Khi múa đương đại tìm đến yếu tố dân tộc

Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, cũng như nhiều lĩnh vực khác, nghệ thuật múa Việt Nam cần tiếp thu hơi thở, nhịp điệu mới để phù hợp cuộc sống đương đại. Nhưng, hòa nhập đòi hỏi không được hòa tan là vấn đề cấp thiết và 'chìa khóa' để giải mã vấn đề này không gì khác chính là tìm về yếu tố văn hóa, bản sắc truyền thống của cha ông. Đó là lý do nhiều tác phẩm múa đương đại Việt Nam đang lựa chọn hướng đi tích hợp giữa tính dân tộc và hiện đại.

 

Cảnh trong vở múa Họa tình nhân gian của Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. (Ảnh NTQĐ)

Theo dõi Liên hoan Múa quốc tế 2024 vừa diễn ra tại thành phố Huế, hẳn ai cũng sẽ thích thú với “Nàng Mây” (Học viện Múa Việt Nam) - một trong năm tác phẩm được trao Huy chương vàng. Vở thơ múa giống như bản tình ca tôn vinh nghề thủ công truyền thống mây tre đan Việt Nam. Ở đó, đặc tính mềm dẻo của sợi mây đã được ekip sáng tạo khai thác triệt để, tạo nên những đường nét, hình khối vừa lạ, vừa quen, kết hợp nhuần nhuyễn với các chuyển động tinh tế của cơ thể để kể nên câu chuyện đầy sống động, hấp dẫn về đời sống văn hóa người Việt trên nền âm nhạc mang âm hưởng dân ca.

Cũng giành Huy chương vàng tại liên hoan, tác phẩm thơ múa “Họa tình nhân gian” (Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) gây ấn tượng không kém khi từ nội dung đến âm nhạc, trang phục, đạo cụ, tạo hình… đều thấm đẫm sắc màu văn hóa của làng quê Kinh Bắc với làng tranh Đông Hồ sáng bừng “màu dân tộc”… Mới đây nhất, vở múa “SESAN” do biên đạo múa Tuyết Minh viết kịch bản, tổng đạo diễn được công diễn tại Nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum, khai màn cho Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 cũng đã mang đến nhiều xúc cảm nghệ thuật cho người yêu múa trong nước, quốc tế khi khai thác sắc màu văn hóa Tây Nguyên.

Trước đó, hàng loạt tác phẩm múa đương đại đã khẳng định dấu ấn thành công với việc tìm đến yếu tố văn hóa dân tộc như: “Dệt lanh” (Nghệ sĩ Nhân dân Kiều Lê), “Đông Hồ” (biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh), “Nón” (biên đạo múa Ngọc Khải), “Dó” (biên đạo múa Phan Lương, Vũ Ngọc Khải), “Giấc ngủ chưa lành” (Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Xuân Chiến), “Mỵ” (biên đạo múa Tuyết Minh)… Rõ ràng, sự giao thoa, hòa quyện giữa các yếu tố mới và truyền thống không chỉ tạo nên những tác phẩm múa có sức hút, giàu giá trị nghệ thuật mà còn góp phần định hình xu hướng sáng tạo mang tính dân tộc-hiện đại.

Nói như tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Văn Quang, nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, ngành múa nước nhà đã có một lực lượng biên đạo trẻ có tư duy nhạy bén, tiếp cận được các làn sóng mới, biết đưa chất liệu múa dân tộc trở thành những chuyển động múa phù hợp, giúp tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại nhưng không mất đi bản sắc, phong cách Việt Nam, đưa đến cảm xúc thú vị cho người thưởng thức...

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định để làm được điều này không dễ, bởi trên thực tế, có không ít tác phẩm múa từng gây cảm giác sống sượng khi kết hợp ngôn ngữ múa dân tộc và hiện đại nhưng thiếu sự tinh tế, thiếu độ “ngọt” cần thiết. Thậm chí, một số tác phẩm còn khai thác sai lệch các yếu tố văn hóa dân tộc dẫn đến phản cảm, khó chấp nhận…

Theo Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, thành công của mỗi tác phẩm múa phần lớn phụ thuộc vào sự “nhào nặn” của người biên đạo. Muốn “lái” tác phẩm đi đúng hướng và được công chúng chấp nhận, biên đạo phải trăn trở, tâm huyết, dồn trí lực trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, phải am hiểu về cả tính dân tộc và tính mới, có được những cảm nhận sâu sắc về văn hóa dân tộc, từ đó xử lý sáng tạo với ngôn ngữ múa dựa trên tư duy thẩm mỹ hiện đại. Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tìm về yếu tố dân tộc trong xây dựng tác phẩm múa đương đại có thể được biểu hiện qua nhiều con đường, như: kết hợp giữa các điệu múa truyền thống với kỹ thuật múa hiện đại; truyền tải những chủ đề, câu chuyện về văn hóa, lịch sử dân tộc; sử dụng âm nhạc dân tộc và trang phục truyền thống…

Song, dù lựa chọn cách thức nào thì người sáng tạo cũng phải đào sâu tìm tòi, nghiên cứu thấu đáo những nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, từ đó sàng lọc, chắt chiu nhiều lần và thổi vào đó màu sắc sáng tạo cá nhân thông qua lăng kính của người đương thời, có thế mới bảo đảm được tính chân thực và sức sống cho một tác phẩm múa.

Đứng ở góc độ của người vừa thực hành, vừa nghiên cứu, giảng dạy, thạc sĩ Hà Thái Sơn, giảng viên Khoa Biên đạo và Huấn luyện Múa, Học viện Múa Việt Nam khẳng định, muốn ứng dụng múa đương đại trong sáng tác mà vẫn giữ vững yếu tố dân tộc, cần có thêm những giải pháp toàn diện từ nhiều phía. Bên cạnh nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ, các cơ quan quản lý văn hóa cần ban hành những chính sách cụ thể liên quan việc bảo tồn, phát triển và quảng bá nghệ thuật múa dân tộc; thúc đẩy các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật và các dự án sáng tạo múa dân gian-dân tộc kết hợp công nghệ hiện đại; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, trường nghệ thuật quốc tế, tạo điều kiện để các nghệ sĩ Việt Nam được học hỏi, giao lưu quốc tế, tiếp thu xu hướng toàn cầu.

Các cơ sở đào tạo cũng cần cải tiến chương trình giảng dạy, giúp người học không chỉ nắm vững kỹ thuật múa đương đại, truyền thống mà còn hiểu về văn hóa dân tộc; tạo môi trường để người học được thực hành sáng tác và biểu diễn trong các dự án kết hợp giữa múa đương đại và múa dân tộc…

Thực tế đã chứng minh, việc tìm về với những yếu tố dân tộc trong nghệ thuật chuyển động đương đại là xu thế tất yếu. Đây không chỉ là “địa hạt” giúp khơi gợi cảm hứng sáng tạo, mà còn gắn với trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đội ngũ nghệ sĩ múa Việt Nam hôm nay.

(Theo: nhandan.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận