LÝ DO ĐẶT TRƯỜNG Ở BẮC KỲ
[…] Trước hết phải thành lập ngay chính tại trung tâm sản xuất của An Nam một trường trung ương về nghệ thuật trang trí bản địa. Phải đặt nó ở Bắc kỳ chứ không thể là một nơi nào khác. Trung kỳ từ trước đến nay chỉ có nhân công nhập cư, tuyển chọn bằng tự nguyện hoặc bằng ép buộc ở Bắc kỳ để phục vụ cho triều đình, vả lại những môn đệ của họ ở Huế bây giờ cũng không nhiều nữa. Nam kỳ, ngoại trừ một vài thợ khắc gỗ ở Thủ Dầu Một, cũng chưa bao giờ có nghệ nhân, và ngoài một vài hoạt động nghệ thuật mà các trường nghề tổ chức ở đó thì [nghệ thuật] Nam kỳ vẫn rất gượng gạo, khó lòng tồn tại sau khi đóng cửa các trường đó.
Trường Mỹ thuật Đông Dương. Một góc của bảo tàng, bài học vẽ
Ảnh: Bảo tàng Quai Branly
Ngược lại, Bắc kỳ vẫn luôn là trung tâm rất sôi động và nhạy bén, Hà Nội ngày nay đã vượt xa về chất và về lượng sản xuất của những thành phố mỹ nghệ khác như Bắc Ninh, Nam Định, Hà Đông. Cũng chính tại Hà Nội, nhân công sẽ có cơ hội lớn để tiêu thụ sản phẩm nhờ vào những thương nhân chủ cửa hàng mỹ nghệ.
GỢI Ý ĐỊNH HƯỚNG CHO TRƯỜNG
Theo ý tôi, mục tiêu của trường này là nâng cao trình độ nghệ thuật An Nam bằng cách mỗi năm sản xuất ra một số lượng tác phẩm nghệ thuật xứng đáng do chính người An Nam thiết kế và thực hiện, tạo ra xu hướng cho dòng sản xuất, và bằng cách nào đó người thợ thủ công sẽ đối chiếu sản phẩm của họ với những tiêu chuẩn hơn là với hình mẫu có sẵn.
Bức Chân dung cô Phương của danh họa Mai Trung Thứ đang giữ kỷ lục tranh Việt đắt giá nhất: 3,1 triệu USD (72,7 tỉ đồng). Danh họa Mai Trung Thứ từng học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
Ảnh: Tư liệu
Nhiệm vụ của ngôi trường này không phải là đào tạo ra nhiều nghệ nhân mà là đem đến cho công chúng và cho nghệ sĩ những tác phẩm hoàn hảo, là gây nguồn cảm hứng cho những nhà sản xuất vốn dễ bằng lòng với một vài khuôn sáo thịnh hành, là vạch ra những con đường mới cho mỗi môn nghệ thuật, và trên hết là hoàn thiện kỹ thuật, quy trình.
Trường này phải gắn với một trường nghệ thuật trang trí và một nhà máy sản xuất của nhà nước. Trường Sèvres và trường Gobelins [Pháp] ban đầu cũng không có mục tiêu nào khác ngoài cải thiện dòng sản xuất bằng những sản phẩm ưu tú hơn. Đây chính là bài học quan trọng cần truyền đạt cho các thợ thủ công An Nam.
Việc giảng dạy sẽ bao gồm trước hết là hình họa và nặn tượng theo mẫu thật. Sau đó mới đến bố cục trang trí và nghiên cứu các truyền thống đặc trưng của nghệ thuật An Nam. Tiếp nữa, tùy theo thiên hướng và năng khiếu của mình, sinh viên sẽ lựa chọn chuyên ngành kỹ thuật khác nhau như nghệ thuật trên gỗ, trên kim loại hay trên lụa.
Chúng ta cần có giáo viên người Pháp và giáo viên bản địa; các giáo viên Pháp đóng vai trò giảng dạy quy trình cấp cao của kỹ thuật châu Âu: chẳng hạn như nghề mộc mà người An Nam chưa biết; dựng và hoàn thiện các tác phẩm bằng đồng vốn còn xa lạ với họ; pha màu và nung gốm cùng nhiều quy trình khác sẽ giúp tăng giá trị nghệ thuật của tác phẩm An Nam.
(Theo: thanhnien.vn)