Tại đây, nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu (đến từ Paris, Pháp) đã trình bày nội dung xung quanh việc thưởng thức, học hỏi, biểu diễn, sáng tác và phát hành âm nhạc trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số hiện nay. Trong đó, giới thiệu nhiều ứng dụng của AI trong âm nhạc, như: Spotify, Apple Music (AI cá nhân hóa trải nghiệm nghe nhạc, gợi ý bài nhạc theo sở thích và hành vi của người dùng), Youtube (AI đề xuất video âm nhạc phù hợp, giúp người dùng tiếp cận nhanh hơn với nghệ sĩ và thể loại âm nhạc yêu thích), ChatGPT (trợ thủ đắc lực viết lời nhạc), Shazam (nhận diện bài hát trong vài giây, giúp người nghe dễ dàng khám phá âm nhạc mới), Musicca (học hỏi và giảng dạy âm nhạc), ABC (ký âm, lưu trữ chia sẻ nhạc, tạo nhạc số và chuyển đổi định dạng phổ biến MIDI, MP3, MusicXML), JJazzLab (tự động tạo hòa âm), AIVA.AI và Soundraw.io (sáng tác nhạc không lời), Suno (sáng tác ca khúc)...
Nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu trình bày tại buổi thuyết trình
Để buổi thuyết trình thêm sống động, nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu đã dùng ChatGPT tạo ngay một bài thơ chủ đề "Chủ nhật hồng", liền sau đó dùng ứng dụng AI phổ nhạc, hòa âm và hát. Tất cả hoàn thành chỉ trong 3 phút và mọi người tham dự cùng được thưởng thức bài hát mới này qua "ca sĩ AI".
Buổi thuyết trình với sự tham dự của nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu và người yêu nhạc
Theo nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu, AI mở ra cơ hội mới cho việc sáng tác, học hỏi âm nhạc; tăng cường hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm thời gian trong sáng tác, sản xuất nhạc, tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo. Tuy nhiên, AI không có khả năng đồng cảm hoặc kết nối cảm xúc với khán giả. Mặc dù nhạc sĩ sẽ bị cạnh tranh với các bản nhạc do AI sáng tác, bản quyền và giá trị sáng tạo của con người có thể bị thách thức, nhưng AI không thể thay thế nhạc sĩ, mà chỉ là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc sáng tạo và sản xuất âm nhạc. Việc kết hợp giữa công nghệ và cảm xúc con người sẽ là chìa khóa mang lại những tác phẩm âm nhạc độc đáo và giàu cảm xúc.
(Theo: sggp.org.vn)