Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thị An – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội khẳng định: "GS.Trần Quốc Vượng (1934-2005) không chỉ nổi danh với tư cách một nhà sử học mang tầm cỡ thế giới mà còn là một nhà Thăng Long học theo nhiều khía cạnh của danh xưng này. Với kiến thức thâm sâu về mảnh đất địa linh nhân kiệt Thăng Long – Hà Nội, với một tình yêu sâu sắc với nơi chốn mà ông đã gắn bó cả cuộc đời mình, GS. Trần Quốc Vượng chẳng những có nhiều công trình nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội mà còn là người có sự gắn bó sâu sắc, có nhiều đóng góp lớn cho sự hình thành và phát triển của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội".
Toàn cảnh Hội thảo
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, với tư cách là nhà nghiên cứu, GS.Trần Quốc Vượng đã có nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và đa ngành về Hà Nội, thể hiện ở các góc nhìn sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hóa học… Nhiều công trình trong số đó là những nghiên cứu kinh điển, là sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ nghiên cứu sau ông về Thăng Long – Hà Nội.
Tại tọa đàm, nhiều tham luận đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của GS. Trần Quốc Vượng cho văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung và văn hóa, văn nghệ dân gian Hà Nội nói riêng. Nhìn nhận về những đóng góp của GS. Trần Quốc Vượng với văn hóa dân gian, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: Trên thực tế, có thể thấy Trần Quốc Vượng một mặt đi sâu khảo sát, nghiên cứu các thực thể văn hoá dân gian, đích thực là văn hoá dân gian trong quá khứ (diên cách địa - văn hoá qua các đời, huyền thoại và huyền thoại hoá; lịch sử và dã sử, bác học và dân gian, thành văn và truyền miệng; hệ thống đền - chùa - miếu và truyền thuyết - thần tích - giai thoại; quan hệ nhân thần và nhiên thần, biểu tượng và tính thiêng, cá nhân và vô thức cộng đồng;...) với việc lý giải và vận dụng vào đời sống hiện đại, đương đại (tổ chức lễ hội, quan hệ lễ và hội, tương quan truyền thống và đời sống kinh tế, xã hội hiện đại; yêu cầu phát triển và môi trường sinh thái; từ bài học văn hoá dân gian đến các kiến nghị về phát triển văn hoá, xã hội đương đại...)...
Còn với những đóng góp của ông dành cho Hà Nội với nhiều thành tựu rất đáng trân trọng. Nhận định về những đóng góp của GS. Trần Quốc Vượng, PGS.TS Trình Năng Chung nhấn mạnh: "Hầu như không có một di chỉ, một phát hiện khảo cổ quan trọng nào trên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội lại không gắn liền với công lao phát hiện hoặc tham gia của GS. Trần Quốc Vượng. Trong đó, văn hóa tiền sử Hà Nội như một nét son nổi bật trong văn hóa tiền sử Việt Nam.
GS. Trần Quốc Vượng đã đưa ra nhiều nhận định mới mẻ, quan trọng về lịch sử, địa lý và văn hóa Hà Nội. Với tinh thần làm việc hết mình, thông qua những cuộc điền dã, khảo cổ, ông đã vượt thời gian, đi ngược về quá khứ để tìm hiểu sâu về lịch sử văn hóa Thăng Long qua nhiều thời kỳ, có những nghiên cứu quan trọng về việc định đô của Lý Thái Tổ, những đoán định tài ba và sáng suốt để khẳng định vị trí của Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần đúng với những phát lộ khảo cổ gần đây", PGS. TS Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh.
GS. Trần Quốc Vượng đã viết nhiều bài nghiên cứu khoa học (trên 400 bài) đăng trên các tạp chí chuyên môn trong nước (Khảo cổ, Lịch sử, Văn học, Văn hoá Dân gian, Văn hoá Nghệ thuật...) và ngoài nước (Cornell University Press, North Ilinois, Yale University (Mỹ), Tokyo, Kyoto, Osaka University (Nhật), Seoul University (Hàn Quốc), Oxford University Press (Anh)...). Ngoài ra, ông đã viết và được in ấn nhiều sách (trên 40 cuốn) ở cả trong và ngoài nước. Trong số hơn 40 cuốn sách trên, GS Trần Quốc Vượng có những tác phẩm viết về Thăng Long – Hà Nội như: "Hà Nội nghìn xưa" (1975) viết chung với Tảo Trang Vũ Tuân Sán, "Hà Nội, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam" (1984) do GS Trần Quốc Vượng chủ biên, Bên cạnh đó Tìm hiểu văn hoá dân gian Hà Nội (1997); Làng nghề, phố nghề Thăng Long, Hà Nội (2000); Hà Nội như tôi hiểu" (2005); Thăng Long – Hà Nội – Tìm tòi và suy ngẫm (2006)…
GS Trần Quốc Vượng được xem là một trong "tứ trụ" của sử học Việt nam đương đại với những tên tuổi nổi tiếng là "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" (tức gồm các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng).
Sinh thời, GS Phan Huy Lê từng đánh giá về người bạn- người anh của mình – GS. Trần Quốc Vượng về những đóng góp cho Thăng Long, Hà Nội rằng: Đối với GS Trần Quốc Vượng, bao trùm lên tất cả kết quả nghiên cứu cụ thể là một nhà khoa học gần như cả cuộc đời gắn bó mật thiết với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng. GS. Trần Quốc Vượng thường ngày đi tham quan, khảo sát khắp mọi di tích, thắng cảnh của Thăng Long – Hà Nội, có mặt trong mọi cuộc khai quật khảo cổ học tại Hà Nội, ít khi vắng mặt trong các lễ hội, trong các sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của Hà Nội. GS Trần Quốc Vượng đi – trông – nghe – biết để cố hiểu cho đúng về lịch sử, văn hoá, con người, mảnh đất Hà Nội, rồi từ đó suy tư, nhận thức và viết cho mọi người hiểu biết thêm về Thăng Long – Hà Nội.
(Theo: toquoc.vn)