãng quên..., đến năm 2022 khi kho phim nhựa của hãng phim truyện Việt Nam đã hoàn toàn bị hủy hoại, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và các cộng sự chính thức bắt tay xây dựng dự án bảo tồn và phục chế phim truyện nhựa kinh điển thông qua phương pháp số hóa gọi tắt là “In film we love - Bảo tồn di sản điện ảnh thông qua phục chế thí điểm phim truyện nhựa”.

   Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, đây là dự án bao gồm rất nhiều hoạt động từ workshop, seminar, tọa đàm, hội thảo, giảng dạy, chiếu phim, đối thoại, thử nghiệm số hóa... nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về di sản điện ảnh, hướng tới mục tiêu thực nghiệm công việc phục chế và bảo tồn phim truyện nhựa bằng biện pháp số hóa. Dự án nhằm ngăn chặn sự biến mất hoặc bị biến dạng, bị hủy hoại của những di sản điện ảnh, đem đến đời sống mới cho nhưng cuốn phim đang bị hỏng trong kho lưu trữ.

   Nhóm phim được khoanh vùng là các phim truyện nhựa 35mm được quay và sản xuất tại Việt Nam. Dự án đem lại nhiều lợi ích cho cả công chúng và những người làm trong ngành điện ảnh. Công chúng được tiếp cận với những bộ phim chất lượng cao và bảo đảm thẩm mỹ nguyên bản của giai đoạn lịch sử mà bộ phim đã sinh ra. Hình ảnh Việt Nam, lịch sử, tình cảm, con người Việt Nam được hồi sinh thông qua những bản số hóa mà từ đây dễ dàng tiếp cận với khán giả trong và ngoài nước. Các bộ phim sau khi được số hóa 4K đúng tiêu chuẩn sẽ được bàn giao lại để Viện phim Việt Nam tiếp tục lưu trữ - trình chiếu.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tại một buổi trò chuyện.

   Kết quả từ dự án sẽ trở thành nguồn tư liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu và di sản quan trọng cho các thế hệ mai sau khi nhìn vào lịch sử quốc gia. Nhà tài trợ đầu tư vào một dự án có ý nghĩa xã hội to lớn, mở lối cho việc bảo vệ - giữ gìn - khai thác tài sản quốc gia một cách nhân văn.

   “Bảo tồn di sản điện ảnh khi được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, chất lượng theo đúng chuẩn quốc tế hiện hành, đi cùng kế hoạch truyền thông sáng tạo, dài hạn. Sẽ tạo ra sức hút - sức hấp dẫn khiến dư luận quan tâm và thuyết phục. Từ đó di sản điện ảnh sẽ được nhìn nhận - đánh giá và đầu tư đúng tầm mức” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.

   Để công chúng hiểu hơn về di sản điện ảnh

   Song hành cùng với việc bảo tồn, phục chế và số hóa phim nhựa 35mm, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng các cộng sự còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động dành cho công chúng để góp phần đem đến những thông tin, kiến thức về điện ảnh như một di sản vô giá của con người.

   Dự án “In film we love” bao gồm các buổi chiếu phim, tọa đàm học thuật, seminar, workshop, các khóa học điện ảnh và các phần trình diễn ca khúc nhạc phim với mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về khái niệm Di sản điện ảnh, đồng thời tạo nên các thảo luận tập trung, chất lượng, có ý nghĩa thiết thực nhưng vẫn cuốn hút với tất cả các bên khi cùng thử tái khám phá phim nhựa điện ảnh ở góc nhìn di sản.

   Dự án nhằm kết nối các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các giảng viên đại học - cao học, các nhà làm phim, các sinh viên - học viên, công chúng trong cộng đồng điện ảnh, di sản, văn hóa nghệ thuật, từ đó góp phần truyền tải kiến thức, nâng cao nhận thức về lưu trữ, bảo tồn, phục chế phim nhựa với tư cách là một một di sản tư liệu đặc biệt cần được bảo vệ khẩn cấp.

   Sự kiện đầu tiên của In film we love là tọa đàm "Điện ảnh mà là di sản á?" vào tháng 8/2023 được UNESCO tiếp sức đã thu hút hơn 400 nghệ sĩ, chuyên gia, khán giả, cộng đồng trẻ tìm đến cùng tham gia tọa đàm, xem phim, và thảo luận. Các hoạt động vệ tinh như: “Một đúp ăn ngay” - trải nghiệm chụp ảnh bằng máy phim và “Một bối cảnh” - nhằm khám phá sức mạnh của bối cảnh điện ảnh đối với quá trình sáng tạo của nhà làm phim... đã thu hút hơn 200 lượt tham quan - trải nghiệm tại Ơ Kìa Hà Nội.

   Sau kết quả ấn tượng của năm đầu tiên, quỹ VINIF của tập đoàn Vingroup đã chính thức tài trợ cho hợp phần “Bảo tồn di sản điện ảnh thông qua phục chế thí điểm phim truyện nhựa kinh điển Việt Nam”, hệ thống rạp chiếu CGV và BHD cùng nhà xuất bản Kim Đồng, thương hiệu mỹ phẩm Menard đồng tài trợ các phần quà cho nghệ sĩ, chuyên gia, và công chúng.

   Trong khuôn khổ của dự án, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã có các chuyến thăm và làm việc tại các viện phim và kho lưu trữ điện ảnh lớn trong khu vực, gần nhất là tại TFAI - Đài Loan (Trung Quốc). Ở đây, chị đã gặp gỡ, phỏng vấn, học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lưu trữ - bảo tồn - phục chế phim nhựa.

   Ngay sau đó dự án In film we love được tổ chức ở Đà Nẵng, với chuỗi hoạt động bao gồm chiếu phim, toạ đàm thảo luận... diễn ra song song với liên hoan phim châu Á Đà Nẵng - DANAFF 2024 hồi tháng 7, thu hút hơn 100 bạn trẻ cùng tham dự. Tại đây dự án đã có sự đồng hành của NSND Lan Hương Bông, NSUT Chiều Xuân, đạo diễn Leon Quang Lê và nhà báo Lưu Diệu Linh.

   Cuối tháng 7, In film we love trở lại Hà Nội với buổi tọa đàm "Điện ảnh là di sản, rồi sao?" với sự tham gia của NSND Nguyễn Hữu Tuấn, NSND Lan Hương Bông, NSND Minh Châu, NSUT Đỗ Kỷ, đạo diễn Bùi Trung Hải cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà báo Lưu Diệu Linh.

   Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sau quá trình học hỏi và làm việc tại TFAI đã mang đến những bài học kinh nghiệm quốc tế đáng giá. Cũng trong sự kiện, bà Vũ Minh Hương Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã có những giải đáp thấu đáo và cùng mổ xẻ các vấn đề trong luật di sản xoay quanh khái niệm di sản điện ảnh trong bối cảnh Việt Nam.

   Ngoài ra, Ơ kìa Hà Nội và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã xây dựng khóa học In film we love dành cho các nhà làm phim trẻ. Khóa học đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà làm phim, nhiều nhà nghiên cứu, như đạo diễn Sven Zellner, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, PGS, TS Hoàng Cẩm Giang, Trưởng bộ môn Nghệ thuật học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, biên kịch Đặng Thu Hà - Phó Trưởng Khoa Nghệ thuật điện ảnh Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội cùng giảng dạy với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Khóa học đồng thời nhận được tài trợ nhỏ của Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam và Viện Goethe Hà Nội.

   Các hoạt động không mệt mỏi trong nhiều năm của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và Ơ kìa Hà Nội với dự án phi lợi nhuận In film we love đã được quỹ PURIN - một trong những quỹ điện ảnh uy tín của châu Á công nhận và chọn lựa là dự án tiêu biểu năm 2024.

(Theo: nhandan.vn)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận