Nghiêm túc và sang trọng
Trong lĩnh vực cải lương, việc dựng vở sử Việt rõ ràng là quá phù hợp, bởi có ưu thế trang phục cổ trang và vũ đạo. Những vở ra mắt trong vòng nửa năm nay về chất lượng là những vở nghiêm túc, chỉn chu, sang trọng, thậm chí dám thể nghiệm cách dựng mới, hiện đại, thổi vào đời sống sân khấu những làn gió thú vị và cảm động.
Bình Tinh vai Bùi Thị Xuân, Trọng Nhân vai vua Cảnh Thịnh trong vở cải lương Tây Sơn nữ tướng; ẢNH: H.K
Vở Khúc tráng ca thành Gia Định (của nhóm nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà) nói về chiến công của Đô đốc Võ Duy Ninh cùng Đô đốc Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển thời vua Tự Đức đã anh dũng bảo vệ thành Gia Định trước cuộc xâm lăng ồ ạt của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Vở Tây Sơn nữ tướng (Sân khấu Sen Việt của đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt) khắc họa tấm gương trung dũng của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Vở Truyền tích Cổ Loa xưa (Công ty TNHH sự kiện giải trí Bảo Sơn và đạo diễn Dương Khôn sản xuất) trăn trở về câu chuyện mất nước…
Riêng vở Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử mang hào khí đất phương Nam với hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt lấy dân làm trọng, kiên quyết diệt gian trừ bạo cho dân, thì có tới 2 phiên bản. Phiên bản kịch nói của Nhà hát IDECAF do đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng và phiên bản cải lương của Công ty TNHH sự kiện giải trí WE-Hoàng Hải Production sản xuất do đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ dàn dựng. Cả hai đều hoành tráng, chỉn chu, hấp dẫn.
Loạt vở này đã khiến môn lịch sử trong nhà trường, trên sách bỗng lung linh hơn, sống động hơn, rung cảm đến tận cùng trái tim. Những nghệ sĩ đã tâm huyết đầu tư cho vở rất cao, trung bình đến 400 triệu đồng mỗi vở diễn, chưa kể mỗi đêm mở màn phải cộng thêm chi phí từ thuê rạp, thuê màn hình LED; rồi lương nghệ sĩ, lương hậu đài, âm thanh, ánh sáng, trang phục… cỡ 100 - 150 triệu đồng. Như thế, riêng đêm mở màn vé bán phải đầy rạp mới mong hòa vốn (không tính 400 triệu đầu tư chung).
Với kịch nói, theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, dù dám đầu tư bạc tỉ nhưng cũng chưa biết bao giờ lấy lại được vốn. Huỳnh Anh Tuấn từng đầu tư cho vở Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê như những công trình tâm huyết chứ không hề nghĩ tới kinh doanh.
Xoay xở để đến cùng khán giả
Đến nay chỉ có Nhà hát IDECAF là bán vé được xuyên suốt, hầu như tuần nào cũng 1 - 2 suất diễn đều đặn và khán giả ngồi kín phòng, vừa người lớn vừa trẻ em. Ông Huỳnh Anh Tuấn nói: "Chủ yếu vở diễn vẫn là sử học đường, phải có trường học đồng hành cùng sân khấu, coi như hoạt động ngoại khóa để các em vừa thư giãn, vừa học sử. Làm cho lớp trẻ xem nên chúng tôi chủ trương ngắn gọn, hiện đại, tiết tấu nhanh. Các em thẩm thấu kịch sử rất tốt, khiến nghệ sĩ chúng tôi rất hào hứng khi diễn".
Với cải lương thì khó hơn nhiều. Hầu như suất nào ông bà bầu cũng bù lỗ. Nghệ sĩ Chí Linh nói: "Tôi mới diễn một suất thôi đã thấy đuối, chưa biết bao giờ dám cho mở màn suất thứ hai". Đạo diễn - NSƯT Nguyên Đạt tâm sự: "Tôi bán nhà bán đất, vay mượn tiền để làm vở, chỉ vì tình yêu với cải lương thôi chứ nói thật không trông mong gì gỡ vốn. Nhưng mình cũng không thể đầu tư qua loa, vì đã làm thì phải nghiêm túc, chỉn chu, đặc biệt vở sử tốn kém rất nhiều vào trang phục, thiết kế, làm ẩu thấy có lỗi".
Thật sự những vở cải lương sử Việt đều làm rất tốt nhưng vẫn khó bán vé, bởi khán giả của cải lương bây giờ đa số là người lớn tuổi, họ dần ngại đi xa, đi đêm. Còn khán giả trẻ đang ít tiếp cận cải lương, vì họ có quá nhiều thứ giải trí trên mạng.
Hoàng Hải vai Lê Văn Duyệt, Thy Trang vai phu nhân Đỗ Thị Phận trong vở Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử; ẢNH: H.K
"Ở các nước, người ta giáo dục nghệ thuật truyền thống cho học sinh rất kỹ, bắt buộc trong chương trình phải thiết kế giờ cho các em tiếp cận nghệ thuật truyền thống. Còn ở nước mình hầu như không có, làm sao các em tự giác tìm hiểu cho được. Trẻ em rất dễ ảnh hưởng, mình cứ cho tiếp cận là các em sẽ sinh lòng yêu mến, chí ít thì cũng "biết", chứ không thấy xa lạ", đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ nói.
(Theo: thanhnien.vn)