Trưng bày hình ảnh, tư liệu điện ảnh Việt Nam tại Viện Phim Việt Nam.
Mục tiêu của Đề án nhằm khẳng định vai trò trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hình ảnh động, tăng cường hợp tác trên mọi phương diện với các tổ chức chuyên môn quốc tế nhằm mang lại lợi ích chung trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho vai trò của các viện lưu trữ phim.
Ngoài ra, Đề án cũng hướng tới việc giới thiệu đến thế hệ trẻ quốc tế về nền điện ảnh Việt Nam và những nỗ lực của Viện Phim Việt Nam trong việc bảo tồn loại hình di sản văn hóa quan trọng của nhân loại, hướng tới mục tiêu nêu bật ý nghĩa của di sản điện ảnh và vai trò của nó trong việc trao quyền cho các cộng đồng ít được nói đến ở tầm quốc tế.
Các hoạt động của đề án cũng góp phần thực hiện mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước vào năm 2025: 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ; góp phần phát huy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ, thông qua văn hóa hiểu biết lẫn nhau hơn giữa nhân dân hai nước.
Đề án gồm các nội dung: Khảo sát, nghiên cứu, học tập công tác lưu trữ, khai thác phim, lập hồ sơ phim mục những bộ phim đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ và Viện Lưu trữ Điện ảnh Truyền hình Đại học UCLA Hoa Kỳ. Mục đích các hoạt động nhằm hưởng ứng tuyên bố của Liên đoàn các viện lưu trữ phim quốc tế FIAF "Đừng vứt bỏ phim đi", trao đổi thông tin về tình trạng phim Việt Nam đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ và Viện Lưu trữ Điện ảnh Truyền hình, Đại học UCLA Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Đề án cũng gồm việc cung cấp, phổ biến phim và tổ chức tọa đàm về một số bộ phim kinh điển Việt Nam nhằm giới thiệu đến bạn bè quốc tế về nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Trong suốt tiến trình phát triển đất nước, các nhà làm phim Việt Nam đã nắm bắt sâu sắc hành trình đầy biến động của người dân Việt Nam, thông qua nghệ thuật để tạo ra một bản sắc điện ảnh đặc biệt, tạo nên tiếng nói cần được lắng nghe, đồng thời chia sẻ với bạn bè quốc tế về những nỗ lực của Viện Phim Việt Nam trong việc bảo tồn loại hình di sản văn hóa quan trọng của nhân loại, hướng tới mục tiêu nêu bật ý nghĩa của di sản điện ảnh và vai trò của nó trong việc trao quyền cho các cộng đồng ít được nói đến ở tầm quốc tế.
Đề án cũng cung cấp, phổ biến phim kinh điển Việt Nam tại Liên hoan phim châu Á San Diego, Hoa Kỳ. Theo đó, Viện Phim Việt Nam tham gia Liên hoan phim châu Á San Diego, Hoa Kỳ với 3 bộ phim có phụ đề tiếng Anh: Bao giờ cho đến tháng Mười (năm 1984, đạo diễn Đặng Nhật Minh, Hãng Phim truyện Việt Nam); Gánh xiếc rong (năm 1988, Đạo diễn Việt Linh, Hãng phim Giải phóng); Rừng O Thắm (năm 1967, đạo diễn Hải Ninh, Xưởng Phim Hà Nội).
Viện Phim Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đông Nam Á Đại học San Diego tổ chức tọa đàm về các bộ phim Việt Nam tham gia Liên hoan phim và chia sẻ về công tác lưu trữ của Viện Phim Việt Nam với tư cách là thành viên của Liên đoàn các Viện lưu trữ phim quốc tế, chia sẻ về ý nghĩa và các giải thưởng, tác động các bộ phim: Bao giờ cho đến tháng Mười, Gánh xiếc rong, Rừng O Thắm.
Một nội dung khác của Đề án là tổ chức đoàn đi công tác tại Hoa Kỳ khảo sát, nghiên cứu, học tập công tác lưu trữ, khai thác, lập hồ sơ phim mục phim lưu trữ tại một số cơ quan lưu trữ phim của Hoa Kỳ và một số cơ quan do đối tác giới thiệu; làm việc, trao đổi kinh nghiệm với phía bạn về công tác nhân sự chuyên môn, nguồn lực cho lĩnh vực lưu trữ, bảo quản; việc đầu tư kinh phí của Nhà nước cho lĩnh vực lưu trữ phim, sưu tầm, quảng bá phim tại Hoa Kỳ và Việt Nam; lập kế hoạch tổ chức các sự kiện kỷ niệm vào năm 2025 nhân dịp 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ; tọa đàm tại Trung tâm Đông Nam Á Đại học San Diego, Hoa Kỳ.
(Theo: nhandan.vn)